Nguyễn Hoàng Văn: Sau hàng cây luôn lẩn khuất bóng kẻ thù?
Hà Nội, Sài Gòn, cái máy chém “chỉnh trang đô thị”, những hàng cây gục ngã và những phản ứng giận dữ, những lời lẽ đay nghiến, cho là ngu xuẩn, là thiếu văn hóa, chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt v.v. [1] Cáo buộc này không hẳn là không có lý nhưng sự thể không chỉ đơn thuần là thế bởi, rất có thể, đó còn là hành động của những tính toán chính trị thâm sâu vào cái thời mà, hầu như, trọng tâm của các cuộc cách mạng đều dồn hết về thành thị.
Thứ cách mạng “lấy rừng núi bao vây đồng bằng, lấy nông thôn bao vây thành thị” kiểu Maoist đã là một quá khứ xa xăm. Trận thế của Mao, thậm chí, còn bị đảo ngược 180 độ khi nông thôn còn bị chính thành thị bao vây như có thể thấy qua câu chuyện của ông Thaksin Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan hơn hai thập niên trước: chỗ dựa chính trị của ông là nông dân và khi ông đến nông thôn vận động thì ở Bangkok cử tri thủ đô lại xuống đường biểu tình. Bị thành thị “bao vây” mãi như thế thì cũng đến ngày vị thủ tướng của nông thôn này ra đi, sống đời lưu vong. Mà Thái Lan từng có một đảng cộng sản lớn thứ nhì Đông Nam Á, chỉ sau Đảng cộng sản Việt Nam và, giữa thập niên 1960, từng phát động “chiến tranh cách mạng” kiểu Maoist chỉ để thoi thóp sống đời thực vật trong rừng hay trên núi và, cuối cùng, phải xóa sổ theo sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh. Bây giờ thì thế đứng của rừng núi và nông thôn trong nền chính trị Thái hầu như chỉ là con số không bởi, nói đến sự ổn định của một chính phủ Thái, người ta chỉ chú ý đến việc nó có thỏa mãn đủ ba yếu tố chính là Hoàng gia, Quân đội và thị dân Bangkok hay không.
Càng tiến vào thế kỷ 21 thì đô thị càng là cái nôi của những thay đổi của thời cuộc mà ngoạn mục nhất là “Mùa Xuân Ả Rập” vào cuối năm 2010 và gần trọn năm 2011 khi các cuộc biểu tình của dân cư những thủ đô đã khiến hàng loạt chính phủ Ả Rập lung lay hay đổ nhào. Một khi không khí chính trị quốc gia đã bị nén chặt tại đô thị thì, trong góc nhìn của các nhà cai trị, vấn đề là phải kềm hãm và, do đó, phải thiết kế làm sao để các thành phố của họ chịu đựng được độ bung từ sức nén này.
Nói một cách khác, đơn giản, là các thành phố phải có một cấu trúc “phản biểu tình” và đây, phải chăng, là lý do chủ chốt khiến cây xanh tại các đô thị lớn của chúng ta bị thảm sát?
Để hiểu vấn đề hơn có lẽ chúng ta nên theo chân Matt Ford, người đã phân tích một cách thấu đáo ý nghĩa chính trị của việc thiết kế đô thị trong bài “A Dictator’s Guide to Urban Design – Ukraine’s Independence Square and the revolutionary dimensions of public spaces.” (“Hướng dẫn cho những nhà độc tài về thiết kế đô thị – Quảng trường Độc lập của Ukraine và những chiều hướng cách mạng của những không gian công cộng”) trên tờ The Alantic 21/2/2014 mà tôi xin tạm dịch dưới đây, những phần liên quan: [2]
“ [… ] Quảng trường công cộng đóng vai tâm chấn cho việc biểu lộ quyền dân chủ và tinh thần phản kháng, triệt tiêu hay cản trở một không gian như vậy chính là cách mà những nhà chuyên chế dập tắt các tổ chức bất đồng thông qua việc thiết kế đô thị.
Không phải trung tâm của tất cả các cuộc cách mạng đều nằm tại các quảng trường nhưng những cuộc cách mạng mới đây đã diễn ra như thế, kể cả các cộng hoà Xô viết. Cách mạng Hoa hồng Gruzia lật đổ Tổng thống Eduard Shevardnadze năm 2003 đã xuất phát từ Quảng trường Tự do ở Tbilisi. Năm 2005 những người biểu tình Kyrgyzstan đã chiếm lấy Quảng trường Ala-Too từ tay cảnh sát rồi mau chóng tiến vào dinh tổng thống gần đó, lật đổ Yổng thống lâu đời Askar Akayev. Cuộc Cách mạng Cam của Ukraine năm 2004 cũng diễn ra tại Quảng trường Độc lập, ngay tại nơi mà người biểu tình hiện tại đang đụng độ một cách đẫm máu với lực lượng chính phủ, gây áp lực đòi Tổng thống Viktor Yanukovych phải tổ chức bầu cử sớm và trở lại với hiến pháp 2004.
