Phạm Lưu Vũ: Ngồi buồn nhớ… bão

Nhớ ngày bé, mỗi khi đài báo bão, người lớn thì lo lắng, khẩn trương… thế mà bọn trẻ con như mình thì lại thấy háo hức, mong bão về như mong phép lạ, thế mới quái quỷ. Xem người lớn cuống quýt chống bão, chúng mình chạy lăng xăng chỗ này, chỗ nọ như con chó, trèo trộm thang leo lên mái nhà như con mèo, thích thú với những vật lạ được dựng lên ngay giữa nhà để chống đỡ vì kèo, đánh đu trên những cây bương chống chéo từ mái nhà xuống đất…

Thế rồi nếu (chẳng may) bão không đi qua, nghe tin bão đã “tan” đâu đó, người lớn thì thở phào nhẹ nhõm, trong khi bọn trẻ con thì thất vọng ủ ê, như lỡ mất một cuộc hẹn của giời. Đứa nọ nhìn đứa kia chán nản, không nói ra mà tức… ông giời muốn phát khóc.

Kể cả trong lúc trận bão đang hoành hành. Nghe gió giật điên cuồng, mái nhà vặn răng rắc, mưa theo gió ràn rạt từng nhịp một, thốc qua khe cửa, thỉnh thoảng lại nghe cái “rầm”, có gì vừa bị quật đổ ngoài kia… thì bọn trẻ con chúng mình cũng chỉ một phần sợ, chín phần… thích thú. Bão thường diễn ra vào ban đêm, chớp loang loáng mà không nghe tiếng sấm. Người lớn đội áo mưa, xách đèn bão chạy ra chạy vào, cuống cuồng như có giặc. Có chỗ mái bị tốc, lộ cả một khoảng trời đêm. Trong nhà mưa như hắt bụi vào mặt, chỗ nào cũng ướt. Bọn trẻ trèo lên giường, dựng chiếc chiếu lên, uốn khum khum thành cái lều rồi chui hết vào trong đó tránh mưa, thỉnh thoảng lại chen nhau thò cổ ra ngoài xem bão, cảnh tượng thật vô cùng khoái hoạt. 

Người lớn căng thẳng theo dõi từng hướng gió giật, đủ 4 hướng thì kết thúc trận bão. Bọn trẻ nghe biết thế, song khi gió đã lặng hẳn thì trong chiếc “lều” bằng chiếu kia, chúng đã ngủ khì từ lúc nào. Mặc kệ bão. Đã có người lớn.

Sáng hôm sau, cảnh tượng mới thật kì diệu. Bầu trời trông lạ hẳn đi, nhà cửa, cây cối, xóm làng nom lạ hẳn đi. Đừng nói là tiêu điều, xơ xác nhé, bởi dù đúng như thế thì đấy cũng là cách tả hậu quả trận bão của người lớn. Đối với bọn trẻ thì đó là sự quang đãng, bừng sáng và mát rượi chưa từng thấy của trời đất. Ngoài sân đầy cành cây, rơm rạ và lá lảu, có cả xác những chú chim sẻ trú đêm trên cây bị bão quật xuống. Nước ao dâng cao mấy bậc, đục ngầu, bèo cũng tơi bời, phơi cái bụng lềnh bềnh, toang hoác. Vườn tược, đường làng cây đổ ngổn ngang, phải cúi xuống, chui người mà đi. Bầu trời vắng bặt lũ chim. Gà bắt đầu kêu rụt rè, chó lại chạy lăng xăng và mèo tiếp tục thập thò đâu đó. Hoa quả rụng la liệt, tha hồ nhặt. Thích nhất là những cây nhãn, cây ổi… mới hôm qua cao thế, ngước mắt lên, thèm hái quả mà người lớn không cho trèo, thì nay đổ rạp xuống mời mọc, bọn trẻ dễ dàng luồn qua những cành cây, ngọn cây tìm quả chưa bị rụng, khoái đến nỗi tưởng mình là con sóc…

Bây giờ nông thôn hầu như không còn nhà tranh. Cây cối, ao hồ cũng ít dần, bọn trẻ không thèm hái quả nữa. Những trận bão chỉ còn sự phá hoại.

Phạm Lưu Vũ