Nguyễn Tường Thiết: Dịch phẩm tiếng Nhật Bướm Trắng của Nhất Linh

Bướm Trắng là cuốn tiểu thuyết phân tách tâm lý thường được giới phê bình văn học đánh giá là sâu sắc nhất của nhà văn Nhất Linh. 

Tác phẩm này xuất bản lần đầu năm 1941 ở Hà Nội. Tám mươi bốn năm sau lần đầu tiên Bướm Trắng đến với độc giả Nhật Bản khi ấn bản tiếng Nhật được in và phát hành vào ngày 28 tháng 3 năm 2025.

*

Tháng 9 năm 2024 tôi nhận được điện thư của một người bạn là giáo sư Kawaguchi Kenichi cho biết ông đã dịch gần xong một tác phẩm của thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh, cuốn tiểu thuyết Bướm Trắng tiếng Việt sang tiếng Nhật. Trong thư ông Kawaguchi cho biết là bản Nhật ngữ tác phẩm Bướm Trắng sẽ được xuất bản theo chương trình giới thiệu văn hoá văn học các nước Đông Nam Á do một công ty bảo hiểm sinh mạng Nhật Bản, The Daido Life Foundation sáng lập. Ông cũng ngỏ ý muốn nhờ tôi viết lời giới thiệu dịch gỉa để in trong cuốn sách này.

Tôi rất vui lòng và hân hạnh viết lời giới thiệu giáo sư Kawaguchi Kenichi.

Trước hết tôi xin thuật lại cơ duyên nào đã khiến tôi quen biết ông Kawaguchi và sau đó chúng tôi trở thành đôi bạn.

Vào tháng bẩy năm 2013, nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày mất của nhà văn Nhất Linh, đồng thời cũng đánh dấu 80 năm Nhất Linh thành lập nhóm văn học Tự Lực Văn Đoàn, báo Diễn Đàn Thế Kỷ và nhật báo Người Việt ở tiểu bang California, Hoa Kỳ, phối hợp tổ chức hai buổi “Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hoá & Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn”. Ban Tổ chức cuộc hội thảo viết thư mời giáo sư Kawaguchi sang Mỹ tham dự hai buổi triển lãm và hội thảo ấy, và giáo sư đã nhận lời.

Chính trong dịp ấy mà lần đầu tiên tôi gặp giáo sư Kawaguchi khi tôi được hân hạnh đón tiếp ông ở phi trường Los Angeles khi ông bay từ Nhật sang Mỹ tham dự cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn. 

Giáo sư Kawaguchi Kenichi sinh năm 1949 tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Tokyo năm 1976, tốt nghiệp Cao học cùng trường năm 1981. Sau khi vị thầy của ông là giáo sư sáng lập phân khoa Việt ngữ Takeuchi Yonosuke nghỉ hưu năm 1984, ông thay thế giảng dạy văn hoá Việt Nam ở trường cho đến năm 2013. Hiện tại ông là Giáo sư Danh dự của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo.

Công trình nghiên cứu chính của ông Kawaguchi là Quá trình hình thành Văn học Cận đại Việt Nam (1986); Văn học hiện đại Việt Nam (I) – Tiểu thuyết (1987); Văn học hiện đại Việt Nam (II) – Thơ: Nhà thơ Tản Đà (1988); Quá trình hình thành và Đặc điểm của Thơ Mới (1) 1991; Thạch Lam – Tác phẩm và Quan niệm Văn học (1996);  Nhân vật trong tiểu thuyết của Nhất Linh –  Suy nghĩ về 3 tác phẩm (1999; Hướng đi của Nghệ thuật – Bút chiến Văn học vào những năm giữa 1930 ở Việt Nam (2004); Tranh luận xung quanh Nghệ thuật ở Việt Nam – Tranh luận về Văn hoá và Nghệ thuật năm 1939 (2006). Những tác phẩm dịch sang tiếng Nhật của ông bao gồm Hồn Buớm Mơ Tiên của Khái Hưng (dịch chung với GS Takeuchi Yonosuke, 1984); Nắng Trong Vuờn tập truyên ngắn của Thạch Lam (2000); Những truyện ngắn của Nhất Linh và Khái Hưng.

Trong cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tổ chức tại quận Orange County, California, ngày 7 tháng 7 năm 2013, bằng tiếng Việt, giáo sư Kawaguchi đã thuyết trình về đề tài Tự Lực Văn Đoàn và văn học cận đại Việt Nam; trong đó ông khẳng định “Tự Lực Văn Đoàn là nhóm văn học đặc sắc đa dạng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong quá trình hình thành văn học hiện đại Việt Nam”.

 Hai năm sau cuộc Hội thảo, vào mùa Xuân năm 2015, vợ chồng tôi được giáo sư Kawaguchi đón tiếp tại phi trường Haneda ở Tokyo khi chúng tôi đi thăm nuớc Nhật Bản lần đầu tiên. Trong thời gian chúng tôi ở Nhật giáo sư đã huớng dẫn chúng tôi đi thăm nhiều thắng cảnh ở Tokyo chẳng hạn như Tháp Tokyo Sky Tree, Hoàng cung Tokyo, Công viên Shinjuku Gyoen, Khu phố cổ Asakusa với ngôi chùa Phật giáo Senso-ji nổi tiếng. Ngoài ra giáo sư Kagaguchi còn dành cả một ngày lái xe chở vợ chồng tôi đi thăm những thắng cảnh rất nổi tiếng cách Tokyo 140 cây số, đó là một hệ thống các đền chùa Nikko, thuộc tỉnh Tochigi. Buổi chiều hôm đó trên đường trở về Tokyo giáo sư Kagaguchi đưa chúng tôi đến thăm nhà ông tại thành phố Ibaraki, do đó chúng tôi đã có dịp gặp cả gia đình ông.

Trong suốt hơn mười năm làm bạn với giáo sư Kawaguchi chúng tôi rất quí mến và khâm phục ông, một người ngoại quốc đã dành gần cả cuộc đời mình để học hỏi, nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến nền văn hoá của nước Việt Nam, đặc biệt là văn hoá của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà thân phụ tôi là người chủ xướng.  

Trên cương vị một người con, hôm nay nhân dịp ra mắt cuốn sách dịch Bướm Trắng, cuốn tiểu thuyết tâm lý được giới phê bình văn học đánh giá là sâu sắc nhất của Nhất Linh tôi xin ngỏ lời cảm ơn hết sức chân tình đến dịch giả Kawaguchi Kenichi và cơ quan Daido Life Foundation đã xuất bản cuốn sách này để giới thiệu Bướm Trắng với độc gỉa Nhật Bản.

Nguyễn Tường Thiết

Seattle, mùa Xuân năm 2025

Trái: Nguyễn Tường Thiết, phải: GS Kawaguchi Kenichi, hình chụp tại Nhật năm 2015