Tính biểu tượng của quảng trường đã khai mở những tiềm năng mới trong Mùa Xuân Ả Rập. Ngây ngất trong không khí của cách mạng Ai Cập, một thời gian ngắn sau sự sụp đổ của Hosni Mubarak năm 2011, một tiểu luận gia đã giải thích việc Quảng trường Tahrir thể hiện sự đàn áp rộng lớn hơn đối với xã hội dân sự Ai Cập như thế nào. Quảng trường này được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ 19, dựa trên một thiết kế kiểu ‘Paris bên bờ sông Nile’ cho Cairo, sau đổi tên thành Quảng trường Tahrir (Giải phóng) khi nó trở thành tiêu điểm cho các cuộc cách mạng Ai Cập vào năm 1919 và 1952:
‘Trên thực tế, trong những tuần qua, Tahrir đã thực sự trở thành một quảng trường. Trước đó nó chỉ là một vòng xoay lớn với lưu lượng giao thông cao – và thêm nữa – là sự cụ thể hóa của một mưu toan chính trị với mục tiêu không chỉ ngăn ngừa mà còn ngăn cấm việc tụ tập đông người. Theo luật khẩn cẩp – ban hành từ khi Mubarak nhậm chức vào năm 1981 và vẫn chưa được xoá bỏ – thì việc tụ tập chỉ một vài người lớn tại nơi công cộng cũng có thể khiến họ bị bắt. Như tất cả chính quyền chuyên chế, chính quyền Mubarak hiểu được sức mạnh của một quảng trường thực sự, nơi mà các công dân có thể gặp nhau, dạo chơi, tản bộ, tụ họp, phản đối, trình diễn và chia sẻ quan điểm, và hiểu rằng một thực sự – quảng trường kiểu Ả Rập – chính là bản tuyên ngôn vật chất của nền dân chủ.
Ở Tahrir điều này ngụ ý việc dựng hàng rào và phân chia thành những bãi cỏ và lối đi dễ quản lý. Hãy nêu ra một thí dụ nổi bật: đến thập niên 60 thì phần lớn quảng trường nằm ở trước mặt Bảo tàng Ai Cập là một bãi cỏ rộng với những lối đi đan chéo và một đài phun nước lớn. Tại đây các gia đình và sinh viên có thể tụ tập cả ngày và, với những đôi tình nhân, còn là nơi hẹn hò nổi tiếng trong lòng thành phố. Nhưng từ thập nhiên 70 chính quyền đã dựng hàng rào quây kín mà không chịu giải thích rõ số phận của điểm hẹn hò ưa chuộng này. Người Cairo suy đoán rằng khu này bị quây lại để xây dựng tuyến xe điện ngầm Cairo Metro hay những dự án hạ tầng cơ sở khác. Đâu đó vào thập niên trước thấy một tấm bảng xuất hiện, thông báo việc xây dựng một bãi đậu xe ngầm nhiều tầng bên dưới. Trong những cuộc phản đối tại Quảng trường Tahrir, người biểu tình đã tháo dỡ hàng rào làm tấm khiên phòng thủ, ngăn cản các vụ tấn công của đám côn đồ theo đuôi Mubarak, và khám phá ra rằng chẳng có một công trình xây dựng nào như thông báo cả. Đúng là một di sản đô thị kiểu Mubarak.’
