Nguyễn Viện: Đặng San – Một thiền sư mặc áo dòng Đa Minh

C:\Users\DELL\Documents\hình cha San 6.jpg

“Đã nằm xuống. Đã ở rất im. Đã trải mình sâu trong lòng đất. Đã hoàn toàn hoá ra không. Cuộc nhập thể đã đi đến cùng. 

Tất cả đều im lặng. Tất cả đều như vô nghĩa. Đất Mẹ mở rộng vòng tay đón lấy. 

Mọi sự đã hoàn tất.” 

Linh mục Giuse Đặng Chí San (*) đã viết như thế trên Facebook của mình vào ngày 3/4/2021. Nhưng phải đến ngày 26/3/2024 mọi sự mới thật sự hoàn tất, thân xác cha San được hạ huyệt tại đất thánh của Tu viện thánh Martino, Biên Hòa. 

C:\Users\DELL\Documents\hình cha San 7.jpg

Trước đó, vào khoảng tháng 7/2020, cha San đã bị đột quị lần thứ ba, khởi đầu cho những ngày dài đau khổ vì bệnh tật. 

Tôi quen biết cha San từ khoảng đầu năm 2017 qua Facebook. Đọc và thích nhau, kết bạn và thân thiết ngay lập tức. Tôi vốn là con Chúa nhưng cũng thích triết lý nhà Phật, vì thế những gì của thiền sư Không Động, một nickname của cha San, chia sẻ trên Facebook của ngài, tôi rất thích. Như một tri âm, tri kỷ. Cái tâm Không của Phật in dấu thánh giá Chúa. Phóng khoáng và đau đớn nỗi người. 

Tôi biết cha San đã từng lên núi sống chung với các Thày trong các am, cốc nhà Phật, mặc dù kỷ luật cuộc sống của một tu sĩ Công giáo rất khắt khe. Tôi cũng biết cha San thân quen với nhiều Thượng tọa, Đại đức… Thật ra, cũng không lạ. Vì cha San vốn là một người nghiên cứu về Phật giáo và là một cha giáo giảng dạy về Phật học tại một số dòng tu Công giáo khác nhau. Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo với cha San rất rõ và nó hiện tiền trong đời sống tâm linh của cha như cái nhất quán của bản thể. 

Khi viếng cha San lần cuối cùng tại Tu viện thánh Martinô, tôi đã nghĩ làm thế nào để sự hằng hữu của Chúa có thể hoà giải hoà hợp với tính không/chân như của Phật trong tâm hồn một con người? 

Làm thế nào để dung hợp được giữa ơn cứu độ của Đức Ki-Tô và cái bi trí dũng của tự giải thoát trong Phật pháp?

Dường như cả cái tính không/chân như và sự hằng hữu vô thuỷ vô chung đều cực đoan tuyệt đối. Tôi đã mường tượng đến những cơn vật vã trong thân tâm phàm trần của cha San và đôi khi với tôi, trong cái nghịch thường của một cảnh giới đối kháng triệt để giữa không và có đó. Một linh hồn tan nát vì yêu thương cuộc tử sinh kỳ diệu này.

Tôi gặp cha San ngoài đời không nhiều. Lần đầu, tôi đi cùng anh Tám Lam – Hạ Đình Nguyên, anh Tô Lê Sơn và cô em Phạm Bảo Ân xuống thăm cha ở thiền am dưới Long Thành. Nhà dòng ưu ái dựng riêng cho cha một cái cốc như của mấy ông sư giữa một vườn cây thoáng đãng. Và cha hồn nhiên như hồi nào vẫn hồn nhiên tiếp chúng tôi với trà, trái cây trong tư thế của một ông nông-dân-chân-đất-quần-xà-lỏn.  

C:\Users\DELL\Documents\hình cha San 1.jpg
Từ trái qua: Nguyễn Viện, Tô Lê Sơn, Đặng San, Hạ Đình Nguyên tại thiền am ở Long Thành

Lần thứ hai gặp cha thì cụ đã lịch lãm lắm rồi. Chúng tôi nhậu thịt cừu cùng với nhà thơ Vũ Thành Sơn và họa sĩ Hồ Thanh. 

