Nguyễn Văn Huy : Nhìn lại những chính sách hội nhập cộng đồng người Thượng trên cao nguyên (Kỳ 1)

Bản đồ các sắc tộc ở Đông Dương phân chia theo nhóm ngôn ngữ (Nhà xuất bản Monrocq – Paris, in năm 1917). Màu xanh lá là địa bàn của người Bahnar, Mạ, Stieng, Lạt, Koho. Màu xám là vùng của người Jarai, cùng nhóm ngôn ngữ với người Chăm, Rhadé, Raglai và Churu. Màu đỏ nhạt là vùng của người Việt.

Lời nói đầu

Tìm hiểu sự hội nhập những cộng đồng sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là một bổ túc cần thiết cho mọi dự án xây dựng Việt Nam tương lai.

Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới. Miền Trung chỉ mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18, cao nguyên miền Trung cuối thế kỷ 19. Chúng ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy tổ chức của xã hội Việt Nam lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và nhắm phục vụ cho người Kinh.

Có lẽ là quá trình mở nước và giữ nước khó khăn của Việt Nam đã không cho cha ông chúng ta thời giờ và phương tiện để suy nghĩ về một chính sách dân tộc một cách nghiêm túc, đây là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục. Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có một chính sách hội nhập thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tại hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng đất rộng lớn của đất nước là vùng Thượng du miền Bắc và Cao nguyên miền Trung có thể trở thành bất ổn và không phát triển.

Các cộng đồng dân tộc (văn hóa, tôn giáo, sắc tộc) phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Chăm đã có công xây dựng và phát triển những dãy đất dọc vùng duyên hải miền Trung, những cộng đồng người thiểu số trên vùng Thượng du phía bắc và cộng đồng người Thượng sinh sống từ lâu đời trên Tây Nguyên phải được nhìn nhận là người bản địa cần được bảo vệ văn hóa và tập tục, cộng đồng người Việt gốc Khmer và cộng đồng người Việt gốc Hoa đã có mặt từ lâu đời tại miền Nam và đã từng góp công khai phá ra miền Nam, tất cả phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc.

Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ mọi ý đồ đồng nhất để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung.

Nội dung bài viết này được trình bày dưới dạng biên khảo để đăng báo, do đó không có phụ chú, vì quá nhiều và quá dài. Tuy nhiên tôi xin chịu trách nhiệm về sự chính xác của những dữ kiện lịch sử (ngày, tháng, năm) cũng như những dẫn chứng về nhân chủng hay sắc tộc học. Tên các nhóm sắc tộc được viết dựa theo tiếng Anh để dễ tham khảo trong các tài liêu quốc tế. Ngược lại tên các địa danh trên cao nguyên miền Thượng được viết bằng tiếng Việt thời Việt Nam Cộng Hòa cho dễ đọc (thí dụ Đắc Lắc thay vì Đắk Lắk, v.v.). Nếu có yêu cầu viết thành sách thì tôi sẽ bổ túc thêm hình ảnh để minh họa và những chú giải một cách chi tiết để độc giả có thể tham khảo. 

Kính chúc quý độc giả dành thì giờ để đọc bài viết khá dài này trong một tâm trạng bình an và một tình tự dân tộc đằm thắm.

Nguyễn Văn Huy 

***

Người Thượng bản địa ở Lâm Đồng vào đầu những năm 1900

A. Khái quát về người Thượng

1. Người Thượng là ai ?

“Thượng” là tên gọi chung những sắc tộc bản địa sinh sống trên cao nguyên miền Trung Việt Nam (Montagnards theo tiếng Pháp và tiếng Anh). Dân số người Thượng năm 2024 trên 2,1 triệu người (tương đương với 2% dân số toàn quốc), được chia thành 19 nhóm khác nhau, đông nhất là nhóm ngữ hệ Mon Khmer (Nam Á) gồm các sắc tộc Bahnar, Sedang, H’re, Mnong, Stieng… kế là nhóm ngữ hệ Malayo Polynesian (Nam Đảo) bao gồm Jarai, Rhade, Raglai, Churu…

Địa bàn cư trú của người Thượng có hình giọt nước, rộng khoảng 54.500 cây số vuông, từ vùng rừng núi phía tây các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung (bắt đầu từ Quảng Bình xuống Đồng Nai) đến tận biên giới Lào và Cambodia, gồm các tỉnh Kontum, Jarai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng (gọi chung là Tây Nguyên) và chấm dứt trên những sườn đồi phía nam dãy Trường Sơn trong các tỉnh Đồng Nai và Sông Bé. Mỗi nhóm Thượng sinh trú trong một khu vực riêng biệt với những ngôn ngữ, phong tục, tập quán riêng. Mật độ dân số trung bình khoảng 30 người trên một cây số vuông ; tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình là 2% một năm. Ngày nay người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ : 35%, nghĩa là 1/3 dân số trên Tây Nguyên.

Triều đình và người Việt xưa gọi chung những sắc dân sinh sống trong vùng rừng núi, chưa thấm nhuần văn hóa Thánh Hiền (Nho giáo hay Khổng Mạnh), là man di, thổ dân hay liêu thuộc ; khi chống lại triều đình thì bị gọi là rợ, loạn. Vào giữa thế kỷ 19, khi lần đầu tiên tiếp xúc với những sắc dân sinh sống trên cao nguyên Trường Sơn, người Pháp gọi chung là “Mọi”.

Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, danh xưng “Mọi” xuất hiện từ thế kỷ 18 khi Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh”. Triều thần nhà Lê (Trương Tuân và Dương Trọng Tế) thời đó gọi quân Tây Sơn là “quân Mọi”. Sở dĩ có tên gọi này vì quân Tây Sơn đa số là người Thượng (đảm trách phần nhiệm tải người và vật dụng), “kẻ nào cũng lưng đóng khố, tay cầm đòn ống, mình trần trùng trục”. Chưởng Tiến, một lục lâm hảo hán thời đó, mắng quân Tây Sơn là “lũ Hồng Mao”, tức “mọi lông đỏ”, vì trên đầu mỗi binh sĩ đều vấn vải đỏ và giắt lông chim (một phong tục của người Bahnar khi lâm trận).

Không biết danh xưng “Mọi” có từ bao giờ, người Pháp nói rằng người Việt đã gọi chung những sắc dân cư ngụ trên vùng rừng núi phía tây đồng bằng duyên hải miền Trung là “Mọi” từ lâu đời, với nội dung khinh bỉ vì những người này sống trong man dã và hung tợn. Ngày nay danh xưng “Mọi” tuy không còn phổ biến nhưng trong dân gian vẫn còn những biến nghĩa tiêu cực khi muốn hạ thấp nhân phẩm hay khinh miệt đối phương với những cụm từ : “làm mọi” (làm không công, làm tôi tớ), “man mọi” (kém văn minh), “mọi rợ” (dã man, hung tợn), “thằng mọi” (kẻ đê tiện), “đồ mọi” (người kém văn minh, thiếu văn hóa)…

Trong thực tế danh xưng “Mọi” xuất phát từ lối phát âm của người Mường : “Mơl”, có nghĩa là “người”. Khi các giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 16 truyền đạo, họ đã dựa theo cách phát âm của người địa phương gọi những sắc dân sinh sống trên vùng rừng núi phía tây (Trường Sơn đông) là “Mwal”, rồi phiên âm ra theo tiếng la-tinh Việt ngữ hóa là “Mơ-oal” hay “Mơ-oai”.

Thật ra không có sắc dân nào tên “Mơl” cả, mỗi sắc dân đều có một tên riêng đi kèm, như “Mơl Mường”, tức là người Mường. Cũng như ngày nay chúng ta gọi những người nước ngoài là “người Pháp”, “người Mỹ”, “người Trung Quốc”, v.v… chứ không gọi trỏng là Pháp, Mỹ hay Trung Quốc. Ở đây, “Mơl” chỉ có nghĩa là “người”.

Khi cộng đồng người Việt từ các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh theo Nguyễn Hoàng vào Nam (tức miền Trung ngày nay) lập nghiệp đầu thế kỷ 16, họ gọi chung chung người miền núi là “Mơ-oai” vì không biết đặt tên gì. Với thời gian, do cách phát âm riêng biệt của người Thanh Nghệ Tĩnh, danh xưng “Mơ-oai” biến âm thành “Mơ-oại”, để sau cùng đọc thành “Mọi”. Theo cách gọi đó, quan quân thời Nguyễn sơ đặt tên cho những thổ dân sinh sống trên vùng rừng núi phía tây dãy Trường Sơn là Mọi Đá Vách (H’re), Mọi Hời (H’roi, Kor, Bru, Ktu và Pacoh), Mọi Đá Hàm (Jarai), Mọi Bồ Nông (Mnong) và Mọi Bồ Van (Rhade Epan), Mọi Vị (Raglai) và Mọi Bà Rịa (Mạ) để chỉ những sắc dân Thượng sinh trú phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Biên Hòa.

Thời Việt Nam Cộng Hòa có người dùng chữ người Sơn Cước cho có vẻ văn chương và văn hóa hơn, nhưng danh xưng này bao hàm tất cả những cư dân bản địa sống trên vùng núi non và cao nguyên miền Bắc lẫn miền Trung, do đó không thể dùng để chỉ riêng người Thượng.

Người bình dân gọi tất cả những thổ dân không phải là người Việt có nước đã ngăm đen sinh sống bên cạnh họ là người miền ngược, người miền núi, thượng bang, người thiểu số, người sắc tộc, ngày nay được gọi chung là người dân tộc (sic).