Bề mặt của Cairo đã biến Quảng trường Tahrir trở thành một địa điểm lý tưởng để tung ra một cuộc cách mạng. Toạ lạc tại trung tâm thành phố lớn nhất của Ai Cập, Tahrir nằm sát quốc hội, tổng hành dinh đảng chính trị của Mubarak, dinh tổng thống, nhiều toà đại sứ nước ngoài, và các khách sạn đầy phóng viên quốc tế để có thể truyền phát hình ảnh của các cuộc biểu tình đến với khán giả khắp thế giới. Sau khi Mubarak bị hạ bệ, các quảng trường rộng rãi ở các thủ đô Ả Rập khác cũng đã trở thành các đấu trường cách mạng tương tự. […]
Trong nhiều đường hướng thì người Pháp đã đi đầu trong việc áp dụng việc thiết kế đô thị với mục tiêu chính trị. Vào những năm đầu thế kỷ 19 thì về căn bản Paris vẫn còn là một thành phố thời Trung cổ, ngột ngạt bứt bối với sự chật chội và thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Tiến trình kiến thiết đô thị của Baron Haussmann dưới triều Napoleon III vào các thập niên 1850 và 1860 đã mang lại cho Kinh Thành Ánh Sáng này một hệ thống cống rãnh hiện đại, các công viên xinh đẹp và một hệ thống trạm xe lửa. Ông ta cũng chộp cơ hội này để xóa sổ các khu ổ chuột tạp nhạp, tống khứ những cư dân cùng khổ về vùng ngoại ô và thay thế những con hẻm chật hẹp bằng những đại lộ thoáng đãng. Trong trường hợp xảy ra nổi dậy, như đã diễn ra trong những năm 1789, 1830, và 1848, nhà cầm quyền Pháp muốn những con đường rộng hơn sẽ vừa làm khó, không cho những nhà cách mạng Paris dễ dàng dựng hàng rào chướng ngại vật, vừa tạo thuận lợi cho việc hành quân của các binh đội có nhiệm vụ trấn áp.
Lối tính toán này vẫn kéo dài đến tận hôm nay. Năm 2005, chính quyền quân phiệt Miến Điện dời trụ sở chính quyền từ Yangon, một thành phố rực rỡ sắc màu của 5 triệu dân tới Naypyidaw sâu trong nội địa với mục đích an ninh. Biệt lập với các khu dân cư khác, dân số Naypyidaw – chủ yếu là các giới chức chính quyền và quân đội – chỉ dành thời gian tối thiểu ở thành phố hoang vắng kỳ lạ này. Các giới chức Miến tuyên bố gần một triệu người sống ở đây, nhưng con số thực sự có thể thấp hơn thế rất nhiều.
Hai năm sau đó, năm 2007, trong cuộc Cách mạng Vàng Nghệ, các cuộc biểu tình lớn đã làm rung chuyển các thành phố Miến Điện nhưng không thể bén mảng đến Naypyidaw và, sau một cuộc đàn áp nhanh chóng nhưng tàn bạo, đám quân phiệt vẫn tiếp tục nắm quyền. Thậm chí cả khi dân số thành phố đã đủ lớn cho các cuộc biểu tình thì chúng sẽ diễn ra ở đâu? Những đại lộ rộng rãi phân ranh giới các khu dân cư dành riêng cho quan chức, không có quảng trường công cộng hoặc một nơi chốn để làm trung tâm tụ tập cho những người dân cứng cổ hay hiền lành. Thậm chí dinh tổng thống còn được bọc quanh bằng một hào sâu và một phóng viên đã mô tả thành phố này như là ‘nền độc tài trên phương diện bản đồ’.
Trong khi đó thì Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan lại dời trung tâm quyền lực của mình về Astana, sâu trong thảo nguyên Kazakh, thành phố tràn ngập những đường nét kiến trúc vị lai khiến khách viếng thăm hoa cả mắt. Tổng thống Nga Vladimir Putin thì tìm cảm hứng trong quá khứ: từ năm 2008 ông ta đã khôi phục truyền thống duyệt binh hoành tráng của thời Xô viết ở Hồng trường của Moskva nhằm biểu dương sức mạnh. Vẫn chưa rõ ý ư? Chính quyền Arab Saudi sử dụng Quảng trường Deera ở Riyadh để tiến hành các các vụ chém đầu, công khai và chính thức.
Những nơi khác thì tinh vi hơn. Ở Bình Nhưỡng, thủ đô hà khắc của nhà nước toàn trị cuối cùng trên thế giới, sự tuân phục răm rắp đã lộ ra theo từng khối bê tông kềnh càng thô vụng. Chỉ những công dân trung thành nhất của Bắc Hàn mới được phép cư ngụ trong những chung cư giống hệt nhau của thành phố, đặc điểm chung của phong cách thiết kế đô thị Stalinist. Thành phố lớn nhất của Bắc Hàn định hình với những tượng đài lớn của một thứ thẩm mỹ đầy khả nghi rải khắp thành phố, nối với nhau bằng những đại lộ kiểu Haussman rộng một cách vô duyên và những quảng trường khổng lồ nhưng trống rỗng, không một bóng người. Không gian công cộng chỉ tồn tại để tôn sùng nhà nước và những lãnh tụ họ Kim.
