Nguyễn Hoàng Văn: Người Huế làm chính trị

Hoàng thành Huế

Kể về mối quan hệ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông Phạm Văn Đỉnh – một nhà vật lý học sống tại Pháp — nhắc lại một sinh hoạt văn nghệ ở Sài Gòn ở đó nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu “quơ tay chỉ một nhóm văn nghệ sĩ lau nhau”: 

  • “Mấy thằng Huế tụi bây, cứ làm văn nghệ cho tao, đừng làm chính trị cho dân nó khổ!” [1]

Lời bông đùa này, nếu thật sự xét nét, cũng có thể xem là kỳ thị địa phương nhưng chúng ta không nên quá khắt khe với lời vui của một nghệ sĩ, trong một khung cảnh rất là nghệ sĩ. Mà chúng ta cũng không có quyền chộp lấy như một thứ thước đo chính trị, xã hội và, thậm chí, một thước đo… dân số học. Thế nhưng, càng soi rọi lại những trang sử hiện đại, chúng ta sẽ càng tìm ra những bằng chứng rõ ràng, cả người, cả việc, không thể nào chối cãi. Mặt khác, trong đời sống thì, có khi, nếu đi đến tận cùng của sự bông đùa, chúng ta cũng có thể đạt đến được tận đích của sự nghiêm túc. Biết là đùa, và đùa trong quan hệ anh em bạn hữu, nhạc sĩ họ Phạm cũng phải chôn chặt trong lòng cái cảm giác ngán ngẩm nào đó trước di sản chính trị của “mấy thằng Huế” nên, trong một không khí văn nghệ thoải mái như vậy, mới chạnh lòng mà “bật” ra chứ? 

 Nhà thơ, chính trị gia Tố Hữu (1920 – 2002). Ảnh: Thi Viện

Mà nói gì là dân, cả lãnh tụ tối cao là Hồ Chí Minh cũng phải khổ vì một ông Huế làm chính trị là Tố Hữu. Đó là khi nhà thơ làm chính trị này ra lệnh “cảnh cáo” nước Mỹ bằng cách dong tù binh ra phố để hạ nhục khiến Hồ Chí Minh, sau khi đi nước ngoài về, phải vò đầu bứt tai. Trong hồi ký bị cấm xuất bản nhưng phổ biển rộng rãi trên mạng, chương “Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ”, ông Hoàng Tùng – từng là Tổng biên tập báo Nhân Dân rồi Bí thư Trung ương Đảng – kể:

“Năm 1968 Bác có vịệc phải ra nước ngoài, ở nhà Ban Bí thư mà cụ thể là đồng chí Tố Hữu có chủ trương dong bọn giặc lái Mỹ mà ta bắt được đi diễu qua các đường phố để cảnh cáo Mỹ. Khi về Bác hỏi: ‘Vì sao các chú lại làm một việc dại dột như thế?’ Tôi thành thật báo cáo Bác là mình không tham gia việc này. Bác nói luôn rằng tôi cũng ở trong Trung Ương mà lại không chịu trách nhiệm sao được, dư luận thế giới sẽ không đồng tình về việc làm của ta.” [2]

Hành động mang bản chất bộ lạc này, với thế giới văn minh, là điều không thể nào chấp nhận. Trên khía cạnh nhân quyền, nó tỏ ra man rợ. Trên phương diện lề luật, nó xâm phạm Công ước Genève về chiến tranh bởi, bất kể là tù binh hay hàng binh, ai cũng phải được bảo toàn tính mạng, danh dự, phẩm giá. 

Kiểu làm chính trị của Tố Hữu, như thế, là kiểu ếch ngồi đáy giếng. Mà cũng với cung cách man rợ ở đáy giếng này, Tố Hữu này còn làm khổ một Hoàng Cầm thân già bệnh tật vào năm 1982, trong vụ án văn học “Về Kinh Bắc’, theo chính lời kể của nạn nhân:

Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010)

“Sau khi tôi ra tù, không ít bạn trách tôi vì sao lại nhận tội như thế? Có phải là hèn quá chăng? Nhưng thực tế hoàn cảnh tôi trong tù rất khốn đốn, sau ba tháng là sức khoẻ suy sụp, nếu kéo dài thêm hai tháng nữa thì có thể chết trong tù. […] Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ gọi công an lên hỏi về vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: “Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm”. Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu. Ông lập tức hạ lệnh: “Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!” [3]

Là nhà chính trị toàn phần, ông Lê Đức Thọ đã mang tiếng là thất đức. Thế nhưng ở đây thì nhà thơ làm chính trị Tố Hữu còn thất đức hơn nữa, mà là thất đức một cách cay nghiệt, nhỏ nhen, với một nhà thơ khác đã từng chê bai thơ mình. 

