Nguyên Việt: Vĩ Đại Hay Vong Quốc? Một Viễn Cảnh

Hình minh họa: Pixabay

Lịch sử chưa bao giờ khoan dung với những kẻ hoang tưởng về sự trường cửu. Cường quốc nào cũng nghĩ mình là bất diệt, nhưng chính sự tự mãn ấy lại là thứ kéo họ xuống vực thẳm. Hoa Kỳ không ngoại lệ. Sự sụp đổ của một đế chế không đến từ những đạo quân xa lạ đóng trại ngoài biên cương, mà từ những con sâu đã khoét rỗng nền móng ngay chính trong lòng nó. Mọi vĩ đại đều có giới hạn, và giới hạn đáng sợ nhất không phải là kẻ thù bên ngoài, mà là sự mục ruỗng tự thân.

Cường quốc và sự hoang tưởng quyền lực

Hoa Kỳ từng là biểu tượng của nền dân chủ, một quốc gia mà nền tảng được xây dựng trên lý tưởng khai sáng, tự do và công bằng. Nhưng không có lý tưởng nào bất biến khi con người đã đánh mất khả năng bảo vệ nó. Khi những định chế vốn được dựng lên để kiểm soát quyền lực lại trở thành công cụ của kẻ nắm quyền, khi những giá trị từng làm nên vinh quang bị vùi dập bởi chính những kẻ hô hào giữ gìn chúng, thì sự suy vong chỉ còn là vấn đề thời gian.

Người Mỹ có thể vì chán nản các chính khách tiền nhiệm, họ bầu Trump không phải vì tin vào thiên tài chính trị, mà vì thất vọng với hệ thống hiện hữu. Nhưng sự thất vọng không đồng nghĩa với sự chấp nhận những điều xằng bậy. Họ muốn thay đổi, nhưng đổi gì và bằng cách nào lại là câu hỏi không có đáp án đơn giản. Một kẻ lật đổ không đồng nghĩa với một nhà kiến thiết. Một lãnh đạo có thể khuấy động cảm xúc quần chúng, nhưng xây dựng một quốc gia lại đòi hỏi trí tuệ và sự nhẫn nại mà không phải ai cũng có.

Nước Mỹ từng vĩ đại, không phải chỉ vì sức mạnh quân sự hay kinh tế, mà vì hệ thống có thể tự cân bằng khi cần thiết. Nhưng giờ đây, khi những xung đột nội bộ đã bào mòn niềm tin vào chính thể, khi những luận điệu cực đoan đã thay thế cho tranh luận chính trị, thì nền móng ấy còn vững được bao lâu?

Sụp đổ từ nội tại – Bóng ma của mọi đế chế

Mọi cường quốc trong lịch sử đều có một điểm chung: nó không bị đánh bại từ bên ngoài, mà từ chính những ung nhọt bên trong. Đế chế La Mã không sụp đổ vì những bộ lạc man di, mà vì sự thối nát của tầng lớp lãnh đạo, sự bế tắc của kinh tế và lòng dân ly tán. Nhà Đường của Trung Hoa không mất đi vì ngoại bang, mà vì hoạn quan thao túng triều đình, quan lại vơ vét tài nguyên, và nông dân nổi dậy trong đói nghèo.

Hoa Kỳ hôm nay đang đối diện với chính số phận đó. Một quốc gia chia rẽ đến mức những kẻ đối lập không còn xem nhau là công dân cùng một nước mà là kẻ thù. Một hệ thống truyền thông không còn phản ánh sự thật mà chỉ phục vụ lợi ích của các phe nhóm. Một nền kinh tế tưởng như thịnh vượng nhưng bên dưới là sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Một nền chính trị mà mỗi cuộc bầu cử không còn là sự lựa chọn sáng suốt, mà là sự lựa chọn giữa hai thảm họa.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra không phải là ai đang có lợi, và nước Mỹ có thể bị đánh bại bởi Trung Quốc hay Nga hay không, mà là nước Mỹ có thể tự cứu chính mình trước khi quá muộn hay không.

Chúng ta có nên là một cường quốc trong một cường quốc xung đột?

Làm cường quốc không chỉ là nắm giữ quyền lực, mà là biết cách sử dụng quyền lực đó như thế nào. Nếu chỉ đơn thuần là kẻ mạnh về kinh tế, quân sự nhưng không thể giữ vững nền tảng đạo đức và tinh thần, thì đó chỉ là một con vật khổng lồ có đôi chân đất sét.

Có hai cách để trở thành một cường quốc trong một cường quốc xung đột. Một là lợi dụng sự hỗn loạn để trục lợi, để khuếch trương quyền lực theo kiểu cơ hội. Hai là giữ vững giá trị của mình ngay trong cơn bão tố, để không bị cuốn theo những thứ mà chính mình đang phê phán. Nếu chọn cách thứ nhất, chúng ta chẳng khác gì những kẻ mà mình lên án. Nếu chọn cách thứ hai, đó chính là con đường duy nhất để bảo vệ điều làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ.

Lợi ích trong một nước Mỹ xung đột không thuộc về người dân. Nó thuộc về những nhóm lợi ích, những kẻ kiếm tiền từ bất ổn, những thế lực muốn phá hoại nền dân chủ để dựng lên một hệ thống độc tài trá hình. Trong lịch sử, những nền dân chủ không sụp đổ vì kẻ thù bên ngoài, mà vì chính những kẻ bên trong lợi dụng sự mất cảnh giác của quần chúng để thao túng quyền lực.

Nhẫn nại và giữ phẩm giá – Cách duy nhất để bảo vệ nước Mỹ

Sự nhẫn nại không phải là hèn nhát, mà là sự sáng suốt. Giữ phẩm giá không phải là mềm yếu, mà là kiên định với những giá trị đúng đắn. Một quốc gia vĩ đại không phải vì không có xung đột, mà vì biết cách vượt qua xung đột mà không đánh mất chính mình.

Hoa Kỳ sẽ không vĩ đại nếu chúng ta hành xử như những gì mình phê phán. Một nền dân chủ thực sự mạnh mẽ khi nó có thể bảo vệ ngay cả những tiếng nói mà nó không muốn nghe. Khi nó có thể duy trì đối thoại ngay cả với những người mà nó không đồng ý. Và khi nó không trở thành chính cái thứ mà nó đã từng đấu tranh để chống lại.

Bài học của lịch sử chưa bao giờ nhẹ nhàng và dễ chịu. Nhưng nếu không chịu học nó một cách nghiêm túc, thì cái giá phải trả sẽ còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Giá trị nước Mỹ có thể tồn tại thêm một thế kỷ, hoặc có thể lụi tàn chỉ trong một thập niên. Không ai ngoài chính nước Mỹ có thể quyết định điều đó.

Nguyên Việt