Nguyễn Quốc Khải: Quan hệ Việt-Mỹ nhân chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng Thống Biden
“Không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.”
Hôm nay, Tổng Thống Joe Biden đến thăm Việt Nam sau Hội Nghị Thượng Đỉnh G-10. Ông vừa đáp xuống Hà Nội chiều ngày Chủ Nhật và sẽ dời Việt Nam bay về Alaska vào ngày Thứ Hai để tham dự lễ tưởng niệm 9/11. Chuyến viếng thăm của Tổng Thống Biden đánh dấu một tiến bộ đáng kể trong bang giao Việt-Mỹ. Kể từ khi hai quốc gia tái lập bang giao vào 1995, cả năm tổng thống Mỹ đã viếng thăm Việt Nam.
Chuyến công du Việt Nam là một thành công ngoại giao quan trọng của Tổng Thống Biden. Trong những tháng gần đây, ông đã mở rộng hợp tác với Úc, Ấn Độ và Phi Luật Tân và tập hợp các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc tại Camp David để ký kết mối quan hệ ba bên, một liên minh mà Hoa Kỳ lâu nay mong muốn.
1. CHÚNG TA CHỜ ĐỢI GÌ Ở CHUYẾN ĐI HÀ NỘI CỦA TỔNG THỐNG JOE BIDEN?
Đây là chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của TT Biden. Báo chí tường thuật rất nhiều về chuyến đi này và đánh giá rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bước vào một vận hội mới nhờ chuyến viếng thăm Hà Nội vào ngày mai. Cho tới nay, chưa có tuyên bố chính thức nào từ hai chính phủ, nhưng nguồn tin Reuters cho biết Việt Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ từ “Toàn Diện” (1993) lên mức cao nhất là “Chiến Lược Toàn Diện,” tức là bỏ mức “Chiến Lược” nhẩy hai bậc một lúc, để ngang hàng với quan hệ của Việt Nam và bốn nước khác là Trung Quốc (2008), Hàn Quốc (2009), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Cam kết hợp tác chính thức sẽ giúp hai nước hỗ trợ lẫn nhau sâu đậm hơn về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và quân sự.
Những tổng thống Mỹ trước đây đã đến thăm Việt Nam từ khi hai nước tái lập bang giao vào năm 1995 bao gồm các ông Bill Clinton (2000), George W. Bush (2006), Barack Obama (2016), và Donald Trump (2017, 2019). Chuyến đi của Tổng Thống Joe Biden sẽ là một bước ngoặc lớn lao của bang giao Việt-Mỹ sau 10 năm thử thách trong quan hệ Toàn Diện. Lần đầu tiên một tổng thống Mỹ được Tổng Bí Thư mời viếng thăm Việt Nam và ông sẽ tiếp kiến cả bốn vị đại thần của triều đình Hà Nội: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, và Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ.
2. TẠI SAO VIỆT-MỸ QUYẾT ĐỊNH NÂNG CẤP QUAN HỆ VÀO LÚC NÀY?
Thực sự Hoa Kỳ muốn nâng cấp bang giao từ nhiều năm trước vì nhiều lý do thực tế. Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng với Mỹ. Tổng số hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa hai nước trị giá $92 tỉ vào năm 2020. Thặng dư thương mại của Việt Nam là $68 tỉ. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc và là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam.
Trước đại dịch Covid-19, có khoảng trên 30,000 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ. Sau đại dịch con số này giảm xuống còn 21,000 sinh viên, tuy vậy số sinh viên Việt Nam đứng hạng thứ sáu trong số sinh viên ngoại quốc ở Hoa Kỳ, đóng góp $1 tỉ cho kinh tế địa phương hàng năm.
Việt Nam trong nhiều năm vẫn do dự về việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ vì sợ làm phật lòng Trung Quốc. Ban lãnh đạo của Hà Nội có khuynh hướng muốn tiến chậm từng bước một để thăm dò phản ứng của mọi bên.
