Nguyễn Quốc Khải: Nghệ thuật nhiếp ảnh đen-trắng
Hình mầu được phát minh từ giữa thế kỷ XIX, khoảng bốn thập niên sau khi Joseph Niepce đã sáng chế tấm ảnh đen trắng đầu tiên của nhân loại vào năm 1814. Dương bản Kokachrome ra đời vào năm 1936. Từ đó hình mầu mau chóng ngự trị thế giới nhiếp ảnh. Mặc dù vậy, hình đen trắng, một loại hình một mầu (monochrome), với hai hay nhiều độ đậm nhạt (shade) khác nhau, vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Trên thực tế, môn hình đen trắng vẫn sống mạnh. Bộ hình bất tử của Ansel Adams (1902-1984) vẫn được ngưỡng mộ cho đến ngày nay một phần nhờ dạng đen trắng. Bất cứ một cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế nào cũng bao gồm thể loại riêng cho hình một mầu mà phần lớn là đen trắng. Ngoài ra trong các loại ảnh thiên nhiên (nature), du lịch (travel) và phóng sự (photojournalism) hình đen trắng luôn luôn được chấp nhận cùng với ảnh mầu.
Nhiều nhiếp ảnh gia coi môn nhiếp ảnh đen trắng là hình thức thuần khiết nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhìn từ góc cạnh nhiếp ảnh mỹ thuật, “mầu mô tả sự thật, đen trắng giải thích sự thật.” Từ ngày máy ảnh kỹ thuật số và đặc biệt loại là máy “nhắm và bắn” và điện thoại di động ra đời, hình mầu tràn ngập khắp nơi. Hình đen trắng trở nên tương đối hiếm hoi và có giá trị mỹ thuật cao nên được quý trọng vì chỉ có những người nặng tình với nghệ thuật nhiếp ảnh mới chụp hình đen trắng.
Vào năm 2008, Swann Galeries tại New York bán được 389 bộ hình thuộc Thế Kỷ 19 và 20. Trong đó gồm 364 bộ trắng đen. Nói chung trong khoảng nửa thời gian đầu của giai đoạn này, nhiều ảnh là đen trắng, tuy nhiên phải yêu chuộng nghệ thuật trắng đen người ta mới mua nhiều hình trắng đen như vậy. Nhiếp ảnh gia Michael Freeman nói “Nếu người nào coi trọng nhiếp ảnh thì sẽ lại càng coi trọng đen trắng hơn nữa.”
Ưu điểm của hình đen trắng
Hình mầu mô tả sự vật với mầu sắc thực trong thế giới quanh ta. Mầu có những ưu điểm riêng biệt. Mầu sáng nhanh chóng thu hút người nhìn. Mầu nói lên thời gian và ngay cả không gian. Lá vàng cho thấy đây là mùa thu. Những rặng núi đỏ và vùng đất đỏ mênh mông cho thấy nơi chụp hình là vùng sa mạc ở miền tây Hoa Kỳ. Mầu hồng tượng trưng cho sự ấm áp vui vẻ. Hình mầu nói lên sự tương ứng hay tương phản giữa các mầu khác nhau trong hình. Thí dụ mầu vàng (yellow) tương phản với mầu xanh dương (blue), nhưng tương ứng với mầu đỏ (red) hay mầu xanh lục (green). Đen trắng không có những khả năng như thế, nhưng cho chúng ta thấy một thế giới mới, siêu thực mà chúng ta không nhìn thấy hàng ngày.
Trong thế giới mầu hiện nay hình đen trắng vẫn phổ thông vì một số lý do sau đây:
1. Đen trắng làm nổi bật những đường nét (line), dạng (shape), hình thể (form), kết cấu bề mặt (texture), bóng (shadow), và độ đậm nhạt (shade / tone).
2. Đen trắng làm rõ sự sắp xếp (pattern) của đường nét và dạng.
3. Mầu sắc thường làm sao lãng sự chú ý (distraction) vào chủ thể. Trái lại đen trắng thu hút sự chú ý.
Nói một cách khác, một tấm hình được cấu tạo bởi những điểm, đường nét, dạng, hình thể, kết cấu bề mặt, và mầu. Nếu tách mầu ra, chúng ta sẽ làm nổi bật những thành phần còn lại. Khi mầu sắc không quan trọng, làm sao lãng hay phản lại chủ đề, hoặc những đường nét, hình dạng cần được nhấn mạnh, chúng ta nên sử dụng đen trắng. Nhiều nhiếp ảnh gia cho rằng hình đen trắng mỹ thuật, thơ mộng, và siêu thực hơn hình mầu. Theo kinh nghiệm bản thân của tác giả, một số hình mầu đổi sang đen trắng đôi khi đẹp hơn hẳn hình mầu nguyên thủy. Dạng đen trắng nhiều khi che dấu những khiếm khuyết của hình mầu, thí dụ sự đố kỵ của mầu sắc.
