Phạm Công Luận: Vài nét chấm phá về đồ gỗ Sài Gòn
Theo bài viết của André Coué, đăng trên báo Idochine hebdomadaire illustré, số 169 ra ngày 25-11-1943, người Pháp sau khi chiếm được Nam kỳ, ngày 17-2-1859, khi họ tìm kiếm đồ gỗ bản địa trong thành Sài Gòn chỉ tìm thấy những chiếc giường quê mùa, những chiếc bàn thờ cao có chân, những chiếc tủ chè mà bụi và không khí rất dễ lọt vào và các thứ bày trong nhà mà họ không biết để làm gì. Sau đó, các lính thuỷ bắt đầu đưa các đồ gỗ phương Tây lên bờ, đó là các rương (hòm) bằng gỗ đựng đồ, là những món đồ gỗ đầu tiên của phương Tây xuất hiện ở đây.
Xác lập xong cơ sở đầu tiên ở Nam kỳ, họ tiếp tục đưa các đồ gỗ từ châu Âu sang như tủ com-mốt có kích thước lớn, gương đứng xách tay, bàn một chân, bàn viết… Họ cũng nhập vào Nam kỳ đồ gỗ, gỗ ván và khung nhà từ Singapore và Ấn độ. Một bức tranh minh hoạ trong cuốn Illustration cho thấy bày biện trong nhà gồm có tràng kỷ lớn bằng mây, ghế có tay vịn vươn ra, ghế bành và bàn một chân.
Tuy nhiên, ở Nam kỳ lúc đó đã có sẵn thị trường đồ gỗ dành cho người trong xứ. Trong một bài viết của A.Lomon trong báo L’Illustration năm 1864 nêu: “… Chín phần mười nhà cửa bằng gỗ. Người bản xứ rất khéo léo trong nghề mộc. Ở Sài Gòn ta thấy những tiệm bán đồ gỗ điêu khắc một cách công phu và mỹ thuật, chạm trổ như ren. Họ biết làm ra những sản phẩm khảm xà cừ thật đẹp…” (dẫn theo Phan Thị Yến Tuyết – bài Vài nét về nhà cửa Sài Gòn xưa). Có thể các sản phẩm trưng bày ở đây được đưa từ Huế vào hoặc của người Hoa chế tác.
Một lớp thợ mới và xường gỗ xuất hiện ở Nam kỳ
Năm 1901, người Pháp lập ra trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một (École d’art indigène de Thu Dau Mot) ở Bình Dương. Trong quá trình phát triển, trường dạy tổng hợp tất cả nghệ thuật trang trí nội thất bao gồm bốn nghề, mỗi nghề tương ứng với một ban: Ban tế mộc công (nghề làm mộc, đóng tủ bàn ghế), Ban điêu khắc (chạm khắc gỗ, khảm và đá cẩm thạch), Ban sơn mài, Ban vẽ kiểu mộc và trang trí. Theo các tài liệu, đến năm 1923, khi nhà chuyên môn làm đồ gỗ (Spécialiste de l’ébénisterie) là ông Delafosse ở Paris sang chấn chỉnh thì trường Bá nghệ mới được công chúng quan tâm. Trường dạy cho người bản xứ trở nên những tay thợ giỏi trong nhiều nghề như: đóng bàn ghế, điêu khắc, đánh sơn (laquer), hội họa, đánh dầu (pernissage) v.v. có những nghề mà nếu đem so sánh với ngoại quốc thì không thua sút. Trước khi đóng đồ gỗ, ông Delafosse ra kiểu cho học trò vẽ, mỗi người có góc nhìn khác nhau, có thể thể hiện màu sắc và kiểu dáng tuỳ thích. Vẽ xong, ông chọn mẫu vẽ nào tốt nhất để cho thợ đóng. Tuy nhiên, sản phẩm ở đây phần nhiều đều do người Pháp mua do bán giá cao, là đồ tốt, đóng khéo và kiểu rất đẹp. Có thể hình dung đa số đồ gỗ ở đây đóng theo kiểu phương Tây cho dù có thể mang những hoạ tiết kiểu phương Đông.
