Nguyễn Vĩnh Nguyên: Cuộc hồi hương của một Khôi nguyên La Mã – Hào quang Grand Prix de Rome. P.2

Tầm nhìn của một quy hoạch gia miền Nam

Những thư từ, văn bản lưu trữ về quá trình hồi hương và làm việc của Ngô Viết Thụ tại Văn phòng tư vấn và chỉnh trang lãnh thổ vào đầu thập niên 1960, có thể thấy, dự án mà ông dành nhiều tâm sức nhất là chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhưng…

Đại dự án trong ngăn tủ

Dự án chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn mang tính biểu tượng của chính quyền miền Nam lúc bấy giờ: muốn xây dựng hình ảnh một đô thành với tên gọi khác, diện mạo khác, quy mô và bề thế. Tuy vậy, mong muốn và tầm nhìn đó từ phía bản thân ông Ngô Viết Thụ lẫn những yếu nhân trong chính quyền VNCH đã chỉ dừng lại ở… tầm nhìn và mong muốn, không thành tựu trong thực tế vì nhiều lý do.

Ngô Viết Thụ trình bày đồ án chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1960 tại Sài Gòn. Tư liệu

Những nỗ lực để xây dựng một bản thiết kế với chi phí rẻ cho chính phủ, ít can thiệp vào sinh kế của người dân (điều này có lẽ là xuất phát sự thấu cảm về hoàn cảnh chiến tranh) của Ngô Viết Thụ đã gặp phải những trở lực ngay khi về nước. Trong đó phải kể đến sự việc phát sinh sau cuộc triển lãm các đồ án chỉnh trang Sài Gòn – Chợ Lớn tại Tòa Đô chánh, giới đầu cơ đã “nhanh nhạy” giành giật mua những khu đất trống trên bản đồ án để bán lại kiếm lãi, đẩy giá bất động sản tăng vụt. Chính phủ sau đó đã không đủ sức ngân sách phát triển dự án.

Nhìn rộng ra, vào đầu thập niên 1960, đường lối của chính quyền ông Ngô Đình Diệm cũng gặp phải nhiều sự chống đối, xã hội bắt đầu có những bất ổn và khả năng bùng phát chiến tranh rất cao. Các viễn kiến như quy hoạch Thủ Thiêm, quy hoạch chỉnh trang mặt bằng trung tâm nối kết Sài Gòn và Chợ Lớn đã phải tạm gác.

Như vậy, nhìn lại lịch sử chỉnh trang Sài Gòn từ thập niên 1940 – 1960 đã có 3 bản quy hoạch, chỉnh trang bị nhấn chìm vào bóng tối. Lần lượt, từ đồ án Pugnaire năm 1943, đồ án Hoàng Hùng 1958 và đến đồ án Ngô Viết Thụ năm 1960, chưa một đồ án nào được duyệt y và hiện thực hóa.

Bản đồ án Sài Gòn – Chợ Lớn mà Ngô Viết Thụ gửi cho chính quyền miền Nam trước khi trở về nhận việc đã được gấp lại, đẩy sâu vào ngăn tủ của Văn phòng tư vấn và chỉnh trang lãnh thổ trên đường Nguyễn Du.

Từ một phúc trình phụ

Đến năm 1965, trước sự gia tăng dân số, vấn đề chỉnh trang đô thị Sài Gòn một lần nữa được chính quyền miền Nam lật lại với những giải pháp căn cứ trên các đồ án cũ của Pugnaire, Hoàng Hùng và Ngô Viết Thụ đã lập trước đây. Nhưng triển hạn 1965 – 1973 khá gai góc bởi các bất ổn chính trị, khó có thể nói câu chuyện quy hoạch một cách tổng thể, khó tránh những chắp vá bởi thời cuộc.

