Nho sĩ cuối cùng, Denis Warner, Phạm Viêm Phương giới thiệu

Lời giới thiệu: “The Last Confucian” là tác phẩm của Denis Warner, một nhà báo Úc, được xuất bản năm 1963. Ông đã có mặt tại Sài Gòn trong những năm cuối đời ông Diệm. Ngoài những phần tra cứu từ nhiều nguồn sử liệu, tác phẩm này còn chứa đựng nhiều chi tiết mắt thấy tai nghe của ông. Khi ra đời, cuốn này mang tính thời sự, nhưng đến nay nó đã trở thành sử liệu.

Sách này có tựa phụ là “Vietnam, Southeast Asia, and the West” và gồm 15 chương. Tôi chọn dịch chương 5, chủ yếu nói về ông Diệm trong những năm đầu chấp chánh, chỉ để cung cấp tài liệu tham khảo cho các bạn thôi. Các chi tiết trong đây có thể chính xác hoặc không, và luôn cần phải đối chiếu kiểm chứng với các sử liệu khác theo đúng phương pháp của người đọc sử. Tôi còn muốn nói thêm rằng, xin các bạn đọc sử bằng con mắt lý tính, tuyệt đối không để cảm tính (lòng yêu hoặc ghét, quan điểm ủng hộ hoặc chỉ trích…) chen vào. Ông Diệm đã là nhân vật lịch sử, chúng ta đã cách xa cái chết của ông hơn nửa thế kỷ, như thế hy vọng chúng ta đủ tỉnh táo và khách quan khi đọc tài liệu về ông.

Denis được mô tả là nhà báo có xu hướng phê phán gay gắt ông Diệm. Có lẽ hầu hết nhà báo Tây phương hành nghề ở châu Á thời đó đều cho rằng các nhà lãnh đạo Á châu, như ông Diệm, không thực thi dân chủ đúng mức, mà không xét tới tình cảnh họ thường phải đối phó với thù trong giặc ngoài trùng điệp khi đất nước còn chập chững lúng túng với nền độc lập, mà kẻ thù nào cũng sẵn sàng chơi đòn đánh dưới lưng quần.

Sách còn một chương nữa, được chen vào thành chương 13, với nhan đề “The Last Confucian”, khi cuốn này được tái bản năm 1964. Còn chương 5, ban đầu mang nhan đề trên, được đổi thành “By Divine Right”. Chương 13 mới này nói về cuộc đảo chánh 1963 và cái chết của anh em ông Diệm. Hy vọng tôi có thời gian và sức khỏe để dịch tiếp chương này hầu các bạn.

Tôi dịch mấy chương này chẳng phải vì cuốn này đặc biệt hay ho sâu sắc hay quý giá, mà chỉ vì nó là sử liệu. Và sử liệu nào cũng cần để chúng ta hiểu quá khứ và loại bỏ thành kiến hoặc sự u mê thâm căn cố đế. Phần được viết trong ngoặc vuông là thông tin bổ sung của tôi, thay cho cước chú.

——–

CHƯƠNG 5: THIÊN MỆNH

Trong bối cảnh bại trận tan nát này [tức trận Điện Biên Phủ], một nhà lãnh đạo lưu vong khác đã rời cảnh quy ẩn để bước ra nhận lấy vị trí của mình trong chính trường Việt Nam. “Chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm Vương quốc của Chúa và Công lý”, Ngô Đình Diệm đã từng viết như thế cho gia đình mình từ Chủng viện Maryknoll, khi đó ở Lakewood, New Jersey. “Mọi thứ khác sẽ tự đến.” Bức thư không làm ngạc nhiên gia tộc Ngô Đình, gia đình Công giáo hàng đầu của Việt Nam. Biểu hiện đức tin sâu sắc này là đặc điểm của ông Diệm.

Trong khi gia đình ông đang vận động bằng những phương pháp trực tiếp hơn để đưa ông vào vị trí lãnh đạo, ông vẫn tiếp tục sống ẩn dật, mặc dù luôn tin rằng đến giờ phút cần thiết, ông sẽ được mời gọi. Tuy nhiên, khi sau cùng lời mời được đưa ra, những phẩm chất chính trực và trung thực đã thành huyền thoại của ông lại không quan trọng bằng vị thế có sẵn của ông trong việc quyết định lời mời gọi đó. Vì người Pháp đang mặc cho con tàu chìm đắm nên họ không còn quan tâm đến việc ai đứng trên cầu tàu khi nó chìm nữa.

