Nguyễn Nguyên: Đọc tha hương ngẫm ly hương
“Quê nhà xa lắc, xa lơ đó”
(Hành Phương Nam / Nguyễn Bính)
“Người tha hương” – thi tập được xuất bản năm 2024 của Khuất Bình Nguyên – đụng chạm đến vấn đề nóng của con người đương đại. Có lẽ chưa từng có thời điểm nào trên quả đất này, người tha hương lại nhiều đến thế như hôm nay.
*
Tha hương vốn là câu chuyện thường tình theo lẽ tự nhiên. Ngôi nhà, quê hương làm sao đủ không gian để người người nhà nhà sinh tồn đời đời kiếp kiếp. Rời quê hương đến với những miền đất nhiều cơ hội sinh kế, phát triển là con đường phải bước của mỗi cuộc đời. Khuất Bình Nguyên làm sao ngoại lệ. Có điều anh được quyền chủ động tha hương.
Rời cổng làng, Bình Nguyên tao ngộ Quang Thiều vào một ngày cuối ngâu, cùng đi theo tiếng chuông nguyện cầu thánh thót như giọt ngâu nhòa bớt nỗi trang thơ nhòe ướt. Tới Quy Nhơn thăm biển Tuy Hòa tìm chàng thi sĩ đồng trinh, ăn vận toàn trăng, uống cạn 39 mùa trăng hạn, câu thơ đẹp như mắt bồ câu trong hốc đá thành lời thành nhạc nhã ca “Cả đời thắp nến lo trăng rụng/trăng sáng không lời nến lệ rơi”. Gặp Nhã Nam tháng 10 mông lung cõi vô cùng, nơi cửa biển ngàn ngàn trang sách sóng bởi một người sống chết ở Nhã Nam. Gặp Huy Thiệp cuồn cuộn khắc khoải trong tài mệnh đời người. Gặp Hoàng Cầm mưa để lại cho đời khối tình trong lá diêu bông ma mị. Đi xa hơn, Bình Nguyên gặp sóng Thái Bình Dương phủ triền miên nỗi xót thương từ châu Phi xa vời tới chân thành phố San Francisco do ngự trị đang cùng người da đen xin ăn theo cách duy nhất trên cõi trần không khóc cười, không gảy đàn ca hát, chỉ úp mặt vào đất. Gặp Vơnidơ “sóng chuông nghiêng ngả tha hương” thiên chúa đeo vào vòng tay du khách. Gặp người đồng hương tha phương miền băng giá của chú lính chì, em bé bán diêm không biết tự bao giờ, mãn nguyện tìm thấy bóng mình trên tuyết lạnh khi que diêm cuối cùng bao diêm Việt thần diệu sáng lên.
Thậm chí, Khuất Bình Nguyên còn thấy ngài Tổng thống “mỉm cười gửi súng ra đại dương” làm “quả đất nhỏ nhoi như số phận con người/ mù lòa vì lửa bom nguyên tử”; lắc đầu cười trong “mù mịt khói thiêu người”; phút chốc nhạt thếch ao bèo vô danh mãn nhiệm. Nhân gian còn lại nụ cười “chiếc lá bồ đề ngả nghiêng không rụng” người mẹ ban cho, dẫu chẳng thể ngủ yên từ tấm bé (Lá bồ đề). Ngả đường này dẫn Khuất Bình Nguyên đến với dòng sông người di cư triền miên trong bóng đêm lịch sử, khi người châu Âu xích xiềng nô lệ đi tìm vùng đất mới, tới ngày người di cư chìm nổi biển trời Âu, dây thép gai vươn dài biên giới Hoa Kỳ. Trong khi thế giới đa cực hiển nhiên như vạn vật hệ thái dương nương vào lực hút lẫn nhau mà tồn tại.
Tha hương giúp trái tim thơ Khuất Bình Nguyên thêm khắc khoải, thẳm sâu với xứ Đoài quê trăng. Dường như anh đều muốn nhìn tới tận cùng những gì vương vào mắt, lắng vào tâm.