Đen trắng giúp cho nhiếp ảnh gia chụp hình trong mọi điều kiện về ánh sáng. Ánh nắng gay gắt giữa ngày hay khi trời có nhiều mây làm cho việc chụp hình mầu trở nên khó khăn vì làm hình mất chiều sâu và che dấu những đường nét và hình dạng, nhưng với đen trắng, chúng ta vẫn có thể có hình đẹp. Tuy nhiên điều kiện lý tưởng vẫn là khi mặt trời còn ở dưới thấp trong bầu trời.
Có một số chủ đề đặc biệt thích hợp với đen trắng như hình chân dung. Không có mầu, nên mọi chú ý dồn vào đôi mắt, vẻ mặt và kết cấu bề mặt của quần áo như hình đen trắng trên đây làm nổi bật vẻ mặt chăm chú của người nhạc sĩ. Những người già với những nếp nhăn trên da mặt là chủ đề lý tưởng của đen trắng. Chính vì vậy, nhiếp ảnh gia Ted Grant nói về sự khác biệt giữa hình mầu và hình đen trắng như sau: “Khi quý vị chụp hình người ta bằng mầu, quý vị chụp trang phục của họ. Khi quý vị chụp người ta bằng đen trắng, quý vị chụp hình tâm hồn của họ!” (When you photograph people in color, you photograph their clothes. But when you photograph people in black and white, you photograph their souls!)
Như đã nói ở trên, đen trắng rất thích hợp với phong cảnh vì làm nổi những đường nét, dạng (shape), và hình thể (form). Dạng là chủ thể nhìn theo hai chiều. Hình thể là chủ thể nhìn theo ba chiều. Trong hình của thành phố Casablanca ở Morroco nhìn từ khách sạn Hyatt về hướng Đại Tây Dương, nhà thờ Hồi Giáo Hassan II vĩ đại vươn lên khỏi đám nhà dân cư nhỏ bé nằm ngổn ngang ở bên dưới như thách đố cơn bão lớn lao đang ập tới. Đen trắng làm tăng độ tương phản giữa tiền cảnh và hậu cảnh, và làm tấm hình trở nên sống động hơn là hình mầu.
Đen trắng che dấu tất cả những rác rưởi ngổn ngang trên bãi cát và biến đổi đống đá xấu xí vĩ đại ngay ở tiền cảnh thành một ngọn đồi thơ mộng trong hình Mont St. Michel ở Pháp, làm cho tấm hình trông huyền bí và siêu thực hơn là hình mầu. Tác giả phải nói thật một điều là chưa bao giờ cho ai xem tấm hình mầu này cả. Trái lại hình đen trắng đã được bốn cuộc thi ảnh quốc tế chấp nhận và cho tham dự triển lãm. Nếu lưu ý một chút chúng ta sẽ thấy bầu trời của những hình trình bầy trong bài này đều có mây. Đối với đen trắng, bầu trời không mây trở nên nhàm chán. Mây là một phần quan trọng của hình phong cảnh đen trắng.
Cũng như đối với hình phong cảnh, đen trắng làm nổi những đường nét, dạng và hình thể của những công trình xây cất. Trong hình Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như hình Tử Cấm Thành của Trung Quốc dưới đây, đen trắng làm tăng chiều sâu và vẻ đẹp của những kiến trúc mỹ thuật này. Nhân dịp tổ chức Thế Vận Hội 2008, Tử Cấm Thành đã được chỉnh trang và sơn lại từ trong ra ngoài, nên nơi này đã bị mất mát ít nhiều vẻ đẹp cổ kính.
Hình phóng sự là một đề tài phổ thông của bộ môn đen trắng. Không bị mầu sắc phân tán, tất cả sự chú ý của người xem đều đổ dồn vào nguời cựu chiến binh Hoa Kỳ quỳ gối tưởng niệm người tử sĩ có tên trên bức tường đen. Ngay cả sau khi hình mầu ra đời, đen trắng tiếp tục ngự trị ngành truyền thông một thời gian dài tiếp theo đó vì kỹ thuật in hình mầu ở giai đoạn đó còn phôi thai, chi phí quá tốn kém, và thông tin lại cần sự nhanh chóng tối đa. Sau khi máy in dùng kỹ thuật offset color ra đời vào thập niên 1980 và Kodak sản xuất được những phim nhậy như Tri-X với ISO 400, hình mầu mới được sử dụng cho báo chí nhiều hơn.