Quyết định mời Diệm nhận chức thủ tướng Nam Việt Nam ban đầu là của Bảo Đại. Nó không phải là ý tưởng của Ngoại trưởng John Foster Dulles như một số tác giả nghĩ. Bộ Ngoại giao không hào hứng với ông như thẩm phán Tối cao pháp viện William O. Douglas vốn đã mô tả Diệm được dân Việt “tôn sùng” trong một cuốn sách được xuất bản một hai năm trước.

Ảnh hưởng [đối với quyết định này] là không cần thiết. Những bạn bè và người gần gũi thân pháp của Bảo Đại vốn đã từ Paris “nhảy dù” xuống Sài Gòn để xoay xở kiếm chác trong khi cố duy trì ảo tưởng về nền độc lập của Việt Nam đã tự làm mất uy tín. Những giải pháp khác là sắp xếp lại lực lượng cũ kỹ kém cỏi này, hoặc mời Diệm tham chính. Mặc cho lời khuyên của bạn bè, Bảo Đại đã chọn Diệm. Trong thực tế, ông ta chẳng có mấy lựa chọn. Khi Diệm thẳng thắn nhận lời thì chẳng có ai cạnh tranh.

Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, hình chụp năm 1955.

Tuy nhiên, điều đó hợp lý chỉ vì Diệm, và không ai khác, muốn nhận công việc này. Hai mươi mốt năm trước, ông đã là một người có địa vị lớn ở Việt Nam. Nhưng 21 năm gần như là cả một cuộc đời hoạt động trong giai đoạn cách mạng này. Việt Minh đã tiếp quản quyền điều hành trong khi Diệm đứng ngoài cuộc. Giờ phút tồi tệ nhất của ông là khi ông từ chức Thượng thư bộ Lại (thực tế là thủ tướng) ở Trung kỳ vào năm 1933 vì người Pháp không đồng ý trao cho người dân Việt Nam quyền hạn lớn hơn trong việc nội trị. Nhưng những nhân vật của công chúng không thể chỉ dựa vào những hành vi, dù cao cả đến đâu. Diệm không còn là một nhân vật của công chúng nữa. Từ năm 1933 đến khi nổ ra Thế chiến II, ông đã suy nghĩ theo hướng cách mạng nhưng không bao giờ hành động. Thay vào đó, ông đọc sách và cầu nguyện, chụp ảnh, đi nhà thờ rước lễ hàng ngày, và cắt tỉa hoa hồng. Ông đã hy vọng vào người Nhật nhưng sớm từ bỏ họ, mặc dù họ đã bảo vệ ông vào năm 1944 khỏi người Pháp vốn lúc đó ra sức lùa vào tù những người Việt có tinh thần quốc gia, và thậm chí còn mời ông làm thủ tướng của một chính phủ “độc lập” dưới trướng Bảo Đại vào năm 1945. Một hoặc hai năm trước đó, ông có thể đã chấp nhận. Bây giờ ông biết rằng người Nhật đã thua cuộc chiến. Vào thời điểm này, ông không muốn đồng nhất hóa mình với khối “Thịnh vượng chung Đại Đông Á” do Nhật khởi xướng.

Trong cuộc đấu tranh giành quyền lực ngay sau chiến tranh, Diệm vẫn sống trong một tu viện khi Việt Minh tiến vào Hà Nội. Bằng cách di chuyển từ nơi này sang nơi khác, ông đã tránh xa khỏi tầm tay của họ trong một vài tuần, mặc dù họ đã ra lệnh bắt giữ ông. Người anh cả của ông, Ngô Đình Khôi, vốn đã bị Pháp cách chức tổng đốc Nam Ngãi vào năm 1942 [hoặc 1943], thì kém may mắn hơn. Không lâu trước khi chiến tranh kết thúc, người Nhật, thông qua Ngô Đình Khôi, đã tiếp cận Bảo Đại để xin ông chấp thuận một kế hoạch thủ tiêu tất cả thủ lãnh Việt Minh mà họ có thể bắt được. Bảo Đại đã do dự, và Việt Minh đã biết được kế hoạch này. Họ bắt Khôi và con trai ông và chôn sống cả hai.

