Nguyễn Văn Tuấn: Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn

“Các đồng chí có biết bên ấy chúng nó mặc quần áo bằng gì không? Bằng ni lông! Quần áo ni lông!”

Đó là nhận xét của thi sĩ Xuân Diệu, tác giả của những vần thơ tình nổi tiếng, trước cử toạ gồm các cán bộ và quân đội [1]. Ông nói về những điều mà ông cho là sự “sa đoạ” của phương Tây. Bàn về các cựu tổng thống Mĩ, thi sĩ tỏ ra kinh ngạc:

“Còn tổng thống bên Mỹ hết nhiệm kỳ không còn làm tổng thống nữa, các đồng chí có biết nó đi làm gì không? Đi quảng cáo cho các hãng buôn kiếm tiền!”

Đó là câu chuyện được thuật lại trong cuốn sách mới nhứt của tác giả Vương Trí Nhàn, nhan đề “Cái Vội của Người Mình” [2]. Câu chuyện được tác giả bàn thêm:

“Nhắc lại những chuyện này để thấy những ngày xưa, chúng ta quá ấu trĩ và ngày nay đã hiểu biết hơn rất nhiều.”

Tác giả giải thích khá rõ rằng “ngày xưa” ở đây là miền Bắc thời 1965-1975, và “chúng ta” ở đây có nghĩa là những cán bộ như tác giả.

Theo tôi, câu chuyện nói lên một suy nghĩ non nớt, thiếu khả năng phân tích theo chiều sâu mà chỉ nhận vấn đề ở bề nổi. Sự ấu trĩ của cả nửa thế kỉ trước vẫn còn tồn tại và tiếp diễn trong ngày nay.

Suy nghĩ đó còn phản ảnh thói tự cao tự đại, có vẻ tự đánh giá cao bản thân mình và coi thường người phương Tây. Nếu chú ý kĩ, các quan chức Việt Nam hay gọi đồng nghiệp ở phương Tây bằng “thằng”, “nó”, “chúng nó”, nhưng trong thâm tâm thì lại tỏ ra thái độ thiếu tự tin. Đó là một sự mâu thuẫn nội tâm, và mâu thuẫn này dẫn đến nhiều “lệch pha” trong cách ứng xử trong một xã hội hiện đại có tổ chức.

Và, đó chính là chủ đề mà tác giả Vương Trí Nhàn khai thác trong cuốn tạp ghi này. “Cái Vội của Người Mình” là một tập hợp những đoản văn mà tác giả gọi là “phiếm luận” về những thói hư tật xấu của người Việt Nam thời hậu chiến. Xin nhấn mạnh là thời hậu chiến, tức sau 1975.

Đó là những thói hư tật xấu mà tác giả quan sát từ đời sống thường nhựt. Từ những thói gian dối trong làm ăn buôn bán, hành vi ngang ngược trong giao thông, và những bất cập trong thói quen sinh hoạt, đời sống tinh thần, mối quan hệ giữa người với người; những di luỵ quá khứ và tật xấu mang dấu vết thời đại; và những hạn chế trong tổ chức quản lí xã hội.

Qua những tiêu đề của cuốn sách, độc giả cũng có thể tự tìm thấy những gì mình quan sát thường nhựt: kiếm sống với bất cứ giá nào; mạnh ai nấy sống; hỗn loạn trong giao thông, hỗn loạn trong tâm lí; thầy không ra thầy, thợ không ra thợ; tôi nghiệp dư, anh nghiệp dư, nó cũng nghiệp dư; dục vọng và tai nạn; khổ vì làm tiền; nhân danh hiếu thảo, làm việc dã man; nói nhiều như là một căn bệnh; bế tắc nên sinh cờ bạc; cầu may và cầu lợi trong tâm lý người đi hội; độc đáo với bất cứ giá nào; hàng hiệu và đời sống tinh thần; con người suy thoái.

Có thể nói rằng những thói hư tật xấu này phản ảnh sự “lệch pha” giữa một xã hội hiện đại và các giá trị và thói quen truyền thống. Quá trình chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp sang công nghiệp là một sự biến đổi sâu sắc, đã tái tạo cảnh quan kinh tế và cấu trúc xã hội của đất nước. Các nhà máy và khu công nghiệp mọc lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đã có một sự chuyển dịch lớn trong thị trường lao động. Một phần lớn dân số di cư từ các vùng nông thôn, nơi cuộc sống truyền thống thường gắn liền với nông nghiệp, đến các khu vực đô thị để tìm kiếm việc làm. Họ phải cố gắng thích ứng với lối sống mới có tổ chức hơn so với lối sống ở miệt quê, và trong quá trình đó, đã xảy ra những hành vi gọi chung là lệch lạc.

