Nguyễn Hoàng Văn: “Tứ thép” và cuộc chiến chống sự thật

Nếu văn nghệ miền Nam, như đã đề cập trong “Nhạc Việt, ‘tứ thơ’ và ‘tứ phòng trà’”, có thứ “tứ” rộn ràng, mượt mà hay ẻo lả theo bước nhảy thì miền Bắc có loại “tứ” sục sôi, hùng hục khí thế ăn tươi nuốt sống quân thù. [1]

Đó là “tính chiến đấu”, nguồn cảm hứng chủ đạo của nền văn nghệ cách mạng theo tuyên ngôn trong cái gọi là… thơ của Hồ Chí Minh:

Nay ở trong thơ nên có thép

          Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Nói cho gọn thì đó là “tứ thép” và, như là phẩm chất của người chiến sĩ chỉ biết có siết cò theo những mệnh lệnh sắt thép, “tứ” này ắt phải đâu ra đó, một là một, hai là hai theo cách nói bình dân; còn diễn đạt cho ra vẻ hàn lâm là “tuyến tính”, không bất nhất, lơ lửng lòng vòng. Vậy mà, ngay từ tuổi học trò, trong những ngày hậu tháng Tư năm 1975, tôi từng phải tư duy như một triết gia khi nhận ra sự bất nhất, lửng lơ trong những khúc ca lẽ ra phải rạch ròi đâu ra đó.

Tính bất nhất, hay trớt quớt, có thể là yếu tố gây cười nhưng ai có thể cười nổi cái sự bất nhất máu me, liên quan đến những lời kêu gào sát nhân hàng loạt, dính líu đến sinh mạng của hàng thế hệ và sức sinh tồn của cả một dân tộc? Như bài “Kết đoàn” sắt máu, dữ dằn:

Chúng ta thề đánh tan quân thù, thực dân, đế quốc

Sài lang với phe phản động, ta đập tan hoang

Tiến tiến lên theo cờ…

được dịch từ nhạc Trung Quốc.

Hồ Chí Minh bắt nhịp bài ca
“Kết đoàn” (1960)

 

Bài hát còn nổi tiếng theo tấm hình Hồ Chí Minh cầm gậy chỉ huy dàn nhạc ngoài trời, được hát như là thủ tục mở đầu cho các buổi sinh hoạt thiếu nhi hay giờ học ở nhà trường nhưng, càng bị nghe hay bị hát, tôi càng rối trí. Tôi rối trí với sự ngớ ngẩn đến mức bí hiểm của nó bởi, trong đầu óc của một đứa trẻ mới lớn, làm sao mà người lớn, thậm chí cả một bộ máy cai trị, có thể ngây ngô đến … đả đảo chính mình và dẫm lên lý lẽ thông thường, sổ toẹt cả môn Luận lý học:

Kết đoàn chúng ta là sức mạnh

Kết đoàn chúng ta là sắt gang

Ðoàn kết ta bền vững

Dù sắt hay là gang

Mà sắt với gang còn kém bền vững

Luận lý học, hay logic, ra đời rất sớm, được Aristotle hoàn thiện như là cha đẻ của mọi khoa học bởi có thể định hướng chúng ta trong nỗ lực tìm kiếm chân lý mà điểm xuất phát là “tiên đề phi-A”: A là A, không thể là phi-A; nếu vừa là A mà vừa là phi-A thì không thể nào tồn tại. Aristotle còn dạy chúng ta tam đoạn luận, đại loại A là B, B là C, do đó A cũng là C và, ở đây, với bài hát trên, chỉ thêm hai bước nữa thôi, là chúng ta có ngay một tuyên ngôn quái gở: “Kết đoàn chúng ta… kém bền vững”.

A đã là phi-A và ai, ai đã viết ra những lời ca như thế? Rồi ai chuẩn nhận để hàng chục triệu người cùng hát hò những điều vô nghĩa nếu không nói là ngu xuẩn này?

