Nguyễn Xuân Diện: Làng cổ Đông Ngạc – Làng có nhiều tư liệu cổ lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhất cả nước
Hôm nay Hội làng Đông Ngạc.
1. Lịch sử và văn hóa làng cổ Đông Ngạc
Đông Ngạc là một ngôi làng cổ nằm sát chân cầu Thăng Long Hà Nội. Một làng quê cổ kính, đặc sắc bậc nhất của Hà Nội đến nay còn khá nguyên vẹn, mặc dù vùng ven đô đã bước vào quá trình đô thị hóa một cách quyết liệt nhất, mặc dù cây cầu Thăng Long lớn nhất Đông Nam Á vạch một nét ngang ngay cạnh làng, gần như vuông góc với con đê bê tông chắn ngang qua trước cửa ngôi đình cổ…
Đình làng Đông Ngạc có quy mô to lớn, nhiều hạng mục với các thành phần kiến trúc cổ kính và chuẩn mực đã tồn tại từ 500 năm nay. Đình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, sát với đê sông Hồng. Tương truyền đình vốn xưa là một toà miếu cổ có từ thời Đường vào thế kỷ thứ VII. Năm 1635, dân làng đã cải tạo và mở rộng thành đình để thờ Thành hoàng làng. Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho cả Thiên – Địa – Nhân. Thiên thần là Thần Độc Cước (1), do Phan Phu Tiên (2) – một người làng rước về từ Sầm Sơn, Thanh Hoá; Nhân thần là Lê Khôi (3), cháu vua Lê Thái Tổ, cũng là một tướng lĩnh, được người làng là Đô đốc Đồng Xuyên hầu(4) rước về từ Nghệ An; Địa thần là Bản thổ Thành hoàng. Ngoài ra Đình còn thờ Tiến sĩ Phạm Quang Dũng (5) là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và ông Phạm Thọ Lý (6), người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quí, có giá trị như bia đá và bộ tranh sơn mài thời Lê, các nhang án gỗ được chạm khắc tinh xảo, trau chuốt.
Hàng năm, vào ngày 09 tháng 2 âm lịch là ngày hội làng. Xưa làng Đông Ngạc vào đám, có hát ca trù mấy ngày liền, với nhiều nghi lễ trang trọng và nghiêm trang. Lê Đức Mao (1462–1529) một người hay chữ trong làng đã thay mặt các giáp, soạn ra 9 bài thơ dài để đọc lên lúc khen thưởng cho các đào nương. Và 9 bài thơ đó là tư liệu chữ viết đầu tiên về ca trù trong kho tàng di sản Hán Nôm, và cũng là cứ liệu sớm nhất về thơ lục bát và song thất lục bát trong lịch sử văn học Việt Nam (7).
Làng có chùa Tư Khánh, một ngôi chùa có từ rất sớm. Theo danh sĩ Phạm Đình Hổ (chùa còn có quả chuông đúc năm Diên Hựu thứ 2 (1315) (Diên Hựu là niên hiệu nhà Nguyên – Trung Quốc). Trong chùa hiện còn có tấm bia có niên đại Thịnh Đức ghi rõ công đức của vợ chồng ông Nguyễn Phúc Ninh, cúng gia tư điền sản để tu bổ, dựng lại chùa, và được dân làng tôn làm Hậu phật. Cùng với quần thể kiến trúc của chùa bao gồm tam quan, gác chuông, phương đình, tiền đường, hậu cung và nhà Tổ; những pho tượng được tạo tác công phu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII–XIX càng tôn thêm giá trị của ngôi chùa.
Nhà thờ Đỗ Thế Giai (9), một quan chức cao cấp thời Lê Trịnh là nơi còn giữ được khá nhiều những di vật có giá trị. Đây cũng là ngôi nhà được chọn làm bối cảnh quay nhiều phim truyện, phim truyền hình. Bên cạnh nhà thờ họ Đỗ, còn hàng loạt các nhà thờ họ khác nữa, như các họ Phạm, Phan, Nguyễn, Hoàng. Làng có 6 xóm, hiện tồn tại trên 100 ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm, nhiều ngôi nhà gỗ được đục chạm công phu thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân xưa.