Đối với mọi loại hình, độ nhậy ISO của bộ cảm biến (image sensor) trong máy ảnh càng thấp thì hình càng mịn. ISO càng cao, hình càng có nhiều hạt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với hình đen trắng vì những hạt này có khuynh hướng hiện ra rõ ràng hơn so với hình mầu.
Kỹ thuật đổi hình mầu sang đen trắng
Một số máy ảnh kỹ thật số (digital camera) cho phép người ta chọn lối chụp hình đen trắng hay hình mầu ngay từ máy ảnh. Tuy nhiên hình đen trắng cấu tạo theo cách này không luôn luôn làm người chụp hài lòng. Ngoài ra khi chụp hình trắng đen trực tiếp từ máy ảnh, mầu sắc sẽ biến mất, không thể phục hồi lại được. Cách tốt nhất là chụp hình mầu rồi dùng phần mềm đổi sang đen trắng. Như vậy người chụp hình lưu trữ được hình mầu để so sánh. Cách chuyển hình mầu qua đen trắng bằng Photoshop hay những phần mềm khác rất đơn giản và uyển chuyển với nhiều chọn lựa khác nhau, khiến hình đen trắng tạo ra phù hợp hơn với ý thích của người chọn. Các cuộc thi ảnh quốc tế xem hình mầu và hình đen trắng là hai bức hình khác biệt.
Có nhiều cách chuyển hình mầu sang hình đen trắng một cách giản dị và nhanh chóng. Bài này chỉ đề cập sơ qua về những kỹ thuật này mà không đi vào chi tiết. Tài liệu về đề tài này có rất nhiều trên Internet.
Phần mềm Photoshop CS6 có năm cách để đổi hình mầu sang hình đen trắng:
1. Image – Mode – Grayscale
2. Image – Adjustment – Desaturation
3. Image – Adjustment – Hue/Saturation
4. Image – Adjustment – Channel Mixer
5. Image – Adjustment – Black & White
Hai phương pháp đầu tiên khá đơn giản. Sau khi tải hình mầu lên, chỉ cần bấm con chuột ba lần theo thứ tự trình bầy ở trên là chúng ta có hình đen trắng. Với phương pháp Hue/Saturation khi giảm độ đậm (saturation) của tất cả các mầu xuống 0 cùng một lúc, chúng ta sẽ có hình đen trắng giống như phương pháp Desaturation. Khi cần có một hình đen trắng đẹp trong Photoshop, chúng ta không nên dùng ba phương pháp vừa thảo luận ở trên mà nên sử dụng một trong hai phương pháp sau đây.
Với phương pháp Channel Mixer, khi chúng ta chọn chức năng “Monochrome”, độ sáng tiêu chuẩn cho ba mầu đỏ, xanh lá cây, và xanh da trời sẽ tự điều chỉnh +40%, +40%, và +20% và hình sẽ tự động biến đổi qua đen trắng. Sở dĩ hai mầu đỏ và xanh lá cây nhiều hơn là mầu xanh da trời là vì con mắt của chúng ta nhận biết hai mầu này dễ hơn là mầu xanh da trời. Chúng ta có thể tự điều chỉnh thêm ba mầu này để có hình đen trắng ưng ý. Tuy nhiên tổng số điều chỉnh cần được giữ ở mức 100% nếu chúng ta muốn độ sáng của tấm hình đen trắng giống như hình mầu nguyên thủy.
Ngoài ra phương pháp Channel Mixer còn có chức năng tạo ra hình trắng đen với tác dụng của sáu kính lọc mầu khác nhau: hồng ngoại, xanh da trời, xanh lá cây, da cam, đỏ, và vàng. Thí dụ để tạo ảnh hưởng của kính lọc mầu vàng, độ sáng của ba mầu đỏ, xanh lá cây, và xanh da trời được ấn định là +34, +66, và 0.
Phương pháp sau cùng Black & White là phương pháp tác giả ưa chuộng nhất vì nó cho phép chúng ta điều chỉnh độ đậm của từng mầu trong sáu mầu khác nhau (đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh lam, xanh da trời, tím đỏ). Trong phần này hai từ độ đậm (saturation) và độ sáng (brightness) của mầu có cùng một nghĩa.
