Nguyễn Văn Tuấn: Karl Marx: “Khi lìa trần có mấy người đưa”

Trái: Karl Marx lúc còn trẻ. Thuở nhỏ, ông là một thanh niên có một cuộc sống cá nhân tương đối mất vệ sinh, thiếu trật tự, lúc nào cũng tỏ ra lộn xộn, không gọn gàng.

Phải: Karl Marx khi về già. Ông qua đời ngày 14/3/1883, lúc ông tròn 64 tuổi. Trong đám tang, chỉ có 11 người bạn thân thiết đến đưa linh cửu ông về nghĩa trang Highgate (London)

Hôm qua (5/5) là ngày sanh của Karl Marx (5/5/1818 – 14/3/1883), một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn đến thế giới trong thế kỉ 20. Nhưng đằng sau cái tên lớn là một quá trình dài đau khổ với bệnh tật triền miên. Chúng ta thử ôn lại những đau khổ ông đã trải qua như thế nào.

Karl Marx sinh ngày 5/5/1818 tại thị trấn Trier, ngay bên cạnh dòng sông Rhine, mảnh đất chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp và Chủ nghĩa Tự do. Gia đình của Marx thuộc vào thành phần trung lưu gốc Do Thái (nhưng theo đạo Tin lành – Lutheran). Thân phụ là một luật sư, nhưng thân mẫu ông lại là người mù chữ, không đọc và viết được tiếng Đức.

Bừa bộn từ lúc còn trẻ

Thuở nhỏ, ông là một thanh niên có một cuộc sống cá nhân tương đối mất vệ sinh, thiếu trật tự, lúc nào cũng tỏ ra lộn xộn, không gọn gàng. Do đó, khi rời gia đình để vào học Luật tại Đại học Bonn, Marx được thân mẫu căn dặn phải đặc biệt chăm sóc vệ sinh cá nhân, và phải cố gắng sống cho có thứ tự và ngăn nắp. Bà còn dặn dò Marx nên tắm rửa hàng tuần; không nên uống rượu và cà phê quá liều lượng; nên tập đi ngủ sớm và thức dậy sớm; và không nên nhảy đầm khi trong người cảm thấy không được khỏe.

Tuy nhiên, Marx có vẻ bỏ ngoài tai những lời khuyên của mẹ. Trong suốt cuộc đời sinh viên và sau sinh viên, Marx phải trải qua nhiều khó khăn trong sức khỏe, và mắc nhiều bệnh.

Năm đầu vào đại học, Marx xài tiền bạc một cách phung phí, và có lúc bị phạt vì say rượu, vì vài hành vi gây rối trật tự và thậm chí còn bị nghi ngờ mang vũ khí trong khuôn viên nhà trường.

Năm 1836, sau khi nghe những “hung tin” này, thân phụ Marx bèn chuyển ông sang Đại học Berlin, nơi mà sau này ông bỏ ngành Luật để theo học ngành Triết học. Tháng Tư/1841 (tức khi mới 23 tuổi), Marx bảo vệ thành công luận án tiến sĩ [nhan đề “On the Differences between the Natural Philosophy of Democritus and Epicurus” – “Về những khác biệt giữa triết lý tự nhiên của Democritus và Epicurus”) tại Đại học Jena.

Tư tưởng cấp tiến

Đáng lẽ theo truyền thống thời đó, Marx đã theo con đường khoa bảng, một sự nghiệp mà cha mẹ ông từng mong muốn. Nhưng Marx là một người có tư tưởng cấp tiến, đã không ngần ngại tấn công vào triết lí tôn giáo, một điều tối kị thời đó. Trong lời nói đầu của luận án tiến sĩ, Marx viết một đoạn văn mang nội dung chất vấn triết lí tôn giáo. Chỉ một đoạn văn như thế đã làm cho con đường khoa bảng của ông đi vào bế tắc.

Sau khi tốt nghiệp, không một trường đại học nào dám nhận Marx giảng dạy. (Ngay cả một người thầy cũ của ông, Giáo sư Bruno Bauer, cũng bị đuổi khỏi Đại học Bonn vì có quan điểm chống lại tôn giáo!)

