Nguyễn Xuân Diện: Một số dấu hiệu vi phạm, không minh bạch trong việc tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 đối với ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang)

Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) trong lễ nhận bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Phật giáo Việt Nam.

“Chúng tôi đã nghiên cứu một số văn bản pháp luật, thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc này, nhận thấy Đại học Luật Hà Nội có nhiều dấu hiệu vi phạm không minh bạch trong quá trình tuyển sinh, đào tạo và cấp cho ông Vương Tấn Việt văn bằng 2 trình độ đại học hình thức vừa học vừa làm và bằng Tiến sĩ Luật .

Chúng tôi xin trình bày về một số dấu hiệu vi phạm, không minh bạch này đề Quý Thanh tra Bộ tham khảo, xem xét, thẩm tra:

I. Những vi phạm, không minh bạch trong việc tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học hình thức vừa học vừa làm đối với ông Vương Tấn Việt.

1. Có dấu hiệu không minh bạch trong việc công bố thông tin về tuyển sinh

Theo Thông cáo báo chí ngày 25/6/2024 (“TCBC”) của Đại học Luật Hà Nội, ngày 16/1/2017 ông Vương Tấn Việt được công nhận là học viên trúng tuyển văn bằng 2 khóa 1 trình độ đại học hình thức vừa học vừa làm mở tại Cao đẳng Bách Việt và ngày 15/1/2019 ông được cấp bằng cử nhân luật văn bằng 2 – vừa học vừa làm, xếp loại giỏi; như vậy ông được đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm không quá 24 tháng.

Theo Điều 4 Quyết định số 22/2001/QĐ -BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Quy định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, Hiệu trường trường phải thông báo kế hoạch tuyển sinh và phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên website của Đại học Luật Hà Nội chúng tôi thấy đã có thông báo về việc Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh văn bằng 2 hình thức vừa học vừa làm vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 tại một số cơ sở đào tạo trên cả nước, tuy nhiên không thấy thông báo tuyển sinh hình thức vừa học vừa làm tại trường Cao đẳng Bách Việt.

Do đó chúng tôi đề nghị Quý Thanh tra Bộ xem xét, thẩm tra:

(i) Đại học Luật Hà Nội  đã có thông báo tuyển sinh văn bằng 2 khóa 1 hình thức vừa học vừa làm tại trường Cao đẳng Bách Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng và/hoặc trên website của Đại học Luật Hà Nội  hay chưa?

(ii) Nếu có thông báo này, nội dung thông báo có phù hợp với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo bằng đại học văn bằng 2 cho Đại học Luật Hà Nội hay không?

(iii) Việc tuyển sinh ông Vương Tấn Việt và 22 phật tử của chùa Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) có được thực hiện theo đúng các quy định hay không?

2. Việc đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học hình thức vừa học vừa làm đối với ông Vương Tấn Việt  không quá 24 tháng có dấu hiệu vi phạm Quyết định số 36/2007/QĐ-BGDĐT ngày 28/6/2007 và trái với thông lệ của chính Đại học Luật Hà Nội.

Theo quy định khoản 1 điều 4 Quyết định số 36/2007/QĐ-BGDĐT, thời gian hoàn thành một chương trình theo hình thức vừa học vừa làm phải dài hơn so với chương trình đó ở cùng trình độ hệ chính quy từ nửa năm đến một năm. Nếu ông Vương Tấn Việt chỉ được đào tạo chưa quá 24 tháng; có nghĩa văn bằng 2 Đại học Luật Hà Nội  hình thức chính quy không quá 18 tháng ( = 24-6). Trong khi đó theo thông lệ của Đại học Luật Hà Nội như Thông báo tuyển sinh số 822/TB-Đại học Luật Hà Nội ngày 7/3/2017 và Thông báo số 763/TB-Đại học Luật Hà Nội ngày 3/3/2017, thời gian đào tạo văn bằng 2 hệ chính quy và văn bằng 2 hình thức vừa học vừa làm đều có thời gian đào tạo là 2,5 năm (khoảng 30 tháng), tuy nhiên khóa của ông Vương Tấn Việt  chỉ có 24 tháng, có dấu hiệu vi phạm quy định nêu trên và chính thông lệ của Đại học Luật Hà Nội.

3. Có dấu hiệu ông Vương Tấn Việt không tham gia cuộc hội thảo ngày 28/11/2017 do Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Trường Luật – Đại học Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức với đề tài: “Vấn đề pháp luật đặt ra với lao động di cư – Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc”, nhưng vẫn được ghi có tham luận tại hội thảo này.