Làng Đông Ngạc nằm bên sông Nhị, nơi có bến Ngác và chợ Vẽ nổi tiếng khắp kinh kỳ. Khi xưa, bến Ngác khi ấy là một nơi trên bến dưới thuyền và chợ Vẽ là một “trung tâm thương mại”. Đông Ngạc là tên chữ của làng Vẽ, vốn là một làng nổi tiếng về một số nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem (“giò Chèm, nem Vẽ”), làm quang gánh, nặn nồi đất…
Giàu mạnh về kinh tế, lại có vị trí gần sát với kinh thành Thăng Long nên người dân trong làng rất thuận tiện khi ra kinh ăn học hoặc rước thầy giỏi từ kinh đô về dạy trong làng. Và làng Đông Ngạc đã góp cho đất nước 25 vị Tiến sĩ và cả ngàn Hương cống, Cử nhân, Sinh đồ, Tú tài… Làng Đông Ngạc vì thế đã nổi tiếng với các danh nhân như thời trước có Phan Phu Tiên, Đỗ Thế Giai, Lê Đức Mao, Phạm Gia Chuyên (10), Hoàng Nguyễn Thự (11)… thời cận đại với Phan Văn Trường (12), Hoàng Tăng Bí (13)… và ngày nay là Hoàng Minh Giám (cố Bộ trưởng Bộ Văn Hóa), GS.TS Phạm Gia Khánh (Giám đốc Học viện Quân Y), GS.TS Phạm Gia Khải (Viện trưởng Viện Tim Mạch), TS. Phạm Gia Khiêm (đương kim Phó Thủ tướng Chính phủ) và nhiều nhà khoa học, chính khách danh tiếng…
2. Di sản Hán Nôm làng Đông Ngạc
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu trữ 531 cuốn sách cổ viết về Hà Nội và 1.074 bản dập văn bia được sưu tập từ các di tích trên địa bàn Hà Nội (14). Đây là một khối lượng tư liệu lớn, phong phú về số lượng, giàu có về thông tin, là hiện thân một nghìn năm văn hiến của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, là tài liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu, nghiên cứu mọi mặt của Hà Nội cổ qua 1.000 năm xây dựng và phát triển.
Làng cổ Đông Ngạc là một làng cổ tiêu biểu của làng ven đô Hà Nội. Đông Ngạc cũng là một làng có nhiều văn bản Hán Nôm đang được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (48 tên sách).
2.1. Gia phả, thế phả, tộc phả.
Đây là mảng sách có số lượng lớn nhất của Đông Ngạc – một làng cổ có rất nhiều dòng họ lớn và nổi tiếng: Nguyễn – Phạm (Phạm Quang, Phạm Gia), Phan, Đỗ, Trần, Lê… Gia phả của các dòng họ này cho nhiều thông tin về các nhân vật lịch sử, có thể bổ sung vào chính sử, hoặc cho những thông tin về các vấn đề văn hóa, văn học rất có giá trị.
Về gia phả họ Nguyễn, có các bản sau:
Đông Ngạc Nguyễn tộc phả hệ (A.672), Đông Ngạc Nguyễn tộc thế phả (A.652), Đông Ngạc Nguyễn thị gia phả (A.1818), Đông Ngạc xã Nguyễn Bá Đa chúc thư (A.1771), Nguyễn tộc gia phả (A.1860), Nguyễn tộc gia phả (A.1959), Nguyễn tộc thế phả (A.1765), Nguyễn tộc thế phả thực lục (A.1434), Nguyễn thị thế phả (A.653), Nguyễn thị thế phả thực lục (A.2258), Nguyễn thị thế phả thực lục (A.795). Tổng cộng có 11 bản sách.