Sau đó, quân Việt Minh đã đột nhập vào nhà chị [hay em?] gái của Diệm. Sống cùng bà vào thời điểm đó là một cô gái 21 tuổi, Trần Lệ Xuân, con gái của Trần Văn Chương, người đã nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ “độc lập” do người Nhật thành lập, và sau đó trở thành đại sứ tại Washington. Khi hai người phụ nữ lùi bước trước những người lính với dao rựa và súng, một con chó săn lai sói tên là Quito, vốn do anh trai của cô gái nọ nuôi dưỡng, gầm gừ với những người lính vốn đang định bắn nó. Cô gái lao vào ôm con chó, “Nếu anh bắn nó, thì bắn luôn tôi đi”, cô hét lên. Chị [em] của Diệm kêu lên rằng cô ấy điên rồi. Nhưng cô gái vẫn tiếp tục hét lên lời thách thức của mình, và cuối cùng những người lính Việt Minh, dường như không biết phải làm gì, đã bỏ đi. Ngày nay, cô gái ấy được biết đến nhiều hơn với cái tên Bà Nhu.

Diệm chỉ thoát khỏi tay Việt Minh trong một thời gian ngắn. Vài tuần sau, họ bắt được ông tại thị trấn Tuy Hòa, phía nam Huế, và chuyển ông đến vùng thượng du Bắc Việt, gần biên giới Trung Quốc. Tại đây, ông bị bệnh nặng và theo lời kể của chính ông, ông đã chết nếu không có sự giúp đỡ của những người dân thiểu số địa phương.

Vào tháng Một 1946, Việt Minh đưa ông về Hà Nội và điều trị cho ông. Hồ Chí Minh thậm chí còn mời ông tham gia chính phủ của mình, nhưng Diệm cáo buộc Hồ đã giết anh trai và cháu trai của mình. Hồ trả lời rằng ông không biết gì về điều đó. “Dù có biết hay không, ông vẫn là đồng phạm và là tội phạm”, Diệm trả lời. Hồ không nản lòng và biện luận quan điểm của mình trên cơ sở yêu nước. Diệm, người có xung đột với lực lượng Cộng sản từ thời ông còn là tuần vũ Bình Thuận vào năm 1931, trả lời rằng ông phải là một đối tác toàn diện trong chính phủ và không bí mật nào được che giấu với ông. Vì cần ông Diệm như tín đồ Công giáo hàng đầu của đất nước chứ không vì khả năng cai trị hay chính trị nên Hồ đã im lặng để biểu lộ sự không tán đồng.

Diệm tin rằng lúc này ông Hồ dự định tiếp tục cố gắng thuyết phục lôi kéo ông. Tuy nhiên, vì không thể biết chắc nên Diệm lợi dụng giấy thông hành được cấp phát lúc đó và trốn đi, lần này ông ẩn náu trong một tu viện tại Hà Nội. Các diễn biến sau đó chứng tỏ sự thận trọng này là đúng. Việt Minh lục soát phá hủy nhà của ông Nhu, bắt giam Trần Văn Chương. Sự kiện này vẫn được anh em Diệm Nhu nhớ lại với ít nhiều thích thú vào những lúc thư giãn hiếm hoi trong Dinh Độc Lập khi họ diễn tả lại phản ứng của ông Chương khi nghe Việt Minh đến bắt mình.

Sau khi đào thoát khỏi tay Việt Minh, Diệm vào nam, tới Vĩnh Long, sống với anh ruột Ngô Đình Thục lúc đó đã là giám mục. Diệm không chấp nhận người Cộng sản và không chấp nhận người Pháp. Đòi hỏi của ông là “Quy chế tự trị”. Hai tờ báo, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn, ủng hộ ông, nhưng người Pháp không chấp nhận những lời lẽ dấy loạn này. Họ đóng cửa các tờ báo, bắt giữ các biên tập viên, và đàn áp Mặt trận Thống nhứt Quốc gia non trẻ của Diệm.

