Nguyễn Hoàng Văn: Việc tu và việc đạo, Chùa Kênh và Xứ Mù

Hình minh họa: Ryutaro Tsukata

Việc tu-đạo trên quê hương ta, từ lâu, vốn dĩ có nhiều khía cạnh không đáng để nể trọng nếu không nói là… xấu hổ thay nhưng phản ứng của cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” với hành giả khất thực xuyên Việt mới là giọt nước tràn ly, khiến tôi nghĩ đến những ẩn dụ tệ hại nhất. [1]

Tôi nghĩ đến Xứ Mù, “The Country of Blind”, tối tăm và cố chấp của Herbert George Wells, nơi con người hoàn toàn không biết ánh sáng là gì nên, do đó, cũng không hề tin vào sự tồn tại của sắc màu nhưng, bù lại, rất giỏi việc đánh hơi, rình mò. Tôi nghĩ đến “Sư Bác Chùa Kênh” của Nhất Linh, cái nhà sư đạo hạnh và uyên thâm Phật học nhưng lại đột ngột dứt bỏ đường tu sau khi được của hoạnh tài. Và tôi nghĩ đến Chí Phèo của Nam Cao, cái nhân vật giết người rồi tự sát sau khi nhận ra rằng mình khó mà làm lại từ đầu, như một người lương thiện.

Wells là nhà văn Anh, được xem là người khai sinh ra thể loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng còn sư bác của Nhất Linh chỉ là một nhân vật hư cấu, cũng như Chí Phèo của Nam Cao. Quê hương thì rất thực mà lại gợi mở toàn những điều không thực là bởi nó, cơ hồ, không còn là một xứ sở bình thường nữa. Đất nước từ lâu, cả đạo lẫn đời, đã là cái gì đó tù mù giữa chân và giả, giữa thực chứng và giả tưởng, giữa bình thường và bất bình thường v.v. 

Bắt đầu với “Sư bác chùa Kênh”, nhân vật trong truyện ngắn cùng tên, in trong tập truyện Người quay tơ, xuất bản năm 1926:

“Chùa Kênh ở trên đỉnh một cái đồi cao, quạnh hiu vô chừng. Đường lên uốn khúc, rải rác một vài hòn đá núi tim tím nằm trên sườn cỏ xanh, trơ trơ đã mấy nghìn đời như để chứng kiến những sự đổi thay của trời đất. Chùa cũng cổ lắm, chung quanh có một vài cây thông gió hắt hiu. Về buổi chiều lên đồi, thấy cái chùa đó, giá lòng người tê tái, thế sự thờ ơ, tưởng có thể đem tấm thân suy mòn mà nghìn năm gửi cùng cỏ cây chốn này được.

Tu hành trong chùa đó, có một ông sư cụ đã ngoài bảy mươi tuổi, một ông sư bác trạc độ tứ tuần và một vài chú tiểu ngây ngô ngày ngày quét lá cửa chùa.

Sư bác chùa Kênh đã nổi tiếng khắp vùng ấy, là một ông sư chân tu; ông học thâm lắm, bao nhiêu sách Phật, thiên kinh vạn quyển ông đều xem cả. Ông càng xem càng hiểu thấu lẽ Phật, càng biết đời là cõi hư vô, bể khổ mông mênh, không bờ không bến. Suốt ngày ông ngồi tụng kinh gõ mõ, nét mặt đăm đăm, không lúc nào nhãng, khi nào mệt thời lại nằm trong giường mà niệm Phật. Người ông xanh lướt như cây cỏ, hai con mắt ông sáng quắc như hai ngôi sao. Bao nhiêu các sư ở vùng quanh đây đều tôn trọng ông lắm, thường đến nghe ông giảng thuyết về sách Phật.”

Nhưng buổi chiều định mệnh nọ, đứng tần ngần bên tượng đá trước sân, sư bác chợt phát hiện một cái lỗ bằng đồng xu trên đỉnh đầu và tối đó, khi thiền, bị ám ảnh mãi, không dứt. Đầu tiên nó chỉ là cái đồng hào nhưng rồi phình ra mãi, bằng trái cam, cái mâm, cái nia rồi cái nong và, cuối cùng, thành một màn đêm mênh mông, có hai con quỷ bước ra nhe nanh trợn mắt nhìn không chớp mắt.