Tại thời điểm này, ông Vương Tấn Việt đang là học viên hình thức vừa học vừa làm của Đại học Luật Hà Nội mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt, TP HCM; vừa trụ trì chùa Phật Quang tại Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi đó cuộc hội thảo lại đang diễn ra tại Hà Nội. Trong bức ảnh chụp những người tham gia hội thảo thì không có mặt ông Vương Tấn Việt. Tuy nhiên, có thông tin ông Vương Tấn Việt được ghi là nhân sự của Đại học Luật Hà Nội tham gia hội thảo này và viết bài “Một số vấn đề về thủ tục hành chính đối với lao động di cư”. Vì vậy chúng tôi đề nghị xác minh cuộc hội thảo này, để làm rõ ông Vương Tấn Việt có thực sự tham gia cuộc hội thảo hay không? Ví dụ cần thẩm tra:

(i) Ai đã mời ông Vương Tấn Việt  tham gia hội thảo và thông tin đến ông Vương Tấn Việt  bằng cách nào?

(ii) Ông Vương Tấn Việt  viết bài cho hội thảo được gửi đến cho ai và bằng cách nào? (iii) Trong cuộc hội thảo có mặt ông Vương Tấn Việt hay không?

(iv) Trong cuộc hội thảo, những người tham gia có được cung cấp bài viết của ông Vương Tấn Việt hay không? (Mục này chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau)

*****

II. 7 lần “bẻ ghi” của trường Đại học Luật Hà Nội trong vụ đầu vào học nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt.

Việc tuyển nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019, có dấu hiệu Đại học Luật Hà Nội  liên tục “bẻ ghi” nhằm mục đích tạo điều kiện để ông Vương Tấn Việt được công nhận nghiên cứu sinh đợt này, trong đó có những vi phạm của chính quy định 261/QĐ-ĐHLHN ngày 24/1/2019 của Đại học Luật Hà Nội  (“QĐ 261”).

1. “Bẻ ghi” lần thứ nhất

Ngày 7/6/2019, Đại học Luật Hà Nội có thông báo tuyển nghiên cứu sinh trong đó người dự xét tuyển phải có bằng cử nhân luật hệ chính quy. Ngày 30/9/2019, lấy lí do không phù hợp với QĐ 261 về việc ban hành Quy định chi tiết về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, Đại học Luật Hà Nội ra Thông báo số 3679/TB-ĐHLHN đính chính thông tin về điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh. Theo đó đính chính thông tin về điều kiện người dự tuyển nghiên cứu sinh là chỉ cần có bằng cử nhân luật loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp, không cần phải là hệ chính quy, tức ông Vương Tấn Việt tốt nghiệp văn bằng 2 hình thức vừa học vừa làm loại giỏi có thể đạt yêu cầu này.

2. “Bẻ ghi” lần thứ hai

Sau đó ngày 8/11/2019, Đại học Luật Hà Nội  ra Thông báo gia hạn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh kỳ cho đến ngày 20/12/2019. Trong khi theo thông báo ngày 7/6/2019, thời hạn thu nhận hồ sơ dự tuyển là đến ngày 11/10/2019, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện dự xét tuyển là từ ngày 21/10/2019 đến ngày 25/10/2019, tổ chức xét tuyển từ 5/11/2019 đến ngày 6/11/2019. Như vậy thời điểm ngày 8/11/2019 lẽ ra Đại học Luật Hà Nội đã phải chấm dứt việc thu nhận hồ sơ dự tuyển, đã công bố thí sinh đủ điều kiện dự tuyển và đã tổ chức xét tuyển, tức không thể gia hạn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển (nếu gia hạn thì phải thông báo gia hạn từ trước ngày 11/10/2019 là thời hạn cuối cùng thu nhận hồ sơ). Lần “bẻ ghi” này rất nghiêm trọng vì Đại học Luật Hà Nội đã tự phá luật của chính mình một cách tùy tiện, vô nguyên tắc, với mục đích để ông Vương Tấn Việt  đủ thời gian lo hợp thức hóa hồ sơ của ông.

3. “Bẻ ghi” lần thứ ba

Ngày 18/11/2019, Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản Kỷ yếu hội thảo “Vấn đề pháp luật đặt ra với lao động di cư – Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc” nộp lưu chiểu quý IV năm 2019, người trình bày và chế biên là Phòng Quản lý khoa học và trị sự tạp chí của trường Đại học Luật Hà Nội.Trong kỷ yếu này có ghi tên ông Vương Tấn Việt  được coi là tác giả của một báo cáo khoa học của hội thảo quốc tế có phản biện. Việc này nhằm cho ông Vương Tấn Việt có đủ tiêu chí có một báo cáo khoa học in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện năm 2017 theo như thông cáo báo chí. Tuy nhiên tại sao sau 2 năm, Đại học Luật Hà Nội mới cho in kỷ yếu hội thảo là một nghi vấn lớn, đề nghị Quý Bộ xem xét thẩm tra; ngoài ra cần làm rõ báo cáo khoa học của ông Vương Tấn Việt có thực sự do ông Vương Tấn Việt thực hiện hay không vào năm 2017 như chúng tôi đã nêu ở trên, ai là người phản biện cho báo cáo khoa học này và việc phản biện có diễn ra vào ngày 28/11/2017 (ngày diễn ra hội thảo) hay không?