Về gia phả họ Phạm, có các bản sau:
Đông Ngạc Phạm tộc gia tiên di cảo (A.1704/1- 2), Đông Ngạc xã Phạm Gia An chúc thư (A.1739), Đông Ngạc xã Phạm Gia An phân thư (A.1685), Đông Ngạc xã Phạm tộc giao thư (A.1772), Đông Ngạc xã Phạm tộc hội nghị cấp từ (A.1778), Phạm tộc phả ký (A.1227; A.1259; A.657; A.656; A.2020), Phạm thị gia phả (A.1833), Phạm thị thế hệ (A.2020), Phạm thị thế phả (A.1197), Đông Ngạc xã Phạm Quang Nguyên bằng cấp (A.1779), Phạm gia bảo trữ trân tàng (A.2276), Phạm tộc giao từ (A.1282). Tổng cộng có 17 bản sách.
Về họ Phan, có các bản sau:
Phan gia thực lục (A.1221), Phan gia thực lục phụ Gia tiên phần mộ ký (A.1221), Phan tộc gia phả (A.1373), Phan tộc phả ký (A.1770; A.1222), Phan tộc thế phả (A.1766), Trùng đính Phan thị gia phả (A.1786), Phan Bình Chương tướng quốc niên phả (A.1012). Tổng cộng có 8 bản.
Các dòng họ Đỗ, Trần, Lê, mỗi dòng họ có 1 bản, cụ thể như sau:
Đỗ tướng công niên phả (A.960), Trần tộc gia phả (A.795), Lê tộc gia phả (A.1855)
2.2. Điền bạ (giấy tờ ruộng đất)
Đông Ngạc Đông Nhất giáp điền bạ (A.1431)
Đông Ngạc Đông Nhị giáp điền bạ (A.1705)
Đông Ngạc Ngạc Nhị giáp tục lệ giao từ điền bạ (A.1569)
Đông Ngạc xã Phan Trọng Uyển khai điền đơn từ (A.1738)
2.3. Tục lệ
Đông Ngạc xã hương ước điều lệ (A.2506)
Đông Ngạc xã tục lệ (A.732)
Hoa Ngạc xã cổ chỉ (A.1734)
Hoa Ngạc xã cổ thuế chỉ (A.1639)
Long Đằng phường lệ (A.718)
Đông Ngạc Văn Hội giáp tế lễ nghi tiết (A.2525)
Đông Ngạc xã các giáp lệ bạ (A.2578/1- 2)
2.4. Xã chí, địa chí
Đông Ngạc xã chí (A.2356)
2.5. Một số sách tạp lục khác
Đông Ngạc xã phụng sự ca xướng quốc âm văn (AB.442)
Đông Ngạc xã Thổ Oa phường lưu chiếu từ (A.2008)
Đông Ngạc xã tế văn thể thức (A.1977).
3. Đề xuất hướng khai thác di sản Hán Nôm Đông Ngạc
Cho đến nay, giới nghiên cứu và biên khảo cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến Đông Ngạc. Có lẽ sớm nhất phải kể đến Dĩ Thuỷ Phạm Văn Thuyết với Đông Ngạc tập biên. Ông là người làng Đông Ngạc, sinh sống tại Sài Gòn, vì nhớ quê mà viết cuốn sách khảo cứu về quê hương. Sách chưa xuất bản. Năm 2000, Trương Kim Chi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ đề tài về lễ hội của làng Đông Ngạc.
