Nho sĩ cuối cùng (kỳ 3), Denis Warner, Phạm Viêm Phương giới thiệu

Đầu năm 1944, Hòa Hảo thành lập lực lượng quân sự riêng, đội ngũ của họ tăng lên nhờ những người cải đạo có tư tưởng chống Pháp mạnh mẽ mà Huỳnh Phú Sổ thu hút được trong giới nông dân. Người Nhật đã bảo vệ Huỳnh Phú Sổ chống lại chính quyền Pháp, và nhiều nhóm võ trang Hòa Hảo và các đơn vị vệ binh đã xuất hiện ở phía tây nam Sài Gòn. Trong số những người chỉ huy của họ có Trần Văn Soái [Năm Lửa]. Các cuộc thảo luận giữa Việt Minh và Hòa Hảo, với mục đích tiến hành cuộc đấu tranh chung chống lại người Pháp, đã không đạt được bất kỳ tiến triển nào, và vào tháng Chín 1945, Việt Minh thảm sát hàng trăm tín đồ Hòa Hảo tại Cần Thơ. Năm Lửa đã đáp trả mạnh mẽ, và các cánh đồng lúa xung quanh Cần Thơ đã trở thành hiện trường của cuộc tàn sát. Sự can thiệp của Pháp đã chấm dứt các cuộc giết chóc tái diễn liên tục này, nhưng nó cũng có tác dụng đẩy Hòa Hảo và Việt Minh lại gần nhau trong mục tiêu chung. Vào tháng Sáu 1946, dưới sự chỉ huy của Năm Lửa, Hòa Hảo bắt đầu các chiến dịch có tổ chức nhắm vào Quân đoàn viễn chinh Pháp.

Giống như liên minh Việt Minh – Bình Xuyên, mối quan hệ đối tác này không tồn tại lâu dài. Việt Minh, cực kỳ nghi ngờ Huỳnh Phú Sổ, đã bắt giữ nhà tiên tri này và hành quyết ông vào cuối tháng Tư 1947 [có tài liệu chính thức ghi nhận vụ này xảy ra ngày 22.12. 1947]. Trần Văn Soái ngay lập tức bước sang hàng ngũ của Pháp, mang theo một lực lượng gồm hai ngàn binh lính võ trang. Ông được thu nhận vào Quân đoàn Viễn chinh Pháp với cấp bậc tướng và được giao nhiệm vụ “bình định” các khu vực do ông kiểm soát. Từ đó, quân đội Hòa Hảo có tên trong bảng lương của Pháp.

Với các giáo phái, Diệm không có tư thế của một nhà lãnh đạo quốc gia mà giống như một đối thủ cạnh tranh khó chịu, và có thể gây nguy hiểm nếu không khống chế được. Bảy Viễn hiểu rằng nhân vật Diệm trọng đạo đức này khó mà bị cám dỗ để chấp nhận chia chác nguồn lợi từ 1.200 gái làng chơi đang phục vụ tại những căn phòng toàn gương. Năm Lửa và bộ hạ cũng như phái Cao Đài cũng hiểu rằng cơ hội thọc tay vào nguồn lực tài chánh của Pháp sẽ mau chóng kết thúc và họ sẽ cần phải hành động nhanh để xác lập những yêu sách của mình.

Mặc cho tâm trạng bất an này trong các giáo phái, Diệm vẫn chịu áp lực phải làm việc với họ. Sau khi nội các đầu tiên vắn số của ông sụp đổ, Diệm miễn cưỡng lấp vào những chỗ trống này bằng bốn bộ trưởng từ hai phái Cao Đài và Hòa Hảo. Một người Mỹ vốn có lẽ am hiểu nội tình hơn bất kỳ ai khác, và cũng là người được tiếng là có thiện cảm với Diệm, đã viết về thời này: “Từ tháng Chín, Diệm đã hoàn toàn lệ thuộc vào hậu thuẫn của Mỹ đến nỗi nếu ngày nào đó không có nó hẳn ông ta đã sụp đổ. Tuy vậy ông ta vẫn không tiếp nhận ý kiến cố vấn, không chịu thỏa hiệp. Những việc ông ta làm đều do người Mỹ gợi cảm hứng, người Mỹ hoạch định, và được thi hành với sự hướng dẫn sâu sát của người Mỹ.”