Các chế độ chính trị thười Việt Nam Cộng Hòa gọi chung những cộng đồng thiểu số là đồng bào sắc tộc. Chế độ cộng sản còn đi xa hơn, đồng hóa danh xưng sắc tộc (ethnie) với dân tộc (nationalité) theo cách gọi của Liên Xô cũ và Trung Quốc ; sắc tộc thiểu số đổi thành dân tộc thiểu số, mỗi sắc tộc là một dân tộc (dân tộc Rhade, dân tộc Mạ…), chính vì thế ngày nay người Việt trong nước thường gọi chung người Thượng là “người dân tộc”. Buồn cười nhất là dân số những sắc tộc ít người tính đến năm 2019 chỉ vài trăm như người Rmam (hơn 600 người), Brao (hơn 500 người) vẫn được gọi là dân tộc Rmam, dân tộc Brao. 

Cũng nên biết Liên Xô cũ và Trung Quốc ngày xưa là những đế quốc thâu tóm hay kết nạp nhiều quốc gia đông dân hay lãnh thổ rộng lớn khác vào lãnh thổ chung của họ nên không thể định nghĩa những sắc dân sinh sống trong không gian sinh tồn của họ theo tiêu chuẩn dân tộc học, vì trong mỗi quốc gia hay lãnh thổ đều có một dân tộc đa số và nhiều sắc tộc thiểu số khác nhau (mỗi nhóm có đến hàng chục triệu người). Chính Nga (Liên Xô cũ) và Trung Quốc ngày nay cũng đang lấn cấn trong cách gọi “dân tộc” đối với những sắc tộc thiểu số trong mỗi lãnh thổ.

Trong bài này, người viết sử dụng danh xưng “Thượng” một cách gọi đặc trưng để chỉ những nhóm dân cư bản địa sinh sống trên vùng cao nguyên miền Trung trước khi sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, nay là Tây Nguyên. Thượng có nghĩa là người ở miền cao hay trên miền núi.

2. Cộng đồng người Thượng được hình thành như thế nào?

Sinh sống trên một địa bàn hiểm trở, giữa núi rừng ẩm ướt, vật dụng sinh hoạt chính của người Thượng là tre và gỗ rừng. Văn minh của người Thượng có thể gọi là văn minh thảo mộc, vì dễ bị hư mục theo thời gian, do đó không có những di tích khả dĩ tồn tại lâu dài với thời gian để có thể nối lại những mắc xích của quá khứ. Gần đây nhiều di chỉ khảo cổ trên Tây Nguyên được khám phá, nhưng những phát hiện này dừng lại ở thời đại đồ đá cách đây từ 10.000 đến 30.000 năm, giai đoạn cận kim hoàn toàn thiếu vắng. Thêm vào đó người Thượng không có chữ viết, không những diễn đạt tượng hình (hieroglyph), nên việc truy tìm nguồn gốc quá khứ hay lịch sử rất là khó khăn. 

Sự hiện diện của họ chỉ được biết đến qua những huyền thoại dân gian, những truyền thuyết được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, sự trung thực rất khó kiểm chứng lại càng không thể chứng minh. Những truyền thuyết và truyền khẩu phần lớn được các tay phiêu lưu, nhà mạo hiểm và giáo sĩ Pháp ghi lại ; nội dung ban đầu có tính miệt thị sau đó mang tính huyền bí của kinh thánh, để rồi được thêu dệt và trình bày theo những thiên kiến và chủ đích của các thế lực cầm quyền khác nhau trên bán đảo Đông Dương. Lịch sử của người Thương trên cao nguyên miền Trung Việt Nam chính vì vậy chưa bao giờ được diễn giải một cách trung thực và khách quan.

Mặc dầu vậy, với quyết tâm, chúng ta vẫn có thể nối kết những mắc xích thời gian về sự hiện diện của cộng đồng người Thượng dựa vào những di tích khảo cổ hay bút tích biên niên của các thế lực xưa trong vùng : Phù Nam, Angkor, Chân Lạp, Chiêm Thành, Xiêm La và Đại Việt, để từ đó v lại bức họa đồ quá trình hình thành các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cộng đồng người Thượng chính vì vậy cũng là tìm hiểu nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, bởi vì ngày nay cộng đồng người Thượng là những công dân Việt Nam trọn vẹn, tổ tiên của họ cũng là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Nhiệm vụ của những người Việt còn ưu tư đến tương lai đất nước là phải suy tìm và đề nghị một chính sách hội nhập các cộng đồng dân tộc phù hợp với tinh thần đa nguyên trong tình anh em tìm lại. Đây là một việc làm cấp bách và cần thiết

Từ thời nguyên sơ, trên Tây Nguyên không có chủng tộc nào có những tên gọi như ngày nay. Tổ tiên người Thượng phần lớn là người đồng bằng chạy lên cao nguyên lánh nạn sau những biến động và ở lại luôn ; với thời gian, những hòa trộn về chủng tộc giữa các nhóm di dân cũ và mới trên chốn rừng núi khai sinh ra những nhóm sắc tộc khác nhau và tồn tại cho tới ngày nay. Cũng nên biết vùng rừng núi Trường Sơn trước khi được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là địa bàn lánh nạn lý tưởng cho những người thích sống tự do, từ chối sự thống trị của các thế lực đồng bằng.

Về mặt nhân chủng, lãnh thổ Đông Dương có thể là nơi sinh trú của những sắc dân có nguồn gốc đại chủng phương Nam (Australoid) cách đây 55.000 năm. Với thời gian, nhiều sắc dân khác từ lục địa Nam Á (Austroasiatic) đến hội cư. Với thời gian, những nhóm chủng tộc này trở thành cư dân bản địa trên vùng rừng núi Đông Dương.

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu nhân chủng học, cư dân đầu tiên trên Tây Nguyên mang nặng yếu tố Veddoid (hay Negroid, nước da ngâm đen, dáng người nhỏ thấp, tóc đen xoắn, xuất hiện cách đây từ 10.000 đến 5.000 năm), sinh sống bằng nghề săn bắn và hái lượm, biết chế tác dụng cụ và vũ khí bằng xương thú và đá đẽo.

Vào đầu công nguyên, những nhóm người đến từ sông Indus, người Hindu (Ấn Độ), dùng thuyền bơi dọc theo bờ biển Nam Á đến nơi sinh trú của những nhóm dân cư Mon bản địa phía nam trên bán đảo Đông Dương để buôn bán và thành lập những trạm thu mua trong thời gian tạm trú. Những nhóm Hindu này đã chọn vùng biển Vịnh Hà Tiên ngày nay để lập những trạm thu mua làm nơi cư trú. Dưới ảnh hưởng của họ, những nhóm Mon bản địa đã tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ và hình thành một vương quốc sơ khai dưới tên gọi bằng chữ Hán là Phù Nam (tiếng Khmer : Phnum, có nghĩa là đồi núi hay vùng đất cao). Từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, Phù Nam đã trở thành một vương quốc độc lập, thu hút sự hợp tác của những dân cư Mon bản địa chung quanh. 

Trong khi đó những nhóm dân cư Mon sinh sống sâu trong nội địa, trên vùng đồi núi phía đông bắc (Trường Sơn tây) mà người Khmer gọi là Phnong, ít bị ảnh hưởng bởi nền văn minh Ấn Độ. Cho đến nay khoa khảo cổ không tìm thấy một di chỉ hay di tích nào liên quan đến vương quốc Phù Nam. Do được bảo vệ bởi địa thế hiểm trở, những nhóm Mon này tiếp tục duy trì lối sống cổ truyền và khép kín nên không theo kịp đà phát triển chung của những nhóm Mon đồng bằng, họ thường xuyên bị các thế lực Phù Nam và Chân Lạp (Chenla) truy lùng bắt làm gia nhân phục dịch hay nô lệ xây dựng đền đài.

Theo mô tả của Mã Đoan Lâm (Ma Tuan-lin), một nhà thám hiểm Trung Hoa thời Nam Tống, trong tài liệu Văn Hiển tùng khảo (Wenxian tongkao) phát hành năm 1317, thì “người Phù Nam rất xấu xí, có nước da ngăm đen, tóc xoăn, không mặc quần áo và xăm hình toàn thân, nơi ở của họ rất kiên cố. Họ ở trên nhà sàn lợp bằng lá tre, biết chạm đồ bằng bạc, làm nhẫn và vòng tay bằng vàng hoặc bạc. Không có nhà tù, nhưng cả người tố cáo lẫn bị cáo đều phải chịu những cực hình tàn khốc, chẳng hạn như bị ném xuống vùng nước sâu chỉ những ai sống sót mới được coi là vô tội”. Khi thực dân Tây Ban Nha chiếm đóng những hải đảo vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 18, họ gọi chung những nhóm dân cư bản địa này là Negritos, nghĩa là người da đen thấp nhỏ nhưng không phải là người Châu Phi. 

Sau khi thiết lập các trạm buôn bán và góp phần thành lập vương quốc Phù Nam, những người Hindu tiếp tục đi thuyền về phía đông, dọc vùng biển miền Trung và tiếp xúc với các nhóm dân cư bản địa, thuộc ngữ hệ Malayo Polynesian, để thành lập những trạm giao thương. Tổ tiên của những cư dân sinh sống dọc bờ biển miền Trung Việt Nam thời đó cũng đến từ các hải đảo ở biển Đông, họ biết tổ chức chính quyền và thành lập những tiểu vương quốc độc lập. Với thời gian, những nhóm Malayo Polynesian này kết hợp lại với nhau thành dân tộc Chăm và thành lập vương quốc Champa hùng tráng chịu ảnh hưởng của nền văn minh và văn hóa Ấn Độ. Sự đa dạng về chủng tộc và ngôn ngữ của những nhóm dân cư bản địa Đông Nam Á đã là đề tài tranh cãi giữa những nhà nhân chủng và ngôn ngữ học phương Tây trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. 