Thêm vào đó, Marx tỏ ra là một người quá hăng say với chánh trị, không hợp với một sự nghiệp khoa bảng. Năm 1842, ông trở thành chủ bút tờ báo Rheinische Zeitung, một báo có tư tưởng tự do, cấp tiến ở Cologne. Trong một bài báo, ông kịch liệt đã kích chánh phủ Nga đương thời, coi đó như là một bức tường cản trở tiến trình dân chủ ở Âu châu. Nga hoàng Nicholas đệ Nhất đã phàn nàn đến chánh phủ Phổ về bài báo này. Nhà cầm quyền Phổ quyết định đóng cửa tờ báo.

Tháng Năm năm 1843, sau một thời gian thất nghiệp, ông quyết định lập gia đình với người yêu cũ là Jenny von Westphalen, con gái của một gia đình rất giàu có trong vùng. Gia đình bên vợ ông vẫn xem ông thuộc thành phần lao động nghèo, và có lẽ vì còn mang nặng tư tưởng “môn đăng hộ đối”, nên phản đối mạnh mẽ cuộc hôn nhân này.

Sau một thời gian ngắn hưởng tuần trăng mật ở Bad Kreuznach, hai vợ chồng lưu lạc qua tận Bỉ và Pháp, rồi cuối cùng chuyển sang Luân Đôn (London) vào năm 1848, lúc ông vừa 31 tuổi. Ở Luân Đôn, ông sống cuộc đời của một học giả và nhà báo độc lập, lưu vong, cho tới ngày qua đời.

Trong thời gian ở Luân Đôn, nơi Marx viết phần lớn những công trình mà ông trở thành nổi tiếng và còn được nhớ tới cho đến ngày nay, ông sống trong nghèo nàn cùng cực, và bệnh hoạn. Gia đình thường hay bị quấy rầy vì ông trả tiền mướn phòng không đúng thời hạn, hay thiếu nợ chồng chất. Trong suốt thời gian ở Luân Đôn, ông chỉ đi xin việc một lần duy nhứt (xin làm thư kí hỏa xa), nhưng bị từ chối, vì chữ viết tay của ông quá khó đọc.

Đau khổ vì bệnh tật triền miên

Không những sống trong nghèo nàn, ông còn bị nhiều chứng bệnh kinh niên hành hạ. Những người gần gũi nhứt với ông như vợ ông và người bạn thân nhứt (Friedrich Engels) cho rằng vì sự căng thẳng trong công việc, làm việc quá sức, hút thuốc lá, ăn uống không điều độ, và một cuộc sống thiếu vận động cơ thể là những nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh kinh niên cho Marx.

Nhưng vấn đề thiếu kiến thức căn bản về y tế, và tình trạng thiếu vệ sinh ở Luân Đôn thời đó cũng là hai nguyên nhân khác làm cho Marx phải đau khổ cả đời với bệnh tật. Thật vậy, suốt cuộc đời trưởng thành, Marx bị đau triền miên vì bệnh nhọt độc (carbuncles và furuncles) và vài bệnh khác. Bệnh nhọt là một bệnh nhiễm trùng da (thường do vi khuẩn staph gây ra). Marx gọi Anh Quốc một cách khôi hài là “Vùng đất của bệnh nhọt” (“The land of carbuncles”), vì theo ông, đó là một căn bệnh của giai cấp vô sản!

Marx là người tin tưởng gần như tuyệt đối vào các phương pháp trị liệu truyền thống. Có lần, một mụn nhọt khá lớn mọc trên lưng của Marx, dù rất đau đớn, ông nhứt định yêu cầu người nhà phải trị bằng phương pháp cổ truyền của người Đức, tức là dùng một mảnh vải được thấm nước cao, hơ nóng lên, và đắp lên chỗ da bị sưng để hút mủ. Nhưng mụn nhọt không những không giảm, mà còn sưng lên nhanh chóng và to cỡ một nắm tay, làm cho lưng của ông biến dạng rõ rệt. Vợ ông cho gọi bác sĩ. Khi thấy bệnh tình khá nguy hiểm, ông bác sĩ hối hả kêu người nhà giữ tay chân Marx lại để ông có thể giải phẫu cắt bỏ mụn nhọt khổng lồ đó. Máu chảy ra lênh láng. Khi đề cập đến trường hợp này, trong một lá thư cho Engels, bà kể lại lúc đó Marx im lặng, tỏ ra rất điềm tĩnh, và không hề nao núng gì cả.