Vô nghĩa trên phương diện logic nhưng, oái ăm thay, trên khía cạnh thực chứng thì nó lại quá đúng với bao nhiêu bằng chứng rành rành. Như, ngay trên quê hương bài hát: để “đánh tan quân thù, thực dân, đế quốc”, Mao Trạch Đông há chẳng đã “kết đoàn” với Lưu Thiếu Kỳ hay sao? Và sự “kết đoàn” ấy há phải rất… kém bền vững nên, khi đất nước đã sạch bóng thực dân, Lưu mới trở thành hiện thân của một thứ “sài lang – phản động” mà những tiểu tướng Hồng vệ binh của Mao phải “đập tan hoang” chứ?

Nhưng Mao-Lưu là chuyện đã xưa, tận bên Tàu. Cổ điển lẫn tân kỳ, của ta, là hai cái chết mờ ám cách nhau hơn nửa thế kỷ của hai cha con Nguyễn Chí. Mà đó, hai cái chết – 1967 và 2023 – của hai cha con Thanh – Vịnh này lại là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” hơn ba phần tư thế kỷ cầm quyền với bao nhiêu cái chết mờ ám tương tự và như thế, phải chăng, cái bài hát nhập cảng từ quê hương Mao-Lưu đã vận vào “sự nghiệp cách mạng” của họ?

Đoàn kết – như trang sử về Hội nghị Diên Hồng hay câu chuyện ngụ ngôn về bó đũa – luôn mang lại sức mạnh vậy mà, càng hô hào và, thậm chí, càng phì đại thay thậm phồn, “phì phồn” đến mức “đại đoàn kết”, thì càng kém bền vững và, ở đây, liệu, chúng ta có thể nào giải thích bằng kinh tế học?

Lý thuyết kinh tế có khái niệm “economy of scale” mà, nếu dịch thật sát, sẽ là “kinh tế của tầm mức”, theo đó thì càng mở rộng quy mô sản xuất, chúng ta sẽ càng nâng cao trình độ chuyên môn hóa, do đó năng suất sẽ cao hơn và lợi nhuận càng nhiều hơn. Tuy nhiên đây lại là một mô hình phi tuyến tính, bởi nếu tăng đến một mức nào đó thì lợi tức sẽ giảm mạnh do hàng hóa sản xuất quá nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu làm cho giá cả hạ thấp. Đó là chưa kể đến những chi phí kinh tế và phi kinh tế khác. Mở rộng quy mô sản xuất thì phải mở rộng bộ máy điều hành và nhân công, để rồi, không ít thì nhiều, sẽ dẫn đến tình trạng phe phái, trong bộ máy điều hành và trong cả đội ngũ nhân công, chưa kể đến sức mạnh gia tăng của… nghiệp đoàn, cái thế lực luôn thừa cơ gây sức ép để đòi tăng lương.

 

Có lẽ các nhà “cách mạng” của chúng ta cũng vậy, với “quy mô cách mạng”. “Quy mô” càng phình to thì quyền lực và lợi lộc phình to, nạn bè phái cũng phình to. Lợi quyền phình to thì càng nghiện và chứng bách hại cuồng cũng phình to theo, nhìn đâu cũng thấy âm mưu chống đối, do đó càng trở nên bất cận nhân tình hơn. Trong mối quan hệ như thế thì sự kết đoàn, nếu không kém bền vững, mới là chuyện lạ.

Có bao nhiêu là bằng chứng và, ở đây, chúng ta có thể nhận ra ngay trong mối quan hệ giữa ông Trần Độ và ông Nguyễn Văn Linh. Trong hồi ký chỉ phổ biến dưới dạng chuyền tay hay trên mạng Internet, tập II, chương 1, tướng Trần Độ nhắc lại lời gan ruột lúc gặp ông Linh vào năm 1980, khi cả hai cùng bị kỷ luật, ông Độ bị cho ngồi chơi xơi nước vì nỗ lực đổi mới văn nghệ, ông Linh thì bị đuổi ra khỏi Bộ Chính trị bởi để Sài Gòn “bốc mùi Nam Tư”. Gặp nhau, ông Độ bùi ngùi với ông Linh: “Hồi ở rừng, chúng ta sống dẹp biết bao nhiêu. Sống chết có nhau, yêu nhau như ruột thịt. Thế mà mới có hơn 5 năm sau hòa bình, có biết bao nhiêu là chuyện…”

