Nhật Hiên: Liên Hiệp Quốc rà soát Việt Nam: vấn đề thương phế binh VNCH, tù nhân chính trị bị tra tấn, ngược đãi
Ngày 6-7/3/2025 vừa qua tại Geneva, Thụy Sỹ, nhà nước Việt Nam đã bị rà soát về việc thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền người khuyết tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities, viết tắt CRPD). Tại đây nhiều vấn đề mới về chính sách và ứng xử của nhà nước Việt Nam đã được đặt ra.
DĐTK đã phỏng vấn nhà báo Hải Di Nguyễn, điều phối viên truyền thông của tổ chức xã hội dân sự BPSOS về phiên rà soát này.
***
*Được biết vừa rồi chị có tham gia phiên rà soát Việt Nam về quyền của người khuyết tật vào ngày 6 và 7 tháng 3 tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, xin chị cho biết sơ qua về phiên rà soát năm nay có những vấn đề gì được nêu ra?
Nhà báo Hải Di Nguyễn:
Tại phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước LHQ về quyền người khuyết tật vừa qua, Ủy ban đặt nhiều câu hỏi mà theo tôi là với nước nào họ cũng hỏi: như điều kiện đi học, đi làm; accessibility (như lối đi riêng cho người dùng xe lăn, chữ nổi cho người khiếm thị, ngôn ngữ ký hiệu cho người câm điếc, công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật, v.v); chính sách và cách thức bảo vệ người khuyết tật để họ không bị lợi dụng, lạm dụng, tấn công tình dục; khả năng người khuyết tật có thể hòa nhập xã hội, tham gia chính trị, tham gia bầu cử và ứng cử, v.v.
Tuy nhiên, phái đoàn của BPSOS cũng đưa ra ba vấn đề và Ủy ban CRPD có đặt ra với nhà nước Việt Nam. Một là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Hai là những người bị tra tấn, trong “trại cải tạo” lẫn nhà tù, bị sang chấn tâm lý và vấn đề tâm thần, tức khuyết tật thần kinh, tâm thần. Ba là nạn nhân buôn người bị đánh đến tàn phế. Cả ba nhóm này đều không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, thậm chí, còn có thể bị công an cản trở, sách nhiễu, đe dọa.

Đặc biệt có mặt trong phái đoàn của BPSOS là ông Nguyễn Bắc Truyển, cung cấp thông tin cho Ủy ban CRPD và phát biểu ở góc độ nhân chứng, vừa là cựu tù nhân lương tâm, vừa từng làm tình nguyện viên cho Văn phòng Công lý – Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn và nhìn thấy cách nhà nước Việt Nam đối xử với các thương phế binh VNCH.
Phái đoàn nhà nước Việt Nam, như ai đều cũng có thể đoán, chối bay chối biến. Bảo Việt Nam không phân biệt gì cả, tất cả đều như nhau. Bảo Việt Nam không có tra tấn và luật pháp ngăn cấm nhục hình. Bảo không có việc cản trở các cơ sở tôn giáo hay tổ chức khác hỗ trợ người khuyết tật, bao gồm thương phế binh.
*Về vấn đề của nhiều trăm nghìn thương phế binh VNCH, chúng ta đều biết, thực tế là, trong suốt 50 năm qua những người thương phế binh VNCH đã bị đẩy ra ngoài lề xã hội, bị kỳ thị và đối xử như kẻ thù, thậm chí bị ngăn cản và trấn lột khi có các nhóm hảo tâm ở hải ngoại gửi tiền trợ giúp. Cụ thể hơn, chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa kéo dài mười hai năm qua ở Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã bị buộc phải dừng hoạt động đầu năm 2024 trước sức ép của nhà cầm quyền.
Xin hỏi, hình như đây là lần đầu tiên thân phận của các thương phế binh VNCH sau tháng 4 năm 1975 được nêu lên tại LHQ? Tại sao trước đây vấn đề này không được nêu lên mà mãi đến bây giờ, gần 50 năm, và có rất nhiều người trong số họ đã qua đời?
Nhà báo Hải Di Nguyễn:
Tôi không biết tại sao thân phận của các thương phế binh VNCH trước đây không được nêu lên tại LHQ, nếu đây thực sự là lần đầu tiên. Có lẽ các tổ chức XHDS từ trước đến nay không biết tận dụng Công ước LHQ nào Việt Nam đã ký để nêu ra vấn đề này và tố cáo nhà nước Việt Nam.
