Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi: Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 có nhiều tín hiệu mới.
Lý Đợi sinh năm 1978 tại làng Khúc Lũy, tỉnh Quảng Nam. Hiện sống tại Sài Gòn. Anh đã xuất bản: Khoảng 10 tập thơ riêng và chung (thơ anh được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Romania, Séc…); 4 cuốn sách về chủ đề Sài Gòn; biên soạn/xuất bản hơn 15 cuốn sách về mỹ thuật, họa sĩ Việt Nam. Đã viết hàng ngàn bài về mỹ thuật, đặc biệt thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Đầu năm 2024, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ, nhà phê bình Hội họa và giám tuyển Lý Đợi về hội họa/ mỹ thuật Việt Nam trong năm 2023.
***
*Trước hết, nhìn lại toàn cảnh hội họa Việt Nam trong năm qua, một cách tóm tắt, anh có thể nhận xét gì, thưa anh?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Nếu nhìn cả 7 môn nghệ thuật cơ bản, thì hội họa và điện ảnh Việt Nam có nhiều phát triển hơn các môn còn lại. Phát triển ở những kết cấu, hạng mục… mà có khi nhìn từ bên ngoài vào thì khó nhận ra, nhưng người trong cuộc thì dễ nhận biết. Ví dụ sự xuất hiện của các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, các triển lãm có quy chuẩn quốc tế, hoặc sự hoàn thiện của vài ê–kíp sản xuất trong một đoàn phim điện ảnh.
Thứ hai, đó là sự áp đảo của người Việt – đặc biệt là giới trẻ – trong các sự kiện mỹ thuật, điều mà trước năm 2010, có mơ cũng không dám nghĩ đến. Ở các phân khác hẹp hơn, như các phiên đấu giá quốc tế, vị thế của tranh và nhà sưu tập Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Năm 2023, thị trường Việt Nam trở thành một trong vài địa chỉ sôi động bậc nhất của châu Á.
Thứ ba, đó là ý thức tôn trọng bản quyền và tôn vinh lịch sử trong giới trẻ, làm cho các vấn nạn về tranh giả – tranh nhái bắt đầu được đẩy lùi. Những vi phạm về ý tưởng, bản quyền, tranh giả – tranh nhái, dù vẫn còn, nhưng không quá phổ biến, gây nhiều nhức nhối như 5–7 năm trở về trước.
Thứ tư, đó là sự xuất hiện của thế hệ sưu tập thứ 6 của Việt Nam, đa số thuộc 9X, nghĩa là còn rất trẻ, nhưng đã vững vàng kiến thức và có chọn lựa riêng.
Đó là nhìn ở khía cạnh lạc quan. Còn những vấn nạn trầm kha như sự bảo thủ ở các cơ quan cấp phép, kiểm duyệt, sự thiếu hụt của các chế tài pháp luật, các trụ cột tài chính, bảo hiểm, hậu cần… thì còn lâu nữa mới khắc phục, hoàn chỉnh được.
Nhìn chung thì mỹ thuật Việt Nam năm 2023 có nhiều tín hiệu mới.
* Anh có thể cho biết có những xu hướng gì mới, những khuôn mặt họa sĩ nào mới trong năm qua?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Thẳng thắn thì khoảng 5 năm trở lại đây, xu hướng mới, khuôn mặt mới tại Việt Nam và tại khu vực Đông Nam Á đều không đáng kể. Có lẽ vì sự xuất hiện của những công cụ mới như NFT, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… đã thu hút các xu hướng mới, các khuôn mặt mới vào đó.
Trong năm 2023, có vài triển lãm thứ cấp về “xu hướng cũ, khuôn mặt cũ” chất lượng cao, ví dụ như Tay níu thời gian về họa sĩ Bửu Chỉ (tháng 3 tại Đà Lạt), Họa duyên tương ngộ về Trần Phúc Duyên (tháng 7 tại TP.HCM), Mộng Viễn Đông của nhà đấu giá Sotheby’s về mỹ thuật Đông Dương (tháng 8 tại TP.HCM), 50 sắc sắc của Huyen Art House về tranh khỏa thân (tháng 11 tại TP.HCM), Trong ngọc trắng ngà vinh danh mỹ thuật Đông Dương (tháng 12 tại Đà Nẵng)…
Triển lãm thứ cấp là gì? Đó là các triển lãm không được làm trực tiếp từ họa sĩ, mà chọn các tác phẩm đã qua trung gian. Đây là dịp để người xem được tiếp cận những tác phẩm mà bình thường rất khó được xem. Nó cũng tương tự như thị trường sơ cấp (primary market) và thị trường thứ cấp (secondary market) trong chứng khoán.
