Nhã Duy: Lãnh đạo bề tôi

Giáo hội Hoàn vũ và những tín hữu Ky-tô giáo vừa hân hoan chào đón tân Giáo Hoàng Leo VIX vừa được bầu chọn làm người đứng đầu hội Thánh Công giáo La Mã. Dù các bản tin lẫn không ít người dân Mỹ đã tỏ ra hãnh diện khi ngài là vị Giáo Hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử giáo hội, tuy nhiên quốc tịch nào ắt cũng không bằng phẩm hạnh, tài đức cùng đường hướng lãnh đạo một giáo hội với khoảng 1.4 tỉ giáo dân của vị tân Giáo Hoàng sẽ như thế nào.
Giáo Hoàng Leo là một mục tử truyền giáo, phụng vụ và hướng dẫn tâm linh cho giáo dân tại Peru, một quốc gia nghèo thuộc Châu Mỹ La Tinh. Khi nói bằng tiếng Tây Ban Nha rằng Peru là “mi segunda patria” – “quê hương thứ hai của tôi” trong lần xuất hiện đầu tiên trên ban-công tòa thánh Vatican, có lẽ Giáo Hoàng Leo đã dành rất nhiều tình cảm của ngài cho quê hương thứ hai của mình, nơi mà ngài đã tiếp xúc, tận tụy phục vụ những giáo dân nghèo được bền đỗ trong đức tin với lòng bác ái từ thời còn rất trẻ.
Phẩm hạnh lẫn tài đức của ngài đã là những yếu tố để được Giáo Hoàng Francis tấn phong một linh mục thuộc dòng truyền giáo Augustino của những tu sĩ chú trọng vào đời sống cộng đồng, sự nghèo khó và sự trong sạch bản thân, lên hàng giám mục, rồi được đưa về Vatican nắm giữ các các cấp vụ lãnh đạo hội thánh tại Vatican. Ngài trở thành Trưởng quản Thánh Bộ Giám Mục Hoàn vũ, rồi được tấn phong Hồng Y chỉ đôi năm qua như những bước chuẩn bị âm thầm vào vai trò lãnh đạo Vatican.
Vì lẽ đó mà trong Mật nghị Hồng Y hồi tuần qua, các Hồng Y đã không mất quá nhiều những cuộc bỏ phiếu để đồng thuận và tín nhiệm ngài trở thành tân Giáo Hoàng, người mà họ tin rằng sẽ tiếp bước Giáo Hoàng Francis trong việc cải đổi một Giáo hội Hoàn vũ gần gũi, bác ái và cảm thông hơn với tha nhân, với người bất hạnh hay bị gạt ra ngoài xã hội. Với hơn một trăm phiếu bầu trong số 133 Hồng Y đủ điều kiện tham gia vào cuộc bầu chọn, Giáo hội Hoàn vũ đã có được một vị lãnh đạo tài đức xứng đáng, tiếp bước cuộc cải cách giáo hội Công giáo La Mã mà đức Giáo Hoàng Francis đã khởi xướng.
Ngay trong cuối tuần đầu tiên này, phát biểu trước các Hồng Y, tân Giáo Hoàng Leo đã mở đầu phát biểu của mình về vai trò của các đức Giáo Hoàng “là một người hầu khiêm nhường của Chúa và của anh chị em mình, không điều gì khác hơn” và xác nhận rằng ngài sẽ tiếp tục đi theo con đường của Giáo hoàng Francis. Ngài chiêu niệm cựu Giáo Hoàng Francis như “một tấm gương tận tụy phục vụ và một đời sống bình dị, phó thác cho Chúa trong suốt thời gian thi hành Thánh vụ cùng lòng tin tưởng thanh thản khi trở về nhà Cha”.
Quả thật như vậy. Một trong những đức tính cao quý của Giáo Hoàng Francis mà giới truyền thông từng nhấn mạnh và thường lặp lại rất nhiều lần kể từ sau khi ngài trở Giáo Hoàng trong hơn một thập niên vừa qua là sự khiêm hạ, bình dị cùng lòng bác ái vô biên với tha nhân, bất kể họ là ai. Từ việc ngài vẫn đi thăm những khu nhà ổ chuột tại thành phố mẹ đẻ Buenos Aires trên quê hương Argentina của ngài, những quan tâm sâu sắc đến những người tị nạn cho đến một trong những di nguyện cuối cùng của ngài là hiến tặng chiếc xe công vụ của mình, biến nó thành một trạm xá y tế lưu động để phục vụ cho trẻ em nghèo Palestine đang gánh chịu nỗi bất hạnh bởi cuộc chiến tranh tàn khốc và triền miên trên dải Gaza.
Giáo Hoàng Francis để lại một di sản quý giá và có thể nhận thấy một phần của di sản đó là một phong cách “lãnh đạo bề tôi”.
Lãnh đạo bề tôi là triết lý và phong cách lãnh đạo trong sự khiêm cung, bằng lòng bác ái và lối sống thanh bạch của chính mình, biết chia sẻ những quyền hành để đem đến những lợi ích và thăng tiến tốt nhất cho người khác. Triết lý và phong cách lãnh đạo này có thể áp dụng trong mọi lãnh vực chính trị, xã hội và kinh thương, không chỉ riêng trong tôn giáo.
Bởi từ khá lâu, vai trò và hoạt động của giới lãnh đạo trong hầu hết các lãnh vực nói chung bị xem là ở “ngôi cao” và đầy cách biệt. Trong một hội nghị tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF), các chuyên gia và giới học giả nhìn nhận rằng sự hoài nghi về giới lãnh đạo đang có xu hướng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong giới trẻ, khi nhìn về giới lãnh đạo như những người đang phục vụ cho mục tiêu, tham vọng và quyền lợi cá nhân hơn là đang lãnh đạo bằng một ý hướng tốt đẹp, biết quan tâm và cảm thông với những người khác.
Phần đông một giới lãnh đạo có thể ra đời từ một “kỹ nghệ lãnh đạo”, được huấn luyện và bị xem như những kịch sĩ tài ba trong kịch nghệ, thiếu mất sự chân thật trong bản tính cùng sự hành xử thích hợp ở vai trò và vị trí lãnh đạo. Hoặc trong vai trò lãnh đạo quốc gia, họ là sự hiện hữu trong những thể chế độc tài hay sự trỗi dậy của những phong trào chính trị cực đoan hay chủ nghĩa dân túy mơ hồ. Điều này càng rõ ràng hơn trong những nền chính trị phân cực hiện nay, khi mà những kẻ trở thành người đứng đầu quốc gia có thể là những kẻ tham lam, độc tài và vô đạo đức, thiếu vắng cả những chuẩn mực xã hội thông thường. Họ không lãnh đạo mà đang cai trị quốc gia bằng sự độc tài, chia rẽ và bài xích.
Việc Giáo Hoàng Leo XIV trở thành vị chủ chăn đứng đầu hội Thánh với một khuôn mẫu lãnh đạo bề tôi, như Giáo Hoàng Francis đã từng, mang lại niềm hy vọng rằng nước Mỹ rồi sẽ lại xuất hiện những cấp lãnh đạo bề tôi tài đức, có lòng bác ái và cảm thông, tận tụy phục vụ cho người dân và vì lợi ích quốc gia.
Nhã Duy