Đồ án chỉnh trang Sài Gòn-Chợ Lớn của Ngô Viết Thụ năm 1959. (NVN KHẢO CỨU TỪ TTLTQG2, TP.HCM)

Các tài liệu lưu trữ cho thấy vào thập niên 1960, rất nhiều lần ông được chính quyền miền Nam cử đi ngoại quốc để tìm kiếm một mô hình phát triển cho Sài Gòn. Trong vai trò mới, Ngô Viết Thụ trở lại châu Âu nghiên cứu các tòa nhà quốc hội ở Anh, Pháp và Ý để “thấu đáo cách xếp đặt các cơ quan lập pháp của những nước này” để áp dụng vào việc xây dựng công trình hợp nhất lưỡng viện tại Sài Gòn.

Tranh thủ chuyến công cán dài ngày tại Pháp, KTS Ngô Viết Thụ có những ghi nhận đáng chú ý về sự tái thiết, phát triển các đô thị ở những quốc gia phương Tây sau Thế chiến 2 để có một bản “phúc trình phụ” thể hiện viễn kiến về đường hướng phát triển đô thị lúc đó.

Ông nhận định: “Trước biến chuyển của Pháp quốc vào hồi tháng 5.1968, nước Pháp đã tiến triển khá nhiều về xây cất để đáp ứng nhu cầu hậu chiến và có thể nói về kinh tế nước Pháp đã có một thời được hoàn cầu khen ngợi là nhờ chính sách mượn việc xây cất để đầu tư dài hạn” (Theo Phúc trình gửi Tổng trưởng Phủ Thủ tướng, ngày 16.1.1969 của KTS Ngô Viết Thụ sau chuyến công cán tại Pháp từ 5.8 đến 17.11.1968).

Ông chỉ ra rằng, tuy nước Pháp gặp khó khăn tiền tệ do cuộc nổi dậy của sinh viên, người lao động vào tháng 5.1968 khiến nhiều ngành kỹ nghệ bị đình trệ nhưng “thị trường xây cất vẫn chạy, do đó nạn thất nghiệp không trầm trọng như đáng lẽ phải có”, “việc tái thiết các thành phố bị hư hại cũng như việc chỉnh trang các nơi này cho phù hợp với nhu cầu mới không hẳn là xa hoa mà chính là để rải công việc cho khắp nơi có công ăn việc làm hầu giải quyết tình trạng xã hội trước khi bước vào giai đoạn hậu kỹ – nghệ (post-industrielle)”.

Ngô Viết Thụ dẫn ra tác phẩm của Jean-Jacques Servan-Schreiber có tên Le défit Américain mà ông từng nghiền ngẫm trong thời còn học ở Paris để nêu bật ý kiến: “Nếu thế kỷ 19 đã thay đổi sức người bằng cơ-khí, sau đó bằng điện-lực rồi đến nguyên-tử năng, thì nền văn minh mới sẽ thay đổi trí óc bằng điện-tử”.

Trong bản phúc trình phụ ngày 16.1.1969, ông quan sát và đưa ra một tầm nhìn xa mà đến khi văn bản này được “khai quật” từ dữ liệu số hóa của kho lưu trữ, thì cho thấy rõ ràng về tính tiên tri: “Điều hiển nhiên cho thấy ở châu Âu ngày nay phần lớn các xí-nghiệp đã dần dần thay đổi lối làm việc cũ với quá nhiều nhân công và nhân-viên, bằng máy điện-tử, thế nên phần đông các đại-học cũ phải thay đổi phương-pháp giáo-khoa đặng hướng dẫn cán-bộ tương-lai suy-nghĩ và giải quyết nhiều vấn đề bằng sự tăng gia việc sử dụng máy điện-tử, cả đến phải lập các khoa cấp-tốc chỉ dẫn lối toán-pháp kim-thời (mathématiques modernes) và nguyên-lý toàn diện (théorie d’ensemble)”.