Tối đó sư bác không thể nào tĩnh toạ.

Sáng sớm hôm sau sư bác lật đật chạy ra dò xét thì phát hiện thêm một lỗ nhỏ ở ngay rốn và, từ đó, mất hẳn cái tâm tu thanh thản. Không thể dứt lìa mối ám ảnh, sư bác quyết tìm cho ra lẽ nên, đến tối, lén lút ôm vò nước ra rót vào đỉnh đầu rồi cày cục đào bới nơi tia nước vọt ra và, cuối cùng, tìm thấy một hũ vàng. Thế là đường tu đảo lộn và, ngày hôm sau, đến giờ trai giới, sư bác nhìn mâm cơm vỏn vẹn mấy món tương cà mà ngao ngán cho kiếp tu hành của mình: lần đầu tiên kể từ khi thọ giới quy y, sư bác chợt nhận ra rằng mấy món đồ chay sao mà lạt lẽo, nhạt miệng quá. 

Mấy ngày sau, sư cụ và mấy chú tiểu chùa Kênh nhìn nhau ngơ ngác, không biết sư bác đi đâu mà không lời từ giã. Dân chúng trong vùng kháo nhau rằng sư bác đã lên tới non tiên còn ở Hà Nội thì, một thời gian sau, người ta thấy sư bác ra ứng cử nghị viên!

Nghĩa là sư bác giã từ kiếp tu để làm chính trị, sống một cuộc đời của những mưu mô và thủ đoạn nên, do đó, ai cũng có lý do để chê trách. Hẳn nhiên, việc lẳng lặng ôm vàng bỏ trốn khi nó là tài sản của chùa hay, cao hơn, là tài sản quốc gia là điều chưa được nhưng, nhìn từ một khía cạnh khác, sư bác đã hành xử rất được. Mà để nhận chân cái “khác” rất “được” này thì phải nhìn lại hoàn cảnh tu đạo chung của thời ấy, qua kinh nghiệm của Tô Hoài thuở “đi ăn mày chùa”, dẫu có trễ hơn một thập niên. 

Đó là lúc mà chiến tranh ở Âu châu khiến nền kinh tế của thuộc địa suy sụp và, lâm cảnh thất nghiệp, ở nhà ăn bám gia đình mãi thấy nhục, Tô Hoài xoay xở bằng cách tìm sách Phật nghiền ngẫm mà làm “vốn” kiếm ăn: “đi truyền từ nhà chùa này đến nhà chùa khác, đến đâu thuyết chùa thết ăn một vài bữa rồi lại đi.” [2] 

Cách sinh tồn này đã khiến nhà văn trẻ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khám phá bao nhiêu điều mà, đầu tiên, là lý do kinh tế. Phát hiện nhiều nhà sư mù chữ, chữ Nho và chữ Quốc ngữ, không biết cả kinh kệ và sự tích Phật pháp, Tô Hoài kết luận: “Chẳng qua người ta đi tu vì cảnh nhà, vì đói khổ…” 

Rồi đến tính chất “chính trị” khi chùa nào cũng “lắm cánh vế và quan thầy”:

“Chùa Quán Sứ có cánh quan Thiếu Hà Đông Hoàng Trọng Phu có chùa Hương giàu sự và nhiều chùa to ở các tỉnh. Chùa Bà Đá của phái Nguyễn Năng Quốc, một ông quan giàu có và có vợ lại Tây, lại cứ tự nhận mình là sư. Cánh này có chùa Trầm và mấy chùa lép vế hơn.” [3]