Về ngữ hệ, vào giữa thế kỷ 19 những nhà ngôn ngữ học phương Tây xếp chung những nhóm dân cư Nam Đảo (Austronesian) sinh sống trên các hải đảo Đông Nam Á vào ngữ hệ Malayo Polynesian, để phân biệt những sắc dân gốc Nam Á (Austroasiatic) đa số, sinh sống trong lục địa Đông Nam Á, thuộc ngữ hệ Mon Khmer. 

Trên bán đảo Đông Dương, vào thời kỳ đồ đá mới, sự cộng cư giữa hai nhóm Mon Khmer và Malayo Polynesian có thể đã diễn ra không yên bình. Những nhóm dân cư Nam Đảo đến từ các vùng biển, do văn minh và khỏe mạnh hơn, thường lấn át những nhóm dân cư Nam Á lục địa. Từ đó có sự phân chia địa bàn cư trú giữa hai nhóm chủng tộc này : người gốc Mon Khmer sinh sống sâu trong lục địa Đông Nam Á, người gốc Malayo Polynesian sinh sống dọc các bờ biển từ vịnh Thái Lan đến các vùng duyên hải miền Trung. Với thời gian, mỗi nhóm sinh sống hợp quần trên những vùng đất cố định và giữ nguyên những đặc trưng riêng biệt của mình : ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, v.v. Cả hai nhóm sắc tộc mới này (Mon Khmer và Malayo Polynesian) đều nắm vững kỹ thuật chế tác vật dụng bằng gốm, dệt vải, rèn luyện kim loại thô sơ, chăn nuôi và làm rẫy. Từ sau công nguyên, hai cộng đồng chủng tộc này hình thành hai thế lực chính trị, kinh tế và quân sự hùng mạnh kình địch lẫn nhau trên bán đảo Đông Dương : đế quốc Khmer trong nội địa phía tây và vương quốc Champa dọc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam ngày nay. 

Cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung Việt Nam được hình thành sau những biến cố nội tại của mỗi thể chế hay chiến tranh với của thế lực trong vùng : 

– Người Thượng gốc Mon Khmer là những nhóm dân cư Phnong dưới triều đại Angkor, một số trốn chạy những cuộc ruồng bắt nô lệ của người Khmer để xây đền đài hay những cuộc truy diệt của quân Xiêm La tại Chân Lạp từ thế kỷ thứ 9, một số khác được trả tự do sau khi đế đô Angkor bị quân Thái chiếm đóng từ năm 1336 đến thế kỷ 15. Tất cả đều chọn lên vùng rừng núi phía tây nam (Battambang) và phía đông (Trường Sơn tây) lánh nạn. Tại những vùng định cư mới này, mỗi nhóm giữ gìn những phong tục tập quán và ngữ hệ cũ đã hấp thụ tại đồng bằng và hình thành những nhóm sắc tộc khác nhau do người Pháp đặt tên như Bahnar, Stieng, H’re, Mnong, Sedang…

– Người Thượng gốc Malayo Polynesian là những nhóm dân cư và binh lính dưới các vương triều Champa thua trận trốn chạy lên Tây Nguyên lánh nạn sau những cuộc truy lùng của những tiểu vương tranh chấp lẫn nhau, của quân Java từ biển tràn vào hay quân Đại Việt từ phía bắc tiến xuống. Họ chỉ có một lối thoát duy nhất là chạy lên vùng rừng núi phía tây (Trường Sơn đông) lánh nạn và ở lại luôn. Sự hiện diện của họ được những nhà phiêu lưu và giáo sĩ Pháp gọi tên là Jarai, Rhade, Raglai, Churu…

Thừa hưởng những nguồn gốc chủng tộc và văn hóa hấp thụ từ đồng bằng, cộng đồng người Thượng trên cao nguyên tổ chức lại cuộc sống. Họ bắt đầu biết kết hợp thành bộ lạc, dựng nhà sàn, chăn nuôi trâu bò, thuần dưỡng voi rừng để chuyên chở hay xung trận, đốt rừng làm rẫy và săn bắn. Ý thức quyền lực ngày càng rõ nét, những bộ tộc lớn thường tấn công những bộ lạc nhỏ và yếu hơn để bắt phụ nữ và nô lệ phục vụ mình, danh xưng Vua Nước (Thủy Xá) và Vua Lửa (Hỏa Xá) phát sinh từ buổi ban sơ này. Nhờ đất đai còn hoang trống, những nhóm nhỏ và yếu hơn, không muốn bị đồng hóa hay bị bắt làm nô lệ, trốn vào những chốn rừng sâu tránh nạn và ở lại luôn. Sống tách biệt với thế giới bên ngoài, những nhóm nhỏ yếu này càng trở nên lạc hậu và yếu kém hơn. Sự di chuyển theo đàn thú rừng và lối canh tác du mục cũng làm thay đổi yếu tố thuần chủng của từng nhóm và chỉ chấm dứt khi người Pháp đến cai trị toàn bộ lãnh thổ Tây Nguyên vào cuối thế kỷ 19.

Với thời gian, tranh chấp về không gian sinh tồn và lãnh đạo giữa những bộ tộc lớn ngày càng gắt gao, một số đã nhờ các thế lực tại đồng bằng (Phù Nam, Chân Lạp, Angkor và Chiêm Thành) lên can thiệp và chấp nhận triều cống. Từ đó sự hiện diện của cộng đồng người Thượng bắt đầu xuất hiện trong những ghi chép hay văn kiện biên niên của các triều vương đồng bằng. 

Quan hệ giữa người Thượng và người Champa có thể đã có từ lâu đời nhưng chỉ cụ thể hóa mỗi khi quân Champa bị quân Việt đánh bại phải chạy lên Tây Nguyên lánh nạn trong những buôn làng người Kirata (Rhade và Jarai) phía bắc lãnh thổ Vijaya (Bình Định). Năm 1471 kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) của vương quốc Champa bị quân Việt đánh chiếm, những vùng đất phía đông dãy Trường Sơn đặt dưới quyền cai trị của nhà Lê. Năm 1540 vua Lê Trang Tôn giao cho Trấn quận công Bùi Tá Hán cai quản xứ Nam Bàn (tức Kontum, Pleiku và Darlac ngày nay), người Chăm bỏ chạy xuống phía nam trốn tránh trong vùng rừng núi phía tây và được người Churu, Raglai, Koho và Mạ che chở.

Quan hệ đầu tiên giữa người Thượng với các thế lực Khmer được ghi nhận vào năm 1601 trong Khế ước Samboc, do vua Chân Lạp Barom Reacha IV (Soryopor) ban hành, quy định nghi lễ trao quà ba năm một lần cho hai tiểu vương (Sadet) Thủy Xá và Hỏa Xá trên vùng rừng núi phía đông bắc để cầu sự yên lành và được hỗ trợ khi có biến. Trong thời kỳ này, những sắc tộc Thượng Krol, Bhiet, Mnong và Stieng tại Srung Treng, Kratie (phía bắc Cambodia ngày nay) và sắc tộc Kra tại Bassac (Nam Lào ngày nay) tung hoành như chốn không người và chỉ yên bình khi quân Pháp làm chủ vùng cao nguyên khu vực Tam Biên (Cambodia, Laos và Việt Nam) năm 1894.

Tại Việt Nam, sự hiện diện của người miền núi đã được ghi lại trong biên niên sử do các sứ thần của triều đình nhà Lê và nhà Nguyễn báo cáo trong thế kỷ 18, nhưng những thông tin cụ thể về cộng đồng người miền núi chỉ được hệ thống từ khi người Pháp can thiệp vào Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Qua các tài liệu và văn bản này, chúng ta có thể lần ra mối quan hệ giữa triều đình với người miền núi và những chính sách hội nhập cộng đồng người Thượng dưới thời các vương triều Việt, chính quyền thực dân Pháp trước kia và các chính quyền Việt Nam sau này. Sang thời Pháp thuộc (1884-1954), tất cả những nhóm sắc tộc Thượng sinh sống trên cao nguyên miền Trung đã lần lượt được khám phá và liệt kê trong các văn bản.

Mặc dầu có một quá khứ lâu dài, cộng đồng người Thượng từ khi xuất hiện cho đến nay chưa bao giờ kết hợp lại thành một vương quốc hay một thực thể chính trị có tổ chức. Sự cô lập của người Thượng trên cao nguyên không phải tình cờ, mỗi nhóm hùng cứ một nơi, sinh hoạt quay quần quanh một vị thủ lãnh hay một dòng tộc.

3. Quan niệm Ấn Độ giáo và Phật giáo về người Thượng

Tham khảo sử liệu các thế lực lớn trong khu vực, Trung Quốc cổ đại và các vương quốc cổ xưa của bán đảo Đông Dương (Phù Nam, Angkor, Chân Lạp, Champa, Xiêm La), ít có tài liệu nào nhắc tới người miền núi trên bán đảo Đông Dương như một thực thể quyền lực. 

Thời vua Yasovarman (889-900) triều đại Angkor có nhắc tới hai nhóm dân, người Thái phía tây và người Phnong phía đông, bị bắt làm nô dịch phục vụ giai cấp cầm quyền hay làm nô lệ xây dựng đền đài. Nhà du hành Trung Quốc, Chu Đạt Quán (Tcheu Ta-kuan), khi đến thăm triều đình vua Angkor Indravarman III năm 1296, đã kể lại rằng ” người man tràn đầy thị trường nô lệ tại kinh đô ; những ai không muốn bị bắt phải chạy vào những chốn rừng sâu và xa hơn để lánh nạn”. 