Trong bữa nhậu ấy, cha San đã thử thách tôi bằng một công án màu nhiệm cứu chuộc. Cha hỏi: “Tại sao đã có Đức Chúa Trời còn cần chi tới Chúa Giêsu nữa?” Quả thực, tôi cũng bối rối. Phải qua một đêm, nhờ ơn thánh linh, tôi mới tìm được câu trả lời thỏa đáng cho chính mình. Tôi thấu suốt ơn cứu độ của Chúa giáng thế. 

Tính cha San vui. Trong một cuộc trò chuyện qua messenger, cha nhắn nhầm cho tôi (nhưng không xóa đi) một tin mà cha vốn viết cho mấy ông em tu sinh của cha, như thế này: 

“Hỡi các bằng hữu thiện lành, qua đã tới Cõi Đaminh đèo Bảo Lộc chiều nay. Qua xí căn phòng duy nhất nhỏ xíu ở nhà dưới, bên cạnh phòng hội trống không vắng lặng. Quả thật căn phòng xứng đáng dành cho qua, là người được thiên ý chọn lựa cho sứ mệnh cứu rỗi cả vũ trụ. Qua sẽ luyện công mấy ngày ở đây, cứu các bằng hữu thiện lành khỏi những cơn si mê diệu chè hay đắm đúi với xe bình bịch. Trừ khi chiều nay qua lỡ bị tẩu hỏa nhập ma vì quân không thiện lành ép nhậu tiết canh bồ câu vốn rất thiện lành (!), hoặc phải nhậu tiết canh ngan vốn không thiện lành mấy. Nhưng biết sao được, vì sứ mệnh cứu rỗi, nên phải “hoà kỳ quang đồng kỳ trần”. Cái đèo Bảo Lộc đón tiếp qua cũng có vẻ đuỳnh huỳnh ra phết. Cho mây kéo xuống bao phủ hết dãy núi trước mặt… Thôi, vài lời… Giấy ngắn tình dài. Tuần sau, trên phố phường Đà Lạt, các huynh đệ huynh muội thiện lành sẽ gặp qua, trẻ trung xinh đẹp mà vẫn uy nghi lý toét.”

Cũng vì muốn rủ tôi lên Bảo Lộc nhậu và nhìn ngắm sương khói núi đồi.

Xin lỗi đồng chí San nhé. Tôi sẽ còn khai báo với nhân dân thế giới nhiều “tin mừng và hy vọng” của đồng chí nữa. 

Ngày 2/12/2018, cha San nhắn tin cho tôi: 

“Sáng sớm nay, vào Mùa Vọng, lòng rất lạ. Tràn ngập vui mừng hy vọng. Và thấy tiếc cho những người không có niềm hy vọng. Lại càng thấy đời sống tôn giáo hay tâm linh cần cho cái trần gian khốn khổ này xiết bao! Niềm hy vọng trong đức tin thì CHẮC CHẮN KHÔNG HỀ ẢO TƯỞNG! Rất thật! Rất thật! Giữa cuộc đời phù ảo đến phù mỏ này, đời tôn giáo hay tâm linh là cứu cánh. Lại càng thấy những người đau khổ là những kẻ có cơ may lạ lùng nhất.” 

Và rồi sự đau khổ đã ập xuống cha. Nhưng liệu sự đau khổ ấy có là cơ may không khi cơn đột quị đã khiến cha bại liệt. Cha không còn đi đứng được nữa. Từng ngày, như từ dưới vực sâu, lời cha kêu cứu thống thiết không chỉ với tôi mà cha còn gởi cho tất cả những người quen biết: 

“Xin cầu nguyện cho với.”

Tôi đáp: Xin Chúa xót thương và ban bình an cũng như sức khỏe cho cha. Vì sự phục sinh của Chúa, xin Chúa cũng phục sinh cha trong ơn lành của Người. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

“Xin cầu nguyện cho với.”

Tôi đáp: Vì lòng xót thương của Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn được bình an và mạnh khỏe. Xin Chúa cho cha vững lòng trông cậy và tràn đầy ân sủng của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa soi sáng con đường chúng con đi và mạnh dạn đi trên con đường Chúa bằng đôi chân vững chắc mà Chúa đã ban tặng cho chúng con.