Còn chui rúc trên rừng thì “quy mô cách mạng” có thể nào sánh nổi với lúc về thành và cả hai có bị đồng chí của mình sống tệ thì cũng dễ hiểu thôi. Và càng dễ hiểu hơn khi, hơn mười lăm năm sau nữa, khi leo lên vị trí số một, trở thành Tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh còn tệ bạc, còn bất cận nhân tình hơn thế với Trần Độ, bởi người đồng chí “ruột thịt” ngày nào đã là mối bất an của chế độ!

Lý tưởng cách mạng của họ, như thế, đã dở dang như niềm mơ ước dở dang trong cái bài hát vô nghĩa mà lũ học trò chúng tôi thời ấy bị hát và cả học trò bây giờ vẫn vậy. Bài “Như có bác trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên:

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Lời bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.

Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông.

30 năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.

Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh …

Thật là lạ lùng khi bao nhiêu triệu người, qua bao nhiêu thế hệ, mãi vô tư hát cái bài hát mà – trên phương diện logic – phải được xếp hạng vào danh sách những bài hát vô nghĩa, ngớ ngẩn và dở dang nhất.

Nó dở dang bởi khởi đầu bằng một mệnh đề mở rồi…phó mặc, mang con bỏ chợ bởi bỏ lửng, chẳng giải quyết cái gì cả. Nếu đã khai cuộc bằng ước vọng “Như có bác trong ngày vui đại thắng” thì, chí ít, phải tiếp tục bằng cái gì đó liên quan: hoặc “ngày vui” kia sẽ khác đi như thế nào; hoặc, “bác” sẽ làm gì trong “ngày vui” đó? Ít ra thì ông ta cũng phải, như bài “Tiếng hát từ thành phố mang tên người” Cao Việt Bách: “đến từng nhà thăm các cụ già/ cầm tay chúng con / Bác bắt nhịp bài ca ‘Kết đoàn’” chứ? Đằng này tác giả chỉ mở ra cái “tứ” rồi vứt đó, chỉ dễ dãi tiếp nối bằng một mớ sáo ngữ chính trị và khẩu hiệu chẳng hề dính líu: có hay không có ông ta, những sáo ngữ hay khẩu hiệu ấy vẫn vậy, không khác!

Tác giả, nhạc sĩ Phạm Tuyên, là con trai cố học giả Phạm Quỳnh, một người có những đóng góp to lớn cho văn hóa nước nhà nhưng đã bị “cách mạng” thủ tiêu vào năm 1945 và, do đó, có lúc, chỉ trong vài sát na, tôi đã lẩn thẩn sa chân vào đội ngũ những nhà lý thuyết âm mưu mà mình không bao giờ có thiện cảm và, thậm chí, trong những trường hợp tồi tệ nhất, chẳng hề che giấu sự khinh miệt. Tôi sa chân là bởi cái câu hỏi lóe lên trong đầu rằng, phải chăng, đây là sự rửa hận theo kiểu thâm Nho? Cái sự “thâm” nằm ở cái lời nguyền hay sự “vận vào” bởi, khi mấy chục triệu người, qua bao thế hệ, đồng há mõm ra tụng ca “bác” những lời hát vô nghĩa, ngớ ngẩn và dở dang kia thì, trên khía cạnh thực chứng, cái “sự nghiệp cách mạng” mà ông ta dựng xây cũng vô nghĩa, ngớ ngẩn và dở dang y hệt.

