Nguyễn Hoàng Văn: Nhìn từ Tây Nguyên, “khấu quyền” hay “phản chính quyền”?

Lực lượng công an, cảnh sát được huy động rầm rộ ở Tây Nguyên sau vụ nổ súng tại Cư Kuin, Dak Lak. Photo: Báo An Giang.

Tây Nguyên, nhìn ở bề ngoài theo bài bản tuyên truyền, đã trở lại “bình thường” nhưng còn cái guồng máy cai trị đang cố bình thường hóa vùng đất ấy, nó có đáng mặt là một “chính quyền” trong ý nghĩa thông thường theo quy ước của nhân loại văn minh?

“Chính quyền”, hiểu ngắn gọn theo Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển, là “quyền xử lý việc chính trị” và “chính trị” lại là “những việc sắp đặt và thi hành để sửa trị một nước”. Như thế, theo quy ước văn minh, quyền “sửa trị một nước” chính là hình thức hợp đồng hai chiều của chính quyền với nhân dân qua những cuộc bầu cử với những ràng buộc rành mạch về quyền lợi, nghĩa vụ cùng trách nhiệm mà guồng máy cai trị nói trên chưa bao giờ sòng phẳng.

Nhưng hãy trở lại với Tây Nguyên. Nhìn ở bề mặt thì vùng đất này có thể đang bình thường nhưng có sự bình thường nào lại ẩn chứa quá nhiều dấu hỏi trong khi lời đáp thì vừa ít, lại không xứng tầm mà, thậm chí, còn mâu thuẫn sâu xa với thực trạng kéo dài hàng thập niên? Không xứng tầm vì đó là vùng đất luôn luôn nóng mà hai vụ bạo động mới nhất ở Cư Kin (Dak Lak) vào rạng sáng 11/6/2023 chỉ là giọt nước tràn ly. 

Vừa ráo riết củng cố an ninh, vừa hộc tốc ém nhẹm thông tin theo lối buôn hàng xén, chẹn đầu này, nhét đầu kia nên, chỉ trong vòng chưa tròn một tuần lễ thôi, guồng máy cai trị đã có thể câu lưu hàng chục nghi can và dằn mặt con số gấp mấy lần những kẻ không chịu tin vào bài bản tuyên truyền. [1] Cũng những ngày như thế, đúng chín ba năm trước, thực dân Pháp cũng đã căng thẳng tương tự khi vừa củng cố an ninh, vừa loay hoay ém nhẹm thông tin trong nỗ lực trấn áp cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà đỉnh điểm là cuộc hành quyết lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí tại Yên Bái vào ngày 17/6/1930. Chắc chắn, thứ ngôn ngữ mà quân xâm lược sử dụng ngày ấy về những anh hùng này cũng không khác gì so với bài bản tuyên truyền hiện tại về sự biến Cư Kin.

Nhiều người đã bị bắt sau vụ nổ súng.
Photo: Tạp chí Tòa Án ND.

Tôi không đánh đồng Yên Bái với Cư Kin. Tôi cũng không tán đồng bạo lực nhưng tôi tin rằng trong cả hai biến cố thì phía cai trị nào cũng như nhau, chẳng khác. Cũng là thực dân ăn cướp cả. Cũng khủng bố và ém nhẹm thông tin cả. Và cũng trơ trẽn bình thường hóa trò ăn cướp của mình. Có khác nhau chăng thì đó chỉ là cái khác giữa thực dân xâm lược với “nội thực dân” và những gì diễn ra ở Tây Nguyên, hiện tại hay từ nhiều năm trước, chính là biểu hiện của một cuộc nội chiến vì đất. [2] Căn nguyên của cuộc nội chiến đó, người bản địa Tây Nguyên bị tước đoạt môi trường sống, bị dồn vào đường cùng như thế nào, nhiều thức giả đã bàn và tôi sẽ không lập lại. Điều làm tôi chú ý ở đây là bản chất của cái guồng máy cai trị đã khơi mào lên rồi bất lực trước những mầm mống nội chiến ấy: nó có đáng để chúng ta gọi là “chính quyền” hay không?