Tình hình trong hai năm gần đây thay đổi rất nhanh. Chiến tranh Ukraine làm Nga tiêu hao lực lượng quân sự, kinh tế suy yếu và cô lập ngoại giao trên chính trường quốc tế. Nga không còn có thể là nơi nương tựa cho Việt Nam. Vào 1990, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và khối Liên Xô bắt đầu nứt rạn, Việt Nam đã phải quay về cầu cứu Trung Quốc và kết quả là Mật Ước Thành Đô ra đời. Hoàn cảnh ngày nay có phần nào tương tự như vậy. Con đường sinh tử của Việt Nam là củng cố bang giao với phương Tây và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng do sự hung hăng của Trung Quốc. Bản đồ 10 đoạn mới phổ biến cho thấy Trung Quốc không hề bỏ ý định làm bá chủ biển Đông và duy trì tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của những nước láng giềng. Báo chí vào giữa tháng 8 mới đây tường thuật Trung Quốc xây một đường bay trên đảo Tri Tôn của Việt Nam nằm gần quần đảo Hoàng Sa. Hải quân Trung Quốc tiếp tục quấy nhiễu Hải quân Phi Luật Tân.
Trung Quốc liên tục sử dụng biện pháp vừa đe dọa vừa gây sức ép đối với Việt Nam trong vấn đề hợp tác với Hoa Kỳ. Sau khi Nga xâm lược Ukraine khoảng hơn một tháng, trong một cuộc điện đàm với ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói bóng gió rằng nếu tư duy theo kiểu chiến tranh lạnh sẽ có thể dẫn đến một thảm họa Ukraine khác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông Nghị ngụ ý rằng “Đi với Mỹ là có thể gây ra thảm họa Ukraine nữa”.
Sau nhiều năm nhẫn nhục với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thấm thía nhìn ra rằng chính sách “tránh voi chẳng xấu mặt nào” chỉ giúp Trung Quốc lấn tới. Việc phụ thuộc vào Trung Quốc làm mất đi chánh sách ngoại giao độc lập của Việt Nam. Chính sách đu dây không còn hiệu quả.
Mặt khác, Hoa Kỳ kiên trì thuyết phục Việt Nam tin tưởng vào sự trợ giúp của mình. Phó Tổng Thống Kamala Harris và Ngoại Trường Antony Blinken đích thân đến thăm Việt Nam bầy tỏ ý muốn nâng cấp ngoại giao. Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cũng lên tiếng về vấn đề này. Trong năm 2023, nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Biden đã đến Việt Nam bao gồm hai phụ tá Bộ Trưởng Nông Nghiệp Alex Taylor và Jenny Moffit, Bộ Trưởng Tài Chánh Janet Yellen, Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Katherine Tai, Phụ Tá Bộ Trưởng Thương Mại Marisa Lago.
Kết quả là chính quyền Hà Nội đã chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ để nâng cấp ngoại giao nhân dịp Tổng Thống Biden ghé thăm Việt Nam sau Hội Nghị G20 tại Ấn Độ.
3. MỸ HAY VIỆT NAM ĐƯỢC HƯỞNG LỢI NHIỀU HƠN?
Đối với Việt Nam nâng cấp bang giao là một bước đi thực dụng giúp cho Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế để đến năm 2045, Việt Nam có thể gia nhập nhóm G20. Việt Nam đã chấm dứt giai đoạn phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động và đất đai. Giai đoạn kế tiếp là phát triển công nghệ cần năng suất cao và sự sáng tạo.
Việt Nam vẫn duy trì chính sách bốn không (Không dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào, Không liên kết với nước này để chống nước kia, Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.)
Việt Nam sẽ không dùng việc cải tiến bang giao với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, nhưng có thể dựa vào Hoa Kỳ để kiềm chế những mối đe dọa của Trung Quốc. Việt Nam sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn với những nguồn võ khí của phương Tây mà hiện nay Nga không thể cung cấp. Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam về an ninh quốc phòng.
Mục tiêu của Việt Nam là nâng cấp ngoại giao với cả năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An của LHQ. Việt Nam đã thực hiện điều này với bốn thành viên, ngoại trừ Hoa Kỳ và đây là lúc thuận tiện. Không những với Hoa Kỳ, Việt Nam đang chuẩn bị nâng cấp bang giao với Úc, Singapore, và Nam Dương.
Hoa Kỳ xưa nay vẫn coi Việt Nam là một đối tác đặc biệt quan trọng dựa vào một số yếu tố. Quan trọng nhất có thể là vị trí địa lý của Việt Nam trông ra Biển Đông và nằm sát Trung Quốc về phái nam. Hai quốc gia chia xẻ chung biên giới dài 806 dặm (1,297 cây số).