Điều này không có nghĩa là người Mỹ tại chỗ, hoặc ở Washington, bị cuốn theo mặc cảm giống như Đấng cứu thế của Diệm. Nhiều người nghĩ rằng ông ta gần như vô vọng. Nhưng khi nhìn vào các giải pháp thay thế, họ lại càng nản. Một thí nghiệm khác với Bảo Đại ư? Cầu Chúa ngăn chuyện đó! Một Bảy Viễn giang hồ, chủ nhà chứa, và mù chữ ư? Không thể nào. Tướng Năm Lửa, cũng mù chữ, lãnh đạo Hòa Hảo ư? Không. Không. Hộ pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài ư? Vô lý. Chỉ có Diệm, và phải là Diệm thôi.

Nhưng không ai vui về điều đó. Tướng Lawton Collins, người vừa tiếp nhận Đại sứ quán Mỹ, đã khuyên nên bỏ rơi Diệm càng sớm càng tốt. Binh lính Việt Nam đã đổi phe và gia nhập Việt Minh, hoặc đào ngũ. Quân đội dưới sự lãnh đạo của tướng Nguyễn Văn Hinh, tham mưu trưởng, đã bị phân hóa. Vào thời điểm này, Diệm chỉ có thể trông cậy vào lòng trung thành của không quá hai tiểu đoàn.

Về mặt chính trị và cơ sở vật chất, đất nước đang trong tình trạng khốn khổ. Kênh đào, đường bộ, đường sắt, dịch vụ điện thoại và điện tín đã bị phá hủy hoặc rơi vào tình trạng hư hỏng. Đường bộ và cầu đường sắt đã bị đánh bom. Một số vùng của đất nước đã nằm trong tay của Việt Minh trong chín năm và bây giờ chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng.

Chính quyền chỉ còn trên danh nghĩa. Cao Đài kiểm soát vùng nông thôn phía tây Sài Gòn. Hòa Hảo rất mạnh ở đồng bằng Nam Kỳ. Bình Xuyên nắm Sài Gòn. Ở những nơi khác, Việt Minh đã chỉ huy. Diệm không có gì để thực thi quyền lực của mình. Với hai bên Pháp và Việt Nam luôn lăm le xung đột, guồng máy công chức, như hiện có, đã tan rã. Các viên chức Việt Nam, ngay cả những người làm việc trong Sở Mật thám, cũng chẳng buồn giả vờ hợp tác với người Pháp nữa. Ví dụ, có lần tôi rất muốn tìm một người bạn từ Hà Nội vốn đã mất tích trong dòng người tị nạn. Tôi đã hỏi thăm thông qua Nguyễn Văn Hương [?], người từng đứng đầu Sở Mật thám ở Bắc Việt và hiện có một chức vụ nhỏ ở Sài Gòn.

“Người Pháp đã ra lệnh bắt giữ ông ấy”, Hương nói. “Nếu tôi biết ông ta ở đâu thì tôi phải bắt giữ.” Ông ta ngập ngừng chốc lát rồi nói thêm, “Nhưng nếu ông đến địa chỉ này ở Chợ Lớn và nói tôi phái ông đến, tôi chắc rằng ông sẽ tìm thấy ông ta.”

Một trong những hành động tích cực đầu tiên của Diệm là yêu cầu người Mỹ trợ giúp di chuyển những người tị nạn từ miền Bắc. Lời kêu gọi của ông gởi tới Washington và những người Công giáo ở Bắc Việt đều thành công như nhau. Đột nhiên, một làn sóng người tị nạn đổ về Sài Gòn. Theo lời khuyên của các linh mục, hàng trăm ngàn người Công giáo miền Bắc đã từ bỏ mọi thứ, nhà cửa, trâu bò, và đồng ruộng của họ, và không có gì hơn những món họ có thể mang vác theo, họ đổ xuống các con tàu của Mỹ và Pháp tại cảng Hải Phòng. Việt Minh vốn nhìn thấy cuộc di cư này là một sự mất thể diện trầm trọng, đã cố gắng ngăn chặn làn sóng này bằng các biện pháp cản trở hợp pháp và cả sự tàn bạo nữa. Họ chỉ thành công trong việc khiến những người Công giáo càng quyết tâm trốn thoát hơn bao giờ hết. Các số liệu công bố thì khác nhau, nhưng có khoảng 800.000 người tị nạn đã đổ vào các trại tị nạn không đủ tiêu chuẩn và được dựng lên vội vã xung quanh Sài Gòn. Ban đầu tình trạng này tất yếu trở thành nơi sinh sôi của bệnh tật và sự bất mãn, mặc dù việc tái định cư cho số dân này sau cùng phải được xem như một trong những thành tựu lớn của Diệm, cho dù điều đó không nhất thiết khiến ông giành được thiện cảm hơn của người dân miền Nam vốn đôi khi có vẻ coi đám dân tị nạn này như những “người xa lạ” được ưu đãi.

