Phạm Đình Trọng: Bi kịch
Cuộc đời ông là một bi kịch lớn.
Ở ông còn giữ được nhiều đức tính tốt đẹp của người nông dân Việt Nam truyền thống: Cả tin. Hồn nhiên. Thật thà. Có ý chí mạnh mẽ thực hiện niềm tin.
Thật thà, cả tin ông mới gửi lòng tin son sắt vào học thuyết cộng sản, cả tin vào xã hội chủ nghỉa, mê mẩn kỳ vọng vào thiên đường cộng sản chủ nghĩa đầy huyễn hoặc, viển vông, lầm lạc, giả dối và độc ác.
Với bản tính thật thà, dù ở cương vị dẫn dắt người dân đang đau khổ, chán nản, tuyệt vọng trên con đường trần ai xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông vẫn hồn nhiên công khai thú nhận với dân rằng đến hết thế kỉ này, cả trăm năm nữa cũng không biết đã có chủ nghĩa xã hội hay chưa.
Sắt đá gửi lòng tin vào chủ nghĩa xã hội, ông liên tục đi thuyết giảng cho cán bộ, cho dân chúng về chủ nghĩa xã hội mà ông đinh ninh rằng nhân đạo, nhân văn nhất trong lịch sử loài người. Ông hối hả, miệt mài viết hết tập sách đồ sộ này đến tập sách đồ sộ khác khẳng định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa xã hội, khẳng định sự tài tình, đúng đắn, sáng suốt và công lao vĩ đại của đảng cộng sản Việt Nam với dân tộc, với lịch sử Việt Nam.
Gửi niềm tin vào cái viển vông, sai trái, lầm lạc và mang ý chí mạnh mẽ quyết liệt thực hiện niềm tin lầm lạc là một bi kịch quá lớn trong cuộc đời khá phẳng lặng của ông.
Người thông minh, có trí tuệ sâu rộng không thể u mê gửi lòng tin nhầm chỗ. Không có đủ trí tuệ mẫn tiệp, lại thiếu từng trải cuộc đời, ông vẫn khư khư ôm ấp học thuyết cộng sản đã được thực tế xã hội loài người chứng minh là một sai lầm, một thảm hoạ khủng khiếp, một tội ác man rợ chống lại loài người và đã bị thực tế cuộc sống vứt vào sọt rác lịch sử.
Lòng tin lầm lạc của ông đã chỉ ra trí tuệ hạn hẹp, sự minh mẫn thiếu vắng và tài năng khiêm nhường của ông. Trí tuệ hạn hẹp và tài năng khiêm nhường như vậy mà ông lại có quyền lực tột đỉnh dẫn dắt muôn dân, có tầm ảnh hưởng bao trùm cả đất nước. Đó cũng là một đại bi kịch
Bi kịch của ông không phải chỉ là bị kịch cá nhân. Là người đứng đầu bộ máy quyền lực nhà nước, chịu trách nhiệm lịch sử dẫn dắt cả đất nước, cả dân tộc, bi kịch của ông cũng là bi kịch của cả đất nước Việt Nam oan nghiệt, bi kịch của cả dân tộc Việt Nam khốn khổ.
Chủ nghĩa xã hội đã tạo ra những người có quyền lực không giới hạn. Khi sống là những ông hoàng hưởng thụ, đến bữa ăn chỉ cần há mồm ra cho người hầu đút miếng thịt bò dát vàng vào tận miệng. Khi chết như ông quan cộng sản bự Trần Đại Quang có mả to đền lớn trên sáu hecta đất bờ xôi ruộng mật của dân.
Cả đời tin vào học thuyết cộng sản tưởng là xoá bỏ mọi bất công, không còn mảy may nghịch cảnh. Cho đến tận lúc sắp rời bỏ cuộc sống dường như ông mới nhận ra sự bất ổn trong niềm tin bền bỉ của ông. Quan chức cộng sản mà lại đua nhau cướp đất sống của dân xây mồ to đền lớn đến vài hecta thì bất công lớn quá, nghịch cảnh đau lòng quá! Ông đã tha thiết căn dặn vợ con: Tôi không phải quan chức khi sống giành ở nhà to, khi chết giành đất của dân xây lăng mộ. Khi tôi chết đưa tôi về chôn ở đất quê nhà Đông Hội, Đông Anh. Đừng giành đất của dân xây lăng mộ cho tôi.
Cả đời ông tất bật đi gieo truyền niềm tin vào chủ nghĩa xã hội tệ hại. Cả đời ông hì hục viết sách răn dạy những điều lầm lạc. Đến cận lúc từ giã cuộc đời ông mới nói được lời đúng đắn: Đừng giành đất của dân xây lăng mộ cho tôi.
Đó là những chữ vàng ghi nhận sự có mặt của ông trong cuộc đời, là lời răn dạy đúng đắn, nghiêm khắc và cần thiết của ông với đám quan chức cộng sản lớp sau ông, với những kẻ đang cố bon chen con đường công danh chỉ nhằm khi sống có nhà to, khi chết có mả lớn.
Ông là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam từ 2011 đến 2024. Sinh ngày 14.4.1944, mất ngày 19.7.2024, trong quãng đời 80 năm ông đã tạo ra bi kịch xót xa cho chính cuộc đời ông và mang bi kịch đau thương đến cho cả muôn dân Việt Nam. Ông mất rồi, bi kịch của cuộc đời ông đã dừng lại nhưng bi kịch của người dân Việt Nam thì vẫn còn đấy.
Vĩnh biệt ông!
Phạm Đình Trọng