Một nhân chứng thời đó, ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ xưởng đồ gỗ Vạn Hưng Long ở số 37-39 đường Paul Blanchy, một nhà tư bản có tiếng ở Sài Gòn cho biết khoảng thập niên 1920, nghề này ban đầu hoàn toàn nằm trong tay người Hoa. Theo ông, người Nam kỳ lúc đó không nghĩ đến công nghệ và thương mãi, chỉ xem nghề làm ruộng là đáng trọng. Tuy nhiên, tình hình sau đó đã khác, nhất là khi có nhiều thợ thủ công miền Bắc vào Nam tham gia thị trường đồ gỗ. Năm 1938, các địa chỉ bán đồ gỗ trong thành phố Sài Gòn khá đông đúc, tiêu biểu như: trên đường d’Ormay (nay là Mạc Thị Bưởi) có tiệm Diệp An số 47, Huỳnh Viên số 53, Ngư Hà số 81-83, Đăng Tô số 100. Đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) có tiệm Lai Thành của ông Nguyễn Văn San số 276, Dương Văn Tài số 104. Đường Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo) có tiệm Đại Đồng của ông Nguyễn Văn Bá ở số 245, Đường Albert 1ẻ (nay là Đinh Tiên Hoàng) có tiệm Nam Cường số 75, Hồng Hải số 77, Atelier Dakao số 78 v.v…
Trên tờ báo Phú Thọ Công Thương, số báo 5-6 tháng 12/1941 giới thiệu tiệm Tân Hưng ở số 196 đường Chasseloup Laubat. Ông Mai Ban chủ tiệm là người Bắc vào Sài Gòn năm 1927, có ba năm quan sát về công nghệ ở đất mới này. Sau đó, ông mở xưởng làm đồ gỗ ở đường Verdun (nay là Cách Mạng Tháng Tám) năm 1930. Lúc đó ngành sản xuất đồ gỗ còn yếu chỉ có mỗi mình ông làm nghề này mà cũng không có việc để làm. Do đó, thợ thuyền phải nghỉ việc. Không nản chí, ông cố gắng duy trì công việc, tìm cách liên kết với các nhà tư bản ở đây, đề nghị họ giao việc cho mình khi cần đến. Năm 1931, nghề của ông đã có những chuyển biến tốt nhờ có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm và cẩn thận, khách hàng giới thiệu qua lại. Cho đến năm 1934, với hơn 30 thợ mà xường không hết việc. Cũng có lúc nghề lao đao vì giá gỗ và phụ tùng lên nhưng ông vượt qua được, nhất là khi đồ phụ tùng trong nước đã chế được.
Nghề đồ gỗ ở Nam kỳ được minh hoạ trong cuốn sách tranh Chuyên khảo về Đông dương do trường Mỹ nghệ Gia Định thực hiện 1935. Hầu như các món đồ gỗ trong các bức tranh được vẽ có thiết kế đơn giản, dành cho giới bình dân.
Năm 1942, cũng trên báo này ra ngày 30/4 tiếp tục giới thiệu xưởng đồ gỗ Vạn Hưng Long ở số 37-39 đường Paul Blanchy, nằm phía bên trái chân cầu Kiệu đi về phía Phú Nhuận. Đây là toà nhà xưởng rất lớn khu đó, mái lợp ngói. Chủ tiệm là ông Nguyễn Văn Ngọc (đã nhắc ở trên). Ý thức được vai trò của công nghệ, ông mở xưởng vì thấy xứ này có rất nhiều gỗ tốt. Lúc đó, đồ gỗ chưa được dùng phổ thông nên gặp nhiều khó khăn. Sau 5 năm phát triển, đến năm thứ sáu sản phẩm gỗ bắt đầu thịnh hành, kiểu mẫu bắt đầu thay đổi dẫn đến sức tiêu thụ tăng nhanh chóng và người mở xưởng cũng tăng lên nhanh chóng. Đến lúc đó xưởng có 50 thợ nhưng không kịp làm đồ cho khách.
Đồ gỗ sau 1954
Đến đầu thập niên 1960, đồ gỗ kiểu tân thời, bên trong là gỗ thường, ngoài dán formica nhập từ nước ngoài về đã rất thịnh hành. Loại đồ gỗ này không nặng như đồ gỗ thông thường nên đưa lên lầu cao cũng dễ dàng. Trong đó, có tiệm Vụ Bản là một tiệm đồ gỗ nổi tiếng chuyên sản xuất các loại đồ gỗ kiểu tân thời của ông Trần Đình Thất ở số 83 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Một hoá đơn mà tiệm xuất cho một khách hàng ở nhà số 385/19 đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi) ngày 18 tháng 11 năm 1960, bao gồm một bàn ăn mặt formica xanh, quanh cạnh bàn viền ván sọc 0,8X1,6 m, bốn chân cây gõ đánh dầu vernis vàng cùng tám cái ghế chân chữ Y bọc simili màu xanh kim tuyến, trong có đệm mouse và gòn, chân cây Gõ đánh dầu vernis màu vàng. Tổng cộng là 5.700 đ. Tiệm này rất lịch sự khi ghi cuối Hoá đơn: “Thưa ông, còn lại 5.000 đ xin ông giao cho người cầm Hoá đơn này, kính chào ông!”. Ta hình dung khách đã cọc trước 700 đ, còn 5.000 đ trả sau khi nhận hàng).