Được Bảo Đại mời đến Hồng Kông để thảo luận về việc thành lập chính quyền trung ương lâm thời dưới sự bảo trợ của Pháp để chống lại Việt Minh, Diệm thấy cựu hoàng quan tâm đến chuyện vui chơi ở Happy Valley [một khu dân cư hạng sang, tên tiếng Hán là “Bào mã địa”, nghĩa là “bãi đua ngựa”] hơn là quy chế tự trị, bản thân Diệm cũng không quan tâm đến việc nhận vị trí lãnh đạo của cái mà ông coi như một chính quyền bù nhìn. Một lần nữa ông từ chối chức vụ, và lần này trở về với người em Ngô Đình Cẩn, người mẹ đau yếu, và những lời cầu nguyện của ông ở Huế, luôn tin rằng một ngày nào đó lời cầu nguyện sẽ được đáp lại và rằng, mặc dù một ngàn năm đã trôi qua kể từ khi triều đại Ngô sụp đổ [có tác giả cho rằng dòng Ngô Đình có liên quan đến dòng dõi của Ngô Quyền], ông sẽ được gọi ra để lãnh đạo đất nước mình đi vào một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng và khai sáng.

Ngô Đình là một trong những gia tộc lớn của Việt Nam. Theo truyền thống, theo năng lực, và thông qua ý thức về bổn phận theo kiểu Nho giáo, họ thích hợp với vị trí trong hàng quan lại tại triều đình Huế. Đây là trật tự đúng. Guồng máy đòi hỏi điều đó và họ đã sẵn sàng đáp ứng.

Với ý thức về bổn phận ăn sâu này, trong nhiều thế kỷ, nhà Ngô Đình cũng chấp nhận thêm kỷ luật, và thập giá, của Công giáo. Đó thực sự là một thập giá, vì có nhiều lúc đạo Thiên Chúa bị đồng nhất hóa với người Pháp và người Pháp bị đồng nhất hóa với chủ nghĩa thực dân. Giống như nhiều gia đình Công giáo khác, họ thường phải chịu đau khổ cay đắng vì đức tin của mình. Cách đây chưa đầy một thế kỷ, trong một thời kỳ bột phát tâm tình bài Thiên Chúa giáo dữ dội, cả trăm thành viên trong gia đình này đã bị một đám đông tín đồ Phật giáo [tài liệu khác cho rằng không chỉ riêng tín đồ Phật giáo] bạo loạn thiêu chết tại nhà thờ Công giáo ở Đại Phong, một ngôi làng quê quán của dòng họ này trên bờ biển Trung phần và là nơi có những phần mộ của gia đình này.

Trong số người sống sót ít ỏi của gia đình này có Ngô Đình Khả, lúc đó đang học để trở thành linh mục tại Penang, Malaya [Mã Lai]. Với gia đình gần như bị tuyệt diệt, Khả đành bỏ ngang việc học và trở về Huế, ở đây vốn liếng tiếng Pháp đã giúp ông nhanh chóng thăng tiến. Khả kết hôn hai lần. Người vợ đầu của ông mất mà không có con. Người vợ thứ hai sinh cho ông chín người con. Diệm, người con thứ ba, chào đời vào ngày 3.1.1901, trong một căn nhà lợp lá nền đất, gần nhà thờ chính tòa Huế. [nhiều tài liệu ghi nhận ông ra đời ở Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên năm 1901 khi ông chào đời, Ngô Đình Khả đang là đại thần ở Huế]

Gia đình Ngô Đình là quý tộc nhưng chỉ giàu về khả năng phục vụ chứ không giàu về vật chất. Tuy nhiên, khi Khả lên chức, ông đã xây một ngôi nhà gạch đồ sộ hơn bên cạnh ngôi lợp lá. Theo phong tục của quan lại, đàn ông sống trong ngôi nhà mới, phụ nữ sống trong ngôi nhà cũ.

Mùa đông và mùa hè, tiếng đọc kinh Truyền Tin lúc 6:00 sáng gọi cả gia đình đi lễ. Khả đội khăn xếp đen và mặc áo dài thêu kiểu quan lại dẫn các cậu con trai mặc áo dài đen và quần trắng. Diệm thường đi chân đất, nhưng khi đi lễ, ông đi guốc gỗ.

Công giáo và Nho giáo song hành trong gia đình Diệm. Lòng kính Chúa đi liền với ý thức bổn phận và lòng trung thành. Khả được phong làm tổng quản cấm thành, với trách nhiệm bao gồm cả việc trông coi các thái giám trong cung.