Từ đó, ông đề nghị chính phủ miền Nam đầu tư công cuộc phát triển phải bắt đầu với tư duy “chiết-tính nhu-cầu tương lai và chiết-trù việc trùng-tu thái-thiết” phải bắt đầu bằng “sử dụng các loại máy điện-tử, hoặc giao phó chương trình cho các nhà IBM, PULL… thành lập các mémoire (tạm hiểu là dữ liệu – NVN) bằng máy điện-tử để tránh việc chậm trễ khi phải làm lại nhiều lần một việc đã làm”.

Ông đề nghị chính phủ miền Nam cử cán bộ “đi học ngay phương-pháp làm việc với việc sử-dụng tối đa các máy điện-tử cho việc thống-kê cũng như trù-liệu chương trình mới”. 

Đi tìm hình mẫu phát triểnTừ khoảng năm 1960 đến 1975, hầu hết các dự án chỉnh trang và quy hoạch đô thị tại miền Nam đều có dấu ấn của ba tên tuổi: Lê Văn Lắm, Huỳnh Kim Mãng và Ngô Viết Thụ. Cả ba đều được đào tạo bài bản về quy hoạch từ phương Tây.

Ngô Viết Thụ được giới thiệu với tư cách họa sĩ trong cuốn Nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Tư liệu

Sự phối hợp giữa họ dưới tư cách là hợp tác của Tổng nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị do ông Lê Văn Lắm quản lý và Văn phòng Tư vấn và Chỉnh trang lãnh thổ do Ngô Viết Thụ phụ trách.

Đứng bằng chuyên môn và khí chất riêng

Ông Thụ là con người của chuyên môn, và thuần túy chuyên môn, cốt lấy hiểu biết và nhiệt huyết của mình phụng sự quê hương làm lẽ sống. Khi mới chỉ 34 tuổi, ông từng được đề nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kiến thiết, thay thế KTS Hoàng Hùng (từ nhiệm vào khoảng năm 1960), nhưng ông đã từ chối để giữ khoảng cách với chức vụ chính trị. Ngoài giờ làm công chức, ông trở về nhà với người vợ và đàn con. Ông có thể chơi dương cầm hoặc thổi sáo trúc để khuây khỏa…

Ông cũng lặng lẽ theo đuổi niềm đam mê hội họa. Ông vẽ nhiều bức tranh sơn dầu, trong đó có bức Ngõ trúc khá nổi tiếng, từng được đưa vào cuốn Nghệ thuật Việt Nam hiện đại do Nguyễn Văn Phương chủ biên.

Ngô Viết Thụ cũng là người yêu thơ và khí chất trượng phu của cụ Nguyễn Công Trứ. Ông coi trọng cốt cách kẻ sĩ ngang tàng và độc lập, yêu thích khai phá trong việc chuyên môn…

Khí chất của một người đứng độc lập bằng giá trị chuyên môn cũng giải thích cho việc sau cuộc đảo chính tháng 11.1963, KTS Ngô Viết Thụ vẫn tại vị, được chính quyền quân đội, Đệ nhị Cộng hòa sau đó trọng dụng. Văn phòng Tư vấn Kiến trúc, Mỹ thuật và Chỉnh trang lãnh thổ (tên mới vào thời Đệ nhị Cộng hòa) do ông phụ trách đã tham vấn và trực tiếp thực hiện những dự án quy hoạch lớn tại miền Trung và miền Nam trong những năm chiến tranh.

Nhiều dự án quy hoạch để lại dấu ấn ở Sài Gòn và các vùng phụ cận cũng như ở miền Trung (Huế, Quảng Nam, Quảng Tín), Nam Trung phần (Pleiku, Hậu Bổn, Quảng Đức, Đà Lạt – Tuyên Đức, Ban Mê Thuột)… Các công trình kiến trúc do ông thiết kế tạo được ấn tượng phong cách độc đáo và đảm bảo công năng cho đến ngày nay như: Viện Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt (Đà Lạt), Dinh Độc Lập, Trường đại học Y khoa (Sài Gòn), nhà thờ Phủ Cam, khách sạn Hương Giang 1, Viện Đại học Huế (Thừa Thiên-Huế)…

Hán Thành, một hình mẫu chỉnh trang

Trong các chuyến công cán, tham quan những thành phố lớn trên thế giới, KTS Ngô Viết Thụ lặng lẽ ghi chép và suy tư về tương lai quy hoạch, chỉnh trang các thành phố Việt Nam, trong đó có Sài Gòn.

