Nguyễn Tiến Cường: Cảm nghĩ về bài viết của Nguyễn Hữu Liêm khi viết về Thầy Tuệ Sỹ

Tôi đã định không viết gì liên quan đến sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ vì cảm thấy không đủ tư cách, hiểu biết về Thầy. Tôi cũng không chuyển tiếp, bình luận về văn thơ, những lời giảng của Thầy về đạo pháp, cuộc sống…, tất cả chỉ vì dốt, không hiểu nổi ý nghĩa thâm sâu chất chứa trong những lời đơn giản.

Tuy nhiên, tôi không thể im lặng – khi đọc một bài viết trên Facebook do một người bạn gửi link – xúc phạm đến Thầy do ông luật sư Nguyễn Hữu Liêm – một nhân vật không xa lạ gì trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt ở San José, California. Ông Liêm là nhân vật đình đám vì ông (khá) nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại, từng gây nhiều ồn ào trước đây. 

Ông Liêm nổi tiếng, không phải vì ông là người tài giỏi, xuất chúng, có những sáng chế, phát minh khoa học, kỹ thuật…có ích lợi cho xã hội, nhân loại hay là văn nghệ sĩ có những tác phẩm để đời hoặc lối trình diễn làm say đắm lòng người…Ông nổi tiếng vì những tuyên bố hoặc những bài viết gây chấn động cộng đồng. Thiên hạ đặt cho ông Liêm mấy biệt danh (nick name) là Triết Gia Còi Hụ hay Tiến Sĩ cầm đèn chạy trước ô-tô.Ông Liêm tốt nghiệp luật sư ở Mỹ, có thời gian dạy triết lai rai tại Đại Học Cộng Đồng San José (San José City College), có văn phòng luật sư nhưng không biết có hoạt động không, chỉ thấy ông thường đi Việt Nam làm …loa cho chế độ Cộng sản Việt Nam.

Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng (kiên nhẫn) đọc các bài viết của ông Liêm đăng trên Danchimviet.infos, Tiếng Dân…nhưng càng đọc càng không hiểu ông Liêm muốn nói gì, nếu không muốn nói là những bài viết của ông Liêm…rỗng tuếch. Ông Liêm thường viết dài, dùng những từ ngữ cao siêu, khó hiểu, trích dẫn lời nói hoặc các đoạn văn từ tác phẩm của các triết gia như Friedrich Nietzsche, Sigmund Freud, Georg Wilhelm Hegel, Bertrand Russell…để trang điểm cho bài viết của mình.

Nếu chỉ có thế, chẳng có gi đáng nói. Chuyện đáng nói là càng ngày ông Liêm càng đi quá xa, vượt hẳn sự hiểu biết, lòng tự trọng của mình. Đó là chuyện ông viết bài vu khống, sỉ nhục một bậc cao tăng vừa ra đi – Thầy Tuệ Sỹ – với tựa đề Khi Cái Chết Trở Nên Điều Huyền Thoại, theo đúng bài bản của Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh.

Nếu chỉ đọc tựa bài hoặc không đọc kỹ những gì ông Liêm viết, nhiều người sẽ nghĩ rằng Nguyễn Hữu Liêm ca ngợi Thầy Tuệ Sỹ vì sự đóng góp của Thầy cho Phật Giáo Việt Nam. Hoàn toàn sai lầm. 

Ẩn dưới những dòng chữ ca ngợi kiến thức, sự hiểu biết thâm sâu, công trình biên soạn, dịch thuật, hướng dẫn, dạy dỗ tăng sinh…của Thầy Tuệ Sỹ là một sự phỉ báng Phật Giáo, bôi nhọ trí thức Phật Giáo, những vị chân tu, đạo hành cao dầy. Chẳng có gì huyền thoại ở đây bởi không ai tranh được cái chết. Nếu gọi cuộc sống của Thầy Tuệ Sỹ là một huyền thoại còn có thể tạm chấp nhận.

Không biết ông Liêm quen biết, giao tiếp với bao nhiêu vị chân tu, những nhà sư, những người nghiên cứu Phật Giáo, những người được ông Liêm dán nhãn trí thức Phật Giáo – đã đọc những gì họ viết, nghe họ thuyết pháp để rồi lộng ngôn, kết luận rằng trí tưởng tượng của họ đã gia tăng cao độ khi đọc các trước tác hoặc dịch thuật của Thầy Tuệ Sỹ? 

Đi xa hơn, ông Liêm đã vụng về bào chữa cho chế độ Công sản Việt Nam khi gán ghép cho 2 Thầy Lê Mạnh Thát tức Hòa thượng Trí Siêu và Thầy Tuệ Sỹ là bị kết án tử hình vì hoạt động chính trị.

Trích: “Thêm nữa, bản án tử hình mà Thầy đã nhận lãnh ở thế kỷ trước cho những hoạt động chính trị cùng với Thầy Lê Mạnh Thát đã trở nên một minh chứng cho ý lực nơi chữ Dũng của nhà Phật. Tức là Phật pháp không tách lìa khỏi thế gian“. Hết trích.