Hãy khoan đào sâu vào vấn đề, hãy lắng nghe Đại Ca, với dự phóng biến mỗi xã mỗi phường thành một pháo đài. [3]

Trước hết là danh xưng “Đại Ca”. Viết thế, tôi đã mượn hình tượng Big Brother của nhà văn Anh George Orwell trong Nineteen Eighty-Four, bộ tiểu thuyết chính trị giả tưởng ra đời năm 1949 với câu chuyện tương lai của năm 1984 trong đó lừng lững bóng dáng của ông trùm biết hết thấy hết của một xã hội dystopian – phản địa đàng. Để biết hết thấy hết thì phải kiến tạo một bộ máy trương tuần siêu việt và Đại Ca của chúng ta cũng là một thứ trùm như vậy. Nhưng dẫu là bậc tổng trương tuần trên tầm mức quốc gia, Đại Ca vẫn không thoát khỏi cung cách của một anh gõ mõ ru rú trong cái điếm canh ở lũy tre làng, rất ham của lạ nhưng đầu óc vĩnh viễn bó buộc, không bao giờ thoát khỏi lũy tre. Bậc bề trên mà nhỏ nhen quá thì ai cũng khinh mà Đại Ca thì ty tiện đến độ lôi kéo cả chế độ vào ân oán vặt của cá nhân với anh hàng bún, kẻ dám diễu nhại việc Đại Ca nếm cho biết mùi lạ trên quê hương của Orwell. Đấng bề trên mà không nhìn ra gốc rễ của vấn đề mà chỉ biết đối phó kiểu rách đâu vá đó hay cơ hội chủ nghĩa thì ai cũng khinh, cũng xem thường. Mà Đại Ca thì, sau vụ Cư Kin, chỉ thấy loay hoay như thế; hoặc là thấp bé tầm nhìn, thấy bạo động thì chỉ biết bành trướng công an; hoặc là đầu cơ chính trị, xem thảm nạn ấy là cơ hội của mình, để mà bành trướng thế lực.

Cái giải pháp võ biền này không thể nào tương xứng với tầm mức sâu rộng của vấn đề, như thể mang những kinh nghiệm buôn hàng xén ra giải quyết một vấn đề kinh tế vĩ mô. Lời đáp của Đại Ca không chỉ mâu thuẫn với bàn bản tuyên truyền về sự “bình thường” ở vùng đất ấy mà còn cho thấy sự mâu thuẫn lớn hơn với bài bản tuyên truyền lớn hơn từ mồm Nhất Đại Ca, First Big Brother. Có nghèo, anh hàn nho Nguyễn Công Trứ vẫn có thể hài hước tự trào “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no / Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” nhưng, với dự phóng trên, Đại Ca đã vứt lời của Nhất Đại Ca là “chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ như này hôm nay”. Cứ cho là vậy, cho là đất nước chưa bao giờ được như vậy nhưng phỏng cái cơ đồ to tát này ích lợi gì khi xã hội bất an đến độ phải dày đặc công an và pháo đài? [4] Chỉ với lời ấy thôi, Đại Ca đã cho thấy dấu hiệu của một xã hội phản địa đàng mà Orwell diễn tả. Một xã hội khủng khiếp, kinh sợ, hoàn toàn bất ổn dưới tay một chính phủ suy đồi và tàn bạo, chỉ đầu tư tài nguyên cho việc bảo vệ quyền cai trị của mình hơn là cho dân trí, dân sinh, môi sinh v.v. 