Và Chùa Trầm, nơi Tô Hoài được phép “ăn mày” suốt hai tuần lễ nhờ vào giao kèo viết cuốn sách mỏng quảng cáo cho chùa. Cửa Phật quy định tám điều trai giới cho bậc tu hành nhưng sư trụ trì ở đây thì, ít nhất, xâm phạm đến phân nửa. Bữa ăn nào sư cũng tì tì nhắm rượu với thịt trâu, có đứa bé với nét mặt hao hao đứng hầu một bên và, theo tin đồn của dân địa phương cũng như quan sát của Tô Hoài, thì hầu như sư đã… vãi giống khắp làng: đi lanh quanh là bắt gặp những đứa trẻ có khuôn mặt hao hao sư mà, thỉnh thoảng, đám trẻ lại được gọi vào chùa “hầu hạ như con cháu trong nhà”. Sư còn thạo việc kinh tế, sành sõi giá cả chợ này chợ kia, biết bắt chùa hái ra tiền với những ngăn buồng “cho trai gái chơi chùa thuê chiếu, thuê buồng, từng buổi, từng ngày.. như nhà săm chứa gái ngoài tỉnh.” Và sư lại rất sân si, nhất là với những chùa có có cánh vế hơn mình, với một thứ ngôn ngữ khó mà tin là từ miệng lưỡi người tu hành: “Bá ngọ những thằng núp đít Phật ở chùa Hương. Chúng nó chỉ bịp đời. Toàn những thằng ngô con đĩ đem đổ vàng đổ bạc cho thằng ngô con đĩ”. [4]

Có nhìn vào cái cảnh tu đạo này thì mới nhận ra cái được của sư bác chùa Kênh qua sự tách bạch giữa đời tu và đời tục. Ngán mâm cơm vỏn vẹn mấy món tương cà thì thẳng bước ra đời mà rượu thịt, miễn là có tiền. Bị danh lợi cám dỗ thì hãy dứt bỏ đường tu, không nấn ná chân ngoài chân trong. Nếu lập lờ hai mặt, nấp dưới màu áo cà sa để kinh doanh hay mưu đồ chính trị thì, với cái kho tàng để làm quỹ đen đó, sư bác sẽ kiến tạo nên một cánh vế hùng hậu đến nhường nào, và sẽ lũng đoạn đạo-đời đến bao nhiêu? 

Và đó chính cái tình trạng “tu đạo” và “đạo tu” bát nháo, hỗ lốn hiện tại. Cái thời Tô Hoài “ăn mày chùa” chính là thời mà cuộc vận động “Chấn hưng Phật giáo” đang sôi nổi nhưng tình trạng “tu đạo” hiện tại thì còn đòi hỏi một nhu cầu tương tự, thậm chí còn khẩn thiết hơn. Cần nhớ là cuộc vận động thời ấy không chỉ là cho đạo pháp mà là cho cả nước non khi, trong phong trào quốc gia đầu thế kỷ 20, song song với nỗ lực xây dựng một “căn cước Việt Nam” để chống Pháp, rất nhiều thức giả đã tìm đến đạo Phật như là một thứ “bản sắc dân tộc” để, từ đây, nếu chấn hưng được đạo pháp, cũng sẽ chấn hưng được “hồn nước”. 

Bây giờ thì, rõ ràng, đạo pháp hay “hồn nước” cũng đang cực kỳ khát khao một cuộc “đại chấn hưng”. Cả thế kỷ đã trôi qua kể từ cuộc vận động nói trên nhưng đạo Phật, trên quê hương ta, hầu như vẫn chưa đạt được ba mục tiêu thiết yếu từng đề ra là xây dựng một giáo hội thống nhất, một chương trình đào tạo tăng tài nhất quán và một hệ thống kỷ luật nghiêm khắc và phân minh với những sư tăng phạm giới. [5] Mà nhìn rộng ra, với hiện trạng đất nước, tình hình có khá hơn gì? Dân tộc vẫn chia rẽ, vẫn chưa hình thành nổi một mái nhà chung cho mọi đứa con, những đứa con tài năng thì bị gạt bỏ, bị vùi dập trong khi những tội đồ, những kẻ phạm giới, cái bọn hủy hoại tiền đồ dân tộc thì lại hiu hiu tự đắc trong ánh màu lòe loẹt của vinh quang giả tạo. 

Trong cái cảnh bát nháo đó thì, như là giọt nước tràn ly, “giáo hội” lại hành động như thể một tên chỉ điểm, kêu gọi nhà cầm quyền phải có biện pháp với một công dân đơn thuần chỉ bởi người đó chỉ hành đạo một cách bình thường theo lời Phật dạy, gạt bỏ những cám dỗ của lợi danh, gạt bỏ sân si và lầm lũi khất thực dọc theo chiều dài của đất nước.

