Nguyễn Tiến Cường: Vladimir Putin và cái chết của Alexei Navalny

Alexei Navalny trong cuộc tuần hành tưởng nhớ chính trị gia Boris Nemtsov, người bị sát hại ở Nga. Hình chụp tháng Ba, 2020.

Một cái chết vừa làm thế giới xôn xao, gây chấn động hàng ngũ lãnh đạo các nước tự do, dân chủ Âu, Mỹ. Ngày thứ sáu 16.02.2024, cơ quan truyền thông AFP loan báo Alexei Navalny, một người đối lập với chính quyền của Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã chết trong nhà tù ở Polar region. 

Hầu hết lãnh đạo các nước đều lên án, chỉ trích, quy trách nhiệm cho Putin về cái chết của Navalny. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói tại hội nghị ở München, Đức rằng: “Cái chết của Navalny trong tù nói lên sự sợ hãi, tê liệt của hệ thống quyền lực mà Putin xây dựng”. Tổng Thống Biden còn phê phán mạnh mẽ hơn: “Cái chết của Alexei Navalny là bằng chứng rõ ràng cho sự tàn bạo, độc ác của Putin”.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz viết trên mạng xã hội X (Twitter trước đây): “Navalny đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Nga và đã phải trả giá cho lòng dũng cảm bằng sinh mạng của mình. Tin kinh hoàng này một lần nữa cho thấy nước Nga đã thay đổi tồi tệ như thế nào và chế độ nào đang nắm quyền lực ở Moscow”.

Nguyên nhân cái chết của Alexei Navalny đang được “điều tra, làm rõ”, theo tờ Tấm Gương của Đức (Der Spiegel) dẫn nguôn từ RT và Telegram 112, kết quả đầu tiên cho biết Alexei Navalny chết vị bị đông máu. Ông Putin đã được thông báo trước hết (đương nhiên) về cái chết này. Ngoài một số rất ít nhân viên nhà tù, các bác sĩ, hiện chưa có ai, kể cả thân nhân được trực tiếp đến gần, nhìn thấy thân thể ông. 

Alexei Navalny 47 tuổi, nhân vật đối lập số 1 của chính quyền Nga, người kịch liệt phê bình, chỉ trích chế độ độc tài do Putin lãnh đạo đã ra đi. Cái chết của ông gây bàng hoàng cho cả thế giới bởi sự can đảm của ông, trở về quê hương, trực diện đối mặt, lên án, phê bình Vladimir Putin – một trong các lãnh đạo độc tài, tàn ác, nham hiểm, gian manh nhất thế giới. 

Trở về Nga, sau khi bị đầu độc súyt chết ở Omsk (Nga), được đưa sang Berlin (Đức) điều trị vào ngày 22.08.2020, Navalny tiếp tục công kích, lên án Putin độc tài, phản dân chủ, kềm hãm sự phát triển của đất nước. Ông bị bắt, kết án 19 năm tù vì tội chống đối chế độ. 

Lần đầu độc trước, tuy có đầy đủ bằng chứng rằng Navalny bị hãm hại bởi chất độc dùng trong chiến tranh thuộc nhóm Novichok – chất độc thần kinh được Liên Xô nghiên cứu, sản xuất vào những năm 1990 – nhưng Đức bó tay, không thể kiện cáo, phản đối hay có biện pháp ngoại giao mạnh mẽ với Nga. Lý do là Navalny bị đầu độc ở Nga trên một chuyến bay từ Siberia về Moscow.

Vụ đầu độc Navalny năm 2020 khiến nhiều người nhớ lại chuyện Alexander Litvinenko – một cựu điệp viên FSB (cơ quan tình báo Nga) năm 2006 ở London. Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng chất phóng xạ Polonium 210 – một phó sản (sản phẩm phát sinh khi chế biến một thứ gì) trong quá trình tinh lọc Uranium 235 – không màu sắc, mùi vị (ký hiệu Po). 

Polonium 210 là chất phóng xạ không có tác dụng khi tiếp xúc với da nhưng cực kỳ nguy hiểm khi nuốt phải, bởi nó sẽ thấm vào máu, huỷ hoại hồng cầu. Litvinenko bị nhiễm phóng xạ này khi uống trà trong khách sạn Millenium ở London (2). Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà Nẵng cũng bị đầu độc bằng Polonium 210 năm 2015.

