Phạm Lưu Vũ: “Thìn” là rồng, mà không phải rồng

Thìn (辰) là tên một “tọa độ” ngũ hành của thời gian, có “tượng” là con rồng, cũng như Tí (子), sửu (丑), dần (寅), mão (卯)… Từ điển Hán Việt của cụ Thiều Chửu cũng không giảng “thìn” có nghĩa là con rồng, “tí” không có nghĩa là con chuột, “sửu” không có nghĩa là con trâu, “dần” không có nghĩa là con hổ, “mão” không có nghĩa là con mèo… mà là những “chi” của thời gian.

Nhưng rồi dùng mãi thành quen, khiến người ta cứ tưởng nhầm, rằng “thìn” nghĩa là con rồng, trong khi “long” mới là rồng, “tí” có nghĩa là con chuột, trong khi “thử” mới là chuột, “sửu” nghĩa là con trâu, trong khi “ngưu” (牛) mới là trâu…

Khái niệm “tượng” là cách để học thuyết ngũ hành thâm nhập vào cuộc sống, dùng ngũ hành để giải thích và tính toán các quy luật… Cho nên việc đưa ra các khái niệm “tượng”, thực ra là cách dùng ví dụ, là “trường hợp đặc biệt” để mô tả cho dễ hiểu. Khi đã hiểu rồi thì phải quên “tượng” đi, nếu cứ chấp mãi vào “tượng”, thì sẽ không bao giờ hiểu được ngũ hành. Như cách nói trong kinh điển nhà Phật, thì “tượng” cũng ví như ngón tay chỉ trăng, thấy trăng rồi thì phải quên ngón tay đi, nếu cứ chấp mãi vào ngón tay, thì sẽ không bao giờ thấy được trăng.

Ngũ hành của thời gian (tí, sửu, dần, mão…) cũng vậy, mà ngũ hành của không gian (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ…) cũng vậy. Đều dùng “tượng” để diễn “lý”, thấy được “lý” rồi thì phải quên “tượng” đi.

Cũng theo cách nói trong nhà Phật, tâm khởi “vọng” lên, thì Không gian (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) thành lập. Không gian thành lập thì có sinh diệt (âm, dương). Có sinh diệt thì Thời gian (tí, sửu, dần, mão… ) thành lập. Người phương Đông nhìn thấy bản chất của mọi tồn tại là sinh diệt, khoa học phương Tây nhìn thấy bản chất của mọi tồn tại là sóng – hạt.

Ngũ hành là một tuệ giác của người phương Đông, nó mô tả Không – Thời gian, song lại không ở chỗ Không – Thời gian, mà bằng cách lập nên các “tiên đề” là ngũ hành (“kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”), và thập nhị chi (“tí, sửu, dần, mão…”), rồi mô tả và tính toán những quy luật… của các “tiên đề” ấy. Sau đó đem ra áp dụng cho Không – Thời gian, vạn vật từ vô thủy đến vô chung… đều không sai lệch mảy may. Thế mới kì tuyệt.

Giống như giáo lý của Phật Đà, cũng mô tả vô lượng Chúng sinh, song lại không ở chỗ vô lượng Chúng sinh, mà bằng cách lập nên các “tiên đề” là ngũ ấm (“sắc, thọ, tưởng, hành, thức”), và thập nhị nhân duyên (“vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập…”), rồi định nghĩa và chỉ ra những quy luật (nhân quả…) của các “tiên đề” ấy. Sau đó đem ra áp dụng cho mười hai loại chúng sinh, từ vô thủy đến vô chung… đều không sai lệch mảy may. Lại càng kì tuyệt.

Đối với nhà Phật, thì học thuyết ngũ hành thuộc loại “pháp thế gian”, tức “hữu lậu”, “phiền não”… chứ không phải “vô lậu”, “giải thoát”. Tóm lại đó là tri kiến của ngoại đạo. Nhưng đến kinh Viên Giác, Phật nói phiền não tức Bồ Đề, ngoại đạo tức Giải thoát… cho nên từ ngũ hành, vẫn có thể tìm thấy tri kiến Phật, tức Phật tính ở trong đó. Ngũ hành cũng là môn giải thoát vậy.

Nhìn ngũ hành theo cách nhìn của đạo Phật sẽ thấy rất nhiều điều bất ngờ.

Bất ngờ như thế nào?

Bất ngờ vì tôi đã nhìn thấy tính Không trong học thuyết ngũ hành, cũng như tính Không trong giáo pháp của Phật Đà. Như trên đã nói, ở đây cần phải nhắc lại, rằng ngũ hành mô tả các quá trình sinh diệt của vạn vật, song lại không ở nơi vạn vật, mà bằng cách lập ra các “tiên đề” về nó. Vạn vật không ra ngoài ngũ hành (“kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”), tất tật mọi sinh, trụ, hoại, diệt… đều từ đấy mà ra cả. Cũng như Phật mô tả vô lượng chúng sinh, song lại không ở nơi vô lượng chúng sinh. Tất tật đều không ra ngoài ngũ ấm (“sắc, thọ, tưởng, hành, thức”), có ngũ ấm thì có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, có Vô Minh, Hành, Thức, Danh, Sắc… từ đó có vô lượng chúng sinh, trôi lăn trong mọi nẻo luân hồi…

Tính Không là một tuệ giác tối thượng của giáo pháp Phật Đà. Nhưng không phải Phật “sáng tạo” nên tính Không, mà tính Không có trước Phật Đà. Tính Không là vô thủy, vô chung, là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm…

Ngũ hành cũng từ tính Không mà ra, không có tính Không thì không có ngũ hành, cho nên ngũ hành cũng vô thủy vô chung. Năm “tiên đề” của ngũ hành vốn có trước học thuyết ngũ hành.

Mô tả đối tượng theo nguyên tắc tính Không là một tuệ giác đặc sắc của người phương Đông. Điều đó đã đưa tính tổng quát trong giáo pháp của Phật Đà lên tới tột đỉnh, nghĩa là tuyệt đối, không còn gì nằm ngoài giáo pháp ấy, kể cả học thuyết ngũ hành…

Khoa học phương Tây thì khác. Khoa học chỉ mô tả đối tượng, ở chính nơi đối tượng. Không có đối tượng thì khoa học không có việc gì để làm cả, nghĩa là theo nguyên tắc tính Có. Cho nên khoa học của người phương Tây không bao giờ đạt đến tính tổng quát tuyệt đối. Biết bao lý thuyết cứ lần lượt ra đời, rồi lần lượt sụp đổ… là vì như thế (còn nữa)

Phạm Lưu Vũ