Năm 1336, sau khi vua Jayavarman VIII qua đời, triều đình mới tại Angkor bãi bỏ biểu tượng coi vua là thần (deva), đoạn tuyệt với Ấn Độ giáo (Hinduism) và loại tầng lớp quý tộc cũ ra khỏi guồng máy cầm quyền. Giới lãnh đạo mới chọn triết lý Phật giáo làm phương thức điều hành đất nước, lấy Phật giáo Tiểu thừa làm tôn giáo chính của triều đình và tồn tại cho tới ngày nay. Tiếng Pali thay tiếng Phạn (Sanscrit) và trở thành ngôn ngữ trao đổi trong chốn cung đình và ở khắp mọi nơi. Việc xây dựng các đền đài lớn bằng đá và gạch bị bãi bỏ, chỉ những chùa chiền và cung điện xây dựng bằng vật liệu nhẹ (gỗ, tre) mới được cho phép. Mất việc, một khối lượng lớn nhân công xây dựng, canh tác lúa nước và chăn nuôi tại kinh đô trở về quê quán cũ sinh sống, trong đó đông nhất là người Thái, kế là người Phnong. 

Việc đuổi người Thái về lại quê quán cũ là một sai lầm chiến lược lớn của Jayavarman III. Chính những Thái này sau khi về nước đã tổ chức lại lực lượng và thành lập vương triều Ayutthaya. Trong suốt 80 năm, từ 1352 đến 1431, quân Ayuttaya đã nhiều lần cất quân sang đánh Angkor và sau cùng đánh bại triều vương Khmer. Vào thời cực thịnh nhất, quần thể kinh đô Angkor rộng khoảng 1000 km2 là nơi sinh sống của hơn 750.000 người. Cuộc chiến giữa Ayutthaya và Angkor có lẽ đã rất đẫm máu và mang tính diệt chủng, vì không còn một Khmer nào sống sót để kể lại những gì đã xảy ra. Nền văn minh Angkor đã bị xóa hẳn trong ký ức tập thể của người Khmer trong suốt 430 năm. Phải chờ tới năm 1860, một nhà sưu tầm bươm bướm Pháp, Henri Mouhot, đi lạc vào khu di tích Angkor bị cây rừng che khuất và vô tình khám phá ra kho báu này. 

Những nhóm Mon bao gồm nhiều sắc tộc nhỏ khác nhau như người Soch thì trở về quê quán cũ phía tây nam (Battambang), người Samre (hay Pear) đi về phía tây bắc (Siemreap), người Kha (Kuy) tiến lên miền bắc (Nam Lào), người Phnong và người Brao chạy về phía tây, cư trú ở vùng cao nguyên phía đông bắc (Dakto) và trở thành người Mnong và Brâu tại Việt Nam ngày nay.

Cho dù có được cuộc sống tự do, số phận của những nhóm di dân thiểu số không khá gì hơn trước, họ vẫn tiếp tục bị khinh miệt bởi các vương triều đương quyền. Lý do là vì nguyên tắc lãnh đạo và điều hành xã hội của các vương quyền Đông Nam Á thời đó dựa trên quan điểm triết lý của đạo Bà La Môn và giáo lý của Phật giáo nguyên tủy, cộng đồng người Thượng bị gạt ra lề xã hội. 

3.1. Đạo Bà La Môn 

Đạo Bà La Môn (Brahmanism), ngày nay là Ấn Độ giáo (Hinduism), được truyền vào Đông Dương theo chân các thương gia và giáo sĩ Ấn Độ (Hindi) vào đầu công nguyên. Sau khi thiết lập xong những trạm thu mua, những thương gia và giáo sĩ Hindi ở lại những vùng đất mới chờ trời yên biển lặng mới đi thuyền về lại quê quán cũ. Trong thời gia tạm trú, những giáo sĩ Hindi này truyền bá triết lý cầm quyền cho giới quý tộc bản địa và được giao giữ những vai trò quan trọng trong việc huấn luyện giai cấp lãnh đạo và tổ chức cầm quyền. Đạo Bà La Môn có thể nói là tôn giáo đầu tiên của người Khmer, những ngôi đền Shaivism uy tín nhất đều nằm ở Angkor.

Ngoài Tam thần [Brahma (Phạm Thiên) là đấng tạo hóa, Vishnu (Tỳ Thấp Nô) là đấng bảo hộ, còn Shiva (Thấp Bà) là đấng hủy diệt] và biểu tượng Yoni và Linga, hệ thống đẳng cấp (Caste) của đạo Bà La Môn rất được giai cấp cầm quyền bản xứ thời đó ưa chuộng vì vai trò lãnh đạo xã hội của họ được thần linh hóa và không ai có quyền tước đoạt.

Đạo Bà La Môn quy định thứ tự đẳng cấp của hệ thống này như sau : 

1. Brahman (Bà-la-môn) gồm những giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo, tức là những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Đây là đẳng cấp cao thượng nhất, được sinh ra từ miệng Brahma nên có quyền thay mặt Brahma cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc. Người thuộc đẳng cấp này có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng do các đẳng cấp khác cung phụng. Dân cư sinh sống trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ giáo rất tôn sùng đẳng cấp này.

2. Kshatriya (Sát-đế-lỵ hay Sát-đế-lợi) là hàng vua chúa quý tộc, quan lại, võ tướng. Những người này được sinh ra từ cánh tay Brahma, do đó có quyền thay mặt Brahma nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.

3. Vaisya (Phệ-xá) là những người bình dân, thương gia, nông dân. Những người này được sinh ra từ bắp vế Brahma nên có nhiệm vụ lo về kinh tế trong nước (mua bán, trồng trọt, mang về hoa lợi cho quốc gia).

4. Sudra (Thủ-đà-la) là hàng tiện dân. Những người này được sinh từ gót chân Brahma nên số phận của họ là phải phục vụ ba đẳng cấp trên.

Tổ tiên thuộc đẳng cấp nào thì con cháu thuộc đẳng cấp đó, dù cố gắng phấn đấu đến đâu đi nữa cũng không thể được xếp lên đẳng cấp cao hơn. Người thuộc các đẳng cấp cao không được kết hôn với người thuộc đẳng cấp thấp. Một số công việc dành cho người thuộc đẳng cấp cao thì người thuộc đẳng cấp thấp hơn không được phép làm, như cúng tế tôn giáo, làm quan, tướng lãnh quân đội.

Trong xã hội Chiêm Thành (Champa) thời đó còn có một hạng Sudra khác, gọi là Sudra niravasita (những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội), đó là những người bị coi là thấp kém không xứng đáng làm người, những kẻ thô lỗ (candala), cách sống của họ làm đảo lộn trật tự đạo lý Bà-la-môn giáo. Tại một vài nơi họ còn bị coi là người bán khai (adivasi). Trong thời chiến, những adivasi này được tuyển dụng làm lực lượng hỗ trợ cho quân đội : khuân vác thực phẩm và đạn dược, chăm sóc voi và ngựa. Nói chung, một “kẻ bán khai” là một nô lệ đang còn tự do [Adhémar Leclère, Recherches sur là législation cambodgienne (Droit privé), Challamel, Paris, 1890, in Paul Guilleminet, Coutumier để là tribu bahnar, des Sedang et des Jarai để là province để Kontum, tome 1er, Publications để l’EFEO, Hanoi, 1952, p 98].

Ngoài ra còn có một đẳng cấp khác, gọi là Dalit hay Pariah (Chiên-đà-la), là đẳng cấp thấp hèn nhất, họ là những người cùng khổ. Số phận của nhóm người này là phải làm các nghề ti tiện nhất (gánh phân, dọn nhà vệ sinh, giết mổ gia súc). Họ bị xếp vào hạng người đê tiện, phải sống bên lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật. Đời sống của họ vô cùng khổ nhục, tối tăm. Họ không được chạm tay vào người thuộc các đẳng cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của những người thuộc đẳng cấp cao như Brahma, Kshatriya. 

Dưới thời các vương triều Chân Lạp, Angkor của Champa, cộng đồng người Thượng sinh sống trong những vùng xa và vùng sâu bị đồng hóa vào đẳng cấp Dalit hay Pariah này, vì không mang dòng máu Khmer hay Chăm. Cộng đồng người Thượng trên cao nguyên không được xếp vào bốn đẳng cấp của đạo Bà La Môn, do đó không người Thượng nào được theo đạo Bà La Môn.

3.2. Phật giáo

Đạo Phật được truyền bá bởi các nhà sư đi theo các đoàn tàu thuyền của thương nhân Ấn Độ giáo tới Đông Nam Á để buôn bán. Từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, sư sãi Phật giáo bắt đầu xuất hiện trong nhiều vương quốc thuộc ảnh hưởng Ấn Độ ở Đông Dương như Phù Nam và Lâm Ấp, sau đó tiếp tục gia tăng dưới các vương triều Chân Lạp, Angkor và Champa. 

Khác với những giáo sĩ Ấn Độ giáo, cũng đi theo những thương nhân bằng tàu thuyền đến Đông Nam Á để buôn bán, khi giao tiếp với dân cư bản địa họ rao giảng khái niệm chính trị và cầm quyền cho giai cấp lãnh đạo bản địa bằng tiếng Phạn (sanscrit) khó hiểu, những sư sãi Phật giáo tiểu thừa (hinayana) này truyền bá cho người dân bản địa một tinh thần bao dung, một loại chữ viết giản dị bằng tiếng Pali dễ đọc và dễ nhớ để tụng kinh. Sự ôn hòa của giáo lý Phật giáo rất được dân chúng và giới tinh hoa Khmer ủng hộ. Vào thế kỷ 14, vương triều Angkor đoạn tuyệt với Ấn Độ giáo và lấy Phật giáo tiểu thừa làm quốc giáo, và còn tồn tại cho đến bây giờ.