Đức Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939.

Với một chính quyền có năng lực và tổ chức tốt nhất, giai đoạn này hẳn vẫn là vô cùng khó khăn. Đối với Diệm, việc có được một chính quyền như thế thì gần như bất khả. Ông tỏ ra bối rối trước quy mô của những vấn đề mà ông phải đối mặt. Việc thiếu hành động kịp thời của ông đã tạo thuận lợi cho những người muốn miêu tả ông chỉ như một thủ lãnh giáo phái khác. Chỉ trong lời cầu nguyện và sự hướng dẫn của gia đình, ông mới tìm được sức mạnh thực sự. Và thậm chí một số anh em của ông cũng cảm thấy hoài nghi. Giám mục Thục, cùng nhiều người khác, đã khuyên ông từ bỏ nhiệm vụ dường như vô vọng của mình.

Đến lúc cần đưa ra quyết định quan trọng, Diệm đã gác bỏ lời khuyên từ chức đầy thiện chí này. Thay vào đó, ông đã gây ra cuộc khủng hoảng đầu tiên trong một loạt các cuộc khủng hoảng dài bằng cách điều động Tướng Hinh, tham mưu trưởng thiếu trung thành của mình, đi công cán ở Pháp. Đây là Diệm, một viên quan, sử dụng quyền lực mà không có quyền lực. Hinh là một chàng trai trẻ với cái nhìn lạc quan về cuộc sống đặc trưng của một người từng là sĩ quan Không quân Pháp. Ông không có tham vọng thực sự nào về quyền lực chính trị, và rõ ràng là ông bối rối về vị trí của mình đối với Bảo Đại nếu ông ta thực sự cố gắng đảo chính. Tuy nhiên, trong một tuần hoặc hơn, trong khi Mỹ đang quyết định xem có nên ủng hộ Diệm hay không, Hinh đã có cơ hội. Diệm đã đưa một đội cận vệ được tăng cường và trung thành từ Huế vào, nhưng họ chắc không phải là đối thủ của lực lượng Hinh.

Khi cuộc khủng hoảng này qua đi, Diệm đã loại bỏ được Hinh nhưng gần như hoàn toàn bị cô lập. Chỉ có gia đình và sự ủng hộ miễn cưỡng của người Mỹ mới giữ được ông khỏi bị sụp đổ. Với Bình Xuyên làm chủ xướng, các giáo phái đã gần như nổi loạn. Tuy nhiên, khi đến cao điểm, không có sự thống nhất nào trong phe đối lập, hoặc có lẽ Cao Đài và các nhà lãnh đạo Hòa Hảo thực sự đã vạch ra giới hạn không chịu phục vụ dưới quyền một chủ nhà chứa mù chữ.

Trong thời gian này, lực lượng Việt Minh ở miền Nam đã tập hợp lại và một phần đã ra Bắc. Trong khi ở Bắc Kỳ, Việt Minh đã chuẩn bị đầy đủ và có được cả bộ máy hành chánh và công cụ kiểm soát để tiếp quản các vùng “giải phóng”, Diệm không có gì cả. Ông không có thời gian và phương tiện để tổ chức bất kỳ loại sắp xếp bí mật nào ở miền Bắc cũng như không có khả năng tiêu diệt lực lượng ngầm của Việt Minh  ở miền Nam. Mọi thứ đều có lợi cho Hồ: mọi thứ đều chống lại Diệm. Các nhóm Công giáo ở lại miền Bắc có thể trở thành một đạo quân nội gián lý tưởng, nhưng chỉ trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác. Trong tình hình này, Diệm không có khả năng khởi xướng hay ngăn chặn, mà chỉ có thể sống sót.