Những năm gần đây, cũng đã có nhiều bài nghiên cứu về về Đông Ngạc của các tác giả: Trần Kim Anh, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tá Nhí. Trong các chuyên khảo của các tác giả chuyên nghiên cứu về làng xã như Vũ Duy Mền, Bùi Xuân Đính cũng có đề cập đến Đông Ngạc.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, việc khai thác toàn diện các tài liệu Hán Nôm vẫn chưa từng được tiến hành, còn việc kiểm kê thì bài viết này là lần đầu tiên. Trước vốn liếng di sản Hán Nôm của Đông Ngạc hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng như di sản Hán Nôm thuộc nhiều loại hình văn bản đang được lưu giữ tại các đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, các tư gia trong làng chúng tôi đề xuất lập một chương trình nghiên cứu toàn diện về làng Đông Ngạc trong tương lai. Trước hết, tiến hành như sau:
– Kiểm kê và lên danh mục di sản Hán Nôm hiện đang lưu giữ trong làng và trong các thư viện tại Hà Nội.
– Biên dịch, giới thiệu những công trình, tác phẩm có tính chất tiêu biểu.
– Lập một chương trình nghiên cứu liên ngành về Đông Ngạc: dân tộc học, Hán Nôm học, Sử học, Văn hóa, Văn hóa dân gian, Xã hội học …
– Bảo tồn và khôi phục những di sản vật thể (nhà thờ họ, cổng làng, quán, miếu) phi vật thể (tục Thưởng đào thị yến, lễ hội, nghề cổ truyền)
– Giới thiệu Đông Ngạc trong chương trình du lịch của Hà Nội
Chú thích:
(1) Thần Độc Cước: Thiên thần, thần có một mắt, một tay, một chân.
(2) Phan Phu Tiên (? – ?): Nhà sử học đời Trần. Đỗ Thái học sinh năm 1396, Minh kinh năm 1429. Làm quan đến Tri Quốc sử viện, rồi An phủ sứ Thiên Trường, và sau giữ chức Quốc tử giám bác sĩ. Tác phẩm: Việt âm thi tập, Đại Việt sử ký tục biên (10 quyển, soạn năm 1445).
(3) Lê Khôi: một danh tướng của Lê Lợi. Không rõ năm sinh năm mất. Lê Khôi là con của Lê Trừ (anh thứ hai của Lê Lợi). Ông có công giúp Lê Lợi dẹp giặc cứu nước. Sau khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, ông vào trấn giữ Hóa Châu (Thuận Hóa) triệu tập lưu dân, tội đồ, khuyến khích canh nông, huấn luyện binh sĩ. Sau ông lại ra trấn giữ Cao Bằng. Đến đầu đời Nhân Tông, ông giữ chức Tri phủ Nghệ An. Năm 1446 ông vâng mệnh vua, cùng với Lê Thận, Lê Xí (Nguyễn Xí) cầm quân đánh Chiêm Thành. Trên đường trở về, ông lâm bệnh, mất ở dưới núi Long Ngâm (có sách chép là núi Nam Giới, thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Truy tặng Nhập nội Đại hành khiển, Thái úy, Tán Quốc công. Dân chúng lập đền thờ ông ở dưới núi Long Ngâm, gọi là Đền Chiêu Trưng. Câu thơ “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo/ Vũ Mục hung trung liệt giáp binh”; Vũ Mục chính là để chỉ Lê Khôi. Nay đền vẫn còn, thuộc huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Đền Chiêu Trưng có bức chạm cảnh hòa nhạc Ca trù, có niên đại thế kỷ XVIII.
(4) Hiện chưa rõ tiểu sử.
(5) Phạm Quang Dũng. Hiện chưa rõ tiểu sử.
(6) Phạm Thọ Lý. Hiện chưa rõ tiểu sử.
(7) Xem bài của Nguyễn Xuân Diện: Những phát hiện mới về Lê Đức Mao và bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn. In trong Thông báo Hán Nôm học năm 2008.
