Nguyễn Hoàng Văn: Hủ cộng: “Ô hay, bay vẫn…”

 Khu vực sẽ đặt bức tượng V.I.Lênin tại thành phố Vinh (Ảnh: báo Dân Trí)

“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!”

Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: “Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!” [1]

Và một Tố Hữu oai phong, ngạo nghễ, theo “dáng đứng Cuba”:

Lởn vởn ngoài khơi, những bóng ma

Hai con tàu Mỹ ngó dòm ta.

Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!

Chẳng thấy Cu-ba đứng đấy à?

(“Từ Cu-ba”, 8.1964)

nên bây giờ, sống lại, nhà thơ biết nói cái gì khi người Cuba đang xuống đường thách đố bộ máy cai trị? [2] Sẽ im lặng, như đui, như điếc? Hay vẫn cố chấp, gàn nát như một tên “hủ cộng”? Hủ nho là theo Nho đến gàn nát. Hủ tây là theo Tây đến gàn nát. Thì hủ cộng cũng vậy, là gàn nát với thế tất thắng của lý tưởng trong cái thời mà tượng Vladimir Lenin chưa bị biến thành rác theo sự tan tành của khối cộng sản Đông Âu.

Dĩ nhiên là Tố Hữu không thể “tái lâm” nhưng thứ hạng gàn nát này vẫn, như đỉa, dai dẳng làm cho đất nước kiệt quệ và điếm nhục. Như đám hủ cộng ở Nghệ An, hiện đang tôn vinh thứ rác thải nói trên, một Lenin bằng đồng, những 4.5 tấn. [3]

Lenin thành rác là bởi, ở đâu có mặt hắn ta, là ở đó có đói rách, có chà đạp nhân quyền, có kỳ thị xã hội theo lớp lang phân hạng. Kể ra thì, sau cao trào “biến Lenin thành rác”, cũng có ngoại lệ ngược chỉ để, sau một thời gian ngắn, lại chứng minh cho cái “quy luật” vừa nêu. Như Venezuela, một bằng chứng sống, sờ sờ. Cường quốc dầu lửa này, sau khi tôn vinh rác với một tượng Lenin bề thế vào năm 2017, bị lao dốc thê thảm và, từ mấy năm nay, đã phá sản toàn diện khiến người dân, trong cảnh mù mịt tương lai, bị cuốn vào dòng di dân lậu, chầu chực ở biên giới Mỹ – Mễ chỉ để làm một công dân hạng hai của kẻ thù đế quốc. [3] 

Và chúng ta, một trong những tỉnh nghèo nhất nước lại hì hục dựng tượng cho kẻ đã làm nghèo rất nhiều đất nước và, nay mai, nếu không có gì thay đổi, ông tổ của “chuyên chính vô sản” sẽ lởn vởn giữa thành Vinh như một bóng ma. Hủ cộng đến nước này thì vô phương, hoàn toàn hết thuốc chữa và chúng ta, cũng hoàn toàn bó tay, chẳng biết nói gì hơn ngoài việc mượn lời Tố Hữu: “Ô hay bay vẫn ngu hoài vậy!”

Mà không chỉ là thứ hữu hình, đồng, đá hay bê tông. Trong tư duy hủ cộng này thì đất nước còn không ngóc đầu nổi bởi những thứ “tượng đài” vô hình khác, như cái tượng “Nghệ thuật quân sự” trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 10/3/2024, với cơn bạo dâm “Nghệ thuật truy kích địch trong Chiến dịch Tây Nguyên”. [5]

Nhưng Tây Nguyên không phải là một tiền đồn biên ải, chỉ tập trung những tay súng chuyên nghiệp mà là cả một vùng dân cư rộng lớn. Khi “truy kích” cuộc rút chạy của một vùng miền như thế bằng các mũi tấn công gọng kèm, bằng những khẩu đội pháo binh có nghĩa là nhắm thẳng mặt nhân dân mà bắn, là trút thẳng đại pháo lên đầu cụ già, phụ nữ và trẻ em. Tháng Ba qua, đó đây, trên mạng xã hội, nhiều nhân chứng đã nhắc lại những ký ức kinh hoàng này với niềm đau đớn khôn nguôi vậy mà, vẫn, có kẻ, hí hửng tôn vinh là “nghệ thuật”.