Chính các triển lãm thứ cấp đã giúp kiện toàn thêm các trụ cột chính của thị trường mỹ thuật. Các trụ cột đó là: 1) người sáng tác; 2) giới sưu tập; 3) các tổ chức trung gian như bảo tàng, phòng tranh, giám tuyển, môi giới…; 4) các trung tâm đấu giá, thẩm định, định giá…; 5) các định chế tài chính, đầu tư, đầu cơ, bảo hiểm và các chế tài pháp lý; 6) học giới, báo chí, truyền thông, mạng xã hội…; 7) các mô hình thứ cấp; 8) hậu cần.
Kế đến, đó là sự tự chủ của người Việt trong hầu hết các trụ cột của thị trường mỹ thuật, ngay cả việc chiếm ưu thế trong giới sưu tập. Nếu thế kỷ 20, hơn 90% tranh Việt do người nước ngoài buôn bán, sưu tập, thì hơn 10 năm trở lại đây, gió đã xoay chiều, khi người Việt đang dần làm chủ các cuộc chơi. Các phiên đấu giá quốc tế đã hướng trực tiếp đến các nhà sưu tập Việt Nam, bằng nhiều kết nối khác nhau. Những bức tranh triệu USD được hồi hương trong vài năm qua là một ví dụ sinh động cho địa vị sưu tập của người Việt Nam, cũng là trụ cột thứ 2 của hệ thống thị trường mỹ thuật.
Cuối cùng, đó là sự xuất hiện của các nhà đấu giá hàng đầu thế giới như Sotheby’s, Christie’s, Bonhams, Phillips… và các nhà đấu giá quốc tế khác tại Việt Nam. Họ đến đây để tìm kiếm cơ hội mở văn phòng, mở phiên đấu giá. Các phiên đấu giá quốc tế vốn là hoạt động xa xỉ, tốn kém, nếu không đánh giá cao cơ hội và tương lai của Việt Nam, thì đã không làm như vậy.
*Năm nay có nhiều tranh Việt Nam được bán đấu giá ở bên ngoài không, những bức tranh nào cao giá nhất? Xu hướng chọn mua tranh Việt Nam ở bên ngoài tập trung vào những đề tài, phong cách nào, tên tuổi nào, thưa anh?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Ví dụ tháng 4/2023, nhà Sotheby’s đã đấu bức tranh Gia đình trong vườn (La famille dans le Jardin, mực và gouache trên lụa, 91,3 x 61,5 cm, khoảng 1938) của Lê Phổ được 2,37 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng).
Tháng 11/2023, tại Paris, nhà Sotheby’s đã mở phiên đấu giá mang tên Tráng lệ và vương giả (Magnificence et Régalité), giới thiệu bộ sưu tập của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc. Kết quả phiên này đã đạt được danh hiệu “găng tay trắng” (white glove), tức gõ búa thành công tất cả các lô được chào bán. Trong đó, bức tranh lụa Uyên ương hý liên (Mandarin ducks and lotus, mực và gouache trên lụa, 64 x 96 cm, thập niên 1930) của Lê Phổ đã gõ búa 1,2 triệu euro (tương đương 1,28 triệu USD).
Xếp thứ 2 của phiên Tráng lệ và vương giả là Ngồi nghỉ (Femme assise, mực và gouache trên lụa, 63 x 34 cm, trong khoảng 1930–1940) của Nguyễn Tường Lân, với giá 444.500 euro. Tuy Nguyễn Tường Lân thuộc bộ tứ Trí–Lân–Vân–Cẩn, nhưng ông bị thủ tiêu và đốt gần hết tác phẩm, nên bức lên sàn đấu giá công khai lần này là hiếm hoi.
Nhìn bề nổi, thì tranh thời Đông Dương vẫn được ưu chuộng nhất, kế đến là các họa sĩ ở Sài Gòn trước 1975, đơn giản là họ đã rất nổi tiếng, mua khó bán dễ, lại dễ có lợi nhuận. Nhưng như đã nói ở trên, Việt Nam đang có sự xuất hiện của thế hệ sưu tập thứ 6, đa số thuộc 9X, họ đã có chọn lựa riêng, ưu tiên chọn các tác giả còn sống hoặc tác phẩm đương đại.