Một trong những người bạn chơi đầu tiên của Diệm là Duy Tân, người đã lên ngôi khi người Pháp đày cha ông, Thành Thái, đến đảo Réunion, gần Madagascar, khi mới mười tuổi. Người Pháp phàn nàn rằng một trong những tính lập dị của hoàng đế là việc giữ lại quá nhiều phi tần. Là người duy nhất trong số các quan lại triều đình, ông Khả đứng về phía Thành Thái, một quyết định khiến ông mất chức vụ và đẩy gia đình Ngô Đình về với đồng ruộng, nơi họ chăn trâu và trồng lúa trên một mảnh đất nhỏ và giữ được phẩm giá cũng như vị thế của mình trên đất nước này.

Người Pháp thấy Duy Tân còn khó chịu hơn cả cha ông. Khi ông 18 tuổi, họ cáo buộc ông âm mưu chống lại họ. Duy Tân chạy trốn lên vùng núi và sau đó bị bắt và bị đày đến Réunion.

Diệm lúc này đã 15 tuổi. Ông không quan tâm nhiều đến công việc chân tay mà tất cả những đứa trẻ phải làm trên ruộng lúa của cha chúng. Ông thích cầu nguyện và đọc sách hơn. Anh trai của ông, Thục, đã tu học để trở thành linh mục. Diệm quyết định noi gương anh trai. Đó là tham vọng sớm nhất và ấp ủ nhất của ông, nhưng ông đã nhanh chóng từ bỏ nó. 

Luôn đứng đầu lớp, Diệm, sau khi rời khỏi chủng viện, giờ đây là sự lựa chọn hiển nhiên cho lớp quan chức tiềm năng được tuyển chọn kỹ lưỡng tại trường của người Pháp [trường Hậu bổ, hay École des fonctionnaires indigènes – Trường công chức bản xứ, hay École de Droit et d’Administration – Trường pháp lý và hành chánh] ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp đứng đầu lớp vào năm 1921 và bắt đầu làm việc tại Huế ở bậc thấp nhất trong hệ thống quan lại. Ông là người lao động không biết mệt mỏi. Những người khác cùng tuổi ông tìm kiếm thú vui trần tục trong giờ rảnh rỗi. Diệm, người đã tuyên khấn tiết dục, chỉ nghĩ đến công việc. Sự thăng tiến đến nhanh chóng. Trong vòng một năm, ông được bổ làm tri huyện. Với chiếc nón lá buộc quai dưới cằm và hai dân phu, một người kéo và một người đẩy chiếc xe kéo của ông, ông làm việc ngày đêm vì lợi ích của những người nông dân.

Mặc dù thời gian có thể đã tô điểm thêm màu sắc cho ký ức của những người vốn biết ông bốn mươi năm trước, nhưng điều đáng ghi nhớ là trong hồi ức của họ về Diệm, trước tiên họ đề cập đến sự cần cù, liêm chính, và trung thực của ông, và chỉ sau đó mới nói đến một số đặc điểm tính cách vốn sau này đã thúc đẩy những người ủng hộ thân cận nhất của ông phát động cuộc đảo chính dẫn đến cái chết đẫm máu của ông.

Vào lúc 28 tuổi, Diệm đã trở thành quan đứng đầu một tỉnh [tuần vũ Bình Thuận] gián tiếp can dự vào cuộc thảm sát của Pháp đối với những người Cộng sản và những người quốc gia phi Cộng sản xảy ra vào năm 1930-31 [tức vụ Xô viết Nghệ Tĩnh]. Tuy nhiên, Diệm đã thoát khỏi nỗi ô nhục từ những sự kiện đáng tởm này, khi lính lê dương [dịch từ Légion étrangère – Binh đoàn ngoại quốc] hãm hiếp và giết người, và những người vô tội phải chịu đau khổ cùng với những kẻ có tội… Ông điều hành một tỉnh có trật tự và một hệ thống mật thám tốt. Ông sử dụng luật pháp chứ không phải áp bức để duy trì trật tự. Đối với người Pháp, ông là một công chức mẫu mực; đối với người Việt, ông là một viên chức trẻ tài năng, vô cùng chăm chỉ, người đã hoàn thành tốt công việc của mình mà không để tay mình bị hoen ố.

Việc ông được chọn làm Thượng thư bộ Lại [tựa như Bộ Nội vụ ngày nay] cho Hoàng đế Bảo Đại vào năm 1933 gần như là tự động. Tuy ông vượt qua nhiều đại thần thâm niên trong triều nhưng ông có vẻ như một lựa chọn hiển nhiên. Tuy nhiên, đó là một lựa chọn mà người Pháp sẽ lấy làm tiếc.

