Nguyên Việt: Kìm Hãm Nội Tâm và Ảo Tưởng Thần Tượng: Bi Kịch của Một Xã Hội Độc Đảng

Hình: pixabay

Xã hội Việt Nam ngày nay không cần đến những con người tư duy độc lập. Nó không cần những người đặt câu hỏi, không cần những cá nhân có khả năng tự mình tìm kiếm chân lý. Những gì nó đòi hỏi là sự phục tùng, là những con người biết im lặng khi cần, biết ngợi ca khi được bảo, biết ngoảnh mặt làm ngơ trước những điều đáng ra phải đối diện. Trong một hệ thống nơi quyền lực không có sự kiểm soát, nơi tư tưởng không có sự tự do, thì con người bị biến thành những bánh răng trong một guồng máy vĩ đại – câm lặng, vô cảm, nhưng phải vận hành chính xác theo những gì được lập trình. Và khi sự kiểm soát ấy trở nên tuyệt đối, nó tạo ra hai hậu quả không thể tránh khỏi: kìm hãm nội tâm và ảo tưởng thần tượng.

Bấy giờ, không có gì nguy hiểm hơn một xã hội mà trong đó con người bị tước đoạt khả năng tư duy độc lập, buộc phải tồn tại trong những khuôn khổ do một hệ thống quyền lực dựng lên và bị dẫn dắt bởi những hình mẫu được nhào nặn một cách có chủ đích. Việt Nam, dưới sự vận hành của một thể chế độc đảng, đã và đang tạo ra một guồng quay bi kịch như vậy: sự kìm hãm nội tâm và sự ảo tưởng thần tượng trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, tôn giáo đến văn hóa, giáo dục. Đó là hậu quả tất yếu của một cơ chế kiểm soát tư tưởng tuyệt đối, nơi mà quyền lực không bị thách thức và con người không còn khả năng đặt câu hỏi về những gì họ được dạy phải tin.

Sự kìm hãm nội tâm vốn dĩ không dừng lại ở trạng thái tâm lý cá nhân, mà mở rộng thành một sản phẩm của hệ thống chính trị – xã hội được thiết kế nhằm bóp nghẹt tự do tư tưởng, ngăn cản sự phản biện và kiểm soát toàn diện nhận thức của từng con người. Ngay từ khi còn nhỏ, người dân đã được giáo dục để tiếp nhận mà không thắc mắc, để phục tùng mà không phản kháng, để tin tưởng vào những điều được tuyên truyền mà không có quyền chất vấn. Mọi cánh cửa dẫn đến tư duy phản biện đều bị đóng chặt. Hệ thống giáo dục không hề khuyến khích sáng tạo mà ép buộc sự ghi nhớ thụ động. Báo chí không làm nhiệm vụ phản ánh đa chiều mà vận hành như một cỗ máy tuyên truyền một chiều. Văn hóa đại chúng chẳng phải là không có chỗ cho sự thể hiện cá nhân, mà đã bị bóp méo để chỉ xoay quanh những thông điệp được định hướng. Con người bị tước đoạt khả năng nghi ngờ, mất đi năng lực đặt vấn đề và cuối cùng, đánh mất cơ hội tìm kiếm sự thật cho chính mình.

Chính trong môi trường ấy, ảo tưởng thần tượng trở thành một tâm lý không thể tránh khỏi. Khi bị tước đoạt quyền được suy nghĩ độc lập, con người buộc phải tìm kiếm sự an ủi bằng cách bám víu vào những hình mẫu đã được dựng sẵn. Trong chính trị, họ thần tượng hóa những lãnh đạo được tô vẽ như những bậc thánh nhân không thể sai lầm, những vị cứu tinh duy nhất có thể dẫn dắt dân tộc. Trong tôn giáo, họ tôn sùng những nhân vật được hệ thống hóa thành những biểu tượng tối cao, nơi mà bất kỳ sự chất vấn nào cũng bị coi là phạm thượng. Trong văn hóa, họ sùng bái những ngôi sao giải trí, những nhân vật công chúng được đánh bóng bởi truyền thông như những tấm gương hoàn hảo. Và trong đời sống thường nhật, họ đặt niềm tin tuyệt đối vào những huyền thoại, những câu chuyện lịch sử được tô vẽ mà không một lần thử kiểm chứng. Ở đâu có sự kiểm soát tư tưởng, ở đó có sự thần tượng hóa; ở đâu có sự thần tượng hóa, ở đó có sự lệ thuộc.