Phản địa đàng, “dystopian”, là hình ảnh đối cực của “utopian”, hình mẫu mà Thomas More nêu ra vào đầu thế kỷ 17 về một xã hội lý tưởng và công bằng, y như cái xã hội mà những bậc đàn anh của Đại Ca từng hứa hẹn khi… chưa nắm được chính quyền. Mà More lại là cái tên mà ít ra những người như Đại Ca ắt phải học qua, trong những bài học nhập môn về lý tưởng, về ý thức hệ, bởi đó là nhà lý thuyết xã hội chủ nghĩa tiền phong, có điều, chỉ là những nhà “xã hội chủ nghĩa không tưởng”. Nhưng thánh tổ của Đại Ca, kẻ tự xem mình là “chủ nghĩa xã hội khoa học” để chê bai More là không tưởng cũng… không tưởng vậy với bao nhiêu là bằng chứng khi những mô hình xã hội đắt giá nối tiếp nhau phá sản vào cuối thập niên 1980. Tìm đường thoát từ giữa thập niên ấy, những tiền bối của Đại Ca đã phải học lại từ đầu với những thứ rất căn bản như “ý nghĩa của hàng hóa”. Bị ông Phạm Văn Đồng mát mẻ là cái gì cũng.. hàng hóa trong cuộc họp của Bộ Chính trị, như là câu lạc bộ môi giới quyền lực cao nhất của chế độ, ông Trường Chinh nhẹ nàng nâng tách trà lên trước mặt, bảo đây là cái gì nếu không phải hàng hóa. Bị ông Phạm Văn Đồng đay nghiến rằng tình hình đất nước như dầu sôi lửa bỏng mà ngồi lại là lý luận, ông Trường Chinh bật lại rằng nhà cháy thì phải tìm cách chữa cháy cho hiệu quả, đâu phải nhắm mắt lao đầu vào ngay để rồi bị chết chùm cả lũ. [5] Đất nước bây giờ, như có thể thấy qua sự biến Tây Nguyên, cũng chẳng khác gì căn nhà chực cháy vậy mà Đại Ca còn xăm xăm dồn thêm chất cháy bằng trò trương phình bộ máy trấn áp. Và cả ý nghĩa hàng hóa nữa, nó còn sa đọa đến mức cả nhân dân cũng trở thành món hàng chứ không đơn thuần chỉ là những vật cứng như cái tách trà trên tay ông Trường Chinh. Chính nhân dân, sau cái cuộc “trường chinh” bằng xương bằng máu” để tìm “độc lập – tự do – hạnh phúc”, đã bị guồng máy cai trị giành giật quyền khai thác như thể là những con phe ngày xưa giành giật hàng hiếm. Chỉ là quyền được sống bình thường của người dân thôi, từ quyền đi lại với tấm bằng lái xe cho đến tấm giấy chuẩn nhận trình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện đi lại, cũng là một thứ hàng để những kẻ như Đại Ca xâu xé.

Đất nước đã sôi bỏng bao nhiêu năm từ phía biển nhưng đã thấy được một hành động hay, ít ra, một giọng điệu cứng rắn nào về những pháo đài trùng điệp đối mặt về hướng Đông? Ác với dân nhưng hèn với giặc và chúng ta chỉ thấy những màn phô diễn vô nghĩa, chẳng khác gì trò bùa chú của Nghĩa Hòa Đoàn của Trung Hoa dưới thời Mãn Thanh hơn 120 năm trước. Tung những đoàn quân chít khăn đỏ mang gươm dao ra đối phó với súng đạn, những thủ lĩnh Nghĩa Hòa Đoàn đã ban phát bùa chú và cho hít khói nhang để thịt da bất khả xâm phạm mà hậu quả nhãn tiền là con đường chết. Khuyến khích ngư dân ra khơi “bám biển bảo vệ chủ quyền”, các nhà cai trị của chúng ta chỉ đơn giản “phát cờ tổ quốc”, làm như thể cái tấm vải đỏ kia cũng là một thứ bùa chú, chỉ cần thấy bóng là bọn Tàu Ô hiện đại kinh hãi, thụt lùi.

Bao nhiêu năm rồi mà chỉ dùng mỗi một thứ bùa như thế để đối phó với giặc ngoài nhưng lại sẵn sàng dựng hàng loạt pháo đài nhắm vào nhân dân của mình nên, vấn đề, nằm ngay ở guồng máy cai trị. Nó không hình thành như một khế ước hai chiều với nhân dân mà là khế ước với chính nó. Mục tiêu cao nhất của nó là bảo vệ quyền cai trị nên quyền lực và tài nguyên phải tập trung vào những lĩnh vực nắm súng, nắm còng và nắm chìa khóa nhà tù. Và chính điều này đã làm nên cái thế thượng phong của Đại Ca trong cuộc giành giật nói trên.

Nhưng giành giật cái bằng lái xe hay giấy đăng kiểm chỉ là chuyện vặt so với trò giành giật nhân tài. Tương lai đất nước phụ thuộc vào sự học của thế hệ hôm nay nên, không nghi ngờ gì nữa, ngày mai của tổ quốc sẽ vô cùng nghẹt thở và đen tối khi mà gần như toàn bộ những sinh viên ưu tú nhất đều bị cuốn vào các học viện an ninh và quốc phòng nếu không có cơ hội ra nước ngoài. Học bổng và sự bảo đảm việc làm là lấy từ tài nguyên của tổ quốc và tiền thuế của nhân dân nhưng không được sử dụng để phục vụ toàn dân, chỉ phục vụ cái guồng máy ôm súng, ôm còng và lận lưng cái khóa tù!