Dân số của Việt Nam là 97 triệu, là một nguồn nhân lực dồi dào. Nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kể từ khi đổi mới; đầu tư mạnh mẽ và tăng trưởng năng suất. Tổng sản lượng nội địa là $408.8 tỉ và trung bình đầu người là $3,800 vào 2022.
Việc nâng cấp bang giao có lợi cho cả hai nước. Một khi chủ quyền của Việt Nam được bảo vệ, tự do đi lại ở Biển Đông sẽ được bảo đảm, sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và các nước ở Đông Á và Đông Nam Á.
4. PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC.
Trung Quốc tỏ vẻ không vui gì khi Tổng Thống Biden viếng thăm Việt Nam vào lúc tình hình hết sức căng thẳng ở Bắc Á, Đông Nam Á và Đông Âu. Đặc biệt là Việt Nam sẽ nâng cấp bang giao với Hoa Kỳ trong chuyến công du này của nhà lãnh đạo cường quốc số một của thế giới.
Trung Quốc “không hề lơ là” đối với sự kiện này. Vài ngày trước khi Tổng Thống Biden đến Hà Nội Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ không nhắm vào “bên thứ ba” khi hợp tác với các nước khác ở châu Á. Người phát ngôn của Bộ Mao Ning phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh.
“Chúng tôi tin rằng khi giải quyết các mối quan hệ với các nước châu Á, Hoa Kỳ nên từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh một thắng một thua, tuân theo nguyên tắc chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, không nhằm vào bên thứ ba và không làm suy yếu hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực”.
Bằng chứng là họ đã cử một phái đoàn cao cấp tới Việt Nam để “tăng cường đoàn kết và hợp tác” trước chuyến thăm của ông Biden năm ngày. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng Ban Liên Lạc Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Một số nhà phân tích thời sự quốc tế dự đoán rằng ông Lưu Kiến Siêu có thể đến Việt Nam để chuẩn bị cho Chủ Tịch Tập Cận Bình hay Thủ Tướng Lý Cường đến Việt Nam sau chuyến viếng thăm của Tổng Thống Mỹ. Ông Nguyễn Phú Trọng đã mời Tập Cận Bình khi ông qua Bắc Kinh vào tháng 10, 2022.
Lâu nay Trung Quốc vẫn từng rêu rao rằng những can thiệp từ bên ngoài, ám chỉ các nước Tây phương, Ấn Độ và đặc biệt Hoa Kỳ, làm khu vực Đông Á bất ổn. Đây cũng là lời cảnh báo và đe dọa những nước nhỏ trong vùng, đặc biệt là Việt Nam.
Trung Quốc có thể coi việc nâng cấp quan hệ đối tác Việt-Mỹ là một mối đe dọa và sẽ trả đúa bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam.
5. VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN
Trước khi Tổng Thống Biden đến Việt Nam vài ngày, chính quyền Hà Nội đã trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Tối ngày 8-9, ông Truyển cùng vợ đến Berlin, thủ đô của nước Đức sau sáu năm thụ án. RFA cho biết truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng trước thông tin này và cũng không giải thích lý do vì sao ông Truyển được trả tự do khi chưa thi hành xong án phạt tù. Ông Truyển bị bắt hồi năm 2017 và bị tuyên án 11 năm tù với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cùng với các thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ.
Trên Facebook loan truyền tin nhà báo Phạm Đoan Trang cũng sẽ được trả tự do. Nhưng tính cho tới chiều Chủ Nhật ở Washington-DC, đó chỉ là tin đồn đại vì việc này không xẩy ra. Lần mới nhất, Phạm Đoan Trang bị án tù 9 năm ngay sau Đối Thoại Nhân Quyền Việt-Mỹ (US-Vietnam Human Rights Dialogue) vào tháng 10, 2020. Phạm Đoan Trang từng đoạt giải thưởng Press Freedom Award của Reporters without Borders vào 2019 và International Women of Courage Award của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào năm 2022.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và một số dân biểu Hoa Kỳ đã yêu cầu với Tổng Thống Biden can thiệp với chính quyền Hà Nội về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Tổ chức Human Rights Watch trong một bản tin phát đi từ Bangkok ngày 9-9-2023 đã bình luận như sau:
“Mỹ không nên gạt bỏ những quan ngại về nhân quyền khi nước này tìm cách mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với Hà Nội. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nên công khai kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam ngay lập tức thả tất cả tù nhân chính trị và cải cách luật lạm dụng trong chuyến thăm Hà Nội dự định vào ngày 10 tháng 9, 2023.”