Sự may mắn, người Mỹ, và lòng dũng cảm kiên cường của chính ông, là những yếu tố chủ yếu giúp ông sống sót. Đôi khi ông có vẻ choáng váng nhưng vẫn không muốn chấp nhận sự hướng dẫn. Các đại sứ cố gắng đề đạt ý kiến tư vấn và thấy ý kiến của họ bị coi thường. Tổng ủy viên Anh tại Đông Nam Á, Malcolm Macdonald, người đang hậu thuẫn các yêu sách của Bác sĩ Phan Huy Quát, một thành viên của Đảng Đại Việt cực hữu từ Bắc Việt, đã ra về trong tình trạng kiệt sức sau một phiên họp với Diệm. “Ông ta là thủ tướng tệ nhất mà tôi từng thấy”, ông nói.

Cuộc khủng hoảng lớn thứ hai của chế độ Diệm xảy ra vào đầu năm 1955 khi người Pháp tuyên bố rằng họ dự định ngừng trợ cấp cho các giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài. Bảy Viễn, bực bội vì việc đóng cửa các nhượng quyền cờ bạc của mình, một lần nữa trở thành đồng minh hăng hái của hai giáo phái trên để đối đầu sống mái với Diệm. Tuy nhiên, trước khi liên minh của họ kịp hình thành, hàng ngũ của họ đã bị chia rẽ. Diệm đã thu phục được người đổi phe thực sự đầu tiên, Tướng Trịnh Minh Thế, nhân vật phản diện bản xứ trong “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng) của Graham Greene, đã tập hợp lực lượng và với một khoản mua chuộc hậu hĩnh đã đồng ý trung thành với Diệm.

Ba nhà lãnh đạo giáo phái yêu cầu Diệm phải thành lập một chính phủ thống nhất quốc gia. Nhiều người tin rằng ông ta phải chấp thuận. Họ nhấn mạnh rằng sự thống nhất là điều cần thiết vào thời điểm này. Quan điểm của Diệm là ông phải chứng minh được sự vượt trội của mình so với các giáo phái hoặc mãi mãi phải phục tùng họ. Ông không hề cố gắng điều đình với các thành viên của các giáo phái trong Nội các. Ngược lại, ông cố tình coi thường họ trong khi công khai vận động để giành được sự ủng hộ của các nhóm bất đồng chính kiến ngay trong nội bộ của họ. Ông sử dụng lời hứa về sự hòa nhập vào quân đội quốc gia như một võ khí chính trị, và với đôi mắt mở to bám sát tình hình, đầu tiên là kích động các giáo phái đi tới một tối hậu thư và cuối cùng là cho cuộc chiến nổ ra vào ngày 29 tháng Ba, và bùng nổ một lần nữa một tháng sau đó.

Ông cũng phá vỡ những nỗ lực của người Pháp và Bảo Đại nhằm lật đổ ông. Khi cuộc xung đột đang tiếp diễn, và lực lượng Bình Xuyên sụp đổ mau chóng trước sự ngạc nhiên của nhiều người Việt và nước ngoài, Diệm nhận được công điện của Bảo Đại ra lệnh cho ông đến Cannes để trao đổi ý kiến. Ông được chỉ thị đi cùng Lê Văn Tỵ, người được ông bổ nhiệm làm tham mưu trưởng quân đội quốc gia, và bàn giao quân đội cho tướng Nguyễn Văn Vỹ, một người của Bảo Đại [được Bảo Đại phong làm quyền Tổng tham mưu trưởng tháng Mười một 1954]. Tại Paris, người Pháp liên kết với Bảo Đại để chống Diệm, và mệnh lệnh điều Diệm đến Cannes được nối tiếp bằng một tuyên bố của Edgar Faure, thủ tướng Pháp, rằng chính phủ của Diệm không đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ.

Thủ tướng Diệm gắn lon thiếu tướng cho Trình Minh Thế (13.2.1955). Nguồn: Hồn Việt

Diệm trả lời bằng một công điện nói rằng việc ông rời khỏi Sài Gòn lúc này sẽ gây hại cho lợi ích quốc gia, và, mặc cho áp lực mạnh nhất của Pháp, Randolph Kidder, lúc đó là đại biện lâm thời của Mỹ trong thời gian vắng mặt tướng Collins, đã hết sức hậu thuẫn Diệm. Kidder công khai bất đồng với tướng Ely, tổng tư lệnh lực lượng Pháp, vốn vừa muốn đẩy Diệm đi Cannes vừa muốn dàn xếp việc ngưng bắn.