Cuối cùng, ông cũng tìm thấy một hình mẫu thú vị. Trong tờ trình ngày 12.12.1974 sau khi đi Hán Thành (Seoul), ông đưa ra góc nhìn của mình về “những kinh nghiệm mà những nước không bị chiến tranh hoặc vừa dứt chiến tranh đã thành công trong việc chỉnh trang (quy hoạch)”.

Các văn bản phúc trình của Ngô Viết Thụ sau những chuyến đi châu Âu và Hàn Quốc. NVN

Ông cho rằng, sau khi chấm dứt chiến tranh được hai thập niên, thì Hàn Quốc, với sự trợ giúp của các nước, đã hết sức chăm lo về việc chấn hưng kinh tế sản xuất và lập lại toàn bộ hạ tầng cơ sở cũng như phương tiện giao thông, vận chuyển, điện nước, cống rãnh, sân bay, hải cảng, trong một khuôn khổ quy mô.

“Nếu nói theo ngôn ngữ của Servan Schreiber (nhà báo, chính trị gia Pháp – NVN), chia các quốc gia ra làm bốn loại: hậu tiến, tiêu thụ, kỹ nghệ và hậu kỹ nghệ, thì Đại Hàn tiến rất mau từ giai đoạn tiêu thụ (société de comsommation) sang giai đoạn kỹ nghệ (société industrielle). Đại Hàn dám vay bất cứ nguồn tài trợ nào để thực hiện đường sá, sân bay, hải cảng…, chùa chiền, cung điện cổ xưa. Tu sửa đền đài hoa viên, xây cất những đại khách sạn đúng tiêu chuẩn quốc tế, dễ dãi mọi thủ tục để thu hút du khách”, ông viết trong bản phúc trình đánh số 91/VP/TVKT.

Vào thập niên 1970, KTS Ngô Viết Thụ tỏ ra hào hứng và thiện cảm với mô hình phát triển, quản trị phát triển của Hàn Quốc. Ông cũng ấn tượng khi được đại sứ VNCH tại Hàn Quốc dẫn đi tham quan một đại học mới của Seoul, cách trung tâm 20 cây số. Ông kể rằng, “những tiêu chuẩn đã được dùng để xây dựng viện đại học này chúng tôi nhận thấy rất hữu ích cho công việc lấy kinh nghiệm thành lập các đại học mới tại Việt Nam”, trong đó, về kiến trúc, “tỷ lệ của con người trước bố cục (échelle humaine) đã được tôn trọng, cách bố trí các khối kiến trúc phù hợp với đồi núi, và cách chia khu ảnh hưởng của các bộ môn rất hợp lý. Trong toàn bộ quy mô và thuần nhất, sự phát triển từng khu và bộ môn vẫn khả thi, và giá trị thành phần cá nhân được đề cao trong một tinh thần kỷ luật tập thể”. 

Phối cảnh ĐH Y Khoa Sài Gòn năm 1961 do Ngô Viết Thụ thực hiện. Tư liệu

Một cách nhắc nhở giới lãnh đạo miền Nam lúc bấy giờ, Ngô Viết Thụ khéo léo khi ngay trong bản phúc trình đã cho rằng, Hán Thành có những thành tựu tái thiết bởi “một tinh thần “kiệm” mà giữ được quốc thể, “cần” mà có sự phối hợp chặt chẽ, kỷ luật”.