Mà, bỏ qua sản phẩm của giáo dục, nhìn đến khía cạnh chính trị của giáo dục thôi, cũng có thể thấy rằng nó không hề hướng đến việc phục vụ cho đất nước.

Lẽ thường, với một chính quyền bình thường, thì những lĩnh vực khủng hoảng, cần cải tổ nhất phải cần đến những nhà lãnh đạo năng lực với mức độ tập trung quyền lực xứng đáng nhất. [6] Thực trạng giáo dục hiện tại đòi hỏi một cuộc cải cách sâu rộng và do đó nhân vật đứng đầu phải là một nhân vật tầm cỡ trong nấc thang quyền hạn, chí ít cũng phải có chân trong cái hội quán quyền lực, nơi mà ông ta hay bà ta có thể vung cuốn sách giáo khoa lỗi thời hay bộ đề thi lạc hậu lên đốp chát về chính sách, tương tự lúc ông Trường Chinh nâng chén trà lên đốp lại lời nói mỉa của ông Phạm Văn Đồng. Nhưng, như có thể thấy, sự tồn tại của thể chế phải song hành với một mức độ ngu dân nào đó nên giáo dục phải là lĩnh vực thứ yếu. Nó thậm chí còn yếu hơn so với bộ máy tuyên truyền nên những chính trị gia được giao trọng trách này đừng nuôi ảo tưởng rằng họ sẽ sánh vai bằng những kẻ chỉ ăn lương để nói láo, đừng hòng sánh vai với của những kẻ nắm súng, nắm còng, nắm khóa tù hay nắm sổ viện trợ nước ngoài trong cái tụ điểm quyền lực ấy. Nhìn từ góc độ chính trị công quyền này chúng ta có thể thấy rằng thảm trạng giáo dục còn thể hiện ở sự tầm thường chính trị của những nhà lãnh đạo ngành này.

Công bằng mà nói thì một số nhà cai trị nọ kia cũng lấy làm lo lắng trước cuộc khủng hoảng giáo dục và, ít ra, từ hơn hai thập niên qua, đã không ngớt kêu gọi người dân “hiến kế”, bên cạnh những lời kêu gọi tương tự cho những cuộc khủng hoảng khác trên lĩnh vực hạ tầng, giao thông, công thương, môi sinh v.v.. Nhưng chính những lời kêu gọi như thế cũng càng cho thấy nó không đáng mặt là một chính quyền.

Một chính quyền bình thường thì phải quản trị đất nước bằng những chính sách xây dựng từ viễn kiến chứ không phải bằng “kế”, bằng những sáng kiến lặt vặt chỉ để đối phó với tình thế trước mắt. Mà cả trong “kế”, để đối phó với những rắc rối mang tầm chiến lược hay chiến thuật thì, như có thể thấy trong những tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa, những bậc “quân sư” bao giờ cũng dự trù những chuyển biến của tình hình qua những chọn lựa mang tên “thượng sách”, “trung sách” và, tệ nhất, là “hạ sách” mà, trong ngôn ngữ hiện đại, là “Plan A”, “Plan B” và “Plan C”. Với những lời kêu gọi “hiến kế” lặt vặt và lẻ tẻ trên đủ lĩnh vực suốt mấy thập niên qua, chúng ta thấy rằng bộ máy cai trị dường như không có “plan” nào cả, chỉ mày mò vừa học vừa làm, “vừa thiết kế vừa thi công” hay thủng đâu bịt đó, như sự biến mới nhất Tây Nguyên: dân nổi dậy giết công an thì chỉ cần tăng biên chế công an!

Mặt khác khi bộ máy cai trị chỉ hình thành như một khế ước chính trị một chiều với chính mình, nó sẽ vắng bóng tính chuyên nghiệp và sự phân định rõ ràng về trách nhiệm.

Trách nhiệm, trong thể chế đó, là một cái gì đó cực kỳ xa xỉ. Nó xa xỉ đến độ trong suốt lịch sử của mình, đến ba phần tư thế kỷ, chưa bao giờ xác định rõ ràng trách nhiệm của bất cứ ai với những thảm họa chính sách mang tầm cỡ lịch sử và, luôn luôn, chỉ biết quy lỗi cho… lịch sử, như là một thứ thân tằm gánh chịu trăm dâu.