Tại phiên rà soát này, Ủy ban CRPD cũng không nói rõ chữ “Việt Nam Cộng hòa”, mà chỉ nói là thương phế binh (hay cựu chiến binh khuyết tật). Tuy nhiên, họ có đề cập tới chương trình tri ân thương phế binh (VNCH) của Dòng Chúa Cứu Thế, và hỏi nhà nước Việt Nam có cân nhắc để Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tiếp tục các chương trình hỗ trợ này không.
*Có nhiều tổ chức quốc tế, như USAID của Hoa Kỳ chẳng hạn, trong nhiều năm qua đã hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 150 triệu đô la mỗi năm để trợ giúp cho những người khuyết tật, nạn nhân chiến tranh trong đó có cả thương phế binh VNCH, nhưng rõ ràng là những người thương phế binh VNCH đã không hề nhận được một đồng nào hay một sự hỗ trợ chính thức nào từ phía nhà cầm quyền. Tổ chức BPSOS sẽ làm gì để góp phần đòi lại công bình và nhân phẩm cho họ?
Nhà báo Hải Di Nguyễn:
BPSOS hiện nay đang đẩy mạnh vấn đề thương phế binh VNCH, và tấn công hai hướng cùng lúc.
Một là LHQ. Hai là USAID.
Về LHQ, BPSOS nêu lên vấn đề ở Ủy ban CRPD, buộc nhà nước Việt Nam phải trả lời, sau đó làm phép thử.
Trưởng phái đoàn Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã nói:
“Về vấn đề cựu chiến binh khuyết tật, chúng tôi khẳng định là trong Luật Người khuyết tật cũng như đơn giải quyết trợ cấp, chúng tôi có ghi anh ấy là ai, anh ấy từ đâu đến đâu? Chúng tôi chỉ có họ, tên, mức độ khuyết tật, dạng tật, nơi sinh sống… Thế thôi. Để chính quyền địa phương ở nơi đó có trách nhiệm giải quyết. Còn tất cả mọi tổ chức, cá nhân nào từ chối cung cấp dịch vụ, chúng tôi đã có quy định nghiêm cấm và xử phạt những ông quan chức, viên chức không làm tròn trách nhiệm.”

Ông Nguyễn Vũ Minh, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao nói:
“Ở Việt Nam, việc tham gia đóng góp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của các cá nhân, tổ chức, bộ phận xã hội thì luôn được ủng hộ. Không ai bị sách nhiễu, bắt giữ chỉ vì tham gia các hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền người khuyết tật.”
Ông cũng nói tất cả mọi người đều “bình đẳng trước pháp luật” và “các hành vi vi phạm quyền và tự do của người khác là tội hình sự.”
Trong phỏng vấn trực tiếp ngay sau phiên rà soát ngày 7/3, ông Nguyễn Bắc Truyển nói:
“[Phát biểu của ông Nguyễn Văn Hồi] là câu nói rất quan trọng, vì liên quan tới quyền lợi của các chú bác thương phế binh VNCH. Các chú bác thương phế binh VNCH phải đặt thẳng vấn đề này với nơi mình sinh sống, nơi mình có hộ khẩu thường trú… đặt thẳng vấn đề với chính quyền địa phương là tại sao tôi không được chăm sóc như người khuyết tật. Và nếu không được chăm sóc thỏa đáng, các chú bác thương phế binh VNCH có thể làm đơn gửi tới ông Hồi, là Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.”
Về USAID, BPSOS đang vận động công dân Mỹ gốc Việt cùng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ điều tra số tiền đã viện trợ cho người khuyết tật ở Việt Nam. Thống kê ở đâu? Bao nhiêu người khuyết tật đã nhận được hỗ trợ? Bao nhiêu thương phế binh, đặc biệt thương phế binh VNCH, đã được giúp đỡ từ đó?