Là một quan chức tương đối trẻ tuổi, Diệm đã tận tâm tuân thủ, và thực hiện, các mệnh lệnh, mặc dù ông đã rất buồn bực trước những bất công mà lực lượng khởi loạn đã khai thác. Ban đầu ông nghĩ người Pháp thành thật khi nói chuyện cải cách. Đi liền với trách vụ là việc nhận thức được rằng họ không hề như thế. Thay vì mở rộng thẩm quyền của triều đình, người Pháp lại có ý định cắt giảm nó.

Bị quấy rối bởi những tay chân của người Pháp trong Nội các vốn trung thành báo cáo mọi nhận xét phê phán mà Diệm đưa ra, và giận dữ trước những sự kiện mà ông cho là thể hiện sự thiếu thiện chí của người Pháp khi họ không chịu trao quyền hạn thực sự cho Viện Dân biểu Trung kỳ vốn phần nào cũng do dân cử, Diệm quyết định từ chức. Trong 21 năm kế tiếp, ông không đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào, hoặc thậm chí làm việc gì đó để kiếm sống. Tuy sống nhờ vào lòng thương và trợ cấp của các anh em, ông không bao giờ quên đi, theo cách bí ẩn của ông, vai trò lãnh đạo mà ông chắc chắn mình sẽ đảm nhiệm trong chính sự Việt Nam. 

Các báo cáo cho biết Việt Minh đã kết án tử hình ông (cùng việc ông từ chối sự bảo vệ của Pháp) khiến Diệm phải rời Việt Nam vào năm 1950. Sau khi đi qua Nhật Bản, Ý, Philippines, Mỹ, và Bỉ, ông đến Pháp vào năm 1953. Theo tiểu sử chính thức của ông (*) “Ông cảm thấy rằng sắp đến ngày ông phải chăm lo cho vận mệnh của đất nước mình.” Vào ngày 7.6.1954, một tháng sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, lời cầu nguyện của ông đã được đáp ứng, Bảo Đại đã giao phó cho ông tất cả các quyền lực mà trước đây được chia sẻ giữa vua và thủ tướng.

Ít ai nhìn thấy Diệm bước xuống máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhứt vào ngày 25.6.1954, cảm thấy rằng một Jeanne d’Arc cứu tinh mới đã đến với họ. Ông chậm rãi bước xuống cầu thang, dừng lại để liếc nhìn bãi dây kẽm gai phủ cả mấy mẫu mà người Pháp đã vội vã giăng ra để bảo vệ máy bay của họ khỏi các cuộc đột kích của du kích, rồi rụt rè vẫy chào vài trăm người bạn và những người chúc mừng đã tụ tập để đón ông. Ngày hôm đó nóng nực, nặng nề, và ngột ngạt. Điểm nhấn màu sắc duy nhất trong khung cảnh ảm đạm này là một ông già quấn khăn rằn đỏ và mặc áo dài màu xanh da trời. Tin tức từ Bắc Kỳ thì tệ: từ Genève còn tệ hơn.

“Kể cho tôi nghe về Diệm đi,” tôi nói với một người bạn Việt Nam, khi nhân vật thấp đậm, trông trẻ trung khác thường bước ra từ quá khứ, rảo chân vững chãi trên đường băng. Người bạn của tôi kể về ước vọng ban đầu của Diệm muốn trở thành linh mục, về lời tuyên khấn độc thân sau đó của riêng ông, về những giờ ông thường dành cho cầu nguyện mỗi ngày. “Coi bộ ông ấy quá giống một linh mục khó mà kéo được Việt Nam ra khỏi mớ hỗn độn này”, tôi gợi ý.

“Không ra một linh mục đâu”, người bạn Việt Nam nói, “Ít nhất thì một linh mục cũng biết về cuộc sống thông qua tòa giải tội. Diệm là tu sĩ sống sau những bức tường đá. Ông ấy chẳng biết gì cả.”

(còn nữa)

—–

* Denis không nêu rõ cuốn tiểu sử chính thức này là gì. Matthew B. Masur trong luận án tiến sĩ năm 2004 trích dẫn tài liệu “President Ngo Dinh Diem”, Press Office of Presidency of the Republic of Viet Nam, Saigon, 1957; có lẽ do một cơ quan kiểu như Nha báo chí Phủ tổng thống VNCH xuất bản.

Phạm Viêm Phương giới thiệu và chuyển ngữ.