“Về làng mở cổng làng ra/Bao nhiêu xưa cũ nhà nhà trăng trăng”; “Lênh đênh vô định tháng ngày/Sông xưa sóng vỗ vỗ đầy hoàng hôn”; “Tôi heo may giữa phong trần/Ngổn ngang lối cũ bước gần bước xa”(Giọt chiều);
“Tôi mang mùa Thu/Liệng xuống hồ xoay tròn theo chiếc đĩa/mong mai sau dẫu chỉ một người/ nhặt được mảnh đời nặn bằng mưa nắng/xao xác vàng gió thổi chưa nguôi” (Kể chuyện một nhà văn);
“Hạt mưa lưu đầy long lanh giấc mơ/Vỡ đến nghìn lần đi tìm sự thật/Bỗng một sớm niềm vui ngây ngất/Nhận ra mình lăn lóc giữa cằn khô/Hạt mưa nào trên ngực áo ngày xưa” (Hạt mưa).
Trong phiêu du, mọi thân quen, từ cổng làng, trăng quê, mẹ cha và người cùng thời đều đã xa hơn cả ngày xưa “cổng làng xưa/xa hơn cả thời xưa”;“Trăng xứ Đoài xa hơn cả thời xưa”. Dẫu có “Khao khát làm người nhà quê/vốc nắm đất quê nhà bỏ vào túi áo” thì anh vẫn biết “Tôi không phải là người nhà quê/Đội mưa bốn mùa/áo tơi nón lá/đâu rồi người của ngày xưa” (Xa hơn cả ngày xưa). “Mang theo quê hương đi tìm sự thật” Khuất Bình Nguyên dường như luôn chạm đến cái cuối cùng của một điều gì đó. Một “hạt mưa cuối cùng trong vắt mùa ngâu/Đọng lại giọt tháp chuông nhà thờ long lanh sườn núi vắng/Giữ lại niềm tin không thể nào mất được thuở ban đầu” (Giọt mưa ngâu cuối cùng) trong cả một trời “mưa mưa phùn tụng kinh miên man/Đâu phải để trần gian than thở/Hạt mưa phùn cuối cùng bỡ ngỡ/chỉ một mình đưa rét sang sông” (Đưa rét sang sông) để nhận ra “Bao nhiêu năm hoa sữa lỡ mùa/Bao nhiêu người một lần dang dở/Trách gì Hạ hẹn nhầm mùa sữa nở/Hương mùa Thu không biết dối lừa” (Hoa sữa lỡ mùa). Thương làm sao loài hoa mía sượng sùng bởi “Ngọt ngào quá bỗng dưng thành ruột bấc/Lỡ thì thôi đành nở vội cho xong” (Hoa Mía).
Như muôn người, Khuất Bình Nguyên trở về nhà, trở về bản thân mình qua cây cầu quê han gỉ: “Lật đật soi mình vào mắt người thân/nơi có thể tắt đi một tia lửa nhỏ nhoi hy vọng”. Đi đến cùng “Bao đớn đau chẳng ngờ giáp mặt/một sớm mai lặng ngắt nhân tình/Bóng mây ác quay cuồng trời đất/Tóc đã cằn kịp bạc cuộc nhân sinh”, thi sĩ trở nên dẻo dai bền chặt, tĩnh lặng an nhiên “Không phải vàng qua cửa trần gian/nghìn câu thơ có một câu thơ được nhớ/Triệu lá rừng rơi chỉ một chiếc rơi vào giấc ngủ/Mới hay rừng cô đơn lâu quá ở thượng nguồn” (Lá gửi trần gian). Điều này không chỉ dành riêng cho nghiệp thi nhân, mà còn cho cõi người. Chấp nhận điều này, Khuất Bình Nguyên trở nên “trẻ thơ suốt cả cuộc đời” cùng với thành phố già ngàn năm tuổi đang sống thêm ngàn năm tuổi nữa. Cũng nhờ đó mà tinh khôi “Sông mưa chưa đi ra bể/Long lanh nghìn giọt giữa đời/Giọt mưa trong lành sinh tử/Suốt đời làm giọt mưa thôi”; nhờ đó mà được yêu thương đến độ “Rừng Ba Vì biết tôi còn nông nổi/Nên bao in dấu chân người” (Tự khúc tháng ngày).