Và bài học bảo tồn để phát triển đô thị không chỉ thể hiện ở các công trình kiến trúc quý giá, mà việc giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, coi trọng giá trị tri thức cũng được chú trọng trong thời kỳ tái thiết của nước bạn. Ngô Viết Thụ nhận thấy: “Đại Hàn trước đây vì quá lạnh, dân thường đốn củi để sưởi làm hư hết rừng cây, ngày nay không ai dám chặt cây, mà còn có ngày cả nước từ dưới lên trên đều đi trồng cây. Đến một thị trấn nào cũng có hai điều làm cho du khách phải nể: thứ nhất là sạch sẽ, thứ hai là công trình kiến trúc lớn nhất của thị trấn chính là trường học”.

Từ những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi, ông mạnh dạn đưa ra một hình mẫu phát triển, cũng là một nhắn nhủ với việc quản trị quốc gia thời đó: “Dù sao để thu thập kinh nghiệm cho việc chỉnh trang và xây cất tại xứ mình, chúng tôi thấy Đại Hàn có nhiều điều kiện rất giống Việt Nam mình… Có lẽ những kinh nghiệm này còn quý giá hơn những kinh nghiệm mà nhiều nước giàu mạnh hơn không thể cho chúng ta vì sự cách biệt quá xa”. 

Những dấu ấn và hoài vọng

Ngô Viết Thụ ít khi nói về mình, nhưng chính những công trình, dự án ông làm đã tạo nên dấu ấn tư tưởng, tài năng của ông. Đặc biệt, trong 5 năm đầu hồi hương, ông đã tạo ra rất nhiều dấu ấn, cả những hoài bão đẹp cho miền Nam trong gió bụi thời cuộc.

Dấu ấn kiến trúc

Đầu thập niên 1960, khi vừa trở về từ Paris (Pháp) và bắt tay vào những dự án tầm vóc ở miền Nam, Ngô Viết Thụ đã gây chú ý bởi tầm vóc quốc tế. Sau châu Âu, là Mỹ đã ghi nhận giá trị của ông. Hai dự án Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt và Trường đại học Y khoa Sài Gòn mà ông tham gia chỉnh sửa thiết kế và làm thay đổi hình thái (ban đầu do KTS Mỹ thiết kế), vừa khoác lên vẻ thanh nhã, khúc chiết của kiến trúc hiện đại vừa gửi gắm triết lý phương Đông sâu sắc đã khiến các viện sĩ của Viện Kiến trúc Mỹ AIA ngạc nhiên. Sau hai dự án này, Ngô Viết Thụ được bầu làm viện sĩ danh dự của Honorary Fellow of the American Institute of Architects (Viện Kiến trúc Mỹ) vào năm 36 tuổi.

Cầu thang nối khu Hòa Bình và chợ Mới Đà Lạt, một giải pháp kiến trúc được Ngô Viết Thụ thêm vào đồ án thiết kế của KTS Nguyễn Duy Đức. Tư liệu

Hai tuần sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, tại văn phòng kiến trúc số 104 Nguyễn Du, Ngô Viết Thụ ngồi vào bàn liệt kê lại “công tác kiến trúc” và “công tác chỉnh trang lãnh thổ” thời gian từ 1959 – 1963.

5 năm đó là một thời gian khá ngắn ngủi, nhưng là giai đoạn bước ngoặt mà chàng KTS trẻ thể hiện được những cống hiến lớn lao. Bảng liệt kê dài 7 trang đề ngày 16.11.1963 gửi cho chính quyền quân đội lúc bấy giờ có lẽ được viết trong không khí, bối cảnh vô cùng xáo trộn. Từng việc một của “thực trạng công tác”, các hạng mục “đang thực hiện”, “chưa thực hiện”, “đã hoàn thành”… và những cơ quan liên hệ phối hợp được biên mục chi tiết.

