Nguyễn Hưng Quốc: Chia tay Khánh Trường (1948-2024)
Tôi không thể nói tôi là bạn của Khánh Trường. Tôi gặp anh chỉ có một lần. Tôi có nhiều dịp qua California nhưng không thấy có nhu cầu đến thăm anh. Dù vậy, ở một phương diện nào đó, tôi cũng có thể nói quan hệ giữa anh và tôi khá gần gũi. Có sách gì mới, anh cũng đều gửi tặng tôi. Có khi, nhận được, tôi gửi lời cám ơn; nhưng cũng có khi, bận quá, tôi im lặng. Anh vẫn cứ gửi. Cảm động nhất là khi anh làm tờ Hợp Lưu (1991), tờ tạp chí văn học thuộc loại sáng giá nhất ở hải ngoại. Lúc ấy, tôi mới từ Paris sang Úc định cư. Đất nước mới, văn hoá mới, ngôn ngữ mới và công việc mới, tôi bận đến ngộp thở. Giữa lúc ấy, Khánh Trường gửi các số Hợp Lưu cho tôi. Tôi cứ để tờ báo trên kệ, không có thời gian để đọc. Và im thin thít, không những không có bài cộng tác, mà còn, thậm chí, cả một lời cám ơn cũng không có. Vậy mà anh vẫn cứ gửi báo. Từ năm này qua năm khác. Nhờ đó, tôi có đầy đủ toàn bộ Hợp Lưu từ số đầu đến số cuối. Mỗi lần nhìn chồng báo cao ngất trên kệ, tôi rất cảm kích trước sự kiên nhẫn và hào sảng của anh.
Khánh Trường viết nhiều, từ thơ đến truyện ngắn và truyện dài, hơn nữa, anh còn vẽ tranh và là một trong những người trình bày bìa sách đẹp nhất ở hải ngoại. Tuy nhiên, tên tuổi của anh chủ yếu gắn liền với tờ Hợp Lưu. Đó là một trong bốn tờ tạp chí văn học nổi tiếng nhất ở hải ngoại, bên cạnh tờ Văn của Mai Thảo, Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và Tạp chí Thơ của Khế Iêm. So với ba tờ kia, Hợp Lưu có phần nhỉnh hơn. Báo đẹp hơn, bài vở phong phú và mới mẻ hơn. Báo cũng quy tụ nhiều người viết hơn. Chính vì vậy, năm 1994, sau hơn ba năm ngưng bút, khi bắt đầu viết trở lại, tôi đã quyết định gửi cho Hợp Lưu, dù về phương diện tình cảm, tôi thân với Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác hơn. Điều đặc biệt, với những bài ấy, tôi ký tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn thay vì Nguyễn Hưng Quốc như thường lệ. Trên Hợp Lưu số 21 (tháng 2.1995), Khánh Trường công khai hoá chuyện bút hiệu của tôi:
“Qua ba bài viết vừa rồi, nhiều độc giả thư, điện thoại về toà soạn, hỏi: Nguyễn Ngọc Tuấn là ai? Sau nhiều đắn đo, toà soạn quyết định công khai (rất mong tác giả không phiền lòng): Nguyễn Ngọc Tuấn là tên thật của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, một tên tuổi không xa lạ với độc giả trong ngoài nước. Từ ngày giã biệt Paris (Pháp) sang định cư và giảng dạy tại Đại học Victoria, Melbourne, Úc châu, Nguyễn Hưng Quốc ngưng viết một thời gian, công việc giảng dạy chiếm của ông khá nhiều thời gian, phần khác, ông muốn đọc, suy gẫm và tìm kiếm một phương pháp phê bình, nghiên cứu khác.” (tr. 31)
Cũng trong Lời toà soạn ấy, Khánh Trường nhận xét về mấy bài viết mới của tôi:
“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một lý thuyết mới về thơ mang tính sáng tạo, chứ không phải việc lặp lại ý kiến của người trước. Lý thuyết này đúng hay sai, có lẽ còn quá sớm để kết luận. Duy một điều cần ghi nhận: đây là nỗ lực đầy thiện chí, nhằm giúp giới cầm bút Việt Nam sớm vượt qua tình trạng trì trệ trong tư tưởng văn học hiện nay.”
Năm 2001, Khánh Trường bị tai biến; năm sau, anh lại bị tai biến lần nữa; năm sau nữa, anh cũng lại bị tai biến. Hậu quả của những lần tai biến ấy, cộng với nhiều chứng bệnh khác, anh phải ngồi xe lăn, tay chân cử động rất khó khăn. Viết trên computer, anh chỉ sử dụng được một ngón tay duy nhất. Vậy mà anh vẫn viết. Hơn nữa, viết mạnh. Trong năm bảy năm gần đây, hầu như năm nào anh cũng có sách mới, có năm đến 2,3 cuốn, cuốn nào cũng bề thế. Và hay. Không phải cực kỳ xuất sắc. Nhưng vẫn hay. Trên trung bình rất xa. Chúng làm cho sự nghiệp viết lách của Khánh Trường thêm dày dặn hơn.
Bây giờ thì anh đã buông bỏ hết. Cầu anh thanh thản ở nơi xa xôi, nơi anh không còn phải chịu đựng những cơn đau đớn về thể xác như đã từng trong suốt hơn 20 năm vừa qua.
Nguyễn Hưng Quốc