Một số đoàn thể Việt Nam cũng đã cùng viết thư ngỏ về vấn đề nhân quyền cho Tổng Thống Biden. Yếu điểm là một số đoàn thể này ít được biết đến và có những tổ chức chỉ hiện diện trên giấy tờ mà không thực sự hoạt động.
Một trong những tổ chức Việt Nam ký tên vào thư ngỏ gửi Tổng Thống Biden là Ủy Ban Liên Tôn Việt Nam (UBLTVN). Cách đây ba năm, tổ chức này, qua BS Đỗ Văn Hội, đã gửi một lá thư cho Tổng Thống Donald Trump, tố cáo sai lầm rằng cuộc bầu cử 2020 ở Mỹ bị đánh cắp, và nhiệm kỳ 2017-2020 của Tổng Thống Trump bị đánh phá liên tục bởi những âm mưu muốn lật đổ ông. UBLTVN cầu chúc Tổng Thống Trump tái đắc cử nhiệm kỳ II.
Chính quyền Biden xem ra đã âm thầm đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền trong hoàn cảnh tế nhị hiện nay. Chính quyền Hà Nội chỉ trả tự do cho có một người trong số 128 tù nhân lương tâm. Đó không phải là một thành công lớn của chính quyền Biden. Nhân chuyến viếng thăm của Tổng Thống Obama, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã được trả tự do. Tổng Thống Donald Trump qua Việt Nam hai lần nhưng không người tù lương tâm nào bước ra khỏi nhà giam.
Ưu tiên của chính quyền Mỹ là nâng cao quan hệ với Việt Nam để kiềm chế tham vọng bành trướng và đe dọa những nước láng giềng nhỏ của Bắc Kinh. Nhân quyền là một vấn đề của người Việt trước tiên, đặc biệt là những người trong nước. Nếu người Việt không tích cực bảo vệ quyền lợi của mình, không một nước nào bên ngoài có thể giải quyết được vấn đề của chính họ.
6. TIN GIỜ CHÓT
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào chiều Chủ Nhật 10-9 giờ Hà Nội đã thành công nâng Washington lên vị thế ngoại giao cao nhất với Hà Nội cùng với Trung Quốc và Nga. Đồng thời ông cũng đã đạt được các thỏa thuận với Việt Nam về chất bán dẫn và khoáng sản.
Trong chuyến công du của Tổng Thống Biden, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã ký kết mua 50 máy bay phản lực 737 Max của Boeing trị giá $7.8 tỷ.
Theo CNN, một viên chức cao cấp cho biết Tổng Thống Biden sẽ công bố các bước giúp Việt Nam đa dạng hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào vũ khí của Nga. Các viên chức của chính quyền Biden dự đoán Việt Nam sẽ vẫn gần gũi với Nga, người bảo trợ của Việt Nam kể từ thời Liên Xô, và bày tỏ không lo ngại về việc Hà Nội bí mật tìm kiếm một thỏa thuận vũ khí mới với Moscow theo New York Times tiết lộ, ngay cả khi nước này đăng cai tổ chức đón tiếp Tổng Thống Biden. Chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp nối chuyến thăm của ông Biden bằng việc bán máy bay chiến đấu F-16 và dàn radar quân sự mà Hà Nội lâu nay rất mong muốn.Nhân quyền là một trong những vấn đề nhậy cảm trong quan hệ giữa hai nước.Tổng Thống Biden đã nhắc nhở Việt Nam vấn đề này trong bài phát biểu của ông theo theo video thu trực tiếp tại hiện trường:
“Tôi cũng đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về vấn đề đó.”
Tuy nhiên bản được sử dụng trên truyền thông nhà nước Việt Nam đã thay đổi như sau: “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.”
Nguyễn Quốc Khải
10-9-2023