Nguyễn Tiến Cường: Jimmy Carter – Trái tim nhân ái nhất trong lịch sử nước Mỹ
Cựu Tổng Thống Jimmy Carter – tên đầy đủ là James Earl Carter Jr. – sinh ngày 01.10.1924 tại Plains, tiểu bang Georgia, từ trần ngày 29.12.2024 tại quê nhà, ông là Tổng Thống sống lâu nhất, hơn 100 tuổi – với cá nhân người viết – ông cũng là Tổng Thống nhân ái nhất trong lịch sử Mỹ. Sự ra đi của ông chắc chắn để lại nhiều tiếc thương cho người dân Mỹ cũng như người Việt tị nạn, đặc biệt ở Mỹ.
Gia đình cựu Tổng thống Carter gốc Anh, di dân đến Mỹ vào thế kỷ 17. Cha ông là nông dân, đã xây dựng thành công nông trại trồng đậu phụng. Cả gia đình Carter không có ai học hết trung học, chỉ riêng ông mạnh dạn đặt mục đích của mình là được vào học viện hải quân Mỹ ở Annapolis.
Năm 1942, Jimmy Carter được tuyển vào học viện kỹ thuật Georgia, năm 1943 giấc mộng của ông trở thành hiện thực, khi được nhận vào trường sĩ quan hải quân United States Naval Academy ở Annapolis, tiểu bang Maryland.
Tham gia thế chiến thứ hai, phục vụ trên các tàu chiến của hải quân Mỹ. Khi chiến tranh chấm dứt, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội với cấp bậc trung úy. Chỉ đến năm 1953, khi cha ông mất, Carter mới rời khỏi quân ngũ, trở về Georgia, tiếp nhận nông trại, đồn điền bông vải, kho hàng của cha để lại. Carter đã phát triển nông trại trồng đậu phụng của cha để lại từ 200 mẫu lên 1.600 mẫu (mẫu= 10.000m²), nông trại này có 160 lao động da đen.
Khởi thủy, cựu Tổng Thống Carter là người kỳ thị chủng tộc, từng ủng hộ Thống Đốc tiểu bang Alabama, George Wallace. Năm 1970 đại diện đảng Dân Chủ, Carter ứng cử Thống Đốc, ông đã đắc cử nhờ những lá phiếu của những người da trắng phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên sau khi đắc cử, trở thành Thống Đốc Georgia, Carter tuyên bố thời kỳ phân biệt chủng tộc đen trắng đã chấm dứt, sự kỳ thị màu da, phân biệt chủng tộc sẽ không có chỗ đứng trong nước Mỹ tương lai. Jimmy Carter là Thống Đốc của đảng Dân Chủ đầu tiên ở Georgia.
Có thể nói, cựu Tổng Thống Carter là người đã đặt nền tảng làm thay đổi quan điểm chính trị của người dân Mỹ. Những việc làm, tuyên bố của Carter khiến ông thất cử nhiệm kỳ thứ hai khi tranh cử Thống Đốc Georgia.
Không bỏ cuộc, năm 1976 Carter đã vận động trong đảng Dân Chủ, tìm cách ứng cử Tổng Thống. Ông đã chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ và sau đó trở thành Tổng Thống thứ 39 của Mỹ. Cựu Tổng Thống Jimmy Carter là Tổng Thống Dân Chủ đầu tiên chiến thắng phiếu đại cử tri ở 4 tiểu bang miền Nam đỏ rực (Alabama, Mississippi, Georgia, Louisiana) Jimmy Carter 297 – Gerald Ford 240.
Tháng 11 năm 1978, mặc dù gặp phải sự phản đối của 62% dân Mỹ, cũng như đa số dân biểu ở hạ viện, không muốn nhận thêm người tị nạn, Tổng Thống Carter tăng gấp đôi số lượng nhận người vào Mỹ hàng tháng, đồng thời ra lệnh cho các tàu chiến của Hạm Đội Bẩy lẫn các tàu buôn Mỹ vớt tất cả những người tị nạn từ Đông Nam Á vượt biên bằng thuyền trên biển Đông, cho phép họ được định cư ở Mỹ theo ý muốn.
Nếu không có những quyết định nhân đạo của cựu Tổng Thống Jimmy Carter năm 1978, có thể hàng trăm ngàn người Việt ở Mỹ hoặc con cháu họ giờ đang sống lây lất, vật vã ở một nơi nào đó trên thế giới hay đã bị trao trả về Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Thống Carter đã đặt nặng vấn đề nhân quyền, hòa bình thế giới, môi trường…, thành lập bộ giáo dục, bộ năng lượng, thúc giục đảng Dân Chủ để ý đến chi tiêu quá mức của chính phủ, bộ quốc phòng.
Tình trạng kinh tế khó khăn của Mỹ trong giai đoạn 1977-1982, vụ bắt giữ con tin ở Tòa Đại Sứ Mỹ ở Iran đã khiến cho Carter thất bại trong lần ứng cử nhiệm kỳ 2 trước đối thủ đảng Cộng Hòa Ronald Reagan.
Cựu Tổng Thống Carter cùng vợ là bà Rosalynn đã thành lập Carter Center vào năm 1982 sau khi ông rời khỏi Tòa Bạch Ốc. Carter Center là tổ chức không lệ thuộc chính phủ, được thành lập từ niềm tin vững chắc vào hòa bình và nhân quyền của mọi người trên thế giới. Trung tầm đã hoạt động ở 80 quốc gia để giải quyết các xung đột, ngăn ngừa dịch, bệnh, gia tăng tiến trình dân chủ, bảo hiểm sức khỏe.
Năm 2002, ủy ban Nobel Thế Giới trao tặng cho Jimmy Carter giải Nobel Hòa Bình vì những vận động của ông đưa đến hiệp ước hòa bình giữa Israel và Egypt năm 1978 cũng như những cống hiến, hoạt động liên tục của ông sau khi rời khỏi Tòa Bạch Ốc về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, phát triển xã hội…
Trong những năm cuối đời, ở độ tuổi 90 dù sức khỏe đã kém, cựu Tổng Thống Carter thường đi giúp đỡ những gia đình nghèo, giúp đỡ họ xây dựng, sửa chữa nhà cửa với sự hợp tác của Habitat For Humanity, một tổ chức phi lợi nhuận mà ông thường làm việc chung thông qua Carter Center.
Chip Carter, con trai cựu Tổng Thống đã nói rằng: ” Cha tôi là một anh hùng, không phải chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả những ai yêu mến hòa bình, tôn trọng nhân quyền, sống vị tha, không ích kỷ.
Nói không sợ sai lầm, cựu Tổng Thống Carter là ân nhân lớn nhất của người Việt tị nạn Cộng sản ở Mỹ. Ông đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành cộng đồng Người Việt hiện nay trên nước Mỹ. Sẽ có bao nhiêu người trong chúng ta, những người từng mang ơn ông, bỏ ra vài phút để tưởng niệm hay thắp cho ông một nén nhang?
Nguyễn Tiến Cường
********
Tham khảo:
-https://de.wikipedia.org/wiki/Jimmy_Carter#Fr%C3%BChe_politische_Karriere_und_Gouverneur_von_Georgia
-https://www.nytimes.com/1978/11/28/archives/carter-acts-to-double-quota-of-vietnamese-allowed-to-enter-us.html
-https://www.history.com/this-day-in-history/jimmy-carter-wins-nobel-prize
-https://www.msn.com/en-za/news/other/how-jimmy-carter-spent-his-final-years-building-houses-for-the-poor-as-he-continued-life-of-public-service/ar-AA1wFu1K
-https://www.cartercenter.org/