Trong số này, có thể thấy về kiến trúc, có những công trình đã hoàn thành, hay gần hoàn thành, như: thiết lập mô hình nhà chợ, nghiên cứu vị trí và điều chỉnh đồ án toàn khu chợ Mới Đà Lạt; nghiên cứu và thiết lập đồ án xây cất khách sạn Du lịch Huế; nghiên cứu và thiết lập đồ án mô hình toàn khu trung tâm, thiết lập họa đồ lò nguyên tử và văn phòng, cư xá nhân viên Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt; giúp ý kiến và điều chỉnh đồ án xây cất Trường Võ bị Đà Lạt; thiết lập đồ án xây dựng Trường trung học Lệ Thanh – Pleiku; Điều chỉnh đồ án KTS Huỳnh Ấn thiết lập xây dựng Học viện Quốc gia hành chánh; Điều chỉnh đồ án do Tổng nha Kiến thiết thiết lập sửa chữa trụ sở Bộ Ngoại giao; Nghiên cứu và cộng tác với Tổng nha Kiến thiết để xây cất các cơ quan khu Vị Thanh – Hỏa Lựu…

Ngoài ra, nhiều công trình đang thực hiện dang dở và sẽ được tiếp nối trong thời kỳ chuyển giao sang chính quyền Đệ nhị Cộng hòa ở những mức độ khác nhau tại các tỉnh thành: nghiên cứu vị trí và thiết lập sơ đồ toàn diện các khu đại học tại Huế: Đại học Sư phạm, khu cư xá giáo sư Bến Ngự và dự trù thiết lập đồ án khu cư xá giáo sư An Định; nghiên cứu vị trí và thiết lập đồ án xây cất Trường trung học Phước Long, Trường trung học Võ Đắt, Trường trung học Vĩnh Long hay xây cất các cơ quan trong vùng khu Ba Thê, núi Sóc, núi Trọc, Hắc Phong…

Một dự án lớn tại Sài Gòn đó là phối hợp với Tổng nha Kiến thiết lập đồ án dinh Độc Lập, phối hợp Nha Công binh xây dựng và phối hợp với điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế trong việc trang trí cũng đang thực hiện dang dở.

Nhiều công trình kiến trúc nói trên được tiếp tục sau năm 1963.

Chỉnh trang trong thời chiến

Song song với các bản thiết kế, đồ án kiến trúc, thì dấu ấn quan trọng mà Ngô Viết Thụ lẽ ra tạo được trong 5 năm đầu hồi hương đó chính là chỉnh trang, quy hoạch (mà ông gọi là “chỉnh trang lãnh thổ”), nhưng đa số chưa thực hiện được trong bối cảnh trị an miền Nam bất ổn.

Bản liệt kê những đầu mục công việc chỉnh trang vào giữa tháng 11.1963 cho thấy rất ít dự án chỉnh trang “đã hoàn thiện”, gồm: sửa chữa khu thương mại và dân cư ở chợ Mới, Nguyên tử lực Đà Lạt; góp ý kiến với Bộ Quốc gia giáo dục thiết lập đồ án Làng Đại học Thủ Đức. Trong khi đó, những hạng mục đang thực hiện dở dang chiếm đa số. Một vài dự án sau đó vẫn được tiếp tục, một số thì phải xếp lại trong ngăn tủ, có thể kể đến: mở mang hải cảng Đà Nẵng, khu kỹ nghệ An Hòa -Nông Sơn, khu cư xá và chợ ở thị xã Quảng Tín…

Quy hoạch là một cuộc theo đuổi dài hơi, mà bối cảnh bất ổn chính trị bấy giờ sẽ khiến cho mọi viễn kiến dù tốt đẹp vẫn phải xếp vào ngăn tủ chờ của lịch sử. Các bản đồ án chỉnh trang thị xã Gia Nghĩa, Phú Bổn, thảo cầm viên hồ YaBang, thị xã Pleiku, vịnh Cam Ranh, đầm Ô Loan, chỉnh trang vùng xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, vùng Cầu Kinh và nhiều dự án quy hoạch chỉnh trang vùng Võ Đắt, Phước Long, Biên Hòa… phải tính từng bước ngắn trong một tầm nhìn gần, vì chiến tranh và bất ổn.