4. “Bẻ ghi” lần thứ tư

Ngày 26/11/2019, Đại học Luật Hà Nội có quyết định số 4567/QĐ-ĐHLHN phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển nghiên cứu sinh và ngày 27/11/2019, website của Đại học Luật Hà Nội  công bố danh sách những người trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) trong đó có ông Vương Tấn Việt .

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 7.2 của QĐ 261, hồ sơ đăng ký phải theo các trình tự sau:

(i) Chuyển cho Ban thanh tra tuyển sinh kiểm tra và xác nhận;

(ii) Sau đó Hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét, phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển;

(iii) Công bố công khai danh sách này trên Cổng thông tin điện tử của trường;

(iv) Chuyển cho Tiểu ban chuyên môn để xem xét tuyển nghiên cứu sinh; tiếp đó theo Điều 13 và Điều 14 QĐ 261 theo các trình tự;

(v) Từng thành viên Tiểu ban chuyên môn đánh giá hồ sơ dự tuyển của thí sinh;

(vi) Toàn thể Tiểu ban chuyên môn họp đánh giá hồ sơ của thí sinh; thí sinh trình bày dự định nghiên cứu và trả lời câu hỏi của các thành viên Tiểu ban;

(vii) Tiểu ban chuyên môn có văn bản nhận xét, đánh giá, phân loại thí sinh, từng thành viên Tiểu ban cho điểm đánh giá;

(viii) Thư ký của Tiểu ban tổng hợp kết quả đánh giá của các thành viên đối với từng thí sinh, lập danh sách thí sinh và chuyển kết quả đến Ban thư ký Hội đồng tuyển sinh; (ix) Ban thư ký Hội đồng tuyển sinh kiểm tra lại hồ sơ tuyển sinh, chuyển kết quả đánh giá cho Hội đồng tuyển sinh cho ý kiến phê duyệt và xác định danh sách trúng tuyển;

(x) Hội đồng tuyển sinh họp, phê duyệt kết quả đánh giá, xác định danh sách thí sinh trúng tuyển;

(xi) Khoa đào tạo sau đại học trình Hiệu trưởng ký quyết định phê duyệt danh sách trúng tuyển trên cơ sở danh sách do Hội đồng tuyển sinh thông qua;

(xii) Hiệu trưởng ký quyết định phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển nghiên cứu sinh.

Như vậy từ khi kết thúc nhận hồ sơ dự tuyển của các thí sinh, có ít nhất 12 bước, trình tự như trên. Nhưng có vẻ Đại học Luật Hà Nội đã không tuân thủ những bước và trình tự này do chính mình quy định trong QĐ 261, chúng tôi xin làm rõ khi phân tích những lần “bẻ ghi” tiếp theo sau đây.

5. “Bẻ ghi” lần thứ năm

Nếu theo đúng thông báo gia hạn nhận hồ sơ nghiên cứu sinh ngày 8/11/2019 của Đại học Luật Hà Nội, ngày cuối cùng thí sinh nộp hồ sơ là ngày 20/12/2019 thì Đại học Luật Hà Nội  chỉ được phép tiến hành các bước, trình tự như đã nêu trên sau ngày 20/12/2019; tuy nhiên ngày 26/11/2019, Đại học Luật Hà Nội  đã thực hiện trình tự (xii) là bước cuối cùng trong các trình tự này (Hiệu trưởng quyết định phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển nghiên cứu sinh).

6. “Bẻ ghi” lần thứ sáu

Thực tế Đại học Luật Hà Nội  đã không thực hiện bước (iii) Công bố công khai danh sách các thí sinh đủ điều kiện dự tuyển trên Cổng thông tin điện tử của trường

7. “Bẻ ghi” lần thứ bảy

Do không thực hiện bước (iii) nêu trên, theo quy định chưa được thực hiện các bước, trình tự tiếp theo. Chúng tôi cũng tin rằng, nếu giả thiết ngày 18/11/2019 thí sinh Vương Tấn Việt  đủ điều kiện về một báo cáo khoa học đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện (vì nhà xuất bản Công an đã xuất bản kỷ yếu này vào ngày 18/11/2019), thì từ ngày 19/11/2019 đến ngày 26/11/2019 (ngày Hiệu trưởng ra quyết định công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển nghiên cứu sinh), không thể có cách nào Đại học Luật Hà Nội thực hiện được tất cả 12 trình tự trên, kể cả khoảng một nửa số trình tự đó cũng không thể thực hiện được nếu như mỗi ngày làm việc trong tuần, các nhân sự, đơn vị của Đại học Luật Hà Nội đều thực hiện được một bước trong 12 trình tự đó.

Nguyễn Xuân Diện