“Xin cầu nguyện cho với.”

Tôi đáp: Xin Chúa cho chúng con nghe được tiếng Chúa để chúng con biết chúng con phải làm gì, sống như thế nào. Nhưng Chúa ơi, trần gian mà Chúa ban tặng cho chúng con tuy nhiều đau khổ nhưng cũng quá hân hoan, xin Chúa cho chúng con biết cách tận hưởng cuộc đời này như ý Chúa muốn.

 “Xin cầu nguyện cho với.”

Tôi đáp: Lạy Chúa, chúng con là kẻ tội lỗi, xin Chúa thương xót và tha thứ cho chúng con. Vì lòng từ bi Chúa, xin cho chúng con được bình an và ơn vui sống cuộc đời gian truân này. Xin cho đôi chân chúng con vững chãi và bước đi mạnh mẽ trên con đường Chúa.

“Xin cầu nguyện cho với.”

Tôi đáp: Xin Chúa thương xót chúng con, ban bình an của Chúa cho chúng con. Xin đừng thử thách quá mức chịu đựng của chúng con, bởi vì chúng con yếu đuối, đừng để chúng con gục ngã giữa lữ thứ hoang mang này…

Bệnh tật làm cho con người trở nên yếu đuối. Cha San cũng không tránh khỏi sự yếu đuối ấy cho dù tôi tin cha vẫn luôn đặt niềm trông cậy vào Chúa như cứu cánh. 

Trong những ngày trọng đại nhất của người Công giáo này, tuần thánh với tam nhật vượt qua và lễ phục sinh, tôi muốn nhắc lại một lời nhắn của cha với tôi: 

“Chớ gì tôi thực sự được quì xuống rửa chân cho từng người bạn bè thân thiết…”

Dấn thân vì anh em và phụng sự anh em vẫn luôn là lý tưởng cuộc sống của người Kitô hữu. Nhưng ở chỗ riêng tư, một phương trời khác nơi mỗi cá nhân, hành trình sự sống là một khát vọng của sinh mệnh. 

Cha San từng viết: 

“Khát vọng được sinh lại, chắc chắn không phải khát vọng được trường sinh bất tử để sống mãi, như mấy ông đạo sĩ phương Đông.

Sinh lại bằng nước là sống một cuộc đời mới, trong sáng và tự do. Sinh lại bằng Thánh Linh là sống bằng một tinh thần mới, vút trong vui mừng bình an và sự thật. 

Đó là con người của Gió Trời dào dạt. Con người để gió thổi đâu thì thổi, không kẹt chấp vào bất cứ điều gì. Con người múa lượn trên cao.”

Nhưng: 

“Mỗi sáng thức dậy, bệnh vẫn còn đó, vẫn đi đứng lò dò lòm khòm. Lại nản và tủi thân. Muốn nhủ với lòng rằng được tham dự một chút vào Thánh Giá của Thầy. Lẽ ra phải tạ ơn và vui mừng. Nhưng thú thật, không dám… Chỉ mong sao được thoát khỏi chén đắng này!”

Trước cái thật của bệnh tật và sự đau khổ, triết lý hay tư tưởng bị đánh gục. Con người yếu đuối và bất lực. Cái chết là một vực thẳm. Tính không/chân như của Phật, sự hằng hữu của Chúa sẽ cứu thoát chúng ta?

Tôi vừa đọc được bài giảng của một linh mục trong thánh lễ an táng cha Giuse Đặng Chí San với những lời kể chân thật về cuộc đời ngu ngơ, điên điên của ông bạn mình, rằng: Rất nhiều người chứng kiến cha San đã khóc không chỉ một lần khi dâng mình thánh Chúa trong thánh lễ. Và cha San bảo, lúc ấy như có một dòng máu hy sinh và tận hiến của Chúa chảy rần rần trong huyết quản, rất kỳ lạ. Tôi tin sự hiệp thông ấy của cha San. 

Nguyễn Viện 

27/3/2024 

______________________

(*) Linh mục Giuse Đặng Chí San, sinh ngày 12/6/1952 tại Sơn Tây. Thụ phong limh mục ngày 1/4/1993. Mất ngày 23/3/2024.