Nguyễn Văn Tuấn: Xếp hạng Thế Vận Hội Olympic 2024: nước nào đứng đầu?
Dĩ nhiên không phải là Việt Nam. Trang web của Thế Vận Hội (TVN) xếp Mỹ đứng đầu bảng, kế đến là Tàu và Nhật vì ba nước này có nhiều huy chương vàng nhứt. Nhưng tôi nghĩ nước đứng đầu không phải là Mỹ, mà là … [đọc tiếp phía dưới sẽ biết].
Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 đã kết thúc, bây giờ đến lúc chúng ta thử làm thể theo trí não về thành tích của các nước tham dự Thế Vận Hội. Câu hỏi đặt ra là xếp hạng các nước tham dự Thế Vận Hội như thế nào cho công bằng.
Tiêu chuẩn 1: Số huy chương vàng
Tiêu chuẩn đơn giản nhứt là dựa vào số huy chương vàng bởi vì đạt được huy chương này là ‘đỉnh của đỉnh’ trong thi đấu thể thao Olympic. Và, nếu dựa vào tiêu chuẩn này thì đúng là Mỹ và Tàu đứng hạng 1, vì mỗi nước có 40 huy chương vàng. Điều đáng nể là Nhật năm nay vươn lên và đứng hạng 3 (với 20 huy chương vàng), và Úc của tôi dứng hạng hạng 4 (18 huy chương vàng), trên Pháp với 16 huy chương vàng.
Tiêu chuẩn 2: Tổng số huy chương
Nhưng cách xếp hạng dựa vào số huy chương vàng phiến diện, vì chưa xem xét đến các huy chương bạc và đồng. Chẳng lẽ những huy chương bạc và đồng là không quan trọng sao. Quan trọng chứ. Thật ra, đạt đến huy chương thì cái nào cũng đáng khen ngợi cả. Thành ra, cách xếp hạng khác là dựa vào tổng số huy chương. Nếu tính trên tổng số huy chương thì Mỹ vẫn đứng đầu bảng với 126 huy chương. Kế đến là Tàu (91), Anh (65), Pháp (64), Úc (53).
Tiêu chuẩn 3: Tổng trọng số huy chương
Nhưng cách đếm huy chương như trên cũng không công bằng. Huy chương vàng chắc chắn phải có giá trị hơn huy chương bạc, và bạc phải hơn đồng. Chúng ta cần một ‘trọng số’ (weight) để đếm huy chương.
Tôi nghĩ chúng ta có thể lấy huy chương đồng làm điểm tham chiếu với trọng số là 1. Có thể xem mỗi huy chương bạc bằng 2 huy chương đồng, và mỗi huy chương vàng bằng 3 huy chương đồng. Do đó, chúng ta đếm số huy chương theo công thức:
T = 3*Vàng + 2*Bạc + 1*Đồng.
Xếp hạng theo T, thì Mỹ vẫn đứng hạng 1 với tổng số 250 huân chương. Kế đến là Trung Quốc, Pháp, Anh và Úc. Nói cách khác, cách xếp hạng này vẫn cho ra kết quả Mỹ đứng đầu bảng.
Tiêu chuẩn 4: Số huy chương trên đầu người
Nhưng ngay cả cách tính dựa vào T như trên cũng chưa thoả đáng, vì nước có nhiều dân thì xác suất có nhiều nhân tài càng cao. Một cách ‘chuẩn hoá’ cho công bằng hơn là lấy tổng trọng số huy chương T chia cho 1 triệu dân số:
R = T / một triệu dân số.
Xếp hạng theo R thì chúng ta sẽ thấy Tân Tây Lan (New Zealand) mới là nước đứng đầu bảng Thế Vận Hội. Tân Tây Lan là nước nhỏ, chỉ có 5.1 triệu dân, nhưng có T = 47 huy chương (tính theo trọng số). Do đó, số huy chương tính trên 1 triệu dân là 9.22, cao nhứt thế giới.
Nước đứng thứ hai là Úc. Với 26.7 triệu dân, Úc chiếm 108 huy chương, tương đương với 4.04 trên 1 triệu dân.
Các nước tiếp theo Úc là Hoà Lan, Hung Gia Lợi (tức Hungary), Na Uy, Ái Nhĩ Lan, Thuỵ Điển, Pháp, Anh, và Nam Hàn. Nam Hàn cũng là nước đáng nể. Năm nay, Nam Hàn chiếm tổng số 32 huy chương, nhưng tính theo trọng số là 67 huy chương (kể cả 13 huy chương vàng).