Tiệm đồ gỗ Liên Thành, chủ nhân là ông Trần Duy Tênh ở số 362-364 Hồng Thập Tự. Ngày 23 tháng 11 năm 1968, tiệm bán cho một khách hàng ở Thủ Đức một cái giường 1,6X2 m dạng formica vân beo, thành gỗ thao lao, vernis màu. Một tủ hai cánh ngang 1,15 m, mặt trước gắn formica vân beo, hông ván vernis màu. Thêm một nệm mouse trắng và bộ rideau vải bông. Tất cả là 17.500 đ.
Đồ gỗ formica có nhiều màu tươi mới, sáng sủa,. bóng loáng so với đồ gỗ truyền thống thường có màu sậm của vernis, tuy nhiên cũng có điều bất tiện. Nhà nào bị nước ngập tràn vào, chân đồ gỗ dễ bị hư. Chưa kể vách tủ, mép bàn dán formica dễ bị bung qua thời gian.
Nổi tiếng nhất thập niên 1950-1960 là tiệm Phan Văn Nhị ở số 71-73C đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Tiệm này có xưởng mộc trang bị máy móc hiện đại ở số 105-107 đường Minh Mạng, gần ngã ba Vườn Lài, Chợ Lớn và xưởng cưa máy ở số 140 Nguyễn Văn Học (nay là Nơ Trang Long) thuộc Gia Định. Thỉnh thoảng thấy ở những tiệm bán đồ gỗ cũ có đồ gỗ Phan Văn Nhị gắn marque đồng và được giới thiệu trang trọng cho khách. Đồ gỗ Phan Văn Nhị như tủ buýp-phê, salon thùng, salon thẻ có chân bọc đồng, tủ quần áo… hình dáng thon gọn, giản dị kiểu hiện đại không chạm trổ rườm rà, gỗ tốt thường dùng là Gõ đỏ, chỉ cần đánh lại vernis là hiện ra vẻ đẹp chân phương nhưng sang trọng.
Sau năm 1975, nhiều gia đình vượt biên ra nước ngoài, kinh tế khó khăn khiến rất nhiều đồ gỗ cũ mới được bán ra. Lúc đó, đồ gỗ dán formica bộc lộ tính kém bền vững, dễ bong tróc, trong khi đồ đóng bằng gỗ quý như gõ đỏ, trắc, cẩm lai,… vẫn bền chắc, kiểu dáng đẹp đa dạng phong các chỉ cần đánh qua vernis là đẹp tuyệt cho dù trọng lượng khá nặng, không tiện khi cần đưa lên lầu cao. Nhiều món đồ được bày bán trong sân biệt thự cổ 110 Võ Văn Tần của chủ nhà là bà Hai Hoà Hưng. Đến năm 2000, sau khi có luật di sản, phong trào chơi đồ cổ phát triển rầm rộ cùng với giá đất khắp nơi đang lên, nhiều người có tiền bán đất ra đường Lê Công Kiều ở quận 1 mua đồ gốm sứ cổ thu mua từ Bình Định, miền Tây, đồ sứ cổ vớt biển từ các con tàu chìm dọc theo biển Cà Mau, Hội An, Bình Thuận và Hòn Cau. Đó là thời gian trên đường này có nhiều đồ gỗ đẹp xuất sắc theo phong cách cổ như tủ Huế cẩn ốc, cẩn ngà, chạm thủng; bàn cù lá, ghế cẩn kiểu Tây; sập ba thành và tràng kỹ cẩn ốc bằng gỗ Hoàng hoa lý chế tác từ bên Trung Hoa nhập vào Chợ Lớn; tủ chùa, các loại khay gỗ cẩn ốc tuyệt đẹp… đồng thời xuất hiện thêm nhiều nơi bán đồ gỗ cũ như cửa hàng trong bãi giữ xe trên đường Pasteur gần ngã tư Lê Lợi, dưới chân một cây cầu ở quận 8, ngoài quốc lộ ở Đông Thạnh – Hóc Môn… Rảo quanh các cửa hàng đó, toàn bộ thế giới đồ gỗ Sài Gòn cả trăm năm qua hiện ra thật phong phú, đa dạng không kể xiết và không thể biết hết.
Phạm Công Luận