Một hình gọi là trắng đen, không có nghĩa là hình chỉ có hai mầu trắng và đen, mà có rất nhiều mầu xám nằm giữa trắng và đen. Trong mô hình mầu RGB (red, green, blue), mỗi mầu lại có nhiều giá trị (color value) từ 0 – 255. Đó là đơn vị đo độ sáng của mầu. Khi độ sáng của ba mầu đỏ, xanh lá cây và xanh da trời bằng nhau (R = G = B), chúng ta có mầu xám. Khi độ sáng của cả ba mầu R, G, và B cùng bằng 0, chúng ta có mầu xám nhưng tối quá không thấy được, nghĩa là chúng ta có mầu đen. Khi độ sáng của cả ba mầu R, G, và B cùng bằng 255, chúng ta cũng không thấy gì hết vì quá sáng, nghĩa là chúng ta có mầu trắng. Giữa độ sáng tối thiểu (0, 0, 0) và tối đa (255, 255, 255) của cả ba mầu R, G, và B chúng ta có 256 sắc xám (shade of gray) khác nhau. Như vậy khi chúng dùng những phần mềm để đổi mầu sang đen trắng (chính thực ra lá xám) chúng ta có muôn vàn hình đen trắng khác nhau để lựa chọn. Đây là một tính chất vô cùng mạnh mẽ của kỹ thuật nhiếp ảnh số.
Chuyện gì sẽ xẩy ra, khi độ sáng của ba mầu R, G, và B không bằng nhau trong mô hình mầu RGB? Khi độ sáng của ba mầu này lần lượt là (255, 0, 0) chúng ta có mầu đỏ. Khi độ sáng là (0, 255, 0), chúng ta có mầu xanh lá cây. Khi độ sáng là (0, 0, 255), chúng ta có mầu xanh da trời. Nếu kết hợp ba mầu này lại với độ sáng khác nhau từ 0 – 255, chúng ta có 16 triệu mầu khác nhau cấu tạo từ ba mầu đỏ, xanh lá cây, và xanh da trời. Thí dụ mầu vàng: (255, 255, 0) và mầu crimson: (220, 20, 60).
Những mầu trong hình thường rất khác biệt, nhưng trong trắng đen, các mầu đổi sang mầu xám với những sắc tông (shade / tone) khó phân biệt hơn. Thí dụ mầu đỏ (red) và mầu xanh lá cây (green) hoặc mầu vàng (yellow) và mầu xanh lam (cyan), khi đổi qua đen trắng bằng phương pháp grayscale hoặc desaturation có những sắc tông khá tương tự. Với hai phương pháp Channel Mixer và Black & White trong Photoshop, người sử dụng có thể điều chỉnh sắc tông của từng mầu để tăng sự tương phản. Chúng ta nên lưu ý rằng không phải bất cứ hình mầu nào cũng có thể đổi thành công sang đen trắng. Đối với cảnh hoàng hôn chẳng hạn, mầu đỏ và sắc rực rỡ là quan trọng, cho nên chụp hình đen trắng trong trường hợp này là vô nghĩa.
Trên thị trường còn có những phần mềm khác đổi hình mầu thành hình đen trắng như BW Effect của Topaz Lab và Silver Efex Pro của Nick Collection. Những phần mềm này khi được tải vào cùng một máy điện toán sẽ tự động nối kết và trở thành một chức năng như những chức năng khác của Photoshop. Chúng tự động biến đổi một hình mầu thành nhiều hình đen trắng khác nhau để người sử dụng tùy ý lựa chọn. Những phần mềm này cũng cho phép người sử dụng điều chỉnh thêm một số đặc tính như độ sáng (brightness), độ tương phản (contrast), và cấu trúc (structure) của hình nếu muốn.
Kết luận
Với máy ảnh kỹ thuật số và những chương trình phần mềm thuận lợi, chúng ta có thể có cả hai loại hình mầu và đen trắng cùng một cảnh chụp mà không phải thay phim hay đổi ISO. Đây là một lợi thế quan trọng nhất so với thời đại dùng âm bản kéo dài gần 200 năm. Có hình mầu chúng ta cứ thử chuyển qua đen trắng để so sánh. Mặc dù tạo hình đen trắng cần theo một số nguyên tác kỹ thuật căn bản so với hình mầu như đã bàn ở trên, sự chọn lựa sau cùng vẫn tùy thuộc vào sở thích của tác giả.
Với thời tiết lạnh đến thấu xương vào mùa đông mấy ai có can đảm vác máy hình ra ngoài săn ảnh. Tuy nhiên chúng ta vẫn có nhiều cách sáng tác hình mà không phải bước chân ra khỏi căn nhà ấm cúng của chúng ta. Một trong những cách làm hình giản dị là biến hình mầu sẵn có thành hình đen trắng. chúng ta sẽ khám ra nhiều tác phẩm một cách bất ngờ. Bản thân người viết đã làm thử và thành công với một số hình đen trắng như những hình trình bầy trong bài này.