Trước nữa, nhà thơ Huế ác nghiệt này, vào năm 1945, đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế nên, rõ ràng, phải chịu trách nhiệm cao nhất cho vụ bắc cóc rồi thủ tiêu nhà văn hóa Phạm Quỳnh, cũng là một việc làm thất đức, man rợ, với bản chất bộ lạc. 

Rồi tận năm 1988, hậu duệ của cái ủy ban này, đảng bộ và chính quyền Thừa Thiên – Huế, cũng đã thất đức với cung cách bộ lạc khi đọa đày nhà thơ Trần Vàng Sao, sau khi đăng bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” trên tạp chí Sông Hương. 

Năm đó là năm mà những từ “công khai”, “đổi mới hay là chết” xuất phát từ Liên Xô bùng nổ trên báo chí Việt Nam, rồi phát sinh thêm với nào là “cởi trói”, nào là “những việc cần làm ngay” thế nhưng cách hành xử của bộ máy quyền lực tại đây vẫn ác nghiệt, nhỏ nhen rất nhiều so với cách mà chính quyền ở Sài Gòn trước đó những 6 năm, khi không khí chính trị vẫn còn tù túng, ngột ngạt.

 Nhà thơ Trần Vàng Sao (1941-2018). Ảnh: Thi Viện.

Để đấu tố Trần Vàng Sao, có thể nói, toàn bộ cỗ máy chính trị và tuyên huấn của Huế đã trở thành một tập thể Hồng vệ binh khiến nhà thơ bị ám ảnh, kéo dài như một thứ tâm bệnh, cho đến khi qua đời. Trong khi, trước đó ở Sài Gòn, vào năm 1983, nguyên Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt đã thân mật xuề xòa trong giao tiếp và quả quyết về chính trị khi che chở cho Trần Mạnh Hảo, bất kể bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” của nhà thơ này bị cả Ban tư tưởng văn hóa trung ương đảng kết án là “quay súng bắn vào Đảng”, đòi hỏi phải nghiêm trị. Trần Mạnh Hảo kể:

“Xin nói tiếp, tại sao lại phải làm thêm một bài thơ nữa về Nguyên Hồng. Thời ở trong rừng, tôi có biết ông Võ Trần Chí và ông Võ Văn Kiệt, mà ông Hoài Vũ lại là bạn thân của hai ông này. Hoài Vũ là cố vấn riêng cho Võ Trần Chí. Mà Nguyễn Quang Sáng và Hoài Vũ, Thép Mới đều biết rõ “sự kiện” bài thơ này. Ông Thép Mới có bảo với ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí sai Hoài Vũ đến gọi tôi lên.

Đúng vào tối 19/5/1983 tôi vào gặp hai ông ở văn phòng Bí thư thành ủy. Câu đầu tiên ông Kiệt nói là:

  • Hảo à! Đ.M… Mày làm cái gì mà dữ vậy?

Anh phải hiểu rằng tính cách người Nam Bộ là thế. Sống với nhau trong cơ quan hay lúc sinh hoạt thường hay dùng câu Đ.M kèm theo. Thân tình mới có câu Đ.M. Còn đã gọi nhau bằng đồng chí là “có chuyện”. Nghe được lời mắng của anh sáu (Võ Văn Kiệt) lại có kèm Đ.M, tôi biết ngay là “thoát”… [4]

Trước đây, trong tùy bút/tiểu luận “Và bún, và phở và…” — đăng lần đầu tiên trên Tiền Vệ, sau in lại trong cuốn Ngôn ngữ & quyền lực – tôi đã đề cập đến tính cách địa phương trong sự cảm nhận cứng nhắc của cái lưỡi và sự cực đoan – sắt máu trong hành động chính trị. Tại sao nhiều người miền Bắc và miền Trung, đặc biệt là người Huế, luôn khư khư với khẩu vị của mình, món này thì nhất định phải thế này, không thể thế kia? Khác với người miền Nam luôn thoải mái với những “biến tấu” khác nhau trong khẩu vị của mình? Tôi viết:

“Tính trung tâm hóa, ở một mức độ nào đó, có thể nói, là đặc tính của chủ nghĩa bảo thủ, của tinh thần chính thống và giáo điều. Và tính phi tâm hóa, ở những hoàn cảnh nào đó, lại chính là hệ quả của sự cởi mở và của tinh thần đa nguyên. Và như thế, phải chăng, khi đã khư khư bảo thủ ở những cảm nhận ở cái lưỡi thì người ta sẽ có khuynh hướng khư khư cố chấp vào những cảm nhận ở ngay trái tim và ở ngay bộ óc? 