387 năm sau ngày người tha hương có lẽ đầu tiên của xứ Đoài – sứ thần Giang Văn Minh ngẩng cao đầu trước nhà vua phương Bắc “Sang sảng Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (năm 1637), Khuất Bình Nguyên có một “Người tha hương” (2024) lay động trái tim người!
Nói Khuất Bình Nguyên tha hương thành công cùng khổ đau, hạnh phúc liệu có sớm không?
*
Không may mắn như Khuất Bình Nguyên, còn nhiều cách tha hương vì cuộc đời xô dạt bất đắc chí. Đỗ Quyên là một trong số ấy. Chàng “sinh viên lượng tử” phút chốc trở thành “kẻ lang thang không hẹn trước ai, không biết đợi chờ ai” miền giá lạnh Canada. Tự coi mình là một trong những “Ai là ai thời thế hại anh hùng”, thoắt cái anh đã có nhiều chục năm sống chết với văn chương. Điều đáng nói là trong cái bi phẫn của anh hùng bị hại, văn chương của anh không nguôi hướng về đất nước hình chữ S. Gần đây nhất, trường ca thứ 18 của Đỗ Quyên mang tên Quần-đảo-tráo-tên (tháng 10/2024) là minh chứng nóng hổi về nỗi niềm cố quốc ấy.
Lời lời chữ chữ chương hồi của trường ca thấm đẫm bi thương về một đất nước dẫu đã thống nhất giang sơn hơn nửa thế kỷ, mà hòa bình vẫn chưa trọn vẹn. Lại vẫn ngoại bang phương bắc không từ bỏ dã tâm chiếm trọn biển Đông, dù đã cướp cạn quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa trong “hai lần xâm lược”. Nỗi đau đó gắn liền với sự tàn nhẫn của “bà già thua kẻ cướp”. Xương máu những người lính Việt ngày nay nhòa vào máu xương chiến binh thời Nguyễn bảo vệ đảo từ ngàn năm trước chưa bao giờ nguôi ngoai trong con dân đất Việt. “75 liệt sĩ anh hào/đảo xanh máu đỏ sóng gào đòi tên”; “Cát vàng trời bể mênh mông/người đi thì có mà không thấy về/vàng cát mây nước bốn bề/tháng Hai khao lề thế lính đảo xa”.
Nỗi đau này đã kết nối Đỗ Quyên với lớp lớp thi nhân Việt đã và đang từng cùng nhau góp sức chở che “biển đảo đa đoan” của Tổ quốc. Dường như nhờ thế, Đỗ Quyên đã tạo cho mình cơ hội trình làng liên kết trong trường ca này những áng văn thơ đẹp nhất của nhiều tác giả khác về biển đảo.
“Hỡi quần đảo cuối trời xanh/như trăm hạt thóc vãi thành đảo con/hỡi chùm đảo bỗng chẳng còn/làm chùm trái quý cho non nước nhà”;
“Bể đau thương sâu thẳm bể oai hùng/bể lặng im nuôi dông bão bất thần/hưng vong thế vẫn mỗi ngày hồi phục/bể nghìn đời mà mãi mãi thanh tân”;
“Lòng anh cơn nước đang ròng/biển đau rút ruột cua còng chỏng chơ/lấy khăn mà gói bơ vơ/tay cầm nước mắt bao giờ sóng lên/gặp minh mang cũng mênh mông/nắng qua bao đảo mà không nhạt nhoà”;
“Trong anh và em hôm nay/đều có một phần Quần Đảo/khi hai đứa cầm tay/Quần Đảo trong chúng mình hài hoà nồng thắm/khi chúng ta cầm tay mọi người/Quần Đảo vẹn tròn to lớn/mai này con ta lớn khôn/con sẽ mang Quần Đảo đi xa/đến những tháng ngày mơ mộng/em ơi em Quần Đảo là máu xương của mình/phải biết bảo vệ/không thể san sẻ cho kẻ cướp/phải biết hoá thân cho dáng hình Đất Nước/làm nên Quần Đảo muôn đời…”
Đỗ Quyên không chỉ đắm đuối với những áng thơ đằm thắm nhất về biển đảo của thi nhân, mà còn thấm đẫm văn hóa dân gian lúa nước người Việt. Dẫu có dọc ngang tùy hứng, phóng khoáng ngang tàng cỡ nào, nhà thơ vẫn quấn quýt ca dao tục ngữ như một dòng hải lưu êm mượt giữa sóng gió biển khơi. Cùng với đó là phương ngữ, thành ngữ quá khứ hiện đại đều tràn ngập trường ca.