Tác giả nhận xét rất đúng rằng: “Cuộc sống đô thị là cuộc sống được tổ chức. Con người phải tập làm quen với cách sống mới. Vì miếng cơm manh áo mà người dân từ nông thôn lên sống ở các đô thị nhưng bụng dạ thì hình như vẫn để cả ở chốn quê hương, xem những ngày xưa là cái mẫu mực tuyệt vời mà con người hôm nay không với tới được.”

Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Ảnh: FB Vương Trí Nhàn.

Từ đó dẫn đến sự lệch pha: “Bước vào một cuộc chuyển đổi mà không được chuẩn bị, gần như cả cộng đồng đang sống kiểu nghiệp dư”.

Chỉ cần xem qua cuộc sống thường ngày ở chung cư (từ văn hoá đi thang máy đến vệ sinh công cộng), sự hỗn loạn trên đường phố, và cả xếp hàng để lên máy bay, v.v. đều thể hiện lối sống nghiệp dư. Tác giả nhận định:

“Cái phần con người nghề nghiệp mờ nhạt thì thay vào đó ở nhiều người lại đang nổi lên cái phần con người kiếm sống. […] Đó chính là điểm yếu của con người trong xã hội ngày hôm nay”.

Mà, không phải sự lệch pha đó xảy ra ở người di cư từ nông thôn lên đô thị, mà còn ở những cư dân đô thị. Từ những đô thị lạc hậu, qua đầu tư và du nhập lối sống từ phương Tây, những cư dân đô thị cũng thấy mình khó khăn để thích nghi với môi trường mới.

Một số người làm giàu rất nhanh, không phải nhờ vào tài năng mà biết cách khai thác các mối quan hệ. Họ là “Những kẻ thành công trong đường đời (giàu hơn và có địa vị xã hội cao hơn) đôi khi không phải là người giỏi giang mà đơn giản chỉ là những kẻ liều lĩnh hơn, dám làm … láo hơn.” Tuy nhiên, về bản chất thì họ vẫn là những người nghèo về văn hoá hay mới thoát nghèo về tài chánh.

Vì có nhiều tiền quá nhanh họ có nhu cầu tỏ ra là những người lịch lãm. Những thói bắt chước lố bịch và “Học mót, học lỏm, đua đòi, bắt chước không phải lối” trở nên phổ biến ở giai cấp “nouveau rich”. Tuy nhiên, về bản chất thì họ vẫn chỉ là những “trọc phú”, chứ không phải “nhà giàu”, và họ thiếu cái phong cách của một người trung lưu. Tất cả chỉ nói lên cái bản lãnh non nớt chưa tương xứng với địa vị.

Sự lệch pha còn diễn ra ở các lãnh vực như tín ngưỡng, văn hoá và giáo dục: “Sự lừa dối có mặt trong nhiều hoạt động của guồng máy xã hội và lan tràn cả trong lĩnh vực tinh thần thiêng liêng như tín ngưỡng, văn hoá, giáo dục. Không mấy ai còn thấy kiếp người là thiêng liêng nữa.”

Tại sao những thói hư tật xấu phát sanh sau 1975? Theo tác giả, một phần là do quan chức. Tác giả viết: “Muốn biết giới quan chức một địa phương ra sao, cứ xem dân ở đấy thì biết. Dân ngoan làm ăn tử tế tức là bộ máy làm việc tạm gọi là chấp nhận được, người ta còn tin. Còn dân hư, nhất định là những người quản lý họ có vấn đề, không tham nhũng thì cũng kém cỏi trong quản lý. Chỉ cần chịu tìm sẽ thấy ai có lỗi.”

Tại sao? Tại vì các quan chức quản lí sau 1975 thường xuất thân và trưởng thành trong chiến tranh. Trong môi trường hoà bình, họ nghĩ sai rằng “đánh nhau khó bằng mấy mà còn làm được, nửa là quản lý kinh tế, cứ quyết tâm và có kỷ luật là hoàn thành tất.” Sự chủ quan này dẫn đến thất bại. Theo tác giả. “Trong suy nghĩ của những người từ chiến tranh bước ra, cái tội không thạo việc, thạo chuyên môn.”

