Nguyễn Xuân Thọ: Tàn phá hệ sinh thái mạng

 Hình minh họa: Pixabay

Internet đã trở thành môi trường sống mới của con người. Nó ảnh hưởng đến cuộc sống đến mức có những người vài ngày không gặp cha mẹ không sao, nhưng nếu trong ngày không lên mạng thì không chịu nổi. Internet giúp con người tìm kiếm thông tin, đọc sách báo, mua bán, học tập, giải trí, gặp gỡ nhau. Có người nhờ Internet mà tự lắp đặt toàn bộ thiết bị trong nhà. Có những đảng chính trị sử dụng mạng để mua phiếu trong bầu cử. Trong đời có chiến tranh thì mạng cũng vậy. Đời có vi trùng, bệnh dịch, mạng cũng có. Mạng cũng có lúc bị sập y như trái đát bị thiên tai, động đất, núi lửa v.v và v.v. 

Mạng đã thành một thế giới. Nó không còn là ảo nữa, mà đang rất hiện thực. Nó thay đổi lối sống của con người. Nếu như ngày xưa, cả ngày hoặc vài ngày ta mới mở thùng thư ra xem có ai gửi gì không, thì nay cứ 5-10 phút, hễ nghe choác một cái là lại phải mở thùng thư. Trước kia cả ngày sau mới viết trả lời, giờ thường là trả lời hoặc chửi lại ngay. Ngày xưa bạn bè yêu quý nhau đâu có phải mỗi tuần khen nhau quần áo đẹp, con cái xinh vài lần. Giờ đây thấy nó khoe trên mạng mà không khen sợ nó chê là mình đểu.

Tôi có nhiều ứng dụng chat trên smartphone, từ Mesenger, Whatsapp, Viber, Zalo, Signal. Tất cả đều dùng cho công việc và sinh hoạt. Nhưng tôi sợ nhất là các nhóm chat trên Zalo và Mesenger. Cứ vài phút một lần máy lại reo tút tít. Liếc vào thì có 90% là các đối thoại vô bổ. Tôi phải chủ động tắt tất cả các nhóm chat đó để khỏi ảnh hưởng đến thần kinh của mình và các đối tác khi đàm thoại. Tôi sợ nhất là một ông anh hay gửi cho tôi những bức ảnh: “Hôm nay là chủ nhật”, “Chúc ngày thứ hai đầu tuần vui vẻ”… Anh không biết là đang gửi rác cho cho tôi, kèm theo đó là các loại virus tiềm ẩn. Tôi phải nhắn anh: “Anh em mình trước kia không có những bức ảnh lòe loẹt nọ mà vẫn quý nhau cơ mà”.

Con người đang tàn phá kiệt quệ trái đất, điều đó chắc không ai nghi ngờ. Rồi cái thế giới mạng mà con người mới lập ra chưa đầy 40 năm cũng đang đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm nặng với những hậu quả khôn lường. 

Nếu như người này coi Net là không gian tự do thông tin thì người khác lại biến nó thành nơi truyền bá các tư tưởng của mình. Khi tư tưởng phát xít, độc tài, kỳ thị được tung lên mạng một cách có định hướng và chủ động thì rất nhiều người dùng sẽ bị nhiễm độc. 

Con trai tôi, một chuyên gia về an toàn mạng (Cybersecurity) của đại học kỹ thuật Cologne hay tâm sự với tôi về đề tài “Hệ sinh thái mạng” (Cyberecology). Do vậy tôi có thể viết một bài dài về chuyện này. Nhưng có lẽ đó là điều xa xỉ, càng khiến nhiều người khó chịu.

Ít ra thì ai cũng phải hiểu rằng mỗi khi xả vòi nước vô ích, mỗi khi đốt lửa, dùng điện một các lãng phí, mỗi khi xả rác ra đường là người ta đang phá hoại môi trường. Ở thế giới mạng cũng vậy. Mỗi một hình ảnh, mỗi một câu nói gửi lên mạng đều tốn tài nguyên, năng lượng, từ đường truyền đến ổ cứng lưu giữ. Mỗi ổ cứng được làm ra đều tiêu tốn tài nguyên, đều khiến cho những người nghèo ở Châu Phi, vốn cả đời không được hưởng cái cảm giác mạnh của nâng cốc, chạm ly, lại chịu thêm những hậu quả của hạn hán, bão cát, ngập lụt.

Vậy thì khi ca ngợi, tự sướng hay chửi rủa cái gì đó cho hả, cũng nên biết tiết kiệm. Ví dụ khi đến kỳ quan nào đó khiến bạn vô cùng hứng khởi thì hãy cố chụp hoặc chọn một bức ảnh đẹp để chia sẻ với bạn bè, thay vì thả lên mạng vài chuc, vài trăm tấm. Điều đó không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mạng, mà còn giúp con người ta rèn luyên kỹ năng thẩm mỹ.

Đối với các cuộc vui gia đình, bè bạn cũng vậy thôi. Chúng ta ngày nay giữ được tình bạn với nhau đôi khi chỉ nhờ những tấm ảnh đen trắng hiếm hoi, chụp nghiêm túc thuở nào.

Trong thời buổi nhiễu nhương này làm gì tốt cho đời cũng khó. Vậy thì hãy cố bớt xả rác chừng nào hay chừng nấy, ở dưới đời cũng như trên mạng.

Nguyễn Xuân Thọ