Tôi từng nếm mùi “nghệ thuật” ấy rồi, vào hạ tuần tháng Tư năm 1975 trên xa lộ Vũng Tàu – Sài Gòn, gần Làng Cô Nhi Long Thành, nơi có trại tiếp cư với cả vạn người tỵ nạn từ miền Trung. Tiếng phản lực cơ gào thét trên trời cùng tiếng nổ đì đùng của đạn phòng không đã kích động cuộc rút chạy tập thể trên con đường mà, chỉ khoảng mười mấy phút sau, trở thành một tọa độ pháo binh. Và tôi, chính tôi, ngay trong những loạt pháo đầu tiên, đã chứng kiến một chiếc xe lam đông nghẹt người trúng đạn lật nghiêng, lăn mấy vòng từ con đường cao xuống cánh rừng cao su bên dưới như một cỗ quan tài tươi; rồi những chùm đạn nổ tung vào dòng người đang gồng gánh và bồng bế, hối hả nhắm hướng Sài Gòn chỉ bằng đôi chân: những thân thể ngã rạp, những cánh tay. cánh chân văng xa mười mấy thước cùng những tia máu phọt lên, bay bay theo đạn đạo cầu vồng. Nhưng tôi, cũng như bất cứ ai may mắn trong giờ phút đó, hoàn toàn không có thì giờ để rùng mình. Tất cả đều hối hả chạy, tỏa vào cánh rừng cao su bạt ngàn hai bên, càng xa tâm điểm của cái “nghệ thuật truy kích” kia càng tốt.

Nhưng tôi phải nhân lên mấy vạn lần nữa thì mới đủ mức kinh hoàng như ở Tây Nguyên? Rồi phải nhân lên hơn bao nhiêu nữa thì mới đạt tới tầm mức khốc liệt của ba năm trước đó, ở Quảng Trị, trong “Mùa hè đỏ lửa”, nơi mà một phần của huyết mạch tổ quốc, Quốc lộ Một, bị chết tên “Đại lộ kinh hoàng” khi dày đặc những tử thi đen đặc màu tro than, xác cha hay xác mẹ chồng lên xác con, kéo dài những hai cây số?

Sự tàn khốc khiến xương sống phải nổi gai này làm tôi nghĩ đến trận chiến cảm động ở Đồng Tháp Mười ngày 17/4/1866, khi nghĩa quân của Thiên Hộ Dương “chống cự tới chết trong các ổ súng và đặc biệt nhắm vào lính Tây”. [6] Tại sao những dũng binh ấy không bắn vào lính Việt? Đây là một chọn lựa chiến thuật và họ chỉ đánh vào đầu của con rắn? Do lính Pháp trang bị đầy đủ hơn, phải hạ sát trước? Vân vân, nhưng, thể nào đi nữa thì, ít ra, ở đây người Việt đã không bắn vào người Việt, dù hai bên đều làm nghề cầm súng. Còn với cái “nghệ thuật” kia thì người Việt đã dùng súng, mà là súng to, tới 130 ly, nã vào đầu những người Việt không tấc sắt trong tay trong đó có những cụ già, những bà mẹ, và những bé sơ sinh.

Thì cứ cho là tình thế khẩn cấp chiến tranh, bên nào cũng phải gấp rút quyết định khi thông tin hãy còn mập mờ nên, do đó, có thể lỡ lầm với những hậu quả cực kỳ to lớn. Nhưng sau trên dưới nửa thế kỷ thì, để thực sự hòa giải, để thực sự chữa lành vết thương như đang hô hào, ít ra kẻ thắng cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Muốn chữa lành thì phải chẩn đúng bệnh. Muốn hòa giải thì phải bày tỏ thiện chí qua việc tôn trọng sự thật, phải trân trọng nỗi đau của phía bên kia. Một nửa sự thật sẽ không bao giờ là sự thật. Một nửa thiện chí cũng không bao giờ là thiện chí. Sẽ không bao giờ có sự hòa giải với một nửa sự thật và một nửa thiện chí.

Nói đến thiện chí hòa giải, chúng ta thường bảo nhau nên học tướng Mỹ Ulysses Grant khi viên Tư lệnh Bắc quân này nghiêm cấm binh sĩ ăn mừng vì đó là sỉ nhục, là đánh bồi vào vết thương tâm lý của bên thua trận. Nội chiến đã kết thúc thì điều cần thiết là phải chuyển hóa quyết tâm tiêu diệt đối phương thành nỗ lực hàn gắn để cùng nhau xây dựng đất nước. Quân Bắc đã không trừng phạt, không xem quân Nam là tội phạm.  Và quân Bắc đã cung cấp lương thực, bảo đảm tài sản cho quân Nam, không xem đó là chiến lợi phẩm. Chúng ta bảo nhau phải học người Mỹ nhưng, nếu ôn lại lịch sử của mình thì, ở tầm vóc có thể nhỏ hơn, cha ông chúng ta cũng từng cao cả như thế với Tôn Thất Hiệp, vị nguyên soái chỉ huy cuộc kháng cự của Đàng Trong khi nhà Trịnh đưa quân tấn công vào năm 1672. [7]