Quan trọng không kém là sự chuyên nghiệp… dở hơi. Với những chính quyền bình thường thì việc những nhà chính trị — đa số là luật gia – đứng ra lãnh đạo những lĩnh vực không thuộc về nghề nghiệp xuất thân của mình là chuyện… bình thường. Là nhà chính trị, những vị bộ trưởng này lèo lái lĩnh vực mình phụ trách theo chính sách của đảng vốn đã được nhân dân chuẩn nhận bằng lá phiếu. Còn vấn đề chuyên môn, làm sao để thực hiện chính sách ấy, lại là việc của bộ máy quản trị mà đứng đầu là những công chức phi chính trị trong vai trò tổng thư ký mà, thường, lương bổng còn cao hơn bộ trưởng. Có thể hiểu mối quan hệ này qua cuộc đối đáp giữa Hàn Tín và Lưu Bang trong Hán Sở tranh hùng: Lưu Bang bất quá chỉ có thể chỉ huy vài ngàn quân còn Hàn Tín thì hàng vạn, thậm chí càng nhiều càng tốt, nhưng tại sao Hàn Tín phải phục vụ dưới trướng họ Lưu? Như Hàn Tín thú nhận, là tướng, ông ta chỉ có năng lực cầm quân còn Lưu Bang là nhà chính trị, có khả năng cầm tướng. Nhà lãnh đạo xác định hướng đi nhưng không can thiệp sâu vào việc chuyên môn. Nhà quản trị chuyên nghiệp thì lèo lái guồng máy theo hướng đi đã vạch theo kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn và, chính vì thế mà, bất kể những xáo trộn chính trị khi nội các bị thay đổi, công việc của từng bộ ngành vẫn trơn tru, không trục trặc. 

Khi guồng máy cai trị ấp úng giải thích việc một người không xuất thân ngành y đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng y tế, nó đã bộc lộ tình trạng chuyên nghiệp dở hơi hay, đúng ra, là kém chuyên nghiệp. [7] Nhưng khi Đại Ca chuyên nghiệp một cách thô bạo trong cái nghề trương tuần với một Tây Nguyên phức tạp, Đại Ca đã khiến guồng máy cai trị lạc hướng trong khía cạnh chính trị. Đại Ca đơn giản đòi tăng biên chế trương tuần và số lượng chốt chặn mà không hề nghĩ rằng vấn đề của Tây Nguyên là một cái gì đó khác hơn, sâu rộng hơn. Giết người là một tội phạm hình sự nhưng khi hành vi đó chỉ nhắm vào guồng máy cai trị thì đó chính là một phản ứng chính trị. Đối phó với một vấn đề chính trị thì không thể máy móc như là anh trương tuần chỉ quen việc đi dạo trong đêm và đánh mõ. Phản ứng giận dữ của các sắc tộc Tây Nguyên, như nhiều thức giả đã chỉ ra, là hệ quả từ những vấn đề sắc tộc, văn hóa, môi trường, nhân quyền và quyền tư hữu, không giải quyết tận gốc rể những vấn đề này mà chỉ gia tăng biện pháp đàn áp thì những mâu thuẫn và thù hận không thể nào biến mất. Chúng chỉ bị dồn lại, nén lại để chờ ngày bùng nổ.

Nghĩa là có thể vỡ ra, tan nát bất cứ lúc nào và tình trạng ngày, theo ngôn ngữ của Fund for Peace, một tổ chức quan sát quốc tế, là tình trạng của fragile state, một nhà nước mong manh hay, gọn hơn, là một nhà nước thất bại mà những thành viên khác của cộng đồng quốc tế phải dè chừng khi xây dựng chính sách ngoại giao. Có nhiều tiêu chí để xếp hạng fragile state, từ nạn bần cùng và bất công xã hội đến sự bất lực trong việc kiểm soát tài nguyên hay bảo vệ sự bền vững của môi trường, từ tình trạng chảy máu nhân lực đến chảy máu chất xám v.v. 