Nhưng không có ảo tưởng nào là bất diệt. Khi thực tế va chạm với niềm tin, khi những bất công không thể bị che giấu mãi mãi, sự sụp đổ là điều không thể tránh khỏi. Những con người đã quen với việc tin tưởng tuyệt đối sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng khi nhận ra rằng những gì họ từng tôn sùng có thể không hoàn hảo như họ tưởng. Một số tiếp tục lừa dối bản thân để duy trì niềm tin, một số chìm trong tuyệt vọng khi không còn gì để bám víu, và một số khác tìm kiếm một hình mẫu mới để thay thế, tạo ra một chuỗi lặp lại không hồi kết của sự kìm hãm và thần tượng hóa. Khi một biểu tượng cũ bị sụp đổ, hệ thống sẽ nhanh chóng dựng lên những hình mẫu mới để thế chỗ, giữ cho guồng quay tiếp tục vận hành mà không bao giờ để con người có cơ hội tìm đến sự thật trọn vẹn.

Xã hội Việt Nam ngày nay phản ánh rõ nét sự vận hành của cơ chế này. Một bộ phận lớn dân chúng, đặc biệt là những thế hệ được nuôi dưỡng hoàn toàn dưới sự kiểm soát của hệ thống, đã đánh mất khả năng nhận thức khách quan. Họ không biết cách phân tích mà chỉ biết tin tưởng, không biết cách tranh luận mà chỉ biết quy phục, không biết cách đối diện với sự thật mà chỉ biết lặp lại những gì đã được dạy bảo. Mọi vấn đề xã hội, dù là kinh tế, chính trị, văn hóa, hay tôn giáo đều bị chi phối bởi tâm lý thần tượng hóa và sự ức chế nội tâm. Một chính sách được ban hành không cần phải hợp lý, chỉ cần nó xuất phát từ một cá nhân hay tổ chức có uy quyền, nó sẽ được chấp nhận mà không cần phân tích. Một nhân vật xuất hiện trên truyền thông không cần phải thực sự tài giỏi, chỉ cần được hệ thống nâng đỡ, họ sẽ trở thành thần tượng trong mắt công chúng. Và một ý thức hệ không cần phải đúng, chỉ cần nó được tuyên truyền đủ lâu, nó sẽ trở thành chân lý không thể bị thách thức.

Nhưng không có xiềng xích nào có thể trói buộc tư duy con người mãi mãi. Không có một hệ thống kiểm soát nào có thể che giấu sự thật vĩnh viễn. Khi những bức tường bị vỡ nứt, khi thông tin vượt qua những rào cản vô hình, khi con người không còn chấp nhận sự sắp đặt như một định mệnh, thì cơn địa chấn tư tưởng là điều không thể tránh khỏi. Một dân tộc có thể bị cầm tù trong sự dối trá qua nhiều thế hệ, nhưng ngay khoảnh khắc đầu tiên của sự thức tỉnh, không gì có thể kéo họ trở lại bóng tối.

Những thế hệ bị buộc phải phục tùng có thể mất rất lâu để học cách đặt câu hỏi. Những con người đã quen sống trong sự lệ thuộc có thể chật vật khi đối mặt với sự tự do tư duy. Nhưng lịch sử không dành cho những kẻ mãi cúi đầu. Sự thật không thuộc về những kẻ sợ hãi. Khi những ảo tưởng bị xé toạc, khi những biểu tượng bị lật đổ, những ai còn bám víu vào bóng ma của quyền lực cũ sẽ chỉ còn lại sự trống rỗng. Nhưng những ai dám bước đi, dám nhìn vào khoảng không trước mặt mà không run sợ, chính họ sẽ là những người viết nên trang sử mới.

Sự thay đổi không bao giờ đến từ lòng thương xót của những kẻ đang nắm quyền. Nó không đến từ những sự nhượng bộ giả tạo hay những điều chỉnh mang tính hình thức. Nó chỉ đến khi một dân tộc đủ dũng khí để đòi lại quyền suy nghĩ, quyền chất vấn, quyền được làm chủ vận mệnh của chính mình. Sẽ có những người ngã xuống, sẽ có những con đường đầy chông gai, nhưng cuối đường của sự khai sáng luôn là một điều không thể đảo ngược: sự tự do. Không phải sự tự do ban phát từ những kẻ từng áp bức, mà là sự tự do sinh ra từ chính khát vọng của con người – một lần thức tỉnh, là mãi mãi không thể quay đầu.

Ngày 4 tháng Hai, 2025

Nguyên Việt