Tôi lại nhớ, đâu giữa đầu thập niên 1980, một bạn học khoái trá kể chuyện dự buổi thỉnh giảng của nhà toán học Văn Như Cương, dạy toán mà lôi thơ Tố Hữu ra phê, chê là “phi logic”, trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”:

Chúng bay chỉ một đường ra:

Một là tử địa, hai là tù binh

Nhà toán học thường nhạy cảm với những con số mà không để ý rằng Tố Hữu không chỉ là “phi” mà còn là “phản” logic, như cái cảnh Nguyễn Văn Trỗi đi ra pháp trường:

Chúng trói anh vào cọc, mấy vòng dây

Mười họng súng, một băng đen bịt mắt

Anh thét lớn: “Chính Mỹ kia là giặc”

Và giơ tay giật phắt mảnh băng đen

(“Hãy nhớ lấy lời tôi”)

Nhà thơ này, như thế, đã say sưa xung phong bằng vần điệu đến độ lạc lối, đánh mất cả nghĩa lý thông thường. [1]

Không chỉ là Tố Hữu mà còn có Chế Lan Viên, nhà thơ nổi tiếng thông minh, tài hoa, cực kỳ tinh tế với chữ nghĩa:

Giờ đã điểm rồi! Đâu phải phiêu liêu

Khi có kẻ đang ngẩn ngơ hành động

Vinh quang nhất là những người nổ súng

Vinh quang hơn là những kẻ đi đầu

(“Trận tuyến này cao hơn cả màu da”, 8/1967)

“Nhất” rồi mà vẫn phải đi sau, nhà thơ này cũng giống như Tố Hữu, đã “xung phong” quá mức, đến độ mê sảng, lạc thần!

Như có thể thấy từ những tin tức nóng bỏng từ dãi đất Gaza chật hẹp mới đây với những zealot, là phần tử cực đoan từ cả hai phía, Hồi giáo cực đoan và Zionist cực đoan: một khi đã cuồng lên vì xác tín tôn giáo của mình thì người ta khó mà hành động với lý trí thông thường. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ, như tiếng Anh, những từ ngữ liên quan đến hành vi khủng bố đểu có gốc gác từ tôn giáo. Không nói đâu xa, chính zealot là tên một giáo phái Do Thái từng nổi dậy chống lại cuộc xâm lăng của La Mã vào từ đầu Công nguyên, và, trong thế yếu, phải sử dụng chiến thuật khủng bố. Hay như kẻ ám sát, assassin, có gốc gác Ả Rập là hasisi, al-Hashishiyyun hay hashashun với nghĩa đen là “hashish eater”, tức “người nhai nhựa cần sa”: trong cuộc “Thập tự chinh” (1090–1272) những tín đồ Hồi giáo Shi’a tại vùng đất Syria và Iran hôm nay đã tập hợp trong tổ chức kháng chiến mang cái tên trên, cái nghi lễ mang tính tôn giáo thơm phức mùi cần sa trước giờ ra trận, giúp họ nhẹ nhàng lao vào những trận chiến chỉ có đi chứ không có về.

Không sực nức mùi cần sa nhưng thơ Chế Lan Viên lắm khi nồng nặc mùi bạo lực. Tháng Bảy năm 1966 sau khi “đọc lời kêu gọi của Bác và bài nói chuyện với thanh niên của đồng chí Lê Duẩn”, nhà thơ này đã cuồng lên với bạo lực, như một thứ ma túy:

Giết chúng đi! Chỉ một đường thôi! Giết chúng

Ôi hôm nay lòng ta như họng súng

DIỆT MỸ LÀ CAO CẢ CỦA TÌNH YÊU

 (“Suy nghĩ năm 1966”)

Thực tâm tin hay chỉ vờ vịt đóng kịch, Chế Lan Viên đã hô hào như một “zealot” của giáo phái “bạo lực” mà giáo chủ Lê Duẫn sách động. Nếu ma túy khiến con người lửng lơ với hiện thực; nếu xác tín tôn giáo khiến họ sống bám vào cái “hiện thực thế vì” mà tín ngưỡng tạo ra thì, ở đây, xác tín về bạo lực đã khiến nhà thơ say cuồng, hoàn toàn chệch hướng với những nghĩa lý thông thường và trở nên bất nhất, tự mâu thuẫn với mình.