Nhiều nước giàu có và có bề mặt hào nhoáng như Brazil vẫn bị liên tục xếp hạng như thế nhưng, dẫu có như thế, guồng máy cai trị ở đó vẫn là một chính quyền bởi đã hình thành như một khế ước hai chiều với nhân dân qua các cuộc bầu cử kỷ cương. [8] Tính kỷ cương này, như có thể thấy mới đây, là quyết định của tòa, không cho phép cựu Tổng thống Jair Bolsonaro nắm giữ bất cứ chức vụ công quyền cho đến năm 2030, nghĩa là không thể tái tranh cử. Năm ngoái, khi bị thất cử trong vai trò tổng thống đương chức, chính trị gia cựu hữu này đã không chấp nhận sự thật, cứ lu loa rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và, thậm chí, trong nỗ lực níu kéo tuyệt vọng, còn triệu tập các đại sứ nước ngoài đến để vu cáo hệ thống bầu cử quốc gia. [9]

Một nguyên thủ quốc gia mà hành xử như thế trong quan hệ với nước ngoài thì đáng xấu hổ quá thế nhưng, so ra, chẳng là cái gì cả so với hành xử của tập thể lãnh đạo trên đất nước chúng ta vào năm 1994 mà cựu Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ đã kể lại trong hồi ký bị cấm, Hồi ức và suy nghĩ. Họ lén lút kéo nhau sang chầu chực tại Tứ Xuyên, vùng đất của Lưu Bị ngày xưa, cầu xin kẻ thù bình thường hóa quan hệ để rồi sau đó phải giật mình đấm ngực khi hiểu ra mình chỉ là một đám khờ bị kẻ thù sử dụng như vật hiến tế trong mưu đồ lấy điểm với Tây phương. [10]

Ngờ ngệch trong vấn đề quốc tế nghĩa là “dại chợ” thế nhưng không hẳn là nó “khôn nhà”. Guồng máy đó không thể giải quyết nổi những vấn nạn mình tạo ra và liên tục xô đẩy đất nước vào tình trạng dặt dẹo của một fragile state. Nó bối rối, lạc hướng đến mức trong những lĩnh vực đòi hỏi năng lực kỹ trị thì ráo riết chính trị hóa mà khi cần kỹ năng chính trị hóa như ở Tây Nguyên thì chỉ biết “kỹ trị” với cái nghề trương tuần. Khi ông Nông Đức Mạnh được các phe phái đối địch đưa lên vị trí số một như là một giải pháp chính trị dung hòa, nhiều đảng viên cao cấp đã lấy làm xấu hổ, và đòi hỏi đảng phải có một “tổng bí thư ra tổng bí thư”. [11] Họ lấy làm hổ thẹn vì viên tổng bí thư này chỉ có tầm vóc của một cán bộ cấp huyện nhưng, đến nay, chưa thấy ai lấy làm xấu hổ vì cái gọi là “chính quyền” nhưng chưa bao giờ thể hiện được tầm vóc của một chính quyền. Họ chưa thấy được nhưng nhất định chúng ta, cộng đồng của những người tôn trọng sự thật, yêu tự do và khao khát công lý, phải nhận ra, phải chối bỏ việc gọi nó là một “chính quyền”.

Không phải là chính quyền thì là “phản chính quyền”, như những cách gọi đối lập giữa “trí thức” – “phản trí thức”, “địa đàng” – “phản địa đàng”. Nhưng một người bạn của tôi, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn, còn đề nghị một cách gọi khác là “khấu quyền” bởi “khấu”, như trong “thảo khấu”, chính là “ăn cướp” là “giặc cướp” mà bộ máy chính trị này, ngay trong trang sử chính thống, chẳng đã thú nhận điều đó qua thành tích “cướp chính quyền” vào năm 1945 là gì? [12] Và nó, ít ra là từ mấy thập niên nay, chẳng đã nhiều lần đứng về phía giặc cướp ở Biển Đông để đàn áp những người dân yêu nước của mình là gì? Mà “khấu quyền”, càng trọn vẹn hơn, bởi “khấu”, như một từ đồng âm dị nghĩa, còn ngụ ý quỳ lạy, như trong “khấu đầu”. “Khấu quyền”, như thế, có thể thể hiện thứ quyền lực của quân ăn cướp, mà là thứ ăn cươp chỉ biết ác với dân trong khi rất hèn với giặc.

Gọi là “phản chính quyền” hay, gọn hơn và mạnh hơn, là “khấu quyền”? Danh xưng này phải là chọn lựa chung của cộng đồng và gì thì gì, chúng ta cần phải loại bỏ ngay việc gọi cái guồng máy cai trị mang bản chất giặc cướp này là một “chính quyền”.