Giáo lý nguyên thủy của Phật giáo dựa trên một tiền đề kép theo thuyết luân hồi : người làm điều thiện sẽ được tái sinh trong cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn, nếu tu tâm tích đức tốt hơn có thể được siêu thoát về cõi niết bàn ; người làm điều ác sẽ tái sinh trong cuộc sống cơ cực, bần hàn và đau khổ. 

Theo một ghi nhận về giáo lý Phật giáo dân gian, “những kẻ bán khai” không được coi là người, họ là những kẻ bị “nguyền rủa” vì không làm chủ được thân thể của mình. Họ đau khổ và luôn chống chọi với cái đói hay những nhu cầu vật chất tối thiểu. Họ phải lang thang trong rừng như loài con thú hoang để tìm kiếm thức ăn. Họ không có chữ viết, không có tôn giáo, không có kiến ​​thức về vũ trụ. Họ không phân biệt được thiện và ác. Họ vẫn gắn bó vào việc thờ cúng vật linh. Nếu không chống lại giai cấp cầm quyền và chế độ chính trị, họ được sống tự do trong môi trường hoang dã của họ (Jean & Pierre Filliozat, Bouddhisme indien, Corpus B, Encyclopædia Universalis, Paris, 1992). Trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Thượng, không có người nào theo Phật giáo.

B. Chính sách Thượng vụ của các vương triều Việt 

1. Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch

Nhiều người tự hỏi tại sao trong suốt cuộc Nam tiến người Việt không hề nghĩ đến việc tiến lên cao nguyên lập nghiệp hay chinh phục các hải đảo ngoài khơi ? Có thể trả lời rằng vì đó không phải là không gian sinh tồn đúng như quan niệm của người Việt xưa đã có. Cho tới một ngày gần đây dân tộc Việt Nam vẫn chỉ là một dân tộc lục địa, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước ở vùng đất thấp, tập trung vào những thành phố hay khu dân cư đông đúc, cạnh những dòng sông và vùng duyên hải. Núi rừng và biển cả, cho đến nửa cuối thế kỷ 20, chưa bao giờ hấp dẫn cộng đồng người Kinh.

1.1. Quan niệm về không gian sinh tồn

Theo quan niệm của người Việt xưa, không gian sinh tồn là một không gian thuần chủng, nơi không có sự pha trộn giữa các giống nòi, đó là một không gian thuần túy của người Kinh. Trong suốt thời kỳ lập quốc, những cuộc hôn nhân dị chủng trong chốn vương triều, nhất là với những dân tộc khác văn hóa, rất khó được cung đình đương thời chấp nhận, và nếu vì bắt buộc thì phải được đền bù bằng những món quà đáng kể, chẳng hạn như liên minh quyền lực hay đất đai. Quan niệm này, một cách vô thức, vẫn còn tồn tại trong sinh hoạt chung của từng gia đình người Việt, nhất là tại những nơi có sự cộng cư với các chủng tộc khác.

Không gian sinh tồn đầu tiên của tộc Việt bắt đầu từ làng xã, nhà cửa đều được bao bọc bởi những bức tường định vị khu vực sinh tồn của từng dòng họ hay từng gia đình.

Quan niệm về không gian sinh tồn, được thành hình từ năm 2224 trước công nguyên dưới thời vua Thuấn, đã được người Hán (Hoa), sau đó là người Kinh (Việt), chấp nhận như một nguyên lý tổ chức xã hội. Theo đó, không gian sinh tồn được chia thành năm ô vuông, mỗi ô tập trung một thành phần chủng tộc riêng biệt với một chỗ ở cố định ; khoảng cách lý thuyết giữa các ô là 500 dặm (khoảng 247 cây số).

– Ô vuông đầu tiên là “khu cấm thành”, nơi cư trú của vị quân vương và các sinh hoạt triều chính ; ô này tuy không rộng lớn nhưng là khu vực trung tâm, nơi tập trung quyền lực tối cao của thiên triều.

– Ô vuông thứ hai là “khu hoàng thành”, nơi các hoàng thân và công thần được ban phong đất đai để sinh sống và cai trị ; khoảng cách xa gần với khu vực trung tâm tùy thuộc sự tin cẩn của vị quân vương trong mục đích có thể trở về bảo vệ khu vực cấm thành nhanh nhất khi có loạn.

– Ô vuông thứ ba là “khu an bình”, nơi sinh cư lập nghiệp của đại đa số quần chúng cùng chủng tộc, hay có cùng nguồn gốc xuất thân (Kinh, Hán, Tạng), trên những vùng đất thấp trong nội địa, xa kinh đô và được cai quản bởi các quan chức hay lãnh chúa địa phương do triều đình bổ nhiệm.

– Ô vuông thứ tư là “khu vực cưỡng chấp”, nơi sinh trú của những dân tộc không cùng giống nòi ở vùng ngoại biên : 300 trăm dặm đầu là khu vực trái độn, nơi sinh trú của những dân man tiến bộ (các sắc tộc thiểu số hay các lân quốc thần phục triều đình, còn gọi là “thuộc man” hay “thuộc quốc”) ; 200 dặm sau dành cho những tội phạm bị lưu đày biệt xứ, phải cộng cư và đồng hóa với những sắc dân bán khai.

– Ô vuông sau cùng là khu vực “vô cương” hay “vô chủ”, nơi không có cương thường đạo lý : 300 dặm đầu là nơi cư trú của những sắc dân man chưa thấm nhuần đạo lý của thánh hiền (Khổng Mạnh) còn rất hung hăng ; 200 dặm sau là khoảng trống, nơi sinh trú của các sắc dân không có chỗ ở nhất định (du mục) và những vùng đất chưa được biết tới.

Theo sự sắp xếp trên, người Hán và người Việt chỉ có thể sinh trú trong một không gian thuần chủng, tập trung trong ba ô đầu, tức khu vực nội biên, chốn thị thành và những vùng đất thấp mà sinh hoạt kinh tế chính là trồng lúa nước, chăn nuôi và trao đổi nông phẩm. Núi rừng và biển cả thuộc hai không gian còn lại.

Tại Việt Nam, cho đến giữa thế kỷ 16, chỉ khu vực quanh đế đô Thăng Long mới hội đủ điều kiện áp dụng nguyên lý tổ chức xã hội trên. Thăng Long (Khu Ba Đình, trung tâm Hà Nội ngày nay) là khu vực cấm thành, khu vực sinh trú của thần dân quanh Thăng Long gọi là Kẻ Chợ. Các sắc tộc thiểu số ở miền thượng du Bắc Việt là những nhóm “thuộc man” sinh trú trong 200 dặm đầu của ô vuông thứ tư ; nơi sinh trú của họ được gọi là Kẻ Đông, Kẻ Bắc, Kẻ Tây và Kẻ Nam (“kẻ” theo nghĩa chữ nôm cổ là một làng hay một thị trấn, ở đây có nghĩa là vùng đất xa lạ ở ngoài vòng đai ảnh hưởng của vương triều). Các sắc dân Bồn Man, Lão Qua hay Ai Lao được xếp vào không gian này. Phần đất phía sau nơi sinh trú của họ là nơi đày ải những tội phạm biệt xứ.

Cũng nên biết biệt xứ là một tội chết, một án tử hình treo dành cho những tội phạm chưa đáng bị chém đầu nhưng không được sinh sống chung với người đồng chủng. Những tội phạm biệt xứ bị xóa tên trong các sổ danh bạ cung đình và địa phương, và không có hy vọng về lại quê quán cũ. Những tội phạm biệt xứ thường không thể sống lâu nơi chốn rừng thiêng nước độc, phần lớn chết vì đói khát, bệnh tật hay lao lực. Những người may mắn sống sót được phải cộng cư và đồng hóa với những sắc dân man để tồn tại.

1.2. Cuộc Nam Tiến

Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng xin vào Nam trấn thủ Thuận Hóa, Trịnh Kiểm liền đề nghị vua Lê Anh Tôn chấp thuận. Thuận Hóa đối với Thăng Long là khoảng sau của ô vuông thứ tư, tức vùng đất dành cho những người bị đày biệt xứ và là nơi sinh trú của những sắc dân không cùng giống nòi. Xin vào Thuận Hóa, đối với Trịnh Kiểm, là một hình thức bị đày biệt xứ ; đây cũng là một cách gián tiếp loại trừ một đối thủ hợp pháp. Trịnh Kiểm tin rằng Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng không thể tồn tại lâu tại Thuận Hóa vì đất đai nơi đây nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt, bão tố triền miên và nhất là phải sống chung vói những sắc dân man hiếu chiến.

Nhưng Nguyễn Hoàng đã không nghĩ vậy. Vào Thuận Hóa, đối với ông là để tránh xa kinh đô, tránh bị theo dõi, qua đó có thời gian chuẩn bị và xây dựng một lực lượng riêng trong mục đích trở về kinh đô loại trừ đối thủ là chúa Trịnh. Đây là một khổ nhục kế để thực hiện tham vọng riêng.

Nguyễn Hoàng cũng như những hoàng tôn thời đó không thoát khỏi khuôn mẫu Khổng giáo về không gian sinh tồn. Để hợp thức hóa không gian mới này, Nguyễn Hoàng tự nhận mình là dòng máu hoàng tôn chính thống và chọn làng Ái Tử, huyện Đăng Xương, làm khu vực trung tâm, những vùng đất khác là những không gian còn lại. Tuy chưa dám xưng vương, Nguyễn Hoàng tự cho mình là lãnh chúa vùng đất mới, được biết dưới tên chúa Nguyễn, một hình thức đối trọng với quyền lực chúa Trịnh ở đất Thăng Long.

Khi những giáo sĩ Công giáo đến Thuận Hóa này truyền đạo, họ đặt tên vùng đất mới này là xứ Đàng Trong, theo cách gọi của đoàn tùy tùng theo Nguyễn Hoàng thời đó. Đây là một hình thức tự nhận chính mình mới là những người chính thống (bên nội) của triều Lê, trong khi cư dân dưới quyền cai trị của chúa Trịnh miền Bắc là những người xa lạ, xứ Đàng Ngoài (bên ngoại). Sự phân chia Nam-Bắc bắt nguồn từ đó.