Mà sự bất nhất, tự mâu thuẫn này, nếu không gắn liền với những lời hô hào đổ máu, lại là yếu tố gây cười, trong cả những lời tụng ca trịnh trọng dành cho vị lãnh tụ vẫn được trân trọng gọi là “bác”.

“Bác” là người gan góc, không sợ chết, như câu chuyện diễn ra tối 30/8/1969 tại Phủ Chủ tịch giữa lúc máy bay Mỹ đang gầm gừ trên bầu trời thủ đô:

“Tiếp đó, Bác lại hỏi tình hình lũ lụt và nhân dịp này Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo với Bác ý kiến của Bộ Chính trị đề nghị Bác lên khu sơ tán của trung ương ở Hòa Bình để tiện việc chăm sóc, điều trị cho Bác. Nghe xong, Bác tỏ vẻ không vui và nói ngay: – ‘Bác không đi đâu cả. Bác không bỏ dân mà đi. Các chú phải tích cực tìm mọi biện pháp bảo vệ cho được đê điều để bảo vệ dân’.” [2]

Nghĩa là bất kể bom đạn thế nào, “bác” không đành lòng “bỏ dân mà đi”. Thế nhưng

trước đó “ít nhất là 7, 8 năm”, lúc bộ binh Mỹ chưa đặt chân vào miền Nam, đừng nói là không quân, “bác” đã lo lắng tìm đến một nơi thật xa… dân cốt để đào hầm đề tránh bom Mỹ:

Ít ai biết, Bác đã chọn một nơi để nghỉ ngơi và làm việc giữa núi rừng Sơn Tây từ năm 1957. Sau này là nơi đầu tiên lưu giữ thi hài Bác. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác Hồ lường trước thời cuộc, đã cử ông Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc để chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Còn việc chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, Người đã tính trước ít nhất là 7-8 năm.”[3]

Có đến hai “dị bản” khác nhau và, rốt cuộc, “bác” là người như thế nào? Một mặt, “bác” gan dạ, máy bay Mỹ đã đến bầu trời Hà Nội nhưng vẫn khăng khăng ở lại, với dân? Một mặt, “bác” đầy viễn kiến, Mỹ chưa đổ quân vào miền Nam thì đã lo lắng đào hầm tại một nơi thật xa dân và, theo tường thuật trên, đến thập niên 1960, khi Mỹ đưa cố vấn vào miền Nam thì lại lo lắng bê tông hoá hệ thống hầm này.

Nói theo Aristole thì “bác” vừa là A, vừa là… phi-A. Còn nói theo Hàn Phi Tử thì bác cũng là “mâu” mà cũng là “thuẫn”, như câu chuyện được đời sau ghi lại trong Cổ học tinh hoa:

Có người nước Sở làm nghề bán mâu, vừa bán thuẫn.

Ai hỏi mua thuẫn, thì anh ta khoe rằng: “Thuẫn này thật chắc, không gì đâm thủng.”

Ai hỏi mua mâu, thì anh ta khoe rằng: “Mâu này thật sắc, gì đâm cũng thủng.”

Có người nghe nói, hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy mâu của bác đâm vào thuẫn của bác, thì thế nào?”

 Lời Bàn:

Ôi! một cái chắc, đâm không thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc. Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: “Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang.” Đến lúc có người bẻ: “Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?” thì tắc khẩu mà đành vác tượng về.

“Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành nói dối”, nhưng đó chỉ là mức nói dối của bọn buôn hàng, chỉ khuyếch đại công hiệu để nâng tiền lời qua từng món hàng như mâu, cái thuẫn v.v… Đáng nói hơn là mối lợi của bọn buôn vua như một “phát minh” của Lã Bất Vi, kẻ sử dụng giọt máu của mình như là “bản thế vì” cho giọt máu Tần Trang Vương để lịch sử Trung Quốc sang trang với một Tần Thủy Hoàng bạo ngược. Nhưng cái mà chúng ta đang đối mặt không chỉ một cá nhân đơn lẻ như Lã mà là cả một hệ thống, một đảng buôn vua mà sự lời lãi là cả một đất nước để vầy vọc, là xương máu của cả dân tộc để thí nghiệm và hút chích.

