Nguyễn Viện: Ngày 30/4. Vết thương hoại tử
Cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975, dù đã chấm dứt được 48 năm nhưng hệ quả của nó đến nay vẫn là một chấn thương chưa hết rì máu.
Cuộc chiến được thể hiện ở tầm thế giới là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Nó được bày ra bởi các nhà tài trợ của cả hai phía.
Và ở tầm quốc gia là một cuộc nội chiến Nam – Bắc, phân tranh giữa những người đi theo hai chủ nghĩa đối nghịch ấy.
NHỮNG NGƯỜI THẤT THẾ
Tuy nhiên, nhà tài trợ chính cho miền Nam, Mỹ đã biến cuộc chiến tranh ủy nhiệm ấy thành cuộc chiến của chính mình, bằng cách đổ nửa triệu quân vào miền Nam và giành lấy quyền quyết định chính sách, điều khiển cuộc chiến và gọi nó là “Cuộc chiến tranh Việt Nam”. Chỉ chờ có thế, những người Cộng sản phía Bắc cũng đã biến cuộc chiến ý thức hệ, bành trướng chủ nghĩa Cộng sản thành cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước”. Theo cách ấy, người miền Nam đã bị phụ thuộc và phe miền Bắc có lý để gọi người anh em bên kia chiến tuyến là “Ngụy”, tay sai.
Với tham vọng lãnh đạo thế giới, người Mỹ trong suốt quá trình theo đuổi cuộc chiến cho đến khi tìm cách thoát thân khỏi vũng lầy chiến tranh ấy, vai trò hay thế đứng của Việt Nam Cộng Hòa đã không được tôn trọng như họ phải được tôn trọng. Một thực thể quốc gia được quốc tế công nhận, một chủ thể chính yếu của cuộc chiến có lý tưởng, có chính nghĩa riêng của mình.
Cho đến tận bây giờ, phim ảnh hay sách báo, người Mỹ chỉ tự biện hộ như cách họ muốn chữa lành lương tâm của mình, nhưng đồng thời người Mỹ cũng chà xát nỗi đau đớn của đồng minh VNCH, những người thất thế không còn đất đứng. Một khước từ vô trách nhiệm và vô liêm sỉ.
Tôi vẫn băn khoăn, không biết những người Việt tị nạn đã làm gì khả dĩ để lấy lại danh dự cho mình?
MỘT CÁCH NHÌN CHO TƯƠNG LAI
Cuộc chiến 20 năm giữa những người Việt đã là lịch sử và nó không thể sửa chữa. Nhưng hậu quả của nó đang diễn tiến là một thực trạng hoàn toàn có thể thay đổi.
Người Cộng sản đã chiến thắng. Tuy nhiên, cũng chính vì sự chiến thắng ấy, họ đã xây dựng một chế độ có nhiều sai lầm.
Dẫu sao, người Cộng sản cũng đã phần nào nhận ra sai lầm của họ, vì thế mới có cái được gọi là “đổi mới”. Thật ra, chẳng có gì mới trong sự thay đổi của người Cộng sản. Đảng Cộng sản vẫn là lực lượng lãnh đạo duy nhất và các cơ chế mới trong nền “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự sao chép vụn vặt cái đã rất cũ, đã rất phổ biến trên thế giới, cũng như của miền Nam trước 1975.
Chỉ là vấn đề tu từ. Tôi hiểu đây là một thủ thuật chính trị.
Hiện nay, phải công tâm nhìn nhận, Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể về kinh tế và một số vấn đề dân sinh. Người dân đã có của ăn của để, thậm chí có những người rất giàu. Nhưng cái thịnh vượng ấy vẫn cho người ta cái cảm giác giả tạo.
Một nền kinh tế chỉ gia công là chính, nguyên liệu phụ thuộc, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều lạc hậu, manh mún… hẳn nhiên không thể bền vững. Trong khi đó, trí tuệ nhân dân lại không được tận dụng và phát huy bởi đảng cai trị thiếu lòng tin vào nhân dân của mình qua việc chỉ giao trọng trách cho đảng viên, hay nói cách khác, chỉ đảng viên mới được làm lãnh đạo. Người ngoài đảng không có cơ hội. “Khúc ruột ngàn dặm” lại càng xa vời. Một nguồn tài nguyên về nhân lực và tài năng vô cùng quí giá từ những người Việt khắp nơi trên thế giới không được trọng dụng. Nói theo dân gian là “phí của giời”.
Hoặc “đã nghèo lại còn hoang phí”.
Thật ra, đảng và nhà nước đã có chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc theo Nghị quyết 36. Nhưng chính sách ấy đã hoàn toàn thất bại, cũng chỉ vì đảng thiếu lòng tin vào đồng bào của mình?
Hay vì đảng hẹp hòi? Tôi không biết.
Những người có tâm muốn về xây dựng đất nước không phải không có, nhưng đã có rất nhiều trường hợp lòng nhiệt thành của họ bị dội nước lạnh. Và họ đã phải ra đi trong cay đắng.
Chẳng thế mà, cho đến nay làn sóng “vượt biên” vẫn tiếp tục. Có người tị nạn kinh tế qua đầu tư nước ngoài, hoặc xuất khẩu lao động. Có người tị nạn giáo dục. Có người muốn đi chỉ vì không thể chịu đựng nổi sự ngột ngạt hay sự bấp bênh của thời cuộc.
Tất nhiên, đảng trăm tay nghìn mắt, đảng biết hết. Nhưng đảng đã làm gì?
Trong lời tựa cho cuốn tiểu thuyết đa phương tiện “Thần thánh không biết bơi”, tôi đã viết: “Cho dù đã có những nỗ lực đổi mới, nhưng con người ở đây vẫn được định hướng để tuân phục. Đối diện với văn minh hiện đại, những giá trị mang tính nhân bản của thế giới bên ngoài đã làm cho người Việt Nam bối rối. Và họ đã ứng xử với tình thế mới ấy như thế nào? Đó là một câu hỏi không chỉ để tự vấn mà sự trả lời của nó còn là cơ hội mô phỏng diện mạo con người Việt Nam hôm nay trong cơn khao khát hội nhập với thế giới, bằng cả sự cố gắng và cái bất khả.”
Lòng tự tôn của người Cộng sản có giúp họ nhìn ra cái bất khả ấy không? Tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ cái tư duy vụ lợi và thiển cận “Còn đảng, còn mình” là một ngõ cụt. Nó cho thấy, những người Cộng sản đã mất hết lý tưởng.
Một người bạn trẻ nói với tôi: “Bất chấp đảng Cộng sản như thế nào, đất nước này vẫn tiến về phía trước.” Có lẽ, cũng là một bi kịch khác. Nó mô tả một trạng thái lãnh đạm. Buông xuôi.
Bản thân tôi chào mừng ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Và tôi hy vọng sau bài viết này, tôi vẫn bình an vô sự.
Xin tạ ơn cuộc đời, tôi đã sống sót qua chiến tranh, và tôi đã tồn tại trong hòa bình. Sướng và khổ không thiếu.
Dẫu sao, khi tôi muốn viết những điều này, nghĩa là tôi chưa mất hết niềm tin.
Nguyễn Viện
4/2023