Khó mà kết luận rằng đó là một mối quan hệ nhân quả và hữu cơ, nhưng càng lật lại những trang sử hiện đại thì chúng ta sẽ càng tìm thấy bao nhiêu là bằng chứng có thể làm sáng lên cái sự tương liên ngỡ như là rất hàm hồ. Cái bát phở hay tô bún cứng nhắc giáo điều kia vậy mà cũng dính dáng thế nào đó với những phát súng, những nhát chém và những chính sách thụt tới hay thụt lui mà hậu quả là biết bao cảnh đời cay đắng bẽ bàng. Nếu phở bò hay bún bò nhất định phải thế này thế kia như một thứ giá trị trung tâm thì những mệnh lệnh nhận vào và ban ra cũng khư khư một đường lối trung tâm như thế. Chỉ ở miền Bắc hay miền Trung là nơi mà cái mô hình kinh tế Stalinist mới được áp dụng một cách nhất quán, vẹn toàn. Cái lưỡi của người miền Nam không nhất thiết phải tiêu chí này kia thì, cơ hồ, cái mô hình kinh tế áp đặt đã không nhất thiết phải thế này thế kia. Chỉ từ ở miền Nam, chỉ từ những bước đi đột phá của một miền Nam đa tâm và cởi mở thì cái mô hình kinh tế trung tâm hóa sắt máu đó mới chịu chấp nhận đầu hàng, chấp nhận thụt lui để nhượng bộ với một mô thức kinh tế dơi chuột muộn màng. Và, trước đó rất lâu, những năm 52 năm 53 của thế kỷ 20, những bần cố nông miền Nam đâu có được cái cơ hội để hò hét và để thực tập những khẩu hiệu đấu tranh giai cấp cào bằng? Chỉ có những bần cố nông miền Trung, miền Bắc. Chỉ có những lãnh tụ cộng sản miền Trung, miền Bắc. Cái đất mà người ta khư khư với một vị phở hay một vị bún giáo điều, hóa ra, cũng là cái đất mà ở đó người ta khư khư bảo thủ hay nghiệt ngã cực đoan với những tim óc giáo điều. Và, như thế, trong cái cảnh xác chết ngổn ngang sau những trận bắn giết nhau theo luật của chiến trường thì chỉ có Huế, chỉ riêng ở Huế mới có cảnh giết nhau bằng hầm hố đào ngay ở sân trường. Mà không chỉ là do những đảng viên hay những lãnh tụ buá liềm. Trong những xung đột tôn giáo đan xen chính trị sôi nổi của một thời thì chỉ ở Huế, chỉ có Huế mới hừng hực nóng, mới có cái sự hung hăng con bọ xít ở những giáo đồ tưởng là chỉ nhìn cõi trần này là tạm bợ với tâm nguyện hướng tới cõi phúc vĩnh hằng. Và đến tận hôm nay, rải rác đâu đó, Huế vẫn sục sôi hực lửa với những giáo đồ hung hăng con bọ xít cái sự hận thù trả miếng bất kể rằng niềm tin của họ lại là niềm tin hướng tới sự hỷ xả, khoan hồng. Những con người như thế, liệu, có thản nhiên, có bình lặng chịu đựng một món ăn quê hương lạc vị, xem như một sự đánh đĩ bản lai căn gốc cội nguồn?” [5]

Đó là việc người Huế làm chính trị “khiến dân khổ”, bây giờ thì bàn chuyện người Huế khổ!

Trong bút ký Mùa hè đỏ lửa, nhà văn Phan Nhật Nam nhận xét rằng người Huế – hay Trị Thiên nói chung – đã khổ từ trong giọng nói của mình”:

“Trên xe ra phi trường nghe câu chuyện của hai vợ chồng già quá giang ở băng sau, tôi chợt khám phá ra một điều: Dân chúng vùng Thừa Thiên, Quảng Trị đã sửa soạn đón chờ tàn khốc qua tiếng nói. Họ không nói, nhưng than vãn, kể lể, rên xiết. Nỗi oan khiên vô hình chập chùng trên mỗi âm, mỗi chữ, cách lên xuống của từng câu.”

