Phạm Hòa Hiệp: Khi Không Nơi Nào Là “Nhà”
Cuối tuần rồi cô bạn ở New Zealand, nơi tôi đang sinh sống kể chuyện cô con gái tuổi teen: khi cả nhà háo hức về lại Huế thăm quê hương, cô con gái buột miệng, “Huế là thành phố của bố mẹ, không phải của con. Mà Hamilton cũng không phải thành phố của con!”
Câu nói như nhát dao nhỏ, khẽ thôi mà sâu. Một lời than nhẹ nhàng nhưng nặng trĩu, chất chứa biết bao nhiêu điều về hành trình cội nguồn, về cảm giác không thuộc về đâu cả.
Cô bé ấy không từ chối gốc gác, cũng không chối bỏ nơi đang sống. Nhưng giữa hai vùng trời – Huế và Hamilton – em không thấy mình gắn bó hẳn với đâu. Không phải chỉ vì ngôn ngữ, món ăn, hay khí hậu khác biệt. Đó là sự thiếu kết nối sâu sắc, một cảm giác vô hình nhưng lại hiện diện rất rõ ràng: em như người đứng giữa, bị kéo về hai phía nhưng không hẳn chạm đất ở đâu.
Những câu chuyện này không hiếm. Không phải là tất cả, nhưng nhiều gia đình Việt, rời quê hương vì bất cứ lý do nào, sống lâu năm ở hải ngoại chứng kiến con cái họ có những nỗi niềm tương tự. Bố mẹ mang theo ký ức, văn hóa, giọng nói và cả hoài niệm về quê hương. Còn những đứa trẻ, sinh ra hoặc lớn lên ở một đất nước mới, hấp thụ nền giáo dục mới, thấm nhuần cách sống mới – nhưng cũng không hoàn toàn được xem, hoặc tự xem mình là “người bản xứ”.
Một câu hỏi lớn đặt ra: Thuộc về — belonging — nghĩa là gì? Có phải là khi bạn nói trôi chảy cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt? Khi bạn vừa ăn Tết vừa đón Giáng sinh? Khi bạn biết đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng như tưởng niệm ANZAC Day — một ngày lễ trọng đại ở Úc và New Zealand? Là khi bạn có thể gói bánh chưng và cũng biết nướng bánh phương Tây? Hay thuộc về chính là khi bạn không còn cảm thấy cần phải chọn phe — Việt Nam hay Việt Kiều, không phải che giấu bất cứ phần nào trong con người mình chỉ để “vừa vặn” với thế giới xung quanh?
Một nghiên cứu từ Đại học Victoria of Wellington từng chỉ ra rằng cảm giác thuộc về đâu đó (sense of belonging) là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên nhập cư. Khi không cảm thấy mình thuộc về bất kỳ cộng đồng nào – dù là cộng đồng gốc hay cộng đồng đang sống – các em dễ rơi vào trạng thái mất phương hướng, cô đơn, thậm chí trầm cảm.
Tuy nhiên, tích cực mà nói, cũng chính những em bé “giữa hai miền đất” này lại có tiềm năng phát triển bản sắc đặc biệt vô cùng phong phú – nếu như các em được lắng nghe, được đồng hành và không bị ép buộc chọn “bên nào”. Bởi có lẽ, thuộc về không nhất thiết phải là thuộc về một nơi chốn cụ thể, mà là thuộc về những mối quan hệ, những giá trị, và cảm giác được chấp nhận như chính mình.
Vậy nên, khi cô con gái nói rằng “Hamilton không phải thành phố của con”, đó không phải là sự phủ nhận, mà có thể là một lời nhắn – rằng em vẫn đang đi tìm một định nghĩa của “nhà” cho riêng mình. Và có lẽ, hành trình đó cũng chính là điều đẹp nhất mà một thế hệ có thể trao lại cho chúng ta: một thế giới không giới hạn bởi biên giới, mà được kết nối bằng sự thấu hiểu và bao dung.
Có lẽ, chính những con người sống “giữa hai thế giới” ấy lại đang sở hữu một dạng quê hương Khái niệm “Third Place” – không gian thứ ba – do nhà xã hội học Ray Oldenburg đề xuất, dùng để chỉ những địa điểm ngoài gia đình (first place) và nơi làm việc (second place), nơi con người tìm thấy sự kết nối, thoải mái và tự do thể hiện bản thân. Đó có thể là quán cà phê quen thuộc, thư viện, công viên, hay một nhóm sinh hoạt cộng đồng – những nơi mang lại cảm giác thân thuộc và được chào đón.
Đối với thế hệ trẻ lớn lên giữa nhiều nền văn hóa, khái niệm này càng trở nên ý nghĩa. Họ có thể không cảm thấy hoàn toàn thuộc về “first place” – quê hương nơi sinh ra, cũng chưa hẳn hoàn toàn thuộc về “second place” – quốc gia nơi họ đang sinh sống. Trong trường hợp này, “third place” không chỉ là một địa điểm cụ thể mà còn là một không gian tinh thần – nơi bản sắc được dung hòa, nơi truyền thống gia đình gặp gỡ và đối thoại với môi trường sống hiện tại.
Với cộng đồng người Việt trải rộng khắp nơi – từ Canada đến Mỹ, từ Âu Châu đến Úc Châu – những “không gian thứ ba” này đóng vai trò như nhịp cầu kết nối, giữ gìn căn tính và nuôi dưỡng cảm giác thuộc về giữa các nền văn hóa giao thoa đặc biệt – nơi không nằm hẳn trên bản đồ, nhưng luôn hiện diện trong đời sống tinh thần của họ.
Và chính từ những “không gian thứ ba” đó, một cảm giác belonging mới được hình thành – không phải bằng sự đồng nhất, thuần chuẩn, mà bằng sự đa dạng, phong phú. Khi một đứa trẻ có thể vừa hiểu câu chuyện lịch sử của Huế qua lời ông bà kể, vừa biết thưởng thức một ly mocha ở Hamilton với bạn bè, em ấy đang xây dựng một bản sắc đa chiều, một tinh thần phong phú hơn cả địa lý.
Thay vì nhìn nhận việc “không thuộc hẳn về đâu” như một thiếu sót, một mất mát, ta có thể xem đó là sự giàu có tinh thần: giàu ký ức, giàu trải nghiệm, giàu kết nối văn hóa.
Cô con gái ấy, dù chưa gọi nơi nào là “thành phố của con”, có lẽ đang âm thầm xây dựng một không gian thứ ba cho riêng mình. Một nơi mà tiếng Việt và tiếng Anh cùng tồn tại, nơi món bún bò Huế và món lasagna đều gợi cảm giác “quen thuộc”, nơi mà Huế và Hamilton đều là một phần không thể thiếu – không phải vì ai bắt buộc, mà vì đó là con người rất thật của em.
Phạm Hòa Hiệp