Tuy nhiên, tình cảnh với Diệm có vẻ vô vọng. Lần này, ông thoát nạn nhờ vợ chồng em trai Ngô Đình Nhu. Nhu, người rất chống Cộng và hiểu biết về chiến thuật của Cộng sản đến mức ông thường dùng phương pháp Cộng sản trong các hoạt động chính trị của mình, đã tập hợp một hội đồng gồm những người mà ông gọi là “lực lượng cách mạng dân chủ quốc gia”. Những tiền sự trước đó đều được bỏ qua. Bất kỳ ai chống lại Bảo Đại và chống lại người Pháp đều được chào đón. Do không có bất kỳ thẩm quyền hiến định nào, hội đồng tồn tại trong thời gian ngắn này dưới sự chỉ đạo của Nhu đã tự tiến hành các thủ tục pháp lý, chỉ định một Ủy ban Cách mạng, ủy ban này lại yêu cầu hội đồng chấp thuận các biện pháp mà Nhu cảm thấy Diệm cần thực thi trong cuộc đấu một-chống-ba với Bảo Đại, người Pháp, và các giáo phái.

Vì hai thành viên của Ủy ban Cách mạng từng là chính ủy Việt Minh, nên không có gì ngạc nhiên khi Sài Gòn trong một khoảnh khắc tự hỏi liệu Hồ Chí Minh có sắp tiếp quản [miền Nam] trước thời hạn hay không. Tuy nhiên, Nhu đã nắm chắc vấn đề trong tay. Tôi đã đến gặp ông trong dinh tổng thống để hỏi về những thành viên đáng ngờ này của ủy ban. Nhu nói rằng họ “năng động và cách mạng”, và đổ lỗi cho người Pháp đã tung tin đồn về họ. “Vấn đề với tất cả các đại sứ quán ở đây là họ chỉ bảo trợ cho các chính quyền trong quá khứ và không có cái nhìn rõ ràng về tình hình hiện tại,” ông nói với tôi. “Chúng tôi đã chia tay với những xác chết chính trị đó cùng những ý tưởng lỗi thời của chúng. Người Mỹ nên ghi nhớ mục tiêu chính, đó là chống lại Cộng sản.” Nhu có phương pháp chiến đấu riêng của mình. Năm 1962, khi theo lệnh của ông, Nguyễn Bảo Toàn, cựu chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cách mạng và là một người quốc gia, đã bị thủ tiêu.

Dưới những chiếc đèn chùm lấp lánh của Dinh Độc Lập, Diệm và hai tướng lãnh đã họp để nghe yêu cầu của Tướng Vỹ rằng ông phải tiếp quản quân đội theo lệnh của Bảo Đại. Ủy ban Cách mạng, nóng nảy và phấn khích sau khi ném bức ảnh của Bảo Đại ra khỏi cửa sổ Tòa Đô chánh, đã đợi ở một phòng chờ trong khi các cuộc đàm phán diễn ra. Vỹ từ phòng họp bước ra với nụ cười đắc thắng để rồi bị một thành viên của Ủy ban Cách mạng chặn lại, chĩa súng lục vào ông ta và nói, “Ông đã bị bắt.”

Vỹ quay lại phòng họp, nơi Tỵ và Diệm đang nói chuyện. Ủy ban Cách mạng đuổi theo ông ta. Trước mặt Diệm, họ lột huy hiệu cấp bậc [nay thường gọi là quân hàm] của Vỹ, và một trong những thành viên ủy ban xin được kết liễu ông ta. Nhưng Diệm, như câu chuyện kể lại, phản đối rằng ông không muốn máu đổ trên lớp thảm Trung Hoa. Khi Vỹ bị đe dọa hạ sát thì có lời hăm dọa tấn công của binh lính nhảy dù nhắm vào Diệm nếu Tướng Vỹ bị hại. Ông được thả sau khi tuyên bố đồng ý từ bỏ Bảo Đại.

Một giờ sau, thoát khỏi mũi súng của ủy ban, Vỹ nỗ lực lần cuối cùng để giành quyền lực. Người Pháp đã bật đèn xanh cho Ngự lâm quân của Bảo Đại, và Vỹ, tại một cuộc họp báo, thông báo rằng tuyên bố của ông ta vào tối hôm trước đã được đưa ra dưới sự ép buộc và rằng, nhân danh Bảo Đại và với sự ủng hộ trung thành của 90% quân đội, ông ta hiện giành lại quyền kiểm soát chính phủ.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông đưa ra tuyên bố này, Tướng Tỵ đã tập hợp Đại tá Dương Văn Minh, chỉ huy lực lượng bảo vệ thủ đô, và Đại tá Trần Văn Đôn, thường được coi là quân nhân giỏi nhất của Nam Việt Nam, về phe Diệm. Vào buổi chiều, Vỹ chạy lên Đà Lạt và sau đó đến Paris. Tướng Hinh, vội vã từ Cannes về để tăng cường cho cuộc lật đổ, đã dừng lại ở Phnom Penh, thủ đô Cambodia.