Quyết định chọn Thuận Hóa làm nơi định cư mới của Nguyễn Hoàng không ngờ mở ra một cuộc Nam tiến lớn. Không gian sinh tồn của người Kinh không ngừng mở rộng về phía nam với thời gian. Từ 1600 trở đi, Nguyễn Hoàng và những di dân mới đã vận dụng toàn lực xây dựng không gian sinh tồn Thuận Hóa thành một trung tâm kinh tế, quân sự và chính trị hùng cường nhất khu vực.

Tại đây một vấn đề địa lý lại đặt ra, Nguyễn Hoàng và tùy tùng không thể tổ chức xã hội theo khuôn mẫu cũ như ở Thăng Long. Vì trải dài trên một dải đất hẹp, ba ô vuông đầu của không gian sinh tồn mới này buộc phải thích ứng với điều kiện địa lý tự nhiên của vùng đồng bằng eo hẹp duyên hải Bình Trị Thiên. Phần đất phía tây trên dải Trường Sơn trở thành không gian ngoại thuộc ; từ đó nảy sinh các danh xưng về những “thuộc man” và “thuộc quốc” mới.

“Thuộc man” là những sắc dân ở cạnh “khu vực an bình” thần phục triều Nguyễn để được ban phong tước hiệu triều đình và trao đổi lương thực. “Thuộc quốc” là những lãnh thổ có tổ chức, có tôn ti trật tự nhưng yếu kém hơn, do đó phải thần phục, phải triều cống để được che chở như của vương triều Chiêm Thành, Láng Cháng, Vạn Tượng và Chân Lạp.

Khoảng đầu của ô vuông thứ tư, hay khu vực trái độn, được giới hạn ở ngoại vi các vùng đất thấp đã bình định tới dưới chân dãy Trường Sơn về phía tây, nơi sinh trú của những “thuộc man” (các sắc tộc Thượng sinh sống trên Tây Nguyên và Lào) và những “thuộc quốc” (Chiêm Thành, Nam Bàn, Trà Lai và Chân Lạp).

Đằng sau khu vực trái độn là các vùng duyên hải chưa bình định ở phía nam dành cho những kẻ bị đày biệt xứ chứ không phải những vùng rừng núi như ở miền Bắc. Tại đây, những người biệt xứ thường lấn chiếm không gian sinh tồn của người Chiêm Thành ở phía nam để tìm lương thực. Người Chăm đã nhiều lần nổi lên chống lại triều Nguyễn, một phần vì muốn giành lại các vùng đất đã mất trước đó, một phần cũng vì bực tức những hành vi bất hảo của những tội phạm biệt xứ trong vùng trái độn.

Ô vuông thứ năm, “khu vực vô cương”, là vùng rừng núi phía tây các tỉnh miền Trung (Bình Trị Thiên-Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, còn gọi là Trường Sơn tây), nơi sinh trú của những sắc tộc man (người Thượng) chưa được soi sáng bởi văn minh và văn hóa Khổng giáo.

Trong “khu vực vô cương” này, cho đến cuối thế kỷ 19 ít có người Kinh nào tự ý phiêu lưu mạo hiểm vào đây sinh cư lập nghiệp, kể cả những tội phạm biệt xứ. Nếu người Hán xây Vạn Lý Trường Thành ngăn chặn rợ Hung Nô thì người Kinh xây Trường Lũy ngăn chặn người Thượng sinh sống dọc “khu vực vô cương” tràn xuống các vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Việc xây thành đắp lũy ngăn chặn sự tiếp xúc với những sắc dân không cùng văn hóa khác là phản ứng tự nhiên của những dân tộc đồng bằng, sống co cụm để bảo tồn sự thuần nhất của chủng tộc.

Nói tóm lại, trong suốt cuộc Nam tiến, từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, người Việt không hề có ý định tiến lên Tây Nguyên lập nghiệp hay ra xa ngoài khơi thám hiểm để mở rộng không gian sinh tồn, thành lập những vùng sinh sống mới. Không gian sinh tồn của người Kinh chỉ quanh quẩn trong lục địa, những vùng đất thấp trong châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, hay các vùng đồng bằng eo hẹp duyên hải miền Trung. Các triều vương Đại Việt quay lưng lại với biển cả, như người Hán chỉ quanh quẩn trong lục địa Trung Hoa. Lãnh thổ Việt Nam chỉ thực sự mở rộng và ổn vững dưới sự cai trị của người Pháp sau 1884.

1.3. Quan hệ với người miền núi

Từ thế kỷ 14 trở về sau, chiến tranh giữa Chiêm Thành và Đại Việt xảy ra thường xuyên, cộng đồng người Thượng trên cao nguyên là nguồn nhân lực bổ sung cho quân đội Chiêm Thành. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn đánh bại Chiêm Thành, chiếm thành Đồ Bàn (Bình Định) và chia lãnh thổ Bắc Chiêm Thành ra nhiều xứ để cai trị (phủ và châu), trong đó có xứ Nam Phan bao gồm vùng đất phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và cao nguyên Kontum, Pleiku, Darlac ngày nay. 

Năm 1490, lãnh thổ Đại Việt được chia thành 13 thừa tuyên (tỉnh ngày nay), (Chiêm Thành cũng là một tuyên), gồm 52 phủ, 178 huyện, 50 châu (huyện ngoại biên), 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động và 30 trường. Sách (làng), động (ấp) và trường (chợ miền núi) là những nơi cư trú của người Thượng.

Từ sau giai đoạn này, dân cư Đại Việt mới biết đến người Thượng, nhưng vì tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Khổng giáo nên các sắc dân không thuần chủng Kinh đều bị cách ly. Người “Man” (Thượng) luôn bị nghi kị và nhiều phòng tuyến ngăn cản sự tiếp xúc giữa người Kinh và người Thượng được thành lập. Những năm mất mùa, người Đá Vách (H’roi, Kayong, Kor, H’re, Ktu, Krem) thường tràn vào các thôn xã người Kinh cướp bóc lương thực.

Năm 1540, vua Lê Trang Tôn phong Bùi Tá Hán làm trấn thủ đạo Quảng Nam với mục đích trừ loạn Đá Vách ở phía nam Quảng Ngãi gồm các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà. Sau khi dẹp xong loạn Đá Vách, Bùi Tá Hán thi hành chính sách chư hầu đối với người Thượng (thuộc man) và mở rộng giao thương hai chiều : cũng cấp muối gạo, vải vóc và nhận lại ngà voi, sừng tê giác, quế, kỳ nam, mật ong. Chính sách này đã mang lại sự yên bình cho toàn khu vực trong gần 200 năm.

Trong cùng thời gian đó, người Thượng phía tây Trường Sơn sống trong loạn lạc. Năm 1587, người Ai Lao từ cao nguyên Sebang Hien tiến xuống chiếm thung lũng Sedon, Sekong, Sesan, Sesu (tả ngạn sông Mekong) và được người Sedang tiếp sức, đánh đuổi các bộ lạc Pacoh, Brilar, Halang lên các khu rừng rậm và núi cao phía đông của Đại Việt. Người Ai Lao còn tràn vào thung lũng sông Srepok của Chân Lạp, chiếm cứ khu vực sinh sống của người Bahnar và Jarai, dựng làng Bandon. Đến đầu thế kỷ 17, cuộc Nam tiến của người Ai Lao dừng lại trên cao nguyên Darlac. Năm 1601, người Jarai, được Chân Lạp hỗ trợ, đẩy quân Ai Lao lui về phía bắc. Quan hệ giữa người Khmer và Jarai được thiết lập và kéo dài cho đến năm 1860 khi các giáo sĩ Pháp đến cao nguyên.

2. Quan hệ với các vương triều họ Nguyễn 

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Thượng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của các thế lực tranh chấp. Mỗi khi thua trận, quân chúa Trịnh hay chúa Nguyễn thường rút lên vùng núi phía tây lánh nạn ; phe thắng trận truy kích theo, đánh tràn vào các bản làng Thượng và bắt dân Thượng khuân vác quân dụng và nộp lương thực. Nhiều nhóm Thượng đã phải qua xứ Nam Chưởng (trước kia là Láng Cháng, Bắc Lào) tị nạn.

Trong thế kỷ 17, người Thượng (Raglai và Churu) và người Chăm tiếp tục kết hợp cùng nhau chống lại cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn. Năm 1629, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên tiến quân vượt sông Đà Rằng, thành lập Trấn Biên dinh đến tận chân núi Thạch Bi (đèo Cả). Vua Chăm là Po Romé bị thua phải cầu hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa.

Ngọc Khoa là vợ thứ ba và là vợ út của Po Romé, gọi là Po Bia Út, tức hoàng hậu Akaran (vợ thứ nhất là Po Bia Suthi, người Chăm con vua Po Ehklang, không có con trai ; vợ thứ hai là con một tù trưởng Rhade ở Attopeu tên Po Bia Tanchan).

Năm 1697, người Đá Vách (H’re, Ktu, Pacoh, Bru) phía tây Bình Trị Thiên nổi lên phản đối sưu cao thuế nặng. Năm 1714, Trà Xuy (một người H’re) lãnh đạo dân Thượng phía tây Cam Lộ kiểm soát một vùng đất rộng lớn phía tây Quảng Trị. Năm 1722, người H’re tiến chiếm Minh Linh (còn gọi là Hồ Xá thuộc tỉnh Quảng Trị), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Đăng Khoa đi đánh dẹp nhưng bị chết trong đám loạn quân. Quân Thượng hùng cứ khu vực cận sơn cho đến 1760 khi Nguyễn Cư Trinh làm tuần phủ Quảng Ngãi, ông phải mượn sự tích Sãi Vãi để khích động tinh thần binh sĩ mới dẹp yên được người Thượng. Nguyễn Cư Trinh thành lập Quảng Ngãi đồn dinh gồm sáu đạo canh phòng các vùng cận sơn và áp dụng chính sách dân vận để thu phục người Đá Vách.

