Phạm Lưu Vũ: Phật tại tâm

Hình minh họa: Tiểu Bảo Trương

Đó là một Chân lý bất khả tư nghì, bất sinh bất diệt, tuyệt đối không phải “Học thuyết”. Chỉ những kẻ “Học phiệt” độn căn, hoặc có ý đồ hủy hoại Chân lý… thì mới liều lĩnh, dám coi Chân lý là “Học thuyết”, vì Học thuyết là hoàn toàn có thể bị đánh đổ, thay thế… Chân lý thì không thể đánh đổ, không thể thay thế…

Chân lý Phật tại tâm là Pháp bảo, mà kẻ hủy hoại lại khoác áo tăng, thì quyết không nằm trong số Tăng bảo, mà là hạng “Tăng phiệt”, độn căn, hạ liệt, nhất xiển đề… không những tự làm hại mình, mà hại cả vô lượng chúng sinh. Xuất hiện một số nhà báo đã bán rẻ linh hồn, làm cây bút viết thuê cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) rất đáng khinh bỉ. Bọn này lươn lẹo, uốn lưỡi ngụy biện, dốt nát và tránh né sự thật — thanh minh cho ác ma Thích Trúc Thái Minh, rằng “sư” không cổ vũ nạo phá thai, mà chỉ “giúp” thỉnh “linh thức” ra khỏi bào thai, để hút, nạo cho nó… lành mà thôi. Thật là ghê tởm cho giọng lưỡi của bọn “trí thức” này. Thỉnh linh thức là điều KHÔNG THỂ và Không bao giờ. Đó là sự bịa đặt để lừa đảo, và làm tiền trắng trợn mà bọn nhà báo này đã cố tình lờ đi. Không bao giờ có chuyện “thỉnh” nổi “linh thức”, ra khỏi bào thai ở Ba Vàng. “Linh thức” là do “nghiệp” kéo đi đầu thai, nhanh đến nỗi Đức Phật cũng không đuổi kịp, mà ma tăng kia “thỉnh” được, thì còn trên cả… Đức Phật hay sao? Nhưng có một thực tế, là bọn ma tăng đã “thỉnh” được lương tâm ra khỏi bọn nhà báo này là điều có thật.

Cộng đồng cà sa hiện nay đã hình thành một lớp “Tăng phiệt”, kèm theo một lũ nhà báo mất hết lương tâm như thế là rất đáng… “quan ngại”. Họ đã và đang thao túng thế giới tâm hồn, văn hoá, tín ngưỡng… của người Việt, thao túng cả thế giới tâm linh, thực tế này rất nghiêm trọng. Nghiệp nặng này thuộc về GHPGVN, trách nhiệm này thuộc về Ban Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ,  Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Bộ Công An, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa… và thuộc về tất cả chúng ta. Đối với GHPGVN, thì đây là những “tăng sự” hết sức nặng nề. Đối với dư luận tiến bộ và những người tin Phật… thì đây là những “ma sự” hết sức ghê gớm.

Không có Phật tại tâm thì không có Phật, không có tất cả chúng sinh. Bát Nhã tâm kinh nói: “Thị chư pháp không tướng bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm” là nói về bản thể, “tự tính” của chư pháp, cũng tức là Phật tính, là Như Lai tạng, là Tánh Giác… Chư pháp (kể cả mọi chúng sinh), thảy đều “duyên sinh”, tức là không có bản thể, lấy Phật Tính, Tánh Giác làm bản thể, tự tính. Nhà thiền nói: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” thì nhân tâm là Phật Tính, kiến tánh là trở về cái tự tính ấy. Bài kệ của Tổ Đạt Ma gồm 4 câu, tóm gọn trong 4 chữ: “Minh tâm kiến tánh” là nghĩa như vậy. Tín Tâm Minh nói: “Quy căn đắc chỉ” cũng cùng một ý nghĩa tương tự. Căn là bản thể Phật Tánh, trở về Phật Tánh, là trở về đúng chỗ của mình.

Kinh Viên Giác nói, tất cả Vô minh… đều từ Tánh Giác sinh ra. Tánh Giác chính là Phật tính. Chỉ có Phật tính, mới chứng được bản thể của Vô minh, nên mới tìm ra “nhân địa tu hành”, để giải thoát khỏi Vô minh. Vậy có thể nói, không có “Phật tại tâm” thì không có đạo Phật, thậm chí không có cả bất kì một tôn giáo, tư tưởng, học thuyết… nào, không có cả những kẻ đang chống lại chân lý Phật tại tâm. Đã không có, thì lấy gì “phát triển”, và “phát triển” cái gì?