“Đảo xa khéo giữ thì bền/Nước nghèo khéo quản thì dân ấm đời /Trai khôn đem bể về nhà/gái dại vác cả đảo nhà theo trai”;
“Bể Đông có lúc vơi đầy/lòng đau mất đảo có ngày nào nguôi/bể Đông có lúc đầy vơi /đau lòng mất đảo có nguôi ngày nào”;
“Cái vòng biển đảo cong cong/người mong phòng vệ kẻ hòng tấn công/ cong cong biển đảo cái vòng/kẻ hòng bành trướng người mong thủ thành/biển đảo cái vòng cong cong/người mong yên vị kẻ hòng bá vương”;
“Có phải sầu vạn cổ/chất trong trường ca nay/tôi là người viết lách/mất đảo khó làm khuây/ngỡ lòng mình là biển/ngỡ hồn mình là mây/nhớ đảo nâng bút viết/sóng buồn bay lên đây”;
“Nhớ cho tôi một khối tình/thơ hay sao mải bóng hình nước non/mệnh người âu thói vuông tròn/vận Tổ quốc lẽ khôn lường tròn vuông”;
“Riêng với dân mình Quần Đảo/ngôn từ tâm khảm thiêng liêng /mỗi người tự ghi khắc sẽ /ánh lên vầng tự hào riêng”;
“Chữ Quần Đảo trời cao biển rộng/nỗi đoạn trường còn sống còn đau/trường ca gióng tới đời sau/hai miền Đảo mất ngang đầu trắng tang”…
Nói một người đau nỗi đau người Việt, thấm đẫm thơ văn Việt, văn hóa dân gian Việt kiểu Đỗ Quyên nơi hải ngoại chẳng ly hương chút nào nơi Quần-đảo-tráo-tên, liệu có đủ đầy?
*
Khác với Đỗ Quyên, còn nhiều người tha hương vì lẽ “bên này bên kia” ý thức hệ. Cuộc chiến đẫm máu hơn 20 năm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã làm cho người Việt cộng sản và không cộng sản đứng hai bờ chiến tuyến. Cuộc “bỏ chạy” của người Việt không cộng sản vào ngày đất nước thống nhất mãi còn là nỗi đau của dân tộc Việt. Là một trong những người ra đi, Du Tử Lê viết nhiều về con tim vật vã đến chỗ tận cùng của sự chia lìa. “Trường khúc Mẹ về biển Đông” của ông là khúc bi thương cô đọng nhất về sự thật đớn đau này. Sự ra đi của người mẹ nhấn ông chìm vào cuộc đời 85 năm bà nhẫn nại, cô quạnh vì chồng con, chưa phút giây được sống cho mình.
“Tội nghiệp mẹ tôi lúc chết vẫn còn phải nằm lại một mình/ vĩnh viễn một mình/ tôi tự hỏi anh Uyển, chị Trang hay Thầy tôi ở Việt Nam có qua đón lấy linh hồn bà? /một linh hồn gần thế kỷ long đong/ngay lúc sống đã tựa như thiên cổ”;
“Cái chết của mẹ tôi/tát cạn mọi hận thù trong tôi/có thấy mười hai năm qua, dường như chỉ mỗi tôi không phải/mỗi riêng tôi giết chết mọi người”;
“Tôi nhẩm đếm những đứa con có mặt/những đứa mất tăm/những đứa không được thông báo bà chúng chết/tôi chợt hiểu thì ra/con người hơn xa loài thú/ở chỗ có thể biến cả xác chết thành vũ khí trả thù/tấn công người ở lại”.