*Ngoài ra, từ sau ngày 30/4/1975 cho đến nay, số lượng tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm dưới chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam chưa bao giờ dừng lại. Bắt đầu từ thành phần dân quân cán chính, trí thức văn nghệ sĩ của chế độ VNCH. Rất nhiều người bị chết trong tù, rất nhiều người khác trải qua hàng chục năm tù đày và khi ra khỏi tù thì mang theo đủ thứ bệnh tật, những hậu quả nặng nề cả về thể xác lẫn tâm lý, tinh thần. Cho tới các thế hệ tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị sau này. Nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam thì không bao giờ có bất cứ một hành động gì để thăm khám, điều trị sau khi ra tù và hỗ trợ họ trở về với cuộc sống bình thường. Theo chị, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế, Liên Hiệp Quốc… cần phải làm gì làm gì để buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thay đổi, hay là cứ “đến hẹn lại lên”, cứ đến phiên rà soát thì Việt Nam lại nói dối, lại hứa hẹn cho qua?
Nhà báo Hải Di Nguyễn:
Đúng là từ trước đến nay, nhà nước Việt Nam vẫn có tâm lý đó: cứ “đến hẹn lại lên”, tuyên bố mình đã có luật này luật nọ, khẳng định các các buộc vi phạm nhân quyền đều là thông tin thiên lệch và bóp méo, v.v.
Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ đang điều tra USAID và mọi chương trình, mọi khoản tiền viện trợ. Đây là cơ hội cho người Việt đã có quốc tịch Mỹ kêu gọi chính phủ điều tra số tiền đã viện trợ cho Việt Nam nhưng không đến được tay một số nhóm người khuyết tật như thương phế binh hoặc những người bị khuyết tật thần kinh, tâm thần do bị tra tấn trong nhà tù hoặc “tù cải tạo”. Đặc biệt khi hiện nay LHQ đã nêu thẳng hai vấn đề này, chúng ta có thể sử dụng tiếng nói của LHQ để tác động chính phủ Mỹ.
*Chị có thể nói thêm về trường hợp các nạn nhân đi xuất khẩu lao động bị đánh đập, hãm hiếp, có khi đến thương tật, nhưng không hề được nhà cầm quyền Việt Nam giúp đỡ?
Nhà báo Hải Di Nguyễn:
Vấn đề ở đây là chính quyền Việt Nam không bao giờ công nhận những người đi xuất khẩu lao động là nạn nhân buôn người khi họ bị bóc lột, lường gạt, quỵt tiền, đánh đập, cưỡng hiếp, ép làm việc, đẩy từ chủ này sang chủ khác, v.v. Và không có bất kỳ hỗ trợ nào cho họ.
Với Ủy ban CRPD, chúng tôi nêu lên một trường hợp, tôi không tiện nêu tên, một nạn nhân bị bóc lột và bị đánh đến mù mắt. Người phụ nữ này không những không nhận được sự giúp đỡ nào từ chính quyền Việt Nam khi hồi hương, mà còn bị công an liên tục sách nhiễu, vặn vẹo, tra hỏi, xem như tội phạm, chỉ vì cùng tham gia làm video cầu cứu khi kẹt ở nước người, và cung cấp thông tin cho BPSOS và cơ quan nhân quyền quốc tế.

*Chị có thể nói thêm một chút về chương trình hành động sắp tới của tổ chức BPSOS để góp phần thúc đẩy tất cả những điều này?
Nhà báo Hải Di Nguyễn:
Như đã trả lời bên trên, BPSOS đang đẩy mạnh vấn đề thương phế binh VNCH, và định làm phép thử với nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, trong phiên rà soát, Ủy ban CRPD cũng chất vấn nhà nước Việt Nam về tình trạng người H’mông sống không có căn cước công dân ở khu vực Tây Nguyên. Không giấy tờ, không bảo hiểm y tế. Thế thì chính quyền địa phương đối xử thế nào với người khuyết tật, đặc biệt trẻ em?
BPSOS cũng đang lập hồ sơ về người H’mông khuyết tật ở Việt Nam, và cũng muốn làm phép thử cho nhóm người này, vì phái đoàn Việt Nam đã khẳng định luật pháp ngăn cấm và trừng trị mọi hành vi phân biệt đối xử.
Xin liên lạc với BPSOS qua địa chỉ email bpsos@bpsos.org để được hướng dẫn làm đơn đòi quyền lợi.
*Xin cảm ơn nhà báo Hải Di Nguyễn về cuộc trao đổi này.
Nhật Hiên thực hiện.