Thà cứ nói toạc ra, rằng không có “cúng dường”, thì “Phật Giáo” (của các vị) sẽ không thể phát triển, tuy thô bỉ, song vẫn còn có thể chấp nhận. Đổ tại chân lý Phật tại tâm, là láu cá đánh tráo bản thể thành hiện tượng, là coi thường tuệ giác của dư luận, là hạng “nhất xiền đề”, không thể thành Phật.

Nhất xiển đề là những hạng đã thui chột mất hạt giống Phật, là những kẻ độn căn, hạ liệt, đến mức bất tín Phật tại tâm. Những hạng này sẽ không thể thành Phật. Kể cả những kẻ thượng căn, thượng trí… nhưng không có đức tin vào chân lý Phật tại tâm, không chịu thành Phật, thì cũng gọi là “nhất xiển đề”.

Đức tin là quan trọng số 1, trên con đường “minh tâm kiến tánh”, hay “quy căn đắc chỉ”… Tôn giáo nào cũng có Đức tin, song chỉ trong Giáo lý Đại thừa, mới chỉ ra Đức tin nó vi diệu, và nhiệm màu như thế nào.

Đạo Phật có “tam giải thoát môn” (ba cửa giải thoát) là Giới, Định, Huệ. Giới sinh Định có thể hiểu được, vì phải “diệt” mọi thèm thuồng… thì mới có thể “định”. Song đến Định sinh Huệ, thì chưa thấy vị thầy nào giảng một cách rốt ráo. Đây chính là chỗ khác nhau giữa Thiền phàm tục và Thiền chánh niệm trong nhà Phật. Thiền phàm tục chỉ có thể sinh tâm trạng thư thái, lưu thông kinh mạch… mà không thể sinh Huệ. Chỉ duy có Thiền chánh niệm, mới có thể sinh Huệ.

Nhưng “chánh niệm” mà chỉ ngồi theo dõi hơi thở, sinh diệt… theo dõi cảm giác, ý nghĩ, theo dõi sự vật… (thân, thọ, tâm, pháp) một cách “khách quan”, như tảng đá mặc cho gió thổi, mưa rơi… thì “Huệ” sinh ra ở chỗ nào? Nhân đây bình một chút về chi tiết tảng đá “nứt” ra Tôn Ngộ Không trong Tây Du Kí. Đây là chỗ kì tuyệt của bút pháp Ngô Thừa Ân. Dẫu là một tảng đá, mà bên trong có “Phật tính”, thì trải ngàn năm tắm mưa gội gió… cũng có thể thành… Phật. Ngô Thừa Ân chắc phải “đắc” được chánh niệm, đến cảnh giới “đà la ni” thì mới viết nổi như thế.

Vậy “Huệ” sinh ra từ đâu? Từ Đức tin. Nhưng phải là đức tin của Chánh Pháp, gọi là “chân tín”, “chánh tín”, chứ không phải “tà tín”…. Tại sao nói như thế? Vì: “Chân tín tỏ rõ, tất cả đều viên thông, ba thứ ấm, giới, nhập không thể làm ngăn ngại, cho đến trong vô số kiếp quá khứ, vị lai, tất cả tập khí xả thân (tử), thọ thân (sinh)… đều hiện ra trước mắt…”. Đây là “Niệm tâm trụ” trong “Thập tín” – kinh Thủ Lăng Nghiêm.

“Niệm tâm trụ” là Đức tin, là Chân tín, thì “Tâm tính (tức Phật tính…) hiện tiền, thuần dùng trí tuệ, Đây là “Tuệ tâm trụ”.

“Tuệ tâm trụ” lặng đứng cùng khắp, vì cùng khắp nên lặng đứng, vì “tính tịch diệu thường đứng lại”. Đây là “Định tâm trụ”.

“Định tâm trụ” chỉ có tiến tới, tiến sâu vào Phật tính sáng suốt, chứ không có lui. Đây là “Bất thối tâm”.

“Bất thối tâm” an nhiên đi tới, giữ gìn không thể mất, thì có thể “giao tiếp với khí phần thập phương Như Lai”. Đây là chỗ then chốt của Định sinh Huệ. Giao tiếp với khí phần thập phương Như Lai, tức là thể nhập vào Như Lai tạng, là khai mở được Phật tính, giải thoát được “nhất thiết chủng trí”, cũng tức là giải thoát chân tâm… Tất cả sẽ trở nên “diệu hữu”. Đây là “Hộ Pháp tâm”…

Quá trình Định sinh Huệ, cũng tức là Đức tin “Phật tại tâm” sẽ sinh Huệ là như thế đó.

Phạm Lưu Vũ