Quy hoạch hài hòa, ‘tránh đụng chạm’

Tư duy hài hòa lợi ích các tầng lớp cư dân, tôn trọng di sản trong quy hoạch được thể hiện rõ trong “bút pháp” quy hoạch của Ngô Viết Thụ. Điều này minh chứng qua những dự án ở hai vùng đất thân thuộc nhất của ông: Huế và Đà Lạt. Một khu thương mại quanh chợ Đà Lạt được thiết lập mới mẻ, hiện đại nhưng không can thiệp vào khối kiến trúc của công trình chợ cũ (rạp Hòa Bình). Tư duy hài hòa còn thể hiện qua một giải pháp cây cầu nối từ khu đồi chợ Cũ sang chợ Mới như một sự nối kết liền lạc hai thời kỳ trong lịch sử văn hóa phát triển khu trung tâm Đà Lạt.

Khi làm họa đồ hướng dẫn toàn khu Đại học Huế (Đồng An Cựu), Ngô Viết Thụ đã đưa ra ý kiến bỏ dự án ở đồi Nam Giao vì nhận thấy khá xa trung tâm và đây lại là khu “nhiều mồ mả”. Các dự án chỉnh trang Cồn Hến, vùng An Cựu, ông đề nghị “lấy đồ án làm họa đồ hướng dẫn cho phép xây cất về sau để tránh những đụng chạm với tình trạng hiện hữu”. 

Bản đồ án của một cuộc đời cống hiến

Đứng đầu Văn phòng tư vấn kiến trúc và quy hoạch cho Phủ Tổng thống chính quyền VNCH, cũng như tham gia nhiều công trình lớn sau ngày đất nước thống nhất nhưng trong gia đình riêng, ông Ngô Viết Thụ lại không phải là người làm ra tài sản chính.

Cũng như những năm tháng theo học kiến trúc tại Paris, ông Thụ luôn có sự hậu thuẫn tuyệt vời của hiền thê, bà Võ Thị Cơ.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt và KTS Ngô Viết Thụ trao đổi về quy hoạch hội chợ quốc tế Thủ Đức thập niên 1980. Tư liệu gia đình

Phía sau một công chức ngành kiến trúc

Có thể kể ra rất nhiều công trình có đóng góp của Ngô Viết Thụ để chứng minh cho sự nghiệp lẫy lừng của một kiến trúc sư (KTS) tài ba bậc nhất miền Nam trong khoảng năm 1960 – 1975 và cả giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất. Nhưng ít ai biết, kinh tế và việc tổ chức gia đình ông Thụ là nhờ một tay bà Võ Thị Cơ chăm lo.

Người vợ gốc Đà Lạt của ông vừa tề gia nội trợ, chăm sóc 8 đứa con thật tươm tất vừa một tay quán xuyến kinh tế gia đình. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong những năm chiến tranh, bà Cơ tảo tần buôn bán lo cho chồng con chu đáo. Bà phát huy sở trường kinh doanh được truyền từ người cha, quán xuyến mọi việc để ông Thụ tập trung lo việc lớn. Khoảng thập niên 1960 – đầu 1970, bà mua nhà cho thuê lại, mua vải, lụa gửi ở các kho, chờ khi lên giá thì bán kiếm lời; bà không cần mặt bằng, cửa tiệm gì, nhưng có thể mang lại nguồn lãi lớn. Nhờ vậy mà vợ chồng ông Thụ mua được căn villa 22 Đoàn Thị Điểm (Sài Gòn, nay là 22 Trương Định) để gia đình có 8 người con có thể sinh trưởng trong một nếp nhà yên ấm.