Litvinenko là người lên tiếng tố cáo Putin trong một cuộc họp báo đã ra lệnh cho ông giết chết nhà tài phiệt, chính trị gia Boris Berezovsky. Sau đó Litvinenko bị bắt, bị kết án nhiều lần, rồi được trả tự do. Năm 2000 Litvinenko chạy trốn qua Anh, xin tị nạn. Ai cũng biết, để trả thù, Putin cho FSB đầu độc Litvinenko. 

Theo một tổ chức hoạt động nhân quyền ở Nga, dù trời khá lạnh, các cuộc biểu tình tưởng niệm sự ra đi của Alexei Navalny đã diễn ra nhiều nơi trên khắp nước Nga – đặc biệt ở Moscow và Saint Petersburg – vào ngày thứ bẩy 17.02.2024. 

Cảnh sát đã được huy động để trấn áp, ngăn chận cuộc biểu tình chống Putin lan rộng. Hơn 350 người tham dự đã bị bắt. Đây là số người bị bắt nhiều nhất sau cuộc biểu tình chống chiến tranh với Ukraine do Putin phát động. Sợ hãi ảnh hưởng, hậu quả về cái chết đột ngột của Navalny, cảnh sát tịch thu luôn cả các vòng hoa được đặt ở các địa điểm tưởng niệm Alexei Navalny.

Dmitry Muratov, người sáng lập và là chủ nhiệm tờ báo Novaya Gazeta xuất bản lén lút. được giải Nobel hòa bình năm 2021 đã chua chát nhận xét về chế độ độc tài của Putin “Nỗi sợ hãi của bộ máy quyền lực của Putin quá lớn, họ coi việc đặt vòng hoa tưởng niệm Navalny là một tội phạm hình sự”.

Trong những năm qua, dưới triều đại Putin, không chỉ Alexei Navalny, Litvinenko bị Putin ám hại, một số người khác, những kẻ tỏ ra không trung thành với Putin, có ý định làm phản hoặc từng phê phán, chỉ trích đường lối cai trị, độc tài của Putin đều bị thanh trừng, ám sát, đầu độc. 

Họ chết rất bí ẩn hoặc bị công khai thanh toán bằng những dàn dựng như bị té từ lầu cao, tai nạn phi cơ, bị bắn chết, hay đột ngột mắc những căn bệnh mà trước đó không hề có triệu chứng. Danh sách nạn nhân của Putin khá dài, có thể kể điển hình những vụ sau đây:

–  Pavel Antov 65 tuổi.

Dân biểu giầu nhất trong quốc hội, đã chỉ trích Putin dữ dội vì tấn công Ukraine, gọi Putin là khủng bố khi bắn hỏa tiễn bừa bãi vào khu dân cư ở Ukraine – rơi từ cửa sổ tầng thứ 3 một khách sạn ở thành phố Rayagada, Ấn Độ vào ngày 27.12.2022. Trước đó ít ngày, người cùng đi với ông Vladimir Budanov chết vì nhồi máu cơ tim.  

–  Mikhail Yuryevich Lesin

Chính trị gia, giám đốc truyền thông, người thành lập đài truyền hình Russia Today (RT) chết ngày 05.11.2015 ở Washington D.C trong khách sạn sang trọng The Dupont Circe. Truyền thông Nga cho biết Lessin chết vì đau tim nhưng theo báo cáo của các điều tra viên Mỹ, Lessin chết vì bị đập đầu. Tuy nhiên, sau khi Trump đắc cử tổng thống, báo cáo cuối cùng là Lessin chết vì…uống quá nhiều rượu.

–  Boris Nemtsov 55 tuổi. 

Từng là phó thủ tướng dưới thời Boris Yeltsin bị bắn 4 phát vào đầu và lưng từ phía sau khi đang đi dạo cùng người bạn gái vào buổi tối ngày 27.02.2015 ở trung tâm Moscow. Nemtsov đối thủ tiềm năng nhất của Putin, lãnh đạo phong trào Solidarnost, một liên minh chính trị đối lập với Putin.

Trong một buổi truyền hình của đài ARD, Đức năm 2014, Nemtsov mô tả Nga là một đất nước của Mafia do Putin, trùm mafia lãnh đạo. Một ngày trước khi bị bắn chết Nemtsov cho biết sẽ tiết lộ những diễn tiến về cuộc chiến của Nga ở miền đông Ukraine. Nghi phạm vụ ám sát này gồm 5 người Chechens theo đạo Hồi bị bắt vào ít ngày sau, họ khai rằng bắn chết Nemtsov là nguyên nhân tôn giáo. Tuy nhiên ai cũng biết, lời khai và thủ phạm chỉ là trò hề được tinh báo FSB của Putin dàn dựng.