Đó là cuộc chiến thứ bảy, cuộc chiến dữ dội, gây thiệt hại nặng đến độ Trịnh Tạc – người được xem là nhà lãnh đạo anh minh của nhà Trịnh, là vì chúa duy nhất chứng kiến cả bảy cuộc giao tranh và, lần này, có sự chuẩn bị kỹ càng đến 10 năm trời với một lực lượng hùng hậu – không chỉ phải rút quân mà còn từ bỏ luôn ý định thôn tính Đàng Trong. Trong tư thế là người chiến thắng, Tôn Thất Hiệp, vị tướng trẻ chỉ mới 19 tuổi đã cầu siêu cho tử sĩ hai bên, đã trả tự do cho tất cả tù binh: ai muốn ở lại lập nghiệp sẽ được cấp đất khai khẩn, ai muốn trở về cố hương sẽ được cấp lương thực đi đường. Sự cao thượng này, so với những tướng tá đầu hai thứ tóc đang kiêu hãnh ưỡn ngực ra trước tượng đài vô hình “Nghệ thuật truy kích” thấm máu hàng vạn phụ nữ trẻ em, là cả một trời, một vực. 

Với những đầu óc như chìm dưới vực đó chúng ta biết nên gọi họ là gì ngoài… hủ cộng? Mà, cũng trong trận chiến dữ dội năm 1672 đó, ngay trước mắt Nguyên soái Hiệp, từng diễn ra một hoạt cảnh bi hài y hệt cái cảnh nhắng nhít, lăng xăng và cù nhầy của giới hủ cộng hôm nay. 

Tháng 10 năm 1672 — bốn tháng sau khi hành quân và hai tháng sau trận mở màn với những trận đánh giằng co, chết chóc vô số kể — Nguyên soái Trịnh Căn đã phái sứ giả đến trước lũy Trấn Ninh để cù nhầy cãi cọ với đại diện của Nguyên soái Hiệp, Cai hợp Tú Minh, về “chính nghĩa phù Lê”. Tường thuật việc này, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chỉ ghi ngắn gọn như việc nhận sắc phong, chuyện phù Lê, hay “những việc xảy ra đời Chính Trị và đời Hoằng Định” nhưng chúng ta có thể hình dung một trận võ mồm cực kỳ vô bổ, liên quan đến những chuyện của 130 năm trước giữa một tình thế cực kỳ khẩn cấp. Nó vô bổ đến mức độ Cai hợp Tú Minh phải nổi cáu, tuyên bố đã đưa quân đến thì muốn đánh hãy cứ đánh, đừng có mà lý sự cù nhầy. [8] 

Và bây giờ là những lời lẽ cù nhầy của đám hủ cộng nhằm bảo vệ “chính nghĩa”. Đất nước đang đối mặt với những thách thức cực kỳ to lớn, đang nín thở trước những chọn lựa chênh vênh giữa hai bờ sinh – tử thì họ, trong diễn ngôn, vẫn cù nhầy với cái “dáng đứng Cuba” ngày nào. Họ cù nhầy trên Nhân Dân, trên Tạp chí Cộng Sản, trên Quân Đội Nhân Dân v.v.. Họ nhai lại trên mục “Xã luận”, “Quan điểm”, “Chống diễn biến hòa bình” hay “Nghệ thuật quân sự” v.v. của mấy cái loa phát ngôn rẻ tiền ấy. Và họ còn cù nhầy cách trơ tráo và vô liêm sỉ hơn nữa trên mặt trận du kích của thế giới ảo, với đội ngũ “dư luận viên”, cái chiến thuật học mót theo binh đoàn “Ngũ mao quân” của Bắc Kinh. 

Càng chứng kiến cái cảnh cù nhầy này, tôi càng nghĩ đến tâm sự bi phẫn của cụ Hồ Tá Bang ngày nào. Chủ trương tự cường để độc lập, nhà duy tân họ Hồ đã góp tay thành lập nhiều tổ chức kinh tế, văn hóa và giáo dục; từ Liên Thành thương quán để gây quỹ và tạo việc làm cho nhân dân đến Liên Thành thư xã để truyền bá sách báo có nội dung yêu nước; đến Dục Thanh học hiệu để mở mang dân trí và kích thích lòng yêu nước. Nhà duy tân này cũng là người đã cho Nguyễn Tất Thành một chân dạy học tại Dục Thanh trước khi sắp xếp cho thanh niên này tìm đường sang Pháp mà không ngờ là, mấy chục năm sau, anh ta lại trở về với cái họ Hồ của mình rồi, mấy chục năm sao nữa, cứng nhắc theo con đường cộng sản để thẳng tay dẹp bỏ những tổ chức có chức phận làm đất nước giàu mạnh lên, những “thương quán”, những “thư xã” và những “học hiệu” tư nhân. Như thế bây giờ, liệu, nếu sống lại, cụ sẽ tiếp tục phẫn nộ: “Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!” hay không?