Tôi nghĩ đến Chí Phèo của Nam Cao, khi anh ta gầm lên “Ai cho tao làm người lương thiện” rồi vung dao hạ sát tên cường hào Bá Kiến. Còn cái gọi là “giáo hội” ấy, với cái công văn ô nhục đã nói, chẳng đã nghiến răng với một kẻ đơn thuần bước theo những dấu chân của Đức Phật chứ không chịu xăng xái trong những cung điện lòe loẹt ánh bê vàng: “Ai cho mày tu thân!”?

Và tôi nghĩ đến “Xứ Mù”, một truyện ngắn giả tưởng của Wells, ra mắt vào đầu thế kỷ 20. Đó là một thung lũng sâu, một xứ sở giả tưởng ở miền sơn cước Ecuador, nơi con cháu của những người đào thoát nền cai trị hà khắc của thực dân Tây Ban Nha từ nhiều thế kỷ trước sinh sống. Trải qua nhiều thế hệ, họ bị cô lập hoàn toàn với nhân loại sau một biến động địa chất và, do một dịch bệnh, toàn bộ dân số bị mù, di truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, hoàn toàn không biết rằng con người còn có một giác quan khác là thị giác.

Nhân vật chính lạc vào xứ sở này sau một tai nạn té núi, đem lòng yêu một cô gái ở đây và quyết định chọn nơi này làm quê hương nhưng không thể nào hòa nhập, thậm chí còn suýt bị tùng xẻo hai con mắt. Kể về quê hương mình, về cái thế giới lung linh sắc màu, anh ta bị người yêu cho là bất bình thường và, sau đó, bị cả xứ cho là mất trí, là điên khùng bởi họ không thể nào tin rằng đời này lại có những thứ như… ánh sáng, màu sắc. Đáng sợ hơn, họ còn cho rằng phải chữa trị cho anh ta, phải móc hai con mắt của anh ta ra vì đó là cội nguồn của vấn đề và, đến tình thế này, nhân vật chính phải gian nan tìm cách bỏ trốn bởi, dẫu bị mù, khứu giác và thính giác của cư dân xứ mù rất là tinh nhạy. 

Đó, phải chăng, cũng là phản ứng của các chức sắc của cái “Giáo hội Phật giáo” nói trên khi đòi chính quyền trừng trị nhà sự khất thực, rồi kỷ luật những sư tăng dám bênh vực ông ta? Dân xứ mù khăng khăng rằng làm gì có những thứ như hình sắc còn họ thì hành xử như thể không tin rằng, trên cõi trần này, lại có nhà tu hành không hề vướng víu lợi danh. 

Nếu đạo cũng là một phần của đời thì người Việt hiện tại cũng sống trong một giai đoạn quái đản như thế bởi bất cứ ai dám bộc lộ rằng mình sáng mắt hơn, bộc lộ sự bức xức trước hiện trạng tối tăm và bất bình thường của đất nước thì, nhất định, sẽ bị cô lập, sẽ phải đối phó với vòng vây của sự đánh hơi và rình mò để, nếu cần, sẽ bị “tùng xẻo” để phải mù lòa và bất bình thường theo.

Sống trong xứ mù mà đòi hỏi sự khai sáng thì sẽ bị cái thế lực ký sinh vào tình trạng tối tăm ấy loại trừ, rút phép thông công. Để tồn tại, và để “thành công” trong một xứ sở như thế, thì phải vờ vịt mù lòa, phải đóng kịch tăm tối, giống như một Chế Lan Viên biết là bánh vẽ nhưng cũng vờ vịt nhấm nháp như là bánh thật. [6] 

Và đó vẫn tiếp tục là cái đau, cái khốn nạn của quê hương ta. Khi con người không dám sáng mắt lên thì bao giờ đất nước mới bước qua vòng tăm tối?