Tuy nhiên, sau đó Marx lại yêu cầu người nhà dùng phương pháp cổ truyền (dùng cao) để trị mụn nhọt suốt hai tuần liên tục. Trước đó, Marx không uống bia và chỉ uống nước chanh. Nhưng sau này, qua lời khuyên của bác sĩ, ông chịu dùng khoảng nửa chai rượu đỏ claret mỗi ngày để hồi phục sức khỏe ông đã mất trong khi giải phẫu.

Khi thấy bệnh tình của Marx càng ngày càng trầm trọng hơn, vị bác sĩ quyết định cho ông dùng thuốc phiện (opium) để giảm đau. Thực ra, trước đó Marx cũng từng dùng opium để điều trị nhiễm trùng trên đầu. Lúc đầu, thuốc phiện có vẻ có hiệu nghiệm, nhưng sau vài tuần, ông lại trở nên cáu kỉnh, và không chịu dùng nữa. Trong khi đó, vài mụn nhọt khác lại mọc ở bìu dái, nơi mà Engels từng nhận xét ví von rằng “mọi vật đều hiện hữu theo thế lưỡng trị” (“… in place that where, it is true, everything exists in pair”). Khi khỏi bệnh, Marx nhịn ăn trong nhiều ngày liên tục, vì ông cho rằng cái nóng của mùa hè làm cho ông nôn mửa!

Tình trạng sức khỏe của những người thân chung quanh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của chính ông. Năm 1850, sau khi Fawkesy, đứa con thứ tư của ông, qua đời một cách đột ngột, sức khỏe của ông càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Năm 1852, ông bị bệnh trĩ khá trầm trọng, đến nổi ông không đến được thư viện British Museum Library cả tháng trời. Cần nói thêm là trong thời gian ở Anh Quốc, Marx tiêu ra cả 10 giờ hàng ngày trong thư viện, lúc đó hoàn toàn miễn phí, để nghiên cứu và viết hầu hết các tác phẩm triết học nổi tiếng của mình. Trong một thư riêng cho Engels, ông viết: “Cái bệnh trĩ này nó làm cho tôi khổ sở còn hơn là cuộc cách mạng Pháp!”

Tuy là một người cấp tiến trong xã hội, nhưng cá nhân Marx lại là một người tương đối thủ cựu. Ông nhứt quyết không đồng ý cho đứa con gái út, Franziska, thành hôn với một người lính công xã Pháp lớn hơn cô 17 tuổi. Cũng một phần vì bị cha từ chối, Franziska trở nên tương tư và bị chứng biếng ăn (anorexia). Năm 1852, tức hai năm sau khi người con thứ tư [của Marx] qua đời, Franziska cũng qua đời vì bệnh viêm cuống phổi.

Lúc đó, Marx nghèo đến nỗi không có tiền để làm đám tang cho con, và đành phải nhờ hàng xóm trả tiền mai táng. Trong một thư ông viết cho Engels khoảng 5 tháng sau đó, Marx kể lại tình trạng kinh tế gia đình rất thê thảm rằng vợ ông, con gái ông, và người đầy tớ trong nhà đều bị bệnh, nhưng ông không có tiền để cho họ đi khám bác sĩ hay mua thuốc men. Ông viết, “Khoảng 8 đến 10 ngày qua, cả nhà tôi chỉ ăn bánh mì và khoai cầm chừng. Ngay cả ngày hôm nay, tôi cũng không biết mình có gì để ăn hay không “.