Cũng theo Phan Nhật Nam thì Việt Cộng đánh ở bất cứ nơi đâu thì ở đó cũng có người Trị – Thiên lâm nạn. Trong “Mùa hè đỏ lửa” 1972 thì Trị Thiên không nói, tại cả An Lộc và Kontum thì đa số nạn nhân cũng là dân Trị Thiên. Dân cạo mủ cao su ở An Lộc, người dinh điền ở Kontum cũng là những di dân Quảng Trị. Cả ở chiến trường Bình Giả thì đa số nạn nhân là những di dân Quảng Trị. 

Phan Nhật Nam viết: 

“Thôi đó là tai ương tiền định, Trị Thiên còn là Câu Ô, xứ sở của người Chàm mà người Trung gọi là Hời. Âm thanh sao nghe qua thê thiết, oán hờn, rồi lại còn giọng hò nữa … Ai đã đứng ở bờ sông Bồ (chảy qua An Lỗ), sông Thư Rơi (Mỹ Chánh), sông Hương nghe giọng hò cất lên từ những khoang đò khi chiều vào tối mới hiểu được vì sao có những quê hương cứ mãi tàn tạ, oán hờn … Định mệnh đã xếp đặt thế. Chì còn lời này để an ủi kiếp đắng cay.” [6]

Thì đành vậy, định mệnh đã an bài thế nhưng cái tiếng nói đó có gì đặc biệt? Trong tùy bút “Giọng Huế”, Võ Phiến dẫn lời Phạm Duy, qua một lần nói chuyện riêng tư, theo đó “giọng Huế có âm vực cạn hẹp nhất nước”: những thanh cao (với dấu sắc) bị hạ xuống, còn những thanh thấp (với dấu huyền, dấu nặng) thì được nâng cao lên, hệ quả là trong giọng Trị Thiên tiếng trầm tiếng bổng không quá cách biệt, tất cả đều bằng bằng với nhau, dẫn đến một ấn tượng về sự bình thản!

Võ Phiến viết:

“Phải chăng vì vậy mà giọng Huế nghe dịu dàng, êm ái, nghe ngọt xớt? Nhưng phải chăng chính vì vậy mà giọng Huế không thể hùng hồn, thiếu nam tính? Phát âm mà san bằng các dấu giọng thì không thể “gồ ghề”, kém oai phong…” [7]

Phần tôi, không dám bàn gì thêm, chỉ mạo muội đặt vấn đề là, phải chăng, những ông Huế ôm ấp tham vọng chính trị như Tố Hữu vì không có tiếng nói oai phong, hùng dũng khi ra mặt hiệu triệu và sách động trước đám đông, ở mặt tiền sân khấu nên, để bù đắp, luôn có những hành động lên gân, quá mức cần thiết từ trong bóng tối hậu trường?

Chắc phải có như thế thì họ mới làm nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu thất kinh, hoảng sợ: “Mấy thằng Huế tụi bây, cứ làm văn nghệ cho tao, đừng làm chính trị cho dân nó khổ !”

Nguyễn Hoàng Văn 

—————-

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.diendan.org/sang-tac/con-duong-vao-coi-trinh
  2. http://www.geocities.ws/xoathantuong/ht_nknvh.htm
  3. https://talawas.org/talaDB/suche.php?res=9662&rb=08

Có tài liệu cho biết Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã vận động để các trí thức thiên tả Pháp vận động với ông Lê Đức Thọ về vụ bắt giam Hoàng Cầm.

  1. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1621&rb=0102

Trần Mạnh Hảo làm bài thơ trên khi dự trại sáng tác Vũng Tàu năm 1982 do Nguyên Ngọc phụ trách. Phải chăng chiến dịch đánh Trần Mạnh Hảo này chỉ là cái đòn bẫy mà những nịnh thần dưới trướng Tố Hữu sử dụng để nhắm vào Nguyên Ngọc, vốn bị Tố Hữu xem như là cái gai sau vụ “Đề dẫn”, kêu gọi đổi mới văn học vào năm 1979?

  1. https://www.amazon.com/Ngon-Ngu-Quyen-Luc…/dp/1629882402

https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do…

  1. https://vietmessenger.com/books/?title=mua%20he%20do%20lua&page=4

7. Võ Phiến (1986). Tùy bút 1, NXB Văn Nghệ, trang 186.