Nguyễn Hoàng Văn

Tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/vu-tan-cong-2-tru-so-ubnd-xa-o-dak-lak-xu-ly-hon-100-facebooker-dang-sai-su-that-20230617173252704.htm

[2]  Tôi đã bàn về vấn đề này trong bài: “Đất ở dưới chân và biểu tượng ở trên đầu”

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/dat-o-duoi-chn-v-bieu-tuong-o-trn-dau/

[3] “Đại tướng Tô Lâm: ‘Đắk Lắk vừa qua một việc như thế, không thể coi thường được’.”

“Đại tướng Tô Lâm nêu rõ mục tiêu sẽ xây dựng cơ sở phường, xã là pháo đài về an ninh trật tự, nơi đảm bảo an ninh an toàn nhất.

https://tuoitre.vn/dai-tuong-to-lam-dak-lak-vua-qua-mot-viec-nhu-the-khong-the-coi-thuong-duoc-20230620114219264.htm

[4] “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. 

https://vtv.vn/chinh-tri/voi-tat-ca-su-khiem-ton-chung-ta-van-co-the-noi-rang-dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-20210126121805801.htm

[5] Huy Đức (2012) Bên thắng cuộc, Osinbook, trang 355

“Sau khi Trường Chinh nhấn mạnh vai trò của kinh tế thị trường tại phiên họp ngày 18-5-1986 của Bộ chính trị, ông Phạm Văn Đồng nói: “Anh thì khi nào cũng hàng hóa”. Trường Chinh nhẹ nhàng nhấc chén trà trước mặt: “Tôi hỏi anh, cái chén này bán ở ngoài cửa hàng không phải hàng hóa thì là cái gì?”. Phạm Văn Đồng: “Đất nước đang nước sôi lửa bỏng mà anh lúc nào cũng lý luận”. Trường Chinh: “Đúng là tôi đang tư duy lý luận. Nhưng, khi nhà cháy mà chúng ta không trước hết nghĩ cách, cứ lao hết vào lửa thì cháy hết cả nhà lẫn người”.

[6] Thí dụ như chính quyền Úc. Năm 2007 bà Julia Gillard, nhân vật số hai trong đảng Lao Động vừa nhậm chức Phó Thủ tướng vừa kiêm luôn Bộ Giáo dục, với mục đích giải quyết hòa giải những mâu thuẫn của các nghiệp đoàn với các nhà quản trị giáo dục chuyên nghiệp.

[7] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4n9zdr5v9lo

[8] https://fragilestatesindex.org/2022/07/08/brazil-distrust-and-fragmentation/

[9] https://www.abc.net.au/news/2023-07-01/brazil-bars-former-president-bolsonaro-from-office-until-2030/102550084#:~:text=ABC%20News%20Homepage,Reuters/AFP

[10] https://www.dtv-ebook.com/hoi-uc-va-suy-nghi-tran-quang-co_11736.html#gsc.tab=0

Giới lãnh đạo ở Hà Nội lúc đó háo hức được bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh và hai bên cam kết sẽ giữ kín cuộc họp. Tuy nhiên ý đồ của Bắc Kinh là sử dụng Hà Nội để làm bàn đạp trong việc xóa bỏ cấm vận sau vụ đàn áp Thiên An Môn 1989. Bắc Kinh đã bán rẻ khi loan tin rộng rãi hội nghị này và đổ lỗi Hà Nội không có thiện chí trong việc giải quyết vấn đề hòa bình ở Cambodia.

 [11] https://www.vinadia.org/ben-thang-cuoc-huy-duc-quyen-ii-quyen-binh/chuong-22-the-he-khac/

“Người lập hồ sơ để đưa ông Mạnh vào Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, nhận xét: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì Đảng ta có một Tổng bí thư như vậy, Nông Đức Mạnh chỉ có trình độ ở tầm cán bộ cấp huyện”. Theo ông Phan Văn Khải: “Nhiều lần, đặc biệt là trước Đại hội Đảng lần thứ X, mấy ông cựu cố vấn đề nghị ông nghỉ nhưng ông Mạnh không chịu. Nhân sự thay thế cũng chưa rõ ràng nên các ông ấy cũng không kiên quyết”.

 [12] Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn đưa ra đề nghị này trong cuộc trao đổi riêng với tôi và nhà hoạt động mạng xã hội Hoàng Ngọc Diêu.