*So với văn chương và phim ảnh Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trên thế giới, hội họa Việt Nam theo anh có triển vọng hơn không và tại sao?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Hội họa có thuận lợi là nó ít bị rào cản về ngôn ngữ, nên dễ phổ biến với người xem hơn. Thế nhưng, nhược điểm của nó là thường để ra quốc tế thì cần rất nhiều tiền, nên cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ muốn xuất hiện tại một hội chợ chuyên nghiệp, danh tiếng, thì mỗi ngày tốn cả năm bảy chục ngàn USD cho chi phí, nên không hề đơn giản. Ngoài tranh Đông Dương được Pháp, châu Âu, Hong Kong và Mỹ quan tâm, các họa sĩ hiện đại và đương đại cũng khá chật vật về việc tìm đường ra quốc tế.
Văn chương tuy bị rào cản ngôn ngữ, nhưng bù lại, chi phí thấp, không quan trọng tính độc bản, nên vô tình lại dễ phổ biến. Ví dụ: Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, với 75 bản dịch; Nỗi buồn chiến tranh được dịch ra gần 20 thứ tiếng; The Mountains Sing của Nguyễn Phan Quế Mai đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng; thơ Mai Văn Phấn đã được dịch ra 36 thứ tiếng… Tất nhiên, tôi đồng ý với nhận xét của chị, và xin mở rộng như sau: ngoài khả năng sinh sản và chiến tranh, thì Việt Nam nhìn chung vẫn chưa có nhiều chỗ đứng đáng kể trên thế giới, xét ở nhiều mặt. Cũng dễ hiểu thôi, Việt Nam là một nước nhỏ, chậm phát triển và nghèo, gen sáng tạo, phát kiến nói chung lại còn giới hạn. Cần thêm thời gian hòa bình, phát triển để Việt Nam có thể thay đổi và đóng góp nhiều hơn.
*Còn về những sự trở về của các họa sĩ Việt Nam từ bên ngoài, những cuộc gặp gỡ giao thoa trong–ngoài?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Khoảng 2 thập niên nay, ở hội họa/thị giác và phim ảnh, những nhân tố Việt kiều hoặc gốc Việt về nước cũng không ít. Như đã nói ở trên, họ đã đóng góp rất nhiều vào những kết cấu, hạng mục có tính nền tảng, để giúp ngành nghề phát triển hơn.
*Những cuộc triển lãm hội họa chắc chủ yếu vẫn chỉ ở vài thành phố lớn? Theo anh, không khí hội họa Sài Gòn, Hà Nội nơi nào sôi động hơn trong năm qua?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Mấy năm gần đây, Huế cũng là một địa chỉ của các triển lãm hội họa. Sài Gòn và Hà Nội thì khá sôi động, bình quân mỗi tháng có hơn 10 triển lãm ở mỗi nơi. Điều này đến từ nhiều lý do, trong đó có chuyện đào tạo mỹ thuật liên tục mấy chục năm qua, với nhiều trường tuyển sinh, nên nhu cầu làm triển lãm là đương nhiên. Người Việt giờ chơi tranh Việt nhiều hơn, manh nha hình thành thị trường mỹ thuật, cũng là một động lực cho triển lãm.
* Anh dự đoán trong năm 2024 sẽ có những cuộc triển lãm nào được mong chờ?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Năm 2024 dự kiến là vô cùng khó khăn, nên có lẽ những triển lãm quy mô nhỏ sẽ diễn ra nhiều hơn. Những triển lãm có tổng đầu tư từ khoảng 500 triệu đồng trở lên sẽ ít đi. Nhưng cũng khó khẳng định, vì hội họa nói chung thuộc lĩnh vực xa xỉ phẩm, nội phủ, nhiều khi không chịu nhiều sự tác động của thị trường bên ngoài cho lắm.
*Câu cuối cùng dành cho anh. Anh chuyển sang nghề giám tuyển từ bao giờ? Tại sao? Nghề này ở Việt Nam hiện nay có phải chỉ cần kinh nghiệm, biết thẩm định tranh hay cũng bắt đầu cần phải học hành chuyên nghiệp?
Nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi:
Tôi là nhà thơ thích nghiên cứu và viết về mỹ thuật, nên giám tuyển chỉ là một công việc tài tử mà thôi. Nghề này ở Việt Nam hiện nay có 3 xuất xứ: 1) tài tử; 2) những người làm trong ngành mỹ thuật, sáng tạo, bảo tàng phiên ngang làm giám tuyển; 3) đi học giám tuyển ở nước ngoài về.
Tôi không có ý định và cũng không đủ khả năng để đi học giám tuyển chuyên nghiệp, nên sẽ giữ khía cạnh tài tử dài lâu. Tôi luôn chọn làm những triển lãm, nhưng công việc vừa sức, vừa hiểu biết của mình.
*Xin cảm ơn nhà thơ, nhà phê bình Hội họa Lý Đợi.
Song Chi (thực hiện)