Diệm, lúc này đang thắng thế, chính thức yêu cầu Tướng Ely giải tỏa mọi rào chắn, và lực lượng chính phủ vượt các con kinh tiến vào lãnh thổ Bình Xuyên và đẩy Bảy Viễn bị thương lui về vùng đầm lầy và cứ địa trong rừng.

Trận kháng cự cuối cùng với xuồng máy và một đại đội của ông ta đã làm chết Tướng Trình Minh Thế. Năm Lửa tăng viện lấy lệ với 200 quân như một cách bày tỏ tình đoàn kết giữa các giáo phái, mặc dù toán quân này không tham chiến, và Hộ pháp Tòa thánh Tây Ninh [Phạm Công Tắc] từ chối thực hiện nghi lễ an táng cho thi hài Trình Minh Thế [họ kết tội ông đã hợp tác với Diệm] khi đám rước đưa xác di chuyển từ Sài Gòn về tới Tây Ninh.

Mấy trăm cây số vuông của Chợ Lớn, đô thị sinh đôi của Sài Gòn, rơi vào cảnh hoang tàn. Nhiều đám cháy bùng lên vì đạn pháo, và khi quân Bình Xuyên rút sang bên kia Kinh Tàu Hủ, cứ địa của Bảy Viễn, họ đã phóng hỏa dãy nhà gỗ chen chúc hai bên bờ kinh và lửa lan ra cả cây số trên những nhánh đường phụ dẫn tới đường Galliéni [sau 1955 đổi thành Trần Hưng Đạo]. Cả khu vực này bốc cháy. Những người tị nạn từng chạy trốn Việt Minh ở Bắc Kỳ và tái định cư ở đây đã mất tất cả những gì họ dành dụm được. Sài Gòn đã đủ bi thảm trước đây, nhưng lúc này, đường phố lại tràn ngập những nhóm người tị nạn mới, họ trú dưới mái hiên khách sạn và cửa hàng vào ban đêm. Phân người rải kín quảng trường trước Khách sạn Continental, và mùi hôi của rác rưởi tỏa suốt đường Catinat.

Hàng ngàn ngôi nhà, cửa hàng, và ngành tiểu thủ công nghiệp bị phá hủy, cùng với vô số thường dân vô danh. Một ước tính sơ bộ cho thấy số người thiệt mạng là 500 và số người bị thương là một ngàn. Con số này có thể còn cao hơn nhiều lần. Ở Sài Gòn, hàng chục người có gia đình ở Chợ Lớn không còn gặp lại hoặc nghe được tin tức về họ nữa. Hy vọng rằng họ đã chạy trốn về quê khi cuộc giao tranh bắt đầu dịu đi từng ngày. Trong đống tro tàn của Chợ Lớn có rất nhiều thứ từng là xương thịt con người. Một đồng nghiệp của tôi đã hỏi một nhóm người đào bới rằng họ hy vọng tìm thấy cái gì. “Xác… hay là tiền,” họ đáp.

Cứ địa Bình Xuyên rơi vào đổ nát. Bảy Viễn nuôi nhiều thú ở đây. Cá sấu sống trong hào nước giữa nơi ông ăn ở và nơi ông làm việc. Một con báo đã trưởng thành bị xích đứng canh gác bên ngoài cửa phòng ngủ của ông. Một con trăn quấn mình quanh các cột nhà chính, và một con cọp cái nằm trong một cái chuồng gần đó. Tất cả đều đã chết vì đạn cối hoặc đại bác. Để tăng thêm phần ly kỳ và rùng rợn, Trần Văn Khiêm, anh trai của Bà Nhu, lúc đó đang làm sĩ quan báo chí cho Diệm, đã thông báo rằng người ta tìm thấy xương người và các mảnh quân phục Việt Nam trong chuồng của con cọp cái.