Thì đó, chưa đầy một thế kỷ qua, dân tộc chúng ta đã bị tiêm chích bao nhiêu là thứ ma túy chính trị hay ý thức hệ? Thứ ma túy đã khiến những nông dân mù chữ lên men trong máu, dễ dàng vung mã tấu xuống cổ những xóm giềng từng rất thân thuộc, nghĩ rằng mình đang vinh dự thực hiện sứ mạng của giai cấp. Thứ ma túy đã khiến những con người tinh tế với chữ nghĩa như Chế Lan Viên mà cũng phải bừng bừng tim óc trong một hiện thực nồng nặc mùi máu. Và cũng như là ý niệm “economy of scale” là phải có cái giá nào đó phải trả thêm, cái lỗi nào đó phải gánh chịu khi hệ thống bị quá tải với tầm mức buôn vua: những dị bản của hiện thực hay của lãnh tụ, trong thơ, trong những bài bản tuyên truyền. Đây, hẳn nhiên, chỉ là mấy ví dụ nhỏ cho một ma trận những “bản thế vì” của hiện thực, hình thành từ những cuộc tàn sát hay chôn sống, lăng trì và tùng xẻo sự thật, từ bản thế vì đã xưa về Tết Mậu Thân 1968 đến bản thế vì mới hơn về Đồng Tâm năm 2020 v.v.

“The first casualty of War is Truth” –Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thật, chính trị gia Mỹ Hiram Warren Johnson đã nhận xét như thế vào năm 1918, năm kết thúc của Đệ nhất thế chiến và đó là chuyện dễ hiểu. Nhưng với đất nước chúng ta thì không nhất thiết phải có chiến tranh mà ngay cả trong thời bình. Đó là cái cuộc chiến chống lại sự thật của bọn buôn vua để bảo vệ quyền cai trị, quyền làm thực dân ngay trên đất nước của mình, quyền dẫm lên mọi phép tắc biện chứng hay luận lý và cái quyền áp đặt, buộc người dân phải chấp nhận như là chân lý tuyệt đối, không thể nào phản biện.

Nguyễn Hoàng Văn

—————–

Chú thích:

 [1] https://www.diendantheky.net/2023/11/nguyen-hoang-van-nhac-viet-tu-tho-va-tu.html

[2] Có ý kiến cho rằng Nguyễn Văn Trỗi chỉ bị trói ngang khuỷu tay, như hình có thể tìm trên wikipedia, nên có thể “giơ tay” nhưng cứ thử thực nghiệm, trói ngang vị trí ấy rồi bịt mắt, xem có thể “giơ tay giật phắt” hay không.

Nhưng cái chính là Tố Hữu chỉ tưởng tượng, phởn lên theo “tứ thép”, không cần biết sự thật thế nào. Thậm chí cả cái tên thật, trong những ngày đầu tiên sau khi Nguyễn Văn Trỗi bị hành quyết, cả hệ thống chính trị miền Bắc vẫn thông tin là “Nguyễn Văn Trôi”, dựa theo bản tin nước ngoài viết tên không dấu Troi (Thời gian và nhân chứng, Hà Minh Đức chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia 2001, trang 380).

Còn việc Nguyễn Văn Trỗi đi ra pháp trường thế nào, nhợt nhạt thiếu sinh khí thế nào, bị bịt mắt như thế nào và có hô khẩu hiệu nào không, hãy xem những thước phim tài liệu này:

[3].

Thế Kỷ, “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế…”, Tuổi Trẻ ngày 19.5.2005, Thế Kỷ

NguyễnThế Kỷ là đại tá, trưởng ban tổng kết lịch sử của Quân chủng Phòng không.

[4]https://tienphong.vn/bac-ho-va-vung-dat-thieng-k9-post9540.tpo

Trịnh Tô Long. “Bác Hồ và vùng đất thiêng K9”, Tiền Phong 16.05.2005