(Phạm Đình Hổ (1768–1839): Danh sĩ đời Minh Mạng, tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Tiều. Là con của quan Tham tri Phạm Đình Dư, quê xã Đan Loan, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ. Năm 1821 vua Minh Mạng vời ông ra làm Hành tẩu Viện Hàn lâm nhưng ít lâu sau thì từ chức; năm 1826 triệu về kinh cho làm Thừa chỉ Viện Hàn lâm, Tế tửu Quốc Tử giám, nhưng năm sau ông lại xin nghỉ dưỡng bệnh và từ chức. Sau, ông lại nhận chức vụ cũ, được thăng Thị giảng học sĩ, đến năm 1832 thì về hưu. Tác phẩm: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, An Nam chí, Càn khôn nhất lãm, Ai Lao sứ trình, Hy kinh trắc lãi, Nhật dụng thường đàm, Vũ trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục (soạn chung với Nguyễn Án), Châu Phong tạp thảo, Châu Phong thi tập …
(9) Đỗ Thế Giai: Danh thần thời Lê Trung hưng. Hiện chưa rõ tiểu sử.
(10) Phạm Gia Chuyên: Danh thần triều Nguyễn. Hiện chưa rõ tiểu sử. Ông là nhà toán học, hiệu đính cuốn sách Đại thành toán học chỉ minh (A.1555). Ông còn viết tựa cho sách Quốc sử lược biên (A.1535).
(11) Hoàng Nguyễn Thự: Tự Đông Hy, hiệu Nghệ Điền. Sinh năm 1749, mất năm 1801, người xã Đông Bình, huyện Gia Bình, (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), sau dời đến làng Đông Ngạc. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống thứ 1 (1887); từng giữ chức Tri huyện, Tả Thị lang Bộ Hình, Hiệp trấn Lạng Sơn.
(12) Phan Văn Trường (1875–1933): Nhà yêu nước, luật sư. Đỗ Tiến sĩ Luật ở Pháp, làm luật sư ở Paris rồi trở về nước, sinh sống tại Sài Gòn. Ông là bạn cùng chí hướng với Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, rất được đồng bào quý mến. Ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên tìm hiểu chủ nghĩa Mác. Phan Văn Trường từng giữ chức chủ bút của tờ báo L’Annam.
(13) Hoàng Tăng Bí (1883–1939): Nhà chí sĩ thời cận đại. Tự Nguyên Phu, hiệu Tiểu Mai. Đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất (1910), nhiệt thành yêu nước, có đóng góp nhiều tâm huyết trong cuộc vận động Duy tân, nâng cao dân trí, dân sinh. Năm 1908 bị Pháp bắt giam và an trí tại Huế. Tại đây, ông được nhạc phụ là Cao Xuân Dục bảo lãnh, năm 1910 thi Hội, đỗ Phó bảng. Ông từng viết báo Trung Bắc tân văn. Hoàng Tăng Bí là soạn giả của các vở tuồng: Đệ bát tài tử Hoa Tiên ký, Nghĩa nặng tình sâu, Thù chồng nợ nước.
(14) Xem bài của Trần Thị Thu Hường trên Tạp chí Hán Nôm số 4 (45) – 2000, tr.45.
Tài liệu tham khảo chính:
1. Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu. Ba tập, Nxb. KHXH, H. 1993.
2. Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu. Bổ Di, Tập Thượng và Hạ, Nxb. KHXH, H. 2002.
3. Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919. Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. Văn học, H. 1993.
4. 50 năm Sưu tầm Nghiên cứu Phổ biến Văn hóa – Văn nghệ dân gian. Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 1997.
5. Một thế kỷ sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam. Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H. 2001.
6. Địa chí Văn hóa dân gian Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Nhiều tác giả, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H. 1991.
7.Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam. Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, In lần thứ năm, Nxb. Văn hóa, H. 1999.
8. Trịnh Khắc Mạnh: Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam. Tái bản, Nxb. KHXH, H. 2007./.
Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.140-148.
Chùm ảnh của Lí Học chụp ngày 25.3.2018: Chủ tế Phạm Quang Đại và đoàn rước nước từ sông Hồng về đình và chùa làng.
Các ảnh còn lại của: Nguyễn Thành, Trai Làng Cổ.