Diệm truy đuổi các nhóm bất đồng chính kiến vào tới đồng bằng sông Cửu Long và về phía tây hướng tới biên giới Cambodia, nơi tướng Hinh hiện đã hợp lực với tướng Vỹ và Hòa Hảo. Cuộc kháng cự ở đây không kéo dài được lâu. Nó dằng dai thêm vài tháng nữa ở đồng bằng phía nam, nơi một thủ lãnh Hòa Hảo tên là Lê Quang Vinh [biệt danh Ba Cụt], vốn từng phê phán Diệm là “quá thụ động” trước Hiệp định Genève, vẫn giữ được cứ địa. Thị trấn Cái Vồn ven sông Hậu là trụ sở của Ba Cụt. Tại đây, ông ta sống với người vợ thứ, Cao Thị Nguyệt. Lúc 17 tuổi, vị thủ lãnh trẻ này đã chặt đứt một ngón tay của mình để tự nhắc nhở phải luôn chống Pháp. Khi Hiệp định Genève trao Bắc Việt cho Việt Minh, ông ta đã thề không bao giờ cắt tóc cho đến khi Việt Nam thống nhất. Một năm sau, Diệm cắt nó cho ông ta bằng máy chém.

Bảo Đại rối trí khi không có mặt trong nước. Bị gia đình hướng dẫn và tác động, Diệm đã truy đuổi ráo riết những đối thủ của mình. Vào ngày 23.10.1955, ông tổ chức trưng cầu dân ý, yêu cầu người dân Nam Việt Nam lựa chọn giữa Bảo Đại và ông ta. Mặc dù mọi người đã đến các thùng phiếu và bỏ phiếu, và ở một số khu vực bầu cử, số phiếu bầu đã vượt xa số người trong danh sách cử tri, nhưng cuộc trưng cầu dân ý không phải là, và không được dự trù là, một đợt thực tập về các thủ tục dân chủ. Giống như cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội sau đó của Diệm, nó được dự định là một cuộc bày tỏ tập thể về lòng trung thành với guồng máy cầm quyền. Hiểu như vậy thì đó là một thành công to lớn. Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa với ông ta là Tổng thống. Như ông đã nói, “Giấc mơ của cuộc đời tôi đã thành toàn.”

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Tòa Đô chánh Sài Gòn

Trong một chương trình phát thanh với người dân Việt Nam vào ngày 16.7.1955, ông đã bác bỏ ý tưởng bầu cử thống nhất với Việt Minh. “Chúng ta không ký Hiệp định Genève”, ông nói. “Chúng ta không bị ràng buộc theo bất kỳ cách nào bởi những thỏa thuận được ký kết trái với ý muốn của người dân Việt Nam…. Chúng ta sẽ không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào cho phép thống nhất quê hương của chúng ta trong tự do, nhưng chúng ta không thể xem xét bất kỳ đề xuất nào từ Việt Minh nếu không có bằng chứng cho thấy họ đặt lợi ích tối thượng của cộng đồng quốc gia cao hơn lợi ích của chủ nghĩa cộng sản.” Cuộc thử thách thực sự sắp bắt đầu.

Diệm bị chỉ trích rất nhiều vì những hành động của mình trong thời gian này. Những người chỉ trích ông, đặc biệt là người Anh và người Pháp, cảm thấy rằng năng lượng mà ông dành cho cuộc chiến với Bình Xuyên tốt hơn nên được dành cho việc thu phục tình giao hảo và sự ủng hộ của họ trong một liên minh thực sự của các lực lượng phi Cộng sản. Nhưng, như chính Diệm đã nêu câu hỏi vào tháng Năm 1955, khi Bình Xuyên bị đánh đuổi khỏi Sài Gòn, “Nếu trong năm 1954 Tướng de Gaulle, tại Paris đã được giải phóng, đối mặt với băng nhóm võ trang giống như Bình Xuyên vốn duy trì lực lượng biệt kích bằng nguồn tiền lấy từ các sòng bạc và tiệm hút hợp pháp và sẵn sàng gây nội chiến để bảo vệ những đặc quyền lãnh chúa của họ thì tướng quân sẽ áp dụng chính sách nào?”

Diệm nói đúng. Bình Xuyên phải bị xóa sổ thôi.

HẾT CHƯƠNG 5

Phạm Viêm Phương giới thiệu và chuyển ngữ.

*Nho sĩ cuối cùng, Denis Warner, Phạm Viêm Phương giới thiệu

* Nho sĩ cuối cùng (Kỳ 2), Denis Warner, Phạm Viêm Phương giới thiệu