Nếu sự bành trướng quá mức của không gian công cộng có thể là điều xấu thì Quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc là vi phạm thô bạo nhất. Như một nghịch lý, quảng trường lớn thứ tư trên thế giới này có thể xem như là ‘sự đối lập với không gian công cộng’ như Tim Waterman và Ed Wall đã viết trong cuốn sách của họ về kiến trúc cảnh quan. ‘Quy mô toàn trị’ của Thiên An Môn đã khiến ‘các cá nhân trở nên nhỏ bé và buộc họ cảm thấy phục tùng quyền lực nhà nước. Đó là không gian phù hợp nhất cho việc duyệt binh với súng đạn chứ không phải để công chúng thưc sự tham gia vào đời sống thường nhật của đô thị.’ Cuộc đàn áp bằng xe tăng đối với các nhà dân chủ tại quảng trường này vào năm 1989 là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng những cuộc biểu tình quy mô lớn có thể thất bại như thế nào.
Không phải nhà độc tài nào cũng thành thạo việc thiết kế đô thị. Việc tái thiết kế đại quy mô thủ đô Bucharest của lãnh tụ độc tài Nicolae Ceauşescu ở Rumani trong những năm 1980 đã xoá sạch một phần năm diện tích thành phố lịch sử này để dựng nên một mớ hổ lốn những cấu kiện bê tông, bao gồm cái trụ sở quốc hội lớn nhất thế giới chiếm ngự cả đường chân trời của Bucharest. Không một yếu tố nào trong đó ngăn cản được đám đông vĩ đại phản kháng ông ta sau bài phát biểu tại Quảng trường Cách mạng vào tháng 12 năm 1989. Vài ngày sau đó, Ceauşescu bị tóm cổ, bị kết án, và bị xử bắn.
[…]”
Như thế, phải chăng việc thảm sát cây xanh trong các dự án “chỉnh trang đô thị” gây nên những phản ứng hậm hực nói trên là một phần trong ý đồ tái cấu trúc để không gian đô thị thể hiện một diện mạo “phản biểu tình” nhằm tránh vết xe đổ của Mubarak và Ceauşescu?
Rất có thể lắm. Từ Hà Nội đến Sài Gòn, họ đã tính toán được việc bố trí những cặp đôi sồn sồn khiêu vũ hay đoàn viên thanh niên “nhảy múa tập thể” nhằm ngăn cản sự tập trung của công dân tập trung chỉ để tưởng niệm một cuộc xâm lăng; đã đầu tư cho một lực lượng phản biển tình bằng kỵ binh thì, việc thiết kế một đô thị với tính chất phản biểu tình phải là bước kế tiếp, nếu không nói là bước song song. [3]
Theo Le Corbusier — một trong những nhà kiến trúc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cha đẻ của trường phái Functionalism (Kiến trúc công năng) – thì “Nhà là một cái máy để ở”. Nếu nhà là một thứ máy để ở thì các trung tâm đô thị, với các nhà toàn trị, phải là một thứ “máy” để dập tắt các cuộc biểu tình. Như những nhà cai trị nhấp nhổm bất an, họ tìm mọi cách để áp chế sức công phá từ trái tim con người, để đè nén những không gian ở đó con nguời có thể tập hợp lại với nhau, có thể truyền cảm hứng và nuôi dưỡng khát vọng cho nhau và, thế là, sau những bộ máy đoàn thể, tuyên truyền, công an, mật vụ nhà tù v.v, phương tiện áp chế của họ lại có thêm những mẻ bê tông.
Muốn đổ bê tông cho đúng ý “phản biểu tình” thì phải hạ những hàng cây xanh thân thiện nhưng che khuất tầm nhìn và cản trở kỵ binh nên, do đó, những dự án hạ tầng đang làm bao người hậm hực ắt hẳn phải thoát thai từ ý đồ “sát dân chủ” từ những tính toán ở cấp thượng tầng.
Trong bài báo trên, Matt Ford đã dẫn lời một tiểu luận gia Ai Cập, theo đó các quảng trường là “bản tuyên ngôn vật chất của nền dân chủ” thì, ở đây, những dự án kia là gì nếu không là sợi dây thòng lọng siết vào cổ những tiếng nói đòi quyền lên tiếng mình ngay khi vừa mới hé môi?
Nguyễn Hoàng Văn
—————
Tài liệu tham khảo và chú thích:
- https://plo.vn/don-ha-hon-400-cay-xanh-o-tphcm-de-phuc-vu-du-an-metro-so-2-post786279.html
- Matt Ford, “A Dictator’s Guide to Urban Design – Ukraine’s Independence Square, and the revolutionary dimensions of public spaces”, The Atlantic, 21-2-2014
- https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dancing-at-the-king-ly-thai-to-statue-site–why-02172014103708.html
và:
https://vietnamnet.vn/an-tuong-luc-luong-canh-sat-co-dong-ky-binh-tran-ap-toi-pham-2085302.html