Nguyễn Ngọc Chu: Hãy làm giàu văn hóa Việt

1. CÁC NHÂN TỐ TRỤ CỘT TRONG TÊN GỌI ĐỊA PHƯƠNG 

Đặt tên cho một địa phương, không đơn giản chỉ theo ý thích hay mệnh lệnh của ai đó, càng không phải việc làm cho qua chuyện. Lịch sử Đông – Tây cho thấy tên gọi một địa phương thường được xác định bởi các yếu tố sau.

• ĐỊA LÝ – liên quan đến đặc điểm tự nhiên, như sông suối, núi rừng, cảng, cửa sông, bến nước, biển đảo… Thí dụ: Sơn Đông (Shandong) – “phía đông núi Thái Sơn”; Hà Nam (Henan) – “phía nam sông Hoàng Hà”; Hiroshima (広島) – “hòn đảo rộng lớn”; Osaka (大阪) – “sườn đồi lớn”; Frankfurt am Main – “Frankfurt bên sông Main”.

• LỊCH SỬ – phản ánh lịch sử dân tộc, thời đại, vương triều, chiến tranh hay xung đột… Occitanie (nơi có phong trào Cathar, bị đàn áp trong cuộc Thập tự chinh Albigensian); Tân Cương; Mãn Châu; Alsace-Lorraine (Alsace-Moselle) – vùng đất từng bị thay đổi chủ quyền nhiều lần giữa Pháp và Đức.

• VĂN HOÁ – liên quan đến văn hoá bản địa, tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc… Normandie – vùng đất của người phương Bắc”; Sachsen (Saxony) – từ bộ tộc người Sachsen; Nội Mông – vùng sinh sống của người Mông Cổ.

• NGƯỜI SÁNG LẬP – các nhà khai phá, phát hiện, thám hiểm, lập nghiệp…Thí dụ Ludwigshafen -“Bến cảng của Ludwig” – đặt theo tên Vua Ludwig I xứ Bayern (Bavaria); Hokkaidō (北海道)- Tên do Matsuura Takeshirō – nhà thám hiểm thời Minh Trị – đặt ra vào năm 1869.

Về cơ bản, qua danh xưng của một địa phương, có thể nhìn thấy xuyên suốt trong đó 3 trụ cột là ĐỊA LÝ, LỊCH SỬ và VĂN HOÁ.

2. ĐÁNH SỐ KHÁC VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ 

Đánh số (số nhà, biển số xe, số thứ tự xếp hàng) không phải là ‘Chuyển đổi Số’ (Digital Transformation). Số nhị phân đã được Gottfried Wilhelm Leibniz phát minh từ năm 1703 (trong công trình “Explication de l’Arithmétique Binaire”). Đến năm 1945, máy tính điện tử ra đời, báo hiệu khả năng ứng dụng to lớn của số nhị phân. Nhưng chỉ đến giai đoạn hiện nay, khi mà công nghệ cho phép dữ liệu lớn được truyền tải với tốc độ nhanh, hệ thống máy tính có tốc độ khổng lồ xử lý được dữ liệu lớn với thời gian thực, thì ‘Thời đại Số’ (Digital Age) mới đạt đến sự phát triển rực rỡ. Và khắp nơi kêu gọi ‘Chuyển đổi Số’. Ghép tên địa phương với số thứ tự không phải là ‘Chuyển đổi Số’.

3. TÊN GỌI NÊN “CÓ HỒN”

Không chỉ nhìn thấy các trụ cột “ĐỊA LÝ, LỊCH SỬ, VĂN HOÁ” mà tên gọi của một địa phương, trong suy nghĩ của không ít người, nếu tốt nữa là phải “CÓ HỒN”, phù hợp “phong thuỷ”. Chẳng hạn như “Thăng Long”, “Phú Xuân”.