Bên quan tài mẹ, ông ao ước “Tôi muốn tin mẹ tôi đã lên cõi niết bàn/chí ít cũng trở về biển Đông/nơi đó bà đã ra đi/không lẽ kẻ lìa đời/nhục nhằn/từ mở mắt/lại không thể trở về/nơi tự đó, sinh ra”; “(Biển Đông tiễn mẹ tôi đi/liệu có đón bà về, cửa cũ?/cửa nghìn năm xanh một luỹ tre)/tôi nghĩ/không một bà mẹ Việt Nam nào muốn chết ngoài đất nước”.
Chiếc quan tài mẹ chuẩn bị rời đi, trí nhớ của Du Tử Lê trở về những ngôi nhà mẹ ông từng sống với đàn con mồ côi cha. Đó là ngôi nhà ven sông Đáy chứng kiến người con trai bà chết trên bờ ruộng bởi những viên đạn không hận thù mà “khoái trá” từ nòng súng người Tây đen Tây trắng vào ngày 3 Tết. Là ngôi nhà tản cư Do Lễ khi bà còn quá trẻ giữa một gia đình ly tán. Ngôi nhà phố Huế, ghi dấu người vợ góa cố làm mình tiều tụy để khỏi có lỗi với chồng; với lời ru con đêm đêm như ru chính đời mình ghẻ lạnh. Ngôi nhà Triệu Việt Vương lanh canh những quả trứng luộc cúng giỗ chồng con luôn dành cho Du Tử Lê ăn cùng hương tàn vương mùi nhang khói. Ngôi nhà Cát Dài (Hải Phòng) nơi bà buộc phải leo lên “chiếc xe Jeep nhà binh chạy thốc bến tàu khi thấy những đứa con đồng loạt khóc rống lên và lời hứa sau 3 năm tuyển cử sẽ đưa bà với mồ mả chồng con nơi Phủ Lý. Từ ngôi nhà Phan Bội Châu (Hội An) nơi dừng chân đầu tiên của cuộc tha hương lần thứ nhất… Từ đó đến ngôi nhà bến Bạch Đằng (Đà Nẵng), ngôi nhà Trương Minh Giảng (Sài Gòn), phút chốc 20 năm trời đằng đẵng bà chờ vẫn không thấy ngày tổng tuyển cử, chỉ thấy một cuộc chiến tàn khốc. Để đến ngày 29/4/1975 bà đã không cùng con di tản. “Hai mươi năm chờ đợi/Mẹ tôi chỉ mơ ngày bốc mộ chồng con”. Nhưng cuối cùng, một lần nữa khi đã “lòa trí nhớ” bà buộc phải ly hương lần thứ 2, tới tận ngôi nhà đường Ranchero Way (Hoa Kỳ). “Có rất nhiều cánh cửa ngó xuống dấu chân thứ nhất của mẹ tôi/từ biển Đông trở lại/về với cháu con”. Dẫu vậy “chưa bao giờ mẹ tôi có thể nghĩ rằng bà đã sống ngoài đất nước/hơn hai năm không thật/hơn hai năm: vẫn một quê nhà”. Tại ngôi nhà này, bà đã không còn chút sức lực nào đợi chờ ngày trở về, bà phải đi vào nơi không ai muốn nhất – bệnh viện, nhà quàn.
“Lần đầu tiên tôi đọc được nỗi kinh hoàng/trong đôi mắt mẹ tôi đã tựa những cùi nhãn đục/con gái tôi bật khóc/lúc buộc phải lui ra!”;
“Trí nhớ tôi là ngôi nhà trên đường Imperial Highway/ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ/có cánh cửa sổ ngó xuống những ống nylon chằng chịt/lồm cồm bò khắp thân thể mẹ tôi/cái thân thể có tới tám mươi lăm năm ở cùng đất nước/tám mươi lăm năm làm người Việt Nam chiu chắt/tám mươi lăm bất biến một mầu da/tám mươi lăm năm một xác thân/nếu cắt chia thành từng phần rất nhỏ/thì mỗi phần sẽ là một cảnh tượng đất nước thân yêu/từ Nam ra Bắc/cảnh tượng nào cũng ắp đầy xác chết!/cảnh tượng nào cũng vẫn một tên chung!”