Nguyễn Hoàng Văn 

———————

Tài liệu tham khảo 

  1. https://phatgiao.org.vn/giao-hoi-pgvn-thong-tin-ve-hien-tuong-su-thich-minh-tue-d83662.html

Văn bản do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ngày 16/5/2024: “Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

  1. Tô Hoài (2020), Tự Truyện, NXB Kim Đồng, trang 278
  2. Tô Hoài, sđd, trang 279.
  3. Tô Hoài, sđd, trang 282-284.
  4. Từ đầu thế kỷ 19 nhà Nguyễn chủ trương sách Nho học độc tôn nên Phật học bị hạn chế, chùa có mặt trên khắp nước nhưng họat động riêng rẽ theo truyền thống “sơn môn”. Thiền sư Khánh Hoà là người đầu tiên đề xướng việc thành lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất trên toàn quốc nhưng do điều kiện, chỉ bắt đầu từ Nam bộ trước. Năm 1930 ông vận động thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn ở Sài Gòn và hai năm sau phát hành tạp chí Từ Bi Âm. 

Năm 1932 thiền sư Giác Tiên thành lập Hội An Nam Phật Học tại miền Trung, cử Bác sĩ Lê Đình Thám làm hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm, Huế.

Năm 1935 Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời tại Hà Nội, do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, hội xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ.

Trong nỗ lực xây dựng một giáo hội thống nhất trên tòan quốc, năm 1951 các tổ chức Phật học tiến hành đại hội tại Huế và thành lập “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”, bầu Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội trưởng.  Nhưng ba năm sau thì đất nước chia đôi theo Hiệp định Geneve 1954. 

Tại miền Bắc, năm 1958 các hội thuộc Tổng hội Phật giáo cũ tập hợp lại và thành Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, do Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng, đặt dưới sự giám sát của nhà nước. Hòa thượng Thích Trí Độ cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên tục từ khóa 2 đến khóa 5, có chân trong Thường vụ Quốc hội; cũng là ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc từ năm 1955 đến khi qua đời vào năm 1979.

Tại miền Nam thì năm 1964 các tổ chức thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Một thời gian ngắn sau thì giáo hội bị tách làm hai với Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự và Giáo Hội Ấn Quang. 

Về vấn đề đào tạo tăng tài và kỷ luật tăng phạm giới thì nổi bật vai trò của Bs Lê Đình Thám, thủ khoa tại trường Y Hà Nội năm 1916, năm 1930 đậu ngạnh bác sĩ khoa Pháp. Ông là em ruột Bác sĩ Lê Đình Dương, người phụ trách vụ khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội tại Quảng Nam và Quảng Ngãi năm 1916. 

Ông sọan chương trình Phật học để áp dụng tại Trường An nam Phật học với mục tiêu đào tạo tăng sĩ cho Giáo hội Trung kỳ với có ba cấp tiểu học, đại học và cao học, mỗi cấp kéo dài 5 năm; xong tiểu học được thụ “Sa di giới”, xong đại học được thụ “Tỳ khưu giới”.

Về vấn đề “chỉnh lý tăng giới” ông đề nghị thành lập một “Hội đồng luật sư” gồm có những bậc tăng già tinh thông giới luật để giám sát giới hạnh của tăng chúng. “Luật sư” ở đây nghĩa là người tinh thông giáo luật của giáo hội chứ không phải “luật sư” ở tòa án. Ngoài uỷ ban trung ương còn có những ban địa phương đặt tại các tỉnh: những ban này gồm có năm vị gọi là luật sư. Mỗi tỉnh được chia ra nhiều địa phận, mỗi địa phận có một vị luật sư giám sát. Khi có thông báo về sự vi phạm giới luật của một sư tăng thì vị luật sư phải đến tận nơi để điều tra để trình lên Hội đồng Luật sư.

Để thực thi giáo luật, các luật sư phải nắm vũng các nguyên tắc:

 – Không nhận người phá giới làm tăng sĩ.

– Phá bỏ những điệp qui y thụ giới do các ông thầy tu nói trên cấp cho.

– Công bố sự phạm giới của tăng sĩ.

 – Bảo hộ và cúng dưỡng các vị tinh nghiêm.

– Không tham dự vào công việc không phù hợp với Phật pháp…

6. 

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp.

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Đêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi,

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm…

(“Bánh Vẽ”, Chế Lan Viên, 8/1991)