Phật Giáo – không phải Phật Pháp – từ khi du nhập vào Việt Nam, chưa bao giờ tách lìa khỏi thế gian. Hai Thầy Trí Siêu, Tuệ Sỹ chưa bao giờ có hoạt động chính trị. Chẳng lẽ học đến tiến sĩ Luật ở Mỹ, ông Liêm lại ngây thơ đến độ nghĩ rằng dịch thuật kinh Phật, thuyết pháp, tu tập, hành thiền là hoạt động chính trị. Còn việc hai Thầy tuyệt thực trong tù là hành động phản đối chế độ sau khi bị bắt, kết án tử hình vô cớ.

Trích: “Tuệ Sỹ là một điểm tận cho ý chí dấn thân mà giới tri thức đã từ mấy chục năm qua hầu như mất hết mọi khung tham chiếu cho giá trị tôn giáo mà nhiều người khao khát “. Hết trích.

Không biết ông Liêm căn cứ vào lời nói, bài thơ, bài giảng nào của Thầy Tuệ Sỹ để kết luận rằng Thầy là điểm tận cho ý chí dấn thân? Còn khung tham chiếu cho giá trị tôn giáo mà nhiều người khao khát là cái quỷ quái gì? Phật Giáo có tám vạn, bốn ngàn Pháp Môn (84.000) để tu tập, chẳng có khung nào để cho người Phật Tử tu tập tham chiếu.

Trích: “Nhưng từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy, thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt. Con đường của tăng lữ nhà Phật đã đi vào ngõ hẹp hơn, và sợi dây liên kết giữa đạo Phật và dân tộc hình như đã bị tách rời và đứt đoạn. Chúng ta hãy chờ xem một thế hệ tăng sĩ và Phật tử có nối lại mối tương thông giữa đạo và đời nhằm đi tiếp con đường mà thế hệ Phật giáo Tiếp hiện – Engaged Buddhism – đã khơi nguồn.” Hết trích.

Đoạn văn rất ư hàm hồ này cho thấy Nguyễn Hữu Liêm hoàn toàn chẳng hiểu gì về Phật Giáo nhưng âm thầm nhắn nhủ Phật tử Việt Nam hãy chuẩn bị gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam qua Mặt Trận Tổ Quốc vì sẽ không còn con đường tu tập nào khác cho họ.

Trích: “Khởi đi từ văn hóa miền Nam trước1975, Tuệ Sỹ xuất hiện theo cao trào Phật giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn. Trong khi ở miền Bắc nơi chủ nghĩa quốc gia lãng mạn đã hóa thành ý chí chiến tranh, thì trí thức Phật giáo miền Nam thăng hoa chữ nghĩa lên tầm mức lãng mạn hương thiền như là một phương cách vươn thoát khỏi vũng lầy hiện hữu.” Hết trích.

Cao trào Phật Giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn là gì? Không hiểu ông Liêm muốn diễn tả điều gì liên quan đến Phật Giáo hay Thầy Tuệ Sỹ? Chỉ chắc chắn một điều ông Liêm chưa bao giờ tìm hiểu rõ ràng về Phật Giáo hoặc nếu có đọc kinh Phật, ông cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Xin hỏi ông Liêm, Phật Giáo miền Nam thăng hoa chữ nghĩa lên tầm mức lãng mạn hương thiền để thoát khỏi vũng lầy hiện hữu. Vũng lầy hiện hữu là vũng lầy nào? Phải chăng miền Nam Việt Nam dưới 2 nền Cộng Hòa là vũng lầy mà ông Liêm đã sinh ra, được giáo dục, trưởng thành rồi đu càng qua Mỹ trở thành luật sư?

Trích: “Có thể rằng, Thầy là một tu sĩ rất hiếm trong thời gian qua đã không mang khuyết điểm cá nhân dù rằng ít nhiều thì giới Phật tử đã huyền thoại hóa Thầy để thỏa mãn niềm u uất trong tình huống bất lực của họ. Hy vọng là Thầy đã vượt qua chướng ngại huyền thoại mà thế gian đem đến cho Thầy vì đối với rất đông Phật tử miền Nam thì Tuệ Sỹ nay đã là một huyền thoại.” Hết trích.

Không có người Phật Tử chân chính nào xem Thầy Tuệ Sỹ là một huyền thoại, họ chỉ xem Thầy như một tấm gương sáng chói, không vướng bụi trần để học hỏi, tu tập. Sự ra đi của Thầy là một sự mất mát lớn đối với Phật tử chân chính nhưng điều đó không có nghĩa là Phật giáo Việt Nam sẽ bị tiêu diệt bởi bàn tay của các ma tăng, tay sai của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Đây đó vẫn còn những tu sĩ Phật giáo chân chính âm thầm truyền bá chánh pháp cho đời, cho người.

Nguyễn Tiến Cường

**********

*Bài viết của ông Nguyễn Hữu Liêm