Nguyễn Quốc Tấn Trung: The World is Ukrainians
(Kỷ niệm 3 năm Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine)
Như mọi người biết, tôi thường bình luận về khía cạnh thông tin pháp lý về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Tôi không có sở thích bình luận thời sự chính trị, đặc biệt đối với một cá nhân như Tổng thống Trump.
Vốn là một nhân vật kỳ cựu trong làng truyền thông, khả năng thao túng, kích động, và chọc ngoáy đúng chỗ ngứa của truyền thông, tả hữu nói chung, khiến hầu hết các trang tin phạm phải một sai lầm nghiêm trọng là bị ông và những phát ngôn gây sốc của ông quay như quay dế. Từ đó, người ta thường chạy theo những phát ngôn này mà quên tập trung vào các điểm cốt lõi cho một chính sách hợp lý.
Dưới đây là một vài điểm cốt lõi cần lưu ý.
1. TÍNH CHÍNH DANH VÀ PHÁP LÝ THUỘC VỀ UKRAINE
Nhiều người thường so sánh tình trạng hiện của Ukraine với cả Việt Nam Cộng hòa lẫn tình hình lãnh thổ Hoàng Sa – Trường Sa. Đây là so sánh không phù hợp.
Đối với VNCH, nhà nước này là một “limbo state”.
Bỏ qua các yếu tố thực địa, cho đến những ngày cuối cùng của mình, VNCH chưa bao giờ được công nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc (cũng tương tự với VNDCCH). Họ không được công nhận quyền toàn vẹn lãnh thổ thông qua bất kỳ nghị quyết pháp lý và bán pháp lý nào. Thậm chí “statehood” của VNCH cũng là một câu hỏi lớn về mặt công pháp quốc tế.
Ukraine không hề ở trong cõi lâm-bô ấy.
Ukraine là một quốc gia độc lập.
Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được bảo vệ bởi hàng loạt các nghị quyết quan trọng của Đại Hội đồng LHQ, từ 68/26 (về Crimea), đến ES-11/1 (xác định hành vi của Nga là xâm lược), và ES-11/4 (phủ nhận tính hợp pháp của các cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu tại các vùng Nga chiếm đóng).
Đây là những bảo đảm pháp lý công khai và chắc chắn mà ngay cả Hoàng Sa – Trường Sa cũng chưa có được.
Khi thế giới trở nên hỗn loạn, các nguyên tắc căn bản của công pháp quốc tế là kim chỉ nam cho một tương lai dự đoán được và công bình.
Điều quan trọng hiện nay là không chấp nhận bất kỳ sự nhượng bộ nào về mặt pháp lý hay bán pháp lý (như chấp nhận một bản dự thảo từ Hoa Kỳ bỏ qua các yếu tố toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine). Đó là tự bắn vào chân mình, chân của các thế hệ Ukraine tương lai, lẫn các quốc gia cần sự duy trì của pháp luật quốc tế.
2. CHỦ NGHĨA DÂN TỘC UKRAINE SẼ KHÔNG ĐI ĐÂU CẢ
Một trong những “siêu năng lực” của người Nga là biến gần như mọi láng giềng của họ thành kẻ thù. Cứ đi đến Phần Lan, Ba Lan, Latvia, Estonia… và hỏi người dân của những quốc gia này về một tương lai hòa hảo, tươi đẹp, gắn kết với Nga thay vì phương Tây, câu trả lời (đặc biệt là ở Ba Lan) sẽ là “Không bao giờ”. (“Chúng ta phải thế nào thì người ta mới như thế!”)
Cuộc xâm lược của Nga là chất xúc tác cho một chủ nghĩa dân tộc Ukraine mới, trọn vẹn hơn, hoàn chỉnh hơn, và có mục tiêu hơn.
Và câu hỏi “Ông/bà có ủng hộ việc Nga sáp nhập và chiếm đóng các vùng lãnh thổ Ukraine (Crimea, Luhansk, Donetsk…)?” sẽ là câu hỏi ám ảnh tất cả các đời lãnh đạo chính trị Ukraine về sau.
Cũng như việc không người Việt Nam tỉnh táo nào trả lời rằng “Trường Sa – Hoàng Sa là của Trung Quốc!” “Nước nhỏ sao đòi so đo với nước lớn!”, tất cả những nhóm chính trị lý tính tại Ukraine cũng sẽ không bao giờ trả lời như vậy đối với những vùng lãnh thổ của họ đang bị Nga chiếm đóng.
Zelensky không phải là người “ngăn cản” hòa bình tại Ukraine, ông là một đại diện nhỏ nhưng tiêu biểu cho một thế hệ dân tộc mới tại Ukraine – những người Ukraine nghĩ về những lẽ thường như người Việt Nam đang nghĩ.
3. PHẢN ỨNG CỦA ZELENSKY TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC ĐẾN TỪ TRUMP LÀ HỢP LÝ
Vấn đề nghiêm trọng nhất của thỏa thuận về đất hiếm mà Trump đưa ra cho Ukraine là không hề có bất kỳ điều khoản bảo đảm an ninh nào cho Ukraine. Điều này giới nghiên cứu nước ngoài đã nói nhiều nhưng có vẻ người Việt không để ý. Đáng lẽ ra, thỏa thuận này cần chứa các điều khoản cơ bản liên quan đến an ninh của Ukraine (ít nhất là duy trì đường tranh chấp hiện tại, hoặc tiếp tục ủng hộ tài lực cho cuộc chiến, hoặc tốt đẹp hơn nữa là ủng hộ Ukraine cho đến khi các khu vực mỏ phía Đông bị chiếm đóng được giải phóng…).
Toàn bộ thỏa thuận, nói cách khác, chỉ là Ukraine chấp thuận hợp thức hóa việc Hoa Kỳ sẽ khai thác các mỏ này mà không hề có các điều khoản an ninh nào đi kèm. Đó là chưa kể việc Zelensky bị “yêu cầu” ký thỏa thuận chỉ trong vòng vài ngày nghiên cứu ngắn ngủi.
Hãy tưởng tượng Budapest Memorandum 1994 yêu cầu Ukraine giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng lại không có bất kỳ bảo đảm an ninh hay công nhận quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đó chính là thỏa thuận đất hiếm hiện nay, một phiên bản hạ cấp của Budapest Memorandum, và chắc chắn dễ bị hủy hoại hơn.
Lời từ chối của Zelensky là một lời khẳng định cho “tác năng” và sự độc lập của người dân Ukraine, phản bác những luận điểm cho rằng ông và người dân Ukraine chỉ là một thằng hề hay con cờ của Hoa Kỳ.
Đây có lẽ cũng là một lời nhắc nhở hợp lý cho Trump về sự tự tin thái quá về danh hiệu ông trùm của “deal”.
