Nguyễn Viện: Cuối năm, nhìn lại

Nhà văn Nguyễn Viện. Photo: Nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức.

1.

Tôi không có ý định sẽ tổng kết bất cứ điều gì đã xảy ra trong năm qua, bởi điều ấy là bất khả trong phạm vi cá nhân của tôi. Vì thế, tôi sẽ chỉ ghi lại đôi điều với riêng tôi có ý nghĩa. 

Tất nhiên, cũng sẽ rất lố bịch nếu tôi tổng kết về mình, mặc dù trong năm qua tôi đã làm được một số việc đủ để “giã từ vũ khí” mà không phải hối tiếc. 

Tôi quen biết khá nhiều, nhưng thực sự lại không đọc được nhiều lắm. Đơn giản vì tôi không còn khả năng đọc nữa, vừa không đủ tập trung, vừa mỏi mắt và vừa chán thế gian. Tôi cảm thấy không còn cần thiết phải theo dõi cái này cái kia, kể cả văn chương. Nhưng trong những ngày cuối năm này, tình cờ tôi đọc được một số bài thơ của một tác giả trẻ và xa lạ trên Văn Việt, tên Mão Xuyên. Bất ngờ vì tôi thấy những bài thơ ấy mang một tâm sự khác, những suy tư khác, hình tượng và một thi pháp khác vượt qua những lối mòn, thoát khỏi cái tù đọng đến bốc mùi của các nhà thơ đương thời, già và trẻ. 

Cũng tương tự như hơn 10 năm trước tôi đã phát hiện ra một Vũ Lập Nhật, một Lưu Mêlan mà tôi đã giới thiệu trên đài VOA qua blog của nhà văn quá cố Nguyễn Xuân Hoàng, thơ Mão Xuyên dạt dào tuôn chảy. Trong trẻo và nồng nàn. Mão Xuyên sẽ là một triển vọng mới cho văn đàn Việt bởi sự chân thật và một nội lực sáng tạo mạnh mẽ, tôi nghĩ thế. 

Trong lãnh vực văn xuôi, có một tác giả cũng mới xuất hiện gần đây, mặc dù không còn trẻ mấy, đó là Lê Khải Việt. Với hai tập truyện ngắn “Chuyến bay tháng ba” và “Khi trẻ người ta nghĩ khác”, Lê Khải Việt đã tự giới thiệu mình như một nhà văn chuyên nghiệp. Bằng một giọng văn hiện đại và những kết cấu đan xen giữa lịch sử và những diễn biến đương thời, cái nhìn của Lê Khải Việt về cuộc sống xã hội mang một tầm vóc lớn hơn hẳn những người viết cùng thế hệ. Tôi hoàn toàn tin rằng Lê Khải Việt có thể tạo dấu ấn hồng hào của mình trên tổng thể một nền văn chương ốm yếu hiện nay. 

2. 

Năm qua cũng cho thấy một bầu khí sôi động của giới mỹ thuật. Với một số người là một năm bội thu. Lớp tiền bối có thể kể đến Trịnh Cung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri… Đặc biệt, một số tác giả đã mất cũng “phục sinh” đình đám trong các triển lãm hồi cố như Lê Bá Đảng, một số hoạ sĩ của thời Mỹ thuật Đông Dương… 

Còn với các hoạ sĩ trẻ thì có quá nhiều các cuộc trưng bày không thể nhớ hết và đi xem hết. Tuy nhiên, theo tôi cuộc trở về của Trần Trọng Vũ từ Paris là rất ấn tượng bởi sự quy mô và hoàn chỉnh của cuộc trưng bày tại không gian của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn. Một Phạm Trần Việt Nam, một Bùi Công Khánh, một Ly Hoàng Ly… trong năm qua cũng để lại nhiều điều đáng nhớ. Ngoài ra, hiện tượng Bùi Chát cũng không thể không nhắc đến, cho dù có thể còn nhiều khác biệt trong đánh giá nghệ thuật của Bùi Chát. Việc Bùi Chát “trấn áp” làng mỹ thuật bằng 8-9 cuộc triển lãm liên tiếp trong vòng 2 năm cho thấy sự tự tin của tác giả là… không thể tranh cãi. 

3.

Trong năm qua cũng đánh dấu một vài mất mát đáng buồn. Cái chết khá bất ngờ của hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ, mặc dù ông đã là người thượng thọ. Sự ra đi của một người trẻ hơn là nhạc sĩ Lã Văn Cường quả thật đáng tiếc. Cả hai tuy chênh lệch tuổi tác khá nhiều, nhưng đều là những nghệ sĩ tài năng và nội lực sáng tạo ở độ chín nhất. 

Cuối năm, tôi cũng nghe tin nhiều nghệ sĩ ở phía Bắc qua đời, nhưng tôi không phải là người biết tuốt để nhắc đến họ. 

4.

Những dòng cuối của bản tường trình này xin được nhắc đến tạp chí Văn Việt, cơ quan ngôn luận của Ban Vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập. Một tổ chức ngoại biên, phi chính thống. 

Mặc dù bị nhiều áp lực khó khăn, nhưng Văn Việt đã kiên cường “vượt qua ngàn chông gai” của chặng đường hơn 10 năm tồn tại. Mỗi năm, Văn Việt đều tổ chức thành công một giải Văn Việt cho các lĩnh vực biên khảo, thơ và văn về chất lượng, nhưng lại luôn luôn thất bại trong việc thực hiện các buổi lễ trao giải. Không nói ra thì ai cũng biết vì sao.  

Ngoài ra, có một việc làm của Văn Việt mà tôi cho rằng rất đáng trân trọng, đó là các cuộc gặp gỡ giữa các thân hữu của Văn Việt với những tác giả từ nơi xa về Sài Gòn, trong cũng như ngoài nước. Cho dẫu đấy chỉ là bù khú rất vô tội, nhưng nó ấm áp và gắn kết cho những niềm vui và sự hy vọng. 

Nguyễn Viện 

Saigon 26/12/2024