KTS Ngô Viết Thụ bên các con (ảnh chụp năm 1979). Tư liệu gia đình

Việc dạy dỗ con cái của gia đình ông cũng đặt trên nền tảng đạo lý phương Đông, dù các con ông theo học các trường có triết lý giáo dục phương Tây ở Sài Gòn. Một người cha trọng khí tiết và chung thủy, một người mẹ thuận thảo, đảm đang và biết vun vén đã giúp các con ông bà trưởng thành vững vàng trong một thời cuộc rất nhiều xáo trộn.

Đi qua thác ghềnh lịch sử

Ông Thụ từng có tên trong danh sách học tập sau năm 1975 nhưng chính công trình tác phẩm của ông đã cứu ông. Một ngày của năm 1976, một vị cán bộ cấp cao của chính quyền cách mạng từ miền Bắc vào Sài Gòn đã tỏ ra ngỡ ngàng khi đứng trước Dinh Độc Lập. Ông thắc mắc về tác giả của công trình này và được biết cha đẻ công trình đang ở trong trại cải tạo và đã học tập 1 năm. Vị cán bộ đã tìm cách can thiệp để được gặp và “mở đường” cho Ngô Viết Thụ trở về với công việc chuyên môn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp tái thiết đất nước thời hậu chiến.

Một lần nữa, bước qua những định kiến, rào chắn mà chính trị thời cuộc tạo ra, KTS Khôi nguyên La Mã năm xưa lại bước vào một thời kỳ cống hiến mới trong một đất nước thống nhất. Ta lại thấy ông đứng bên cạnh chiến lược gia thời kỳ Đổi mới Võ Văn Kiệt bàn tính những dự án chỉnh trang quan trọng.

Thời kỳ hòa bình, ông thiết kế các công trình như Ty Thủy lợi Đắk Lắk (1976), Bệnh viện tỉnh Sông Bé (1985), khách sạn Century Huế (1990)… và cộng tác trong các dự án quy hoạch tổng thể mặt bằng Hà Nội đến năm 2000, quy hoạch TP.Hải Phòng…

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn: “KTS Ngô Viết Thụ có nhiều đóng góp quan trọng cùng chia sẻ với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, về việc quy hoạch phát triển tại VN, đặc biệt là cho vùng đô thị Hà Nội, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đô thị TP.HCM, bao gồm quy hoạch các khu đô thị vệ tinh như Khu đô thị Đại học Thủ Đức và Khu hội chợ quốc tế Thủ Đức. Ông ủng hộ định hướng mở rộng phát triển TP.HCM về các phía, nhưng đặc biệt lưu ý chúng ta cần phải gia tăng nhiều hơn hạ tầng không gian xanh và kênh rạch khi phát triển về phía vùng đất thấp như nam Sài Gòn và tiến ra biển”.

Hiền thê của ông (bà Võ Thị Cơ) qua đời năm 1977. Ông một mình gà trống nuôi con cho đến khi qua đời năm 2000.

Những năm cuối đời, ông Thụ vẫn đi lại giữa Sài Gòn với nhiều địa phương để tiếp tục tư vấn chỉnh trang, hiến kế quy hoạch phát triển và thực hiện các bản vẽ kiến trúc. Đem tài năng để phụng sự cộng đồng, đó là sự nghiệp bền vững nhất mà Ngô Viết Thụ tâm niệm theo đuổi sau khi quyết định chọn lựa trở về quê hương.

Một trong những ý mà ông nêu bật trong một bài trả lời phỏng vấn hồi cuối thập niên 1990, đại ý là người biết sống và thành tâm phụng sự nhân dân thì thời nào cũng đáng trọng.

Đó cũng là bản đồ án phổ quát của cuộc đời một KTS, nhà quy hoạch tài năng. 

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Báo Thanh Niên

*Nguyễn Vĩnh Nguyên: Cuộc hồi hương của một Khôi nguyên La Mã – Hào quang Grand Prix de Rome. P.1.