Tiêu chuẩn 5: ‘Chất lượng’
Số huy chương chiếm được cũng có thể phụ thuộc một phần vào số lực sĩ tham gia thi đấu. Tàu tuy có dân số trên 1.4 tỉ, nhưng chỉ gởi 398 lực sĩ tham gia tranh tài. Ngược lại, Úc chỉ có 26.7 triệu dân, nhưng đoàn lực sĩ lên đến 476, chỉ sau Mỹ (619) và Pháp (600). Khi một nước gởi lực sĩ tham gia tranh tài, họ phải tuyển chọn rất kỹ, và quá trình tuyển chọn phản ảnh ‘chất lượng’ lực sĩ.
Trong y khoa: chúng ta hay hỏi ‘cần điều trị bao nhiêu bệnh nhân để giảm 1 ca bệnh?’ (Dân nghiên cứu lâm sàng biết ngay đây là câu hỏi NNT = Number Needed To Treat). Trong thể thao chúng ta cũng có thể hỏi như thế: ‘cần gởi bao nhiêu lực sĩ thi đấu để có 1 huy chương?’ Chúng ta có thể tính tỉ số:
Q = số lực sĩ / số huy chương.
Biểu đồ dưới đây so sánh Q của 20 nước hàng đầu. Kết quả cho thấy nước đứng đầu là Tàu: họ chỉ cần 2 lực sĩ tham gia tranh tài là có 1 huy chương. Nước đứng hạng 2 là Nam Hàn, với Q = 2.2. Nước thứ 3 là Mỹ với Q = 2.5.
Riêng Úc và Tân Tây Lan có hệ số Q = 4.4, có nghĩa là họ phải có chừng 4 lực sĩ tranh tài thì mới có 1 huy chương.
Nước ‘tệ’ nhứt là Tây Ban Nha với Q = 12.5!
Thật ra, nói vậy cũng không đúng, vì nước tệ nhứt là … Việt Nam. Việt Nam ta gởi 6 lực sĩ đi tham gia tranh đấu nhưng không có huy chương nào (Q = 6/0).
***
Những bàn luận mang tính định lượng trên chỉ là mua vui thôi. Có quan điểm cho rằng nước nào càng giàu thì số huy chương càng nhiều vì họ có tiền để đầu tư cho thể thao. Nhưng trong thực tế thì không hẳn vậy: nước giàu chưa chắc có nhiều huy chương hơn nước nghèo. Bắc Hàn nghèo hơn Việt Nam, nhưng vẫn có 6 huy chương. Cuba thậm chí còn có 2 huy chương vàng. Ngược lại, nước giàu như Singapore chỉ có 1 huy chương. Thật ra, mối liên hệ giữa số huy chương và thu nhập bình quân rất thấp.
Theo tôi, số huy chương ‘chiếm’ được phụ thuộc 2 yếu tố chánh: may mắn và kỹ năng. May mắn vì trong một thời điểm nào đó, lực sĩ đạt được thành tích vượt trội, nhưng ở thời điểm khác thì … ‘bad luck’. Yếu tố quan trọng hơn là kỹ năng. Kỹ năng thì phụ thuộc vào luyện tập cá nhân và môi trường nuôi dưỡng. Tôi nghĩ có thể tạm lấy hệ số Q để làm một thước đo kỹ năng, và theo thước đo này thì Tàu và Nam Hàn quả là đáng nể.
Tóm lại, dựa vào phân tích trên, chúng ta có thể nói:
• Dựa vào số huy chương đạt được, nước đứng đầu bảng Thế Vận Hội 2024 là Mỹ.
• Tính số huy chương trên đầu dân số, nước đứng đầu là Tân Tây Lan.
• Dựa vào kỹ năng / chất lượng, nước đứng đầu là Trung Quốc.
_____PS: Việt Nam tham gia thi Thế Vận Hội lần đầu năm 1952 ở Phần Lan trong tư cách Quốc Gia Việt Nam. Từ 1956 đến 1972, chỉ có Việt Nam Cộng Hoà đi thi Thế Vận Hội. Nhưng trong các lần thi đó, Việt Nam chưa đạt huy chương nào. Năm 1964, một vận động viên (là trung tá) nói rất cảm động rằng: “Chúng tôi chưa có đầu tư tốt cho thể thao, chúng tôi chơi chưa tốt, nhưng sau hoà bình, chúng tôi sẽ chơi tốt hơn.”