Nguyên Việt: “Tôi là ai mà phán xét họ?”

Đức Giáo Hoàng Francis ở Prato, 2015.

Có một hôm giữa đám đông vây quanh Đức Giê-su, người ta mang đến một người phụ nữ ngoại tình, đòi Ngài ném đá theo luật định. Ngài lặng im, cúi xuống viết gì đó trên cát. Rồi bảo: “Ai trong các ngưi vô tội, hãy ném đá trước đi.” Cả đám đông bỗng chững lại, thinh lặng rút lui – để lại con người trần trụi trước từ bi và chân lý.

Hai ngàn năm sau, giữa thế kỷ 21 bão dông, một người mặc áo trắng – Đức Giáo hoàng Phanxicô – nói một lời khiến cả thế giới ngưng lại:
“Tôi là ai mà phán xét họ?”

Không phải một câu hỏi, mà là một hồi chuông thức tỉnh lương tri. Một người đứng trên đỉnh cao quyền lực tinh thần toàn cầu, lại chọn hạ mình xuống làm chứng nhân cho lòng từ. Đó không phải là sự từ bỏ nguyên tắc, mà là trở về với cội nguồn của tình yêu và sự thấu cảm.

Từ hạt bụi Galilê đến thinh không của Himalaya, từ tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà đến tiếng mõ chùa làng, chân lý tôn giáo đích thực chưa từng nằm nơi lời phán xét, mà luôn nảy mầm nơi tâm lượng bao dung. Đức Phật từng nói: “Trong muôn pháp, không pháp nào lớn hơn tâm từ.” Cũng như Kinh Thánh đã viết: “Đức mến không làm hại ai cả; vì vậy đức mến là chu toàn của lề luật.”

Thế giới hôm nay, dù phủ đầy các định chế tôn giáo và học thuyết, lại chưa bao giờ gần kề bờ vực phân hóa và cô lập như hiện nay. Trong một thời đại mà mọi phán đoán đều có thể trở thành vũ khí trên mạng xã hội, trong gia đình, và cả giữa các dân tộc, lời nói “Tôi là ai mà phán xét họ?” trở thành một câu kinh hiện đại – nhẹ nhàng mà thâm sâu, giản dị mà siêu việt. Nó nhắc chúng ta rằng: điều thiêng liêng nhất, không nằm ở giáo điều, mà ở tư cách làm người.

Có những kẻ phán xét nhân danh lẽ phải, nhưng chính trong lúc ấy, họ đã rơi vào u mê của ngã chấp. Có những kẻ nhân danh truyền thống, nhưng lại quên mất gốc rễ truyền thống nào cũng khởi từ lòng nhân. Và có những người nhân danh đạo, nhưng bỏ quên đạo là con đường giải thoát – không phải là nhà tù của định kiến.

Chúng ta không là ai để phán xét. Nhưng chúng ta là ai khi dám từ bỏ phán xét để chọn lẽ thương yêu?
Trong một thế giới đầy tiếng la ó, phải chăng sự thinh lặng trắc ẩn mới là tiếng nói của Thượng Đế. Và trong một thời đại mệt nhoài vì tranh đấu và phân định, có lẽ tâm không phán xét – như chiếc lá mùa thu buông nhẹ giữa trời – mới là biểu hiện cao nhất của đạo hạnh.

Một Đức Giê-su ngồi viết lên cát.
Một Đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề.
Một Đức Giáo hoàng buông lời thinh lặng.

Ba biểu tượng. Ba thời đại. Một chân lý.

Không ai trong chúng ta có quyền ngồi vào chiếc ngai của Đấng Phán Xét. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể đứng cùng hàng ngũ của những người hiểu – cảm – và đồng hành.
Vì sau cùng, chỉ có từ bi mới là ánh sáng cứu rỗi. Và chỉ có người không phán xét mới là người đủ tư cách và khả năng nâng đỡ một kẻ khác đứng dậy.

Yuma, ngày 21 tháng 4 năm 2025

Nguyên Việt