Năm 1855, đứa con trai 7 tuổi, rất thông minh nhưng thường hay mắc bệnh, cũng qua đời sau một tháng bị loét dạ dày. Cái chết của đứa con trai còn quá nhỏ này làm cho ông rất đau đớn và sức khỏe của chính ông cũng suy nhược rất nhiều. Trong một thư viết cho Engels, ông cho biết: “Kể từ ngày đưa tang con tôi, tôi bị nhức đầu như búa bổ, đến nổi tôi không còn suy nghĩ, nhìn thấy, hay nghe được nữa. Giữa lúc ray rứt này, tôi lại nghĩ đến anh. Tình bạn của chúng ta đã trợ sức cho tôi rất nhiều, nó đem lại cho tôi một niềm hi vọng to lớn là chúng ta có thể cùng nhau làm vài việc hữu ích cho thế giới.”

Trong thời gian viết quyển Tư bản luận Marx bị bệnh gan. Ông rất lo sợ là sẽ chết trước khi hoàn thành tác phẩm lớn này, một tác phẩm mà ông ví như là tri ân và một món quà cho đảng cộng sản. Thực ra, ông chỉ hoàn tất tập I; còn tập II và III đều do Engels viết nhưng dựa trên ý tưởng của Marx. Ngoài ra, ông còn có vấn đề về mắt, với thị lực kém, có lúc không đọc và viết thường xuyên được. Bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để đi đây đó và thay đổi không khí cho thoải mái, nhưng ông nói ông không có cái xa xỉ như thế!

Những năm cuối cuộc đời, Marx bị nhiều vấn đề về tâm thần như phiền muộn và tinh thần suy giảm trầm trọng. Ngoài ra, ông còn bị bệnh viêm phổi vào những năm cuối đời. Năm 1881, tức lúc ông tròn 63 tuổi, vợ ông mất vì bệnh ung thư gan. Vì bệnh tình của chính mình, ông không dự được đám tang của vợ, một người mà ông rất mực yêu quí.

Sau khi bà Jenny mất, ông lưu lạc hết chỗ này đến chỗ khác với hi vọng tìm được một nơi yên tĩnh và dưỡng bệnh. Nhờ được Engels giúp đỡ tài chánh (lúc đó Engels đã khá giả), ông tìm được một nơi trú ngụ khá lành mạnh ở Ventnor, thuộc đảo Wight. Từ đó, ông thường đi du lịch ở Algiers, Monte Carlo và Thụy Sĩ, và thường hay lưu lại với gia đình của người con gái đầu lòng (lúc đó lập gia đình với Jean Longquet, một lãnh tụ xã hội người Pháp) ở Pháp. Sau đó ít lâu, chị này cũng qua đời vì bệnh ung thư, lúc mới 39 tuổi, sau khi hạ sanh được 6 người con. Cái chết của người vợ và người con mà ông rất mực thương yêu này là một cú sốc mà ông không bao giờ hồi phục được.

Ngày 14/3/1883, lúc ông tròn 64 tuổi, Marx qua đời một cách âm thầm, ngay lúc ngồi trên chiếc ghế cũ kĩ trong phòng học của ông ở Luân Đôn. Công chúng Luân Đôn hầu như không biết gì về cái chết của Marx.

Trong đám tang, chỉ có 11 người bạn thân thiết đến đưa linh cữu ông về nghĩa trang Highgate. Cái chết buồn bã của ông có vẻ đúng với câu Vũ Thành An viết: “Triệu người quen có mấy người thân / khi lìa trần có mấy người đưa”.

Nguyễn Văn Tuấn

—————-

Chú thích:

Một số thông tin về quá trình học vấn của Karl Marx trong bài viết này được trích dịch một số dữ kiện từ cuốn sách “Masters of sociological thoughts: ideas in historical and social context” (trang 59-61), của soạn giả Lewis A. Coser, Xuất bản lần thứ hai, Nhà xuất bản Harcourt Brace Jovanovich Inc. (Fort Worth), năm 1977.

Các thông tin về sức khỏe của Marx được lấy từ tài liệu trong luận án tiến sĩ của Anitra Nelson, Phân khoa Tài chánh, Đại học RMIT, Melbourne, Úc. Sau này, Tiến sĩ Nelson có công bố hai bài báo khoa học nhan đề “Marx and Medicine” trên J Med Biography 1999.