Trong bài “Di dân tự phát nhìn từ hai phía” (trang 234), tác giả nhận định rằng sau ngày 30/4/1975, nhiều cán bộ miền Bắc được gởi vào Nam để tiếp quản, nhưng trong số đó, có những người tỏ ra “quê mùa, thiển cận, không hiểu biết và do đó không thích ứng được với một Sài Gòn năng động. Chẳng những thế, một số khác sa đà trong cảnh ăn chơi hưởng thụ.”

Nhận định này cũng nhứt quán với nhận định của học giả Nguyễn Hiến Lê. Trong hồi kí, ông viết: “Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật – điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học – thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau.”

Ngay cả ngày nay, chúng ta vẫn thấy những quan chức bề ngoài thì sang trọng và thanh cao, nhưng về bản chất thì vẫn dung tục, tầm thường, và thấp kém. Gần đây, chúng ta thấy những quan chức và cả nghệ sĩ khi đi công cán ở nước ngoài đã có những hành vi đồi bại đối với phụ nữ. Hành vi đồi bại của họ, có lẽ do thiếu giáo dục [3], làm cho người Việt chúng ta xấu hổ trước cộng đồng thế giới. Họ là những người chưa trưởng thành nên đã để sự cám dỗ của thân xác và vật chất (cái “Da hàng thịt”) làm tha hoá cái “Hồn Trương Ba.”

Tác giả cho biết rằng thời thanh niên, ông chỉ được tiếp xúc với các tư tưởng phương Tây rất hạn chế, có lẽ là một cách nói khác về tình trạng “nhồi sọ”. Ông viết:

“Trong đầu óc đám người, khi còn ngồi trên ghế nhà trường chỉ được nghe giảng về mỗi một thứ triết học là triết học Mác-Lênin như tôi, tên tuổi của những Platon, Aristotle chỉ tượng trưng cho những điều rắc rối trừu tượng. Nhưng đọc Platon mấy cuốn sách lịch sử triết học mới in, thấy bao chuyện cụ thể.”

Và, ông đi đến kết luận: “Sau 1975, hầu hết chúng ta là những người chưa có nghề nghiệp thực sự.”

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh, một người tỏ thái độ rất khinh miệt người miền Nam và chế độ VNCH, từng thắc mắc: “Bản chất của chế độ nguỵ là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi rối rít. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân ngoài Bắc vào.”

Để kết thúc bài đọc sách này, tôi mời các bạn đọc đoạn sau đây trong sách “Cái Vội của Người Mình”:

trích:

“Trong thiên bút kí “Đại Đường Tây vực”, Đường Tăng ghi lại ấn tượng sau khi đi qua 138 nước nằm giữa Trung Hoa và Ấn Độ. Đoạn tổng thuật về địa khu Tốt Lợi kể:

“Người Tốt Lợi phong tục kiêu ngoa, chuyên môn lừa đảo, tham lam hám lợi, giữa cha con với nhau cũng tính toán hơn thua chẳng cần người tốt kẻ xấu, cứ nhiều tiền là được quý trọng… Cư dân một nửa làm ruộng, một nửa chuyên đi trục lợi.”

Thế còn bây giờ? Một lần, chập choạng tối, tôi đang đi trên đoạn đường gần ngã tư Hàng Chiếu – Đồng Xuân Hà Nội thì gặp mưa, đành tính chuyện lánh tạm vào một mái hiên. Bất ngờ nghe người ở trong nhà nói hắt ra:

– Biến đi cho người ta còn bán hàng.

Trời ơi! Con người đô thị bây giờ càn rỡ và bất nhân ngoài sức tưởng tượng!”

hết trích.

Tiếng kêu thất thanh của tác giả vang động trong tâm khảm của mỗi chúng ta vậy.

Nguyễn Văn Tuấn

_______

[1] Câu chuyện này cũng được kể trong sách “Viết Về Bè Bạn” của Vũ Ngọc Tấn.

[2] Sách “Cái Vội của Người Mình” của tác giả Vương Trí Nhàn, 347 trang, do nhà xuất bản Tổng Hợp ấn hành, giá bán 159,000 đồng.

[3] Ở các nước phương Tây, tất cả các quan chức đều được dạy về cách ứng xử sao cho tránh bị vướng vào những cáo buộc như sách nhiễu tình dục. Họ còn được dạy để không hành xử lưu manh và du côn với cấp dưới. Nhưng ở Việt Nam thì hình như không có những khoá học như thế này.