Năm 1765, Định vương Nguyễn Phúc Thuần thành lập trấn Điện Bàn tại Quảng Nam và cho xây dựng một trường lũy (tường thành bằng đất bện tre, có hố chông bằng cây tầm vông hay tre già vót nhọn) từ Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng, Nghĩa Hạnh, Minh Long, Ba Tơ (Quảng Ngãi) đến An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ (tây bắc Bình Định) đề phòng người Thượng. Phải chờ đến năm 1770, khâm sai Trần Ngọc Chu mới dẹp yên được loạn Đá Vách, nhưng không kéo dài lâu. Năm 1773, quân Thượng lại nổi lên ở Quảng Nam và Quảng Ngãi chống lại chính sách phân biệt đối xử. Năm 1775 tại Hải Lăng, hai lãnh tụ Lâm và Mộc, người Tà Ôi (Pacoh), lãnh đạo cuộc kháng chiến ở các huyện Cam Lộ, Đăng Xương, Minh Linh chống lại chúa Trịnh.

Trong cuộc nội chiến Tây Sơn-chúa Nguyễn, cao nguyên Trường Sơn là địa bàn lánh nạn của phe thua trận và là hậu cứ dưỡng quân cho những cuộc tiến quân khác.

Năm 1771, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ nổi lên tại Tây Sơn, một làng trên cao nguyên An Khê thuộc tỉnh Bình Định, lãnh địa của người Bahnar. Phong trào Tây Sơn được người Bahnar, H’re, Kor, Sedang, Rhade, Jarai và nhiều nhóm Thượng khác bên Lào giúp người và giúp của. Nhiều tù trưởng Thượng tại Bình Định còn gả con gái cho anh em Tây Sơn làm hầu thiếp.

Quân Tây Sơn có ba đạo : một đạo gồm toàn người gốc Hoa (đa số là quân cướp biển), một đạo gồm toàn người Thượng (do tù trưởng Bok Kiom, người Bahnar, chỉ huy) và người Chăm, hai đạo này họp thành tả quân và hữu quân ; đạo thứ ba gồm toàn người Kinh họp thành trung quân. Khi Nguyễn Huệ hai lần mang quân ra Bắc (1788-1789), binh sĩ Thượng và Chăm đã tỏ ra đắc lực trong việc vận chuyển người và lương thực.

Nguyễn Huệ mất năm 1792, người Thượng tiếp tục ủng hộ Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng chống lại chúa Nguyễn nhưng cuối cùng vẫn bị đánh bại. Sợ bị Gia Long trả thù, con cháu nhà Tây Sơn chạy lên cao nguyên lẩn tránh và được người Sedang hết lòng che chở. Từ đó cộng đồng người Thượng bị canh phòng nghiêm nhặt, mọi quan hệ với đồng bằng đều bị cắt đứt.

Năm 1804, hai năm sau khi lên ngôi, Gia Long cho dựng lại các tuyến phòng thủ phía tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, gọi là Trấn Man (nơi ngăn giữ người Man), nay là Điện Bàn, gồm 4 nguyên (Đà Bồng, Cù Bà, Phù Bà và Ba Tơ) và 5 đạo. Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Khắc Tuân củng cố các tuyến phòng thủ này với sự thành lập nhiều đồn lũy tại những nơi trọng điểm. Đất đai được phân chia thành nhiều khu dinh điền (công điền và quân điền) rồi đưa dân và gia đình lính cơ từ đồng bằng lên khai thác, đồng thời giáo hóa một số bộ lạc Thượng ven ranh nghề canh tác lúa nước và chăn nuôi. Riêng quân đội được quyền thành lập những đồn điền do lính cơ canh tác dọc các đồn lũy để tư nuôi quân thời bình và bảo vệ vùng biên giới chống sự xâm nhập của quân Thượng.

Năm 1819, tả quân Lê Văn Duyệt, được Gia Long giao quyền cai quản vùng núi phía tây Quảng Nam, xây thêm Tịnh Man Trường Lũy (thành lũy dài để dẹp yên giặc Man) bằng đá và đất cao 2 thước, dầy 1 thước, dài trên 90 cây số, từ Trà Bồng qua Sơn Trà, Minh Long phía đông Ba Tơ (Quảng Ngãi) đến Nước Giao, Gò Bùi thuộc An Lão (Bình Định) để ngăn chặn người Thượng. Mặt ngoài trường lũy có hào chông và hàng rào cây với 115 đồn, mỗi đồn có 10 lính canh.

2.2. Quan hệ với nhà Nguyễn

Do bị cắt đường liên lạc với đồng bằng miền Trung, tình hình trên cao nguyên rất là loạn lạc dưới triều nhà Nguyễn và đời sống của người Thượng trở nên cơ cực vì bị người Nam Chưởng (Lào) và Xiêm La (Thái) ức chế. Người Bahnar rút về phía đông dọc sông Bla sinh trú, người Halang trốn lên đỉnh núi Mang Rai, người Rhade Kpa chạy về phía nam hồ Taklak (Lạc Thiện) lập nghiệp, người Chom Puon và Brao sinh sống dọc đèo Lao Bảo ẩn vào rừng sâu, người Mnong Bhiet di tản sang Kratie (Cambodia). Nhiều nhóm đã bị diệt chủng hay bị đồng hóa, đến nay không còn dấu tích. Tại một số nơi, quân Xiêm La còn xúi người Thượng đánh phá các làng ven núi của người Việt để bắt người và cướp lương thực.

Trước sự đe dọa của Xiêm La, năm 1827 tù trưởng Chiêu Nội dẫn 3.000 dân đinh chạy qua Đại Việt xin bảo hộ và dâng luôn 28 sở ruộng ở Kham Muan (Trung Lào) làm nội thuộc. Minh Mạng đổi tên Kham Muan thành Trấn Ninh và phong Chiêu Nội làm Trấn Ninh phòng ngự sứ, cai quản 7 huyện và phong các thổ mục làm thổ tri huyện và thổ huyện thừa.

Tin Đại Việt chịu bảo hộ và giúp các thổ dân chống lại Xiêm La và Nam Chưởng lan đến các nhóm thiểu số khác tại Ai Lao. Tù trưởng Tam Động (Tourakom) và Lạc Phán (Pak Sane) trước kia trực thuộc Vạn Tượng cũng dâng đất xin nội thuộc, Minh Mạng liền chia làm hai phủ : Trấn Tĩnh và Lạc Biên và giao cho các đầu mục bản địa cai quản.

Về sau có thêm tù trưởng các xứ Xa Hổ (Sa Noi), Sầm Tộ (Sam Teu), Mang Soan (Muan Som), Mang Lan (Muan Ham), Trình Cố (Xieng Khoan), Sầm Nứa (Sam Neua), Mường Duy (Muan Yut), Ngọc Ma (Na Noi), Cám Cát (Kham Keut), Cam Mon (Kham Muan) và Cam Linh (Kham Len) về xin nội thuộc, tất cả đều được vua Minh Mạng nhận bảo hộ và phong quan. Minh Mạng lập thêm ba phủ : Trấn Biên (Xa Hổ, Sầm Tộ, Mang Soạn và Mang Lang), Trấn Định (Cam Cát, Cam Mon và Cam Linh) đặt dưới sự quản lý hành chánh của Nghệ An, còn phủ Trấn Nam (Trình Cố, Sầm Nứa và man Duy) trực thuộc Thanh Hóa.

Các nhóm Mường và Hmong (Mèo) sinh sống tại Mang Vang (Na Khang), Na Bí (Prasie), Thượng Kế (Keng Kok), Tả Bang (Ta Lam), Xương Thịnh (Song Khone), Tầm Bồn (Tchepone), Bà Lan (Pha Lane), Mang Bổng (Muan Phin) và Lang Thời (Phak Kha Nhia) cũng xin về nội thuộc, được chia làm 9 châu do các đầu mục cai quản, trực thuộc Cam Lộ.

Như vậy toàn bộ lãnh thổ miền Trung Lào (Vientiane, Xieng Khoang, Hua Phan, Bolikhamsay, Kham Muan và Savanakhet) đều nội thuộc Đại Việt.

Người Thượng sinh trú tại vùng Hạ Lào thường bị người Thái hiếp đáp cũng chạy qua Đại Việt cầu cứu. Từ 1829 trở về sau, vua Thủy Xá của người Jarai thường sai người mang lễ vật triều cống và được ban tặng lại áo mão, tước phẩm triều đình và mang họ do vua đặt. Nhưng đời sống cửa người Thượng ngày càng khó khăn, lễ vật triều cống thưa dần rồi ngưng hẳn, thỉnh thoảng họ còn tràn vào các làng xã của người Việt sát vùng giáp núi để cướp lương thực.

Năm 1863, vua Tự Đức phong Nguyễn Tấn làm Tiểu phủ sứ Trấn Man để ngăn chặn người Thượng. Nguyễn Tấn đổi Trấn Man thành Nghĩa Định Sơn Phòng Trấn. Sơn Phòng Trấn được tổ chức thành bốn châu (Trà My, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Bồng Sơn) và sáu cơ man gồm 47 đồn do lính cơ canh gác. Nguyễn Tấn cho xây thêm một tường đất, gọi là bờ lũy, cao hơn đầu người, dài hàng chục cây số trải dài từ Trà My (Quảng Nam) đến Chỉ Ðốc (Bình Ðịnh) để bảo vệ những lân (làng cận biên). Trong hai năm 1866-1867, các bộ lạc lớn của người Thượng xin thần phục, đến năm 1869 thì tất cả các bộ lạc nhỏ ở vùng rừng sâu phía tây An Lão (Bình Định) đều ra hàng ; tất cả được gọi là thuộc man trong các báo cáo.