Với cụ, có lẽ, cũng không cần thêm thắt “hủ cộng” bởi bọn này, suy cho cùng, cũng chỉ là một thứ “hủ tây” bởi đã mê tín các ông Tây Karl Marx hay Lenin. Chúng mê tín đến mức, dẫu đã vinh danh lãnh tụ của mình là “cha già dân tộc”, vẫn không chịu tống táng “cha già” theo nghi lễ dân tộc. Mà rập khuôn cái kiểu ma chay nồng nặc mùi thuốc sát trùng của ông Tây Lenin ở tận nước Nga. 

Lenin xương thịt ấy bây giờ, sau một thế kỷ lạnh lẽo, đã “hủ nát” bao nhiêu để phải nặn sáp thế vì? Không ai biết rõ nhưng, cứ theo “tin mật” của Trung Quốc vào năm 1976, tức chỉ sau có 7 năm, cái lỗ mũi và chòm râu của “cha già” đã không còn nữa, phải dùng sáp thay thế. [9] Từ đó đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ và “hàm lượng sáp” trong thi hài đó đã tăng lên bao nhiêu? Đó, hẳn nhiên, là “tin mật” chúng ta khó mà biết rõ nhưng, có một sự thật mà, nếu nghĩ kỹ, ai cũng sẽ nhận ra thật rõ: cái thể chế mà “cha già” gầy dựng nên cũng y hệt như cái xác chết của ông ta, chỉ có thể tồn tại bằng thuốc sát trùng và ngụy trang bằng những lớp sáp thế vì.

Thể chế đó, kể ra, cũng khá màu mè nhưng đó chỉ là những lớp sáp tô màu thiếu thực chất, phải trả giá rất đắt bởi đã bán rẻ tương lai của dân tộc qua những khoản nợ khổng lồ. Và sau lớp phấn son màu mè này là một không gian bí bách của thuốc sát trùng hình thành từ những công cụ trấn áp cùng những điều luật ngang trái, tùy tiện và duy ý chí. Thể chế đó, như thế, có khác nào một hệ thống đã bị “chết lâm sàng” bởi, sau ba phần tư thế kỷ cầm quyền, đã đẩy dân tộc vào tình trạng tuyệt vọng, không thể tìm thấy tương lai ổn định ngay trên tổ quốc của chính mình. Mơ ước lớn nhất của người Việt bao  nhiêu năm nay — kể cả những thành phần cầm quyền, đặc quyền đặc lợi — là gì nếu không phải là thôi làm người Việt để làm công dân một nước khác? 

Thành tích của cả ba phần tư thế kỷ chỉ là một cái xác ướp mà vẫn cù nhầy về “lý tưởng cộng sản” thì là thứ hạng gì, nếu không phải là hủ cộng? Mà mê muội tin tưởng chúng thì lại, như Tố Hữu đã có lời, khác nào cái thứ loại “ngu hoài”?

Nguyễn Hoàng Văn 

10.4.24

——————

Chú thích & tham khảo:

  1. https://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1559&rb=0504
  2. https://edition.cnn.com/2024/03/18/americas/cuba-protests-food-economy-intl-latam/index.html
  3. https://tuoitre.vn/nghe-an-se-co-tuong-le-nin-bang-dong-nang-4-5-tan-20240403155643239.htm
  4. https://www.telesurenglish.net/news/Venezuela-Unveils-Lenin-Bust-in-Honor-of-100-Years-of-Bolshevik-Revolution-20171113-0019.html
  5. https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-truy-kich-dich-trong-chien-dich-tay-nguyen-767998
  6. Tại Chí Đại Trường (2011), Người lính thuộc địa Nam kỳ (1861- 1945), Nhã Nam &NXB Tri Thức, trang 57. 
  7. Tên thật Nguyễn Phúc Thuần (1653 – 1675), con thứ tư của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Thời Minh Mạng có lệ cải họ Tôn Thất cho các hậu duệ chi thứ nên chuyển thành Tôn Thất Hiệp. Năm 1973 ông đi tu, nhưng hai năm sau thì qua đời,
  8. Đại Nam thực lục tiền biên, quyền V trang 86. Dẫn theo Đại Nam Thực Lục Toàn Tập. tập 1, bản dịch của Viện sử học, NXB Giáo dục
  9. Li Zhisui (1994) The Private Life of Chairman Mao: The inside story of the man who make modern China, Random House, trang 22-23.