Thi nhân thêm một lần đau đớn “xác mẹ tôi trên chiếc xe lăn có bánh cao su/xe máu xương Việt Nam chờ ngày tàn rữa/xe Việt Nam, biển có đưa về?”;
“Tôi ngồi trước mộ/Loma Vista/lần đầu tiên, không có người bên cạnh/lần đầu tiên tôi có cái khao khát được chui vào đất/nằm cùng mẹ tôi/vĩnh viễn/như những ngày thơ ấu/những ngày mới lớn/hằng đêm sờ tí bà để dỗ giấc ngủ/cũng lần đầu tôi hiểu/may mắn thay cho kẻ nào/còn được thấy mẹ mình/vẫn sống”;
“Mẹ một thuở thương đàn con khuất, lấp/nên hôm nay mất dấu quay về/trong thân xác đã khô, ròn máu đỏ/thịt da kia đành cũng bụi mù/những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước/ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam/không ai gọi, không ai còn nhắc nữa/dúm xương xưa tanh lợm, thiếu nguồn?”
Rời xa mộ mẹ 11 ngày, trên một chuyến bay muộn tới gặp người dì, người mà mẹ ông ao ước gặp nhưng vĩnh viễn không có cơ hội. Như một “mộ nổi” di động, Du Tử Lê toàn thấy hình bóng mẹ với những câu hỏi chẳng có ai trả lời “không định trước, tôi đã đi quá xa chỗ mẹ/và, ngày mai không biết có ai tìm?/ai sẽ hỏi: – Nghĩa trang này rất lạnh!/Ai nằm kia? Con cái ở đâu?”. Ông chỉ còn biết cầu khẩn: “Khung cửa vỡ. Ngó xuống đường trăn trở/biển Đông xin mở, đón: Mẹ tôi về!”
Hai năm sau “Trường khúc Mẹ về Biển Đông” (1990), đứa con xa mẹ Du Tử Lê tự viết cho mình những câu lời để đời:
“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/Vùi đất lạ thịt xương e khó rã/Hồn không đi sao trở lại quê nhà/Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/Bên kia biển là quê hương tôi đó/Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì” (Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển-12/77).
Cuối cùng, nhà thơ chỉ còn lại những giấc mơ trong “cõi mẹ về” là bóng dáng những con đường Hà Nam – Hà Nội, chuyển xe lửa khởi hành về Hà Đông quê mẹ, ngôi trường tuổi thơ, sóng biển Hải Phòng, Đồ Sơn, Vũng Tàu, Hà Tiên, Guam, Trại Một với người xa lạ tan nát từ tuổi thơ, người yêu mỏng tang xếp hàng chờ cơm miễn phí, rồi bùn lầy Cầu Ông Lãng tanh mùi cá ươn, mùi bùn, mùi mồ hôi, chim và núi, Quán Biên Thùy, những người con gái tên Thư, tên Lãm, tên Hựu, cái bệnh viện nơi mẹ chết mà “chưa từng ăn một cọng bún/một tô phở/một tô bánh canh một hột vịt lộn/một miếng cá chiên!”
Chắc rằng ở một đất nước (nói như Khuất Bình Nguyên “Một trăm năm tàn 4 cuộc chiến tranh” – Sáng thế kỷ) không thể ít những gia đình từng tha hương ngày một xa hơn không dưới một lần như gia đình Du Tử Lê. Nhưng Du Tử Lê cho thấy, tổ tông nguồn cội mới là sợi dây liên kết bền chặt nhất giữa con người với một dân tộc, một quốc gia; mới là gốc rễ sinh tồn sâu bền nhất của dân tộc và quốc gia đó.
*
Ngày Tết cổ truyền 2025 đang tới. Tôi thực lòng muốn biết gương mặt, ánh mắt hay nụ cười của Nguyễn Bính khi viết “Chị ơi em cưới mùa xuân nhé” vào cái ngày tha hương vì nghiệp thơ năm ấy…
Xuân Ất Tỵ 2025
Nguyễn Nguyên