Con cháu Nguyễn Tấn là Nguyễn Độ và Nguyễn Thân tiếp tục cai trị Sơn Phòng Trấn cho đến năm 1891. Vua Tự Đức ra chỉ dụ nới rộng lãnh thổ lên các vùng trung nguyên, chương trình này sau đó bị đình chỉ vì triều đình Huế phải tập trung sức lực đối phó với quân Pháp đang làm áp lực trên khắp lãnh thổ.

3. Chính sách của triều đình trên cao nguyên : “Cảm hóa người phương xa” (Nhu viễn)

Chỉ sau khi thống nhất được đất nước năm 1802, vua Gia Long mới ban hành một chính sách cai trị vùng đất phía đông dãy Trường Sơn một cách rõ ràng. 

Trước đó, dưới thời nhà Lê, những lãnh thổ và dân cư xin thần phục triều đình được gọi là thuộc quốc và thuộc man, dân cư bản địa vùng núi vẫn bị gọi là rợ hay dân man. Khi Bùi Tá Hán được vua Lê Trang Tôn phong chức Trấn quận công cai trị đất Nam Bàn (Kontum, Jarai) năm 1540, chính sách cai trị người Thượng chỉ là trấn áp theo kiểu cây gậy và củ cà rốt, ai tuân phục thì được nâng đỡ, ai chống lại thì bị tiêu diệt. Qua sự hung bạo này mà vùng đất mới trên cao nguyên được yên bình trong hơn 200 năm.

Quan hệ giữa người Thượng sinh sống tại Thuận Hóa và Quảng Nam với triều đình nhà Lê trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh được ghi chép trong Phủ biên tạp lục, do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776. Lê Quý Đôn, khi làm quan Hiệp trấn xứ Thuận Hóa-Quảng Nam (xứ Đàng Trong), đã ghi lại gần như tất cả những sự kiện quan trọng về kinh tế và xã hội tại vùng đất này trong gần 200 năm, từ cuối thế kỷ 16 đến 1776. Tất cả được ghi trong bộ Phủ biên tạp lục, gồm 6 tập. Tập 1 : Sử nguồn (sự tích khai mở, xây dựng và khôi phục ; tên các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, trang, trại). Tập 2 : Địa lý (hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, trạm dịch). Tập 3 : Nguồn thuế (công tư điền trang, bãi đất và tổng số trưng thu lúa gạo theo lệ cũ ; lệ cũ về các ti, quan thuộc chức và thủ binh sĩ ; số ngạch nhân đinh, các hạng duyệt tuyển, các hạng giản tuyển và lệ cũ về tổng số phân bổ quân hiệu). Tập 4 : Cách thu thuế (lệ thuế đầu nguồn, tuần ti, ao đầm, sông bến, thuế chợ và thuế chuyên chở vàng, bạc, đồng, sắt). Tập 5 : Nhân tài và thơ văn. Tập 6 : Sản vật và phong tục.

Tập 3 có nói tới Thủy Xá và Hỏa Xá, theo đó cứ 5 năm một lần các chúa Nguyễn thường sai các cai đội ở phủ Phú Yên làm Chánh sứ và Phó sứ theo lưu vực sông Ba lên gặp các vị tiểu vương cho áo gấm, mão, nồi đồng, khóa sắt, đồ sứ, bát, đĩa và đồng thời đòi phải nộp lễ cống và thuế… Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, những hươu, mật gấu, voi đực) để hiến.

Qua Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đệ trình lên vua Lê ba chính sách cai trị miền núi : duy trì an ninh ; tôn trọng phong tục, tập quán địa phương ; phát huy lợi thế và xóa bỏ khuyết điểm của dân cư bản địa. Theo đó người Thượng trên cao nguyên không được nổi loạn, không được tiếp cận những vùng đất đai tốt thích hợp để trồng lúa, phải cống nộp bằng tiền (vàng bạc) hoặc bằng hiện vật theo định kỳ và dành cho Triều đình và các quan lại Việt độc quyền buôn bán với người Thượng.

Vào giữa thế kỷ 19, thiên tai và hạn hán kéo dài khiến đời sống cửa người Thượng ngày càng khó khăn, lễ vật triều cống thưa dần rồi ngưng hẳn. Khi quá túng quẫn, họ tràn vào các làng ven biên (lân) của người Việt để cướp lương thực và súc vật. Năm 1863 phong Nguyễn Tấn, một người có nhiều kinh nghiệm cai trị miền núi lúc đó là án sát Thái Nguyên, chức Tiểu phủ sứ Trấn Man với sứ vụ trong 6 năm phải bình định xong vùng cao nguyên phía đông dãy Trưng Sơn (Quảng Ngãi). Là một quan văn võ vẹn toàn, trong hai năm đầu (1864-1865) Nguyễn Tấn cho vẽ bản đồ chi tiết toàn vùng cao nguyên và lập sổ bộ đầy đủ các phong tục, ngôn ngữ và dân số Thượng sinh sống trong các sách (làng). Sau khi nghiên cứu kỹ địa bàn và nhân tâm, trong hai năm 1866-1867, Nguyễn Tấn phủ dụ những nhóm chịu thần phục và tấn công những nhóm phản loạn. Để nuôi quân, tiểu phú sứ Nguyễn Tấn ban hành chính sách ngụ binh ủ nông để binh lính tự túc canh tác lương thực trong những đồn điền hai bên bờ tường. Năm 1871 toàn bộ dân cư cao nguyên miền Thượng đặt dưới quyền cai quản của triều đình. Tài liệu Phủ man tạp lục, ký tên Ôn Khê Nguyễn Tấn, phát hành cùng năm 1871 gồm ba tập : Sơn xuyên hiểm dị (Núi non hiểm trở), Thổ nghi (Tập tục), Lịch triều chi kiến thiết duyên cách (Quá trình kiến thiết qua các triều vua) được phổ biến để binh lính học tập.

Có thể tóm lược chính sách cai trị miền Thượng của triều Lê và triều Nguyễn trong 3 điểm chính như sau : 

1. Dùng người Man cai trị người Man (dĩ man trị man), nghĩa là bổ nhiệm những quan thổ tri châu (quan lại người bản xứ) như dưới thời Lê Lợi.

2. Kềm cương phủ dụ (kimi fuzhu), nghĩa là nâng đỡ thuộc man và thuộc quốc (tức những người chấp nhận thần phục) ; cai trị dân như bậc cha mẹ dân (dân chi phụ mẫu) : ban cho họ vua, chức tước, tặng phẩm vật ; công minh trong cách đối xử (vương đạo) ; đề cao nhân trị (luật Hồng Đức thế kỷ 15 và luật Gia Long thế kỷ 19 bãi bỏ chế độ nô lệ trên vùng rừng núi) ; cứng rắn trong việc phòng chống loạn (trấn man).

3. Thu thuế và nhận cống nộp và quân đội phải tự túc về lương thực (ngụ binh ủ nông).

Về điểm 1, trên nguyên tắc, chính sách quản lý vùng Thượng của triều Nguyễn theo hai cách : một là cai trị gián tiếp bằng cách ủy quyền cho một quan lại người bản xứ đã thuần phục ; hai là cai trị trực tiếp khi có biến động cho đến khi yên bình thì trở lại chính sách cai trị gián tiếp. 

Về mặt hành chánh, các khu định cư trên vùng đất mới trên cao nguyên được nhà Lê và nhà Nguyễn gọi là châu, do các quan Việt từ đồng bằng lên cao nguyên cai trị gọi là tri châu (huyện trưởng). Tất cả đất đai trên vùng cao nguyên đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của các tri châu, sau này được phân chia và đổi tên thành cai quan (dân sự) và cổn quan (quân sự). Dưới quyền các tri châu là những bang thá (xã trưởng), nhân viên làm việc trong những cơ quan công quyền này gọi là lại mục, lệ mục, thông lại (ghi chép sổ sách), huấn đạo và lễ sinh phụ trách giảng dạy chữ viết cho con dân đồng bằng và lễ nghi Nho giáo cho cư dân Thượng.

Sổ bộ về dân số người Thượng thời Nguyễn không có vì người Thượng không có họ mà chỉ có tên. Dưới thời Tự Đức, để tiện việc ghi chép, các quan lại triều đình (chánh tổng và tổng nguồn là những chức quan cai trị vùng Thượng) đặt chung cho mỗi làng Thượng một họ Việt tùy theo suy luận của mỗi người, chẳng hạn như Đinh (tráng đinh), Hồ (loạn quân), Man (dã man) v.v… Từ đó người Thượng vùng Nam Ngãi đều mang họ Đinh, người Vân Kiều mang họ Hồ, người Thượng ở Bình Định và Phú Yên mang họ Man, v.v…

Sự hiểu biết về người Thượng chỉ rõ dần khi người Pháp mở rộng lãnh thổ lên cao nguyên. Công lao đầu tiên thuộc về các giáo sĩ, tiếp theo là của những nhà phiêu lưu, mạo hiểm. Những ghi chép của họ đã giúp chính quyền thuộc địa Pháp nắm vững địa lý, dân tình, phong tục, tập quán của người Thượng nên đã dễ dàng cai trị hơn các quan triều Nguyễn. Các chính quyền người Việt sau này, thừa hưởng di sản hiểu biết đó, đã không biết làm thăng hoa thêm.

(còn nữa)

Nguyễn Văn Huy