Đến một lĩnh vực như quân đội, thường phải gắn với số hiệu vì quá đông và cho dễ nhận biết, mà tên gọi vẫn thể hiện “CÓ HỒN”. Chẳng hạn trong quân đội Hoa Kỳ có các tên như: “Sư đoàn Bộ binh số 3 Tảng đá sông Marne (3rd Infantry Division Rock of the Marne), “Sư đoàn Bộ binh số 25 Sét Nhiệt Đới” (25th Infantry Division Tropic Lightning), Sư đoàn Không vận số 101 Đại bàng Gầm thét (101st Airborne Division Screaming Eagles). Hay như chiến đấu cơ F-22 Chim săn mồi (Raptor), F-35 Tia chớp II (Lightning II), F-15 Đại bàng (Eagle).

Một tên gọi “có hồn” vẫn tốt hơn những cách gọi “vô hồn”.

4. CẦN PHẢI THAM VẤN

Việc đặt tên cho một địa phương không thể hỏi ý kiến toàn thể các thành viên của địa phương. Vì sẽ thành “Đẽo cày giữa đường”. Nhưng cần phải tham vấn đúng người.

Năm 1962, khi khi sáp nhập Bắc Ninh và Bắc Giang cụ Hồ Chí Minh đã tham vấn cụ Nguyễn Đình Ngân về đặt tên tỉnh mới. Cụ Nguyễn Đình Ngân gợi ý là “Hà Bắc”: “Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều có chung chữ Bắc. Chữ ấy có ý nghĩa về lịch sử và địa lý thì ta nên giữ lại. Chữ thứ hai thì ta nên cân nhắc, tỉnh mới gần thủ đô Hà Nội, quanh thủ đô đã có Hà Đông và Hà Nam, thì nay gọi Hà Bắc là thuận”. Và cụ Hồ đã nói: “Cảm ơn cụ, tôi đã nhờ đúng người. Tên ấy hợp lắm, tôi sẽ báo cáo lại Chính phủ” [1].

Đến cụ Hồ mà còn phải nhờ người tư vấn, thì thấy việc đặt tên cho địa phương sau sáp nhập là việc làm phải cẩn trọng. 

5. HÃY LÀM GIÀU VĂN HOÁ VIỆT 

Nhiều địa phương đã thức tỉnh. Bỏ cách gắn số sau tên. Gắn số sau tên địa phương không phải là cách lưu giữ tên. Nó làm nghèo văn hoá Việt.

Không có nước nào, dù là chính quyền địa phương 2 cấp hay 3 cấp, lại xé nhỏ thành phố thành các chính quyền địa phương mà thành phố không có chính quyền. Đức có 3 thành phố ngang bang, 106 thành phố ngang huyện và 1950 thành phố trực thuộc huyện. Nhật có Tokyo ngang tỉnh, 2 phủ Kyoto và Oasaka hầu như ngang tỉnh, 20 chính lệnh thành phố gần ngang tỉnh, 62 thành phố trung tâm và 734 thành phố thường trực thuộc tỉnh. Mỗi thành phố là một thực thể thống nhất, có chính quyền thành phố.

Trong hoàn cảnh bị chia nhỏ, Đà Lạt có cách giữ tên hợp lý. Xuân Hương – Đà Lạt, Cam Ly – Đà Lạt, Lâm Viên – Đà Lạt, Lang Biang – Đà Lạt, có thể hiểu đều thuộc Đà Lạt. Người Việt và du khách nước ngoài vẫn có thể nghĩ Đà Lạt là một thành phố.

Cờ đến tay ai người đấy phất. Hợp rồi tan. Tan rồi hợp.

Các phường thành lập sau sắp xếp của TP Đà Lạt đều gắn với tên gọi Đà Lạt. Nguồn ảnh: Báo Người Lao Động

Nguyễn Ngọc Chu

—————-

Tư liệu dẫn:

Cụ Nguyễn Đình Ngân hiến kế đặt tên tỉnh Hà Bắc, Bắc Giang

Tên Đà Lạt có trong 5 phường sau sắp xếp, sáp nhập, Thanh Niên