–  Sergei Yushenkov.

Cựu bộ trưởng thông tin, dân biểu quốc hội Duma, theo chủ nghĩa Dân Chủ. Sergei Yushenkov bị bắn chết khi vừa bước ra khỏi xe vào ngày 17.04.2003 ở quận Tusino, Moscow. Trước đó không lâu, ông đã ghi tên đảng Tự Do của mình cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 12.2003. Yushenkov là thành viên của Ủy ban Tình báo của quốc hội Duma và là phó ban điều tra về một loạt đánh bom ở Moskau được cho là do người Chechens chủ trương. Năm 2002, ông cho công bố 1 cuốn phim cáo buộc cơ quan FSB có liên quan đến các vụ đánh bom này.

–  Vladimir Makarov.

Thiếu tướng trong quân đội Nga. Bà vợ phát giác ông nằm chết do bị bắn vào sáng sớm ngày 13.02.2023 tại nông trại của gia đình ở Golikovo, tây bắc Moscow. Cái chết của ông xẩy ra sau khi ông bị sa thải khỏi cương vị Cục Trưởng cục Chống Chủ nghĩa Cực đoan của Bộ Nội vụ. Kết quả điều tra do chính quyền Nga đưa ra là Makarov bị trầm cảm, tự tử bằng súng sau khi bị mất chức. Tất nhiên không có mấy người tin vào kết luận này.

–  Yevgeny Viktorovich Prigozhin

Thủ lãnh đạo quân đánh thuê Wagner – rớt phi cơ sau khi làm phản, kéo quân về Moscow định lật đổ Putin nhưng rồi bỏ cuộc giữa chừng vì sự hòa giải với Putin qua trung gian của Lukashenko, Tổng Thống Belarus.

Sau cái chết của Alexei Navalny, nhiều người đặt câu hỏi, nạn nhân kế tiếp sẽ là ai? Không ai biết chắc nhưng cũng có một người không bao giờ sợ bị Putin ám hại. Ai? Người đó chính là… ông cựu Tổng Thống Donald Trump, hiện đang cố gắng bằng mọi cách để quay lại Tòa Bạch Ốc 4 năm nữa. Chẳng những Putin không ám hại mà còn tìm đủ cách giúp đỡ Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.

Trong cương vị có thể trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, lẽ ra Donald Trump phải lên tiếng phê phán mạnh mẽ Putin về cái chết của Alexei Navalny, ông lại im lặng hoàn toàn, ông còn mãi lo đi quảng cáo, bán giầy thể thao, kiếm tiền trả tiền phạt. 

Điều này sẽ không lạ nếu hiểu được những liên hệ mờ ám, bí ẩn giữa ông và Putin. Những hành động, lời nói, thái độ cư xử của Trump khi gặp Putin cho thấy sự nhũn nhặn, khúm núm của Trump khi tiếp xúc, đi đứng bên cạnh Putin. Không rõ Putin nắm giữ những bí mật gì của Trump mà Trump phải e sợ như vậy?

Không biết có ai còn nhớ, bên lề cuộc họp thượng đỉnh ở Helsinki vào mùa hè năm 2018, Trump đã gặp riêng Putin hơn một tiếng đồng hồ. Những gì trao đổi giữa 2 người được hoàn toàn giữ kín, ngay cả bản ghi nhớ của thông dịch viên cũng bị tịch thu. Khi được phóng viên báo chí hỏi, Trump đã nói chuyện gì với Putin, Trump sa sầm mặt, quát lên: “Đó không phải là chuyện của mấy người”.

Nguyễn Tiến Cường

**********

Tham khảo:

(1) https://www.swp.de/panorama/alexej-nawalny-tot-todesursache-russland-putin-73070157.html

(2) https://www.dw.com/de/gift-geheimdienste-und-gesch%C3%A4ftsleute-15-jahre-mordfall-litwinenko/a-59903511

(3) https://www.spiegel.de/ausland/tod-von-kremlkritiker-alexej-nawalny-mehr-als-200-menschen-bei-protesten-in-russland-festgenommen-a-2180d770-403d-4f6c-abb4-dd64a1f00e9e

(4) https://www.watson.ch/international/russland/364627125-nawalny-und-andere-opfer-des-putin-regimes-die-liste-mysterioeser-tode