Phạm Lưu Vũ: Văn điếu thập loại dân oan và Văn tế thập loại quan tham

Hình minh họa: Nguyễn Quang Vinh

VĂN ĐIẾU THẬP LOẠI DÂN OAN

Tiết tháng bảy gió âm lạnh buốt

Nỗi buồn dâng nghẹn khúc sông Hồng

Thương thay một dải non bồng

Bên ngoài giặc cướp, bên trong quan trường


Vốn đường đường con nhà khuôn phép

Bỗng chốc thành vạn kiếp dân oan

Lê la xó chợ đường quan

Già thương nỗi trẻ, trẻ than nỗi già

Bãi tha ma bóng chiều hiu hắt

Chốn công đường lạnh ngắt lương tri

Đoàn người từ buổi ra đi

Màn trời, chiếu đất biết khi nào về

Người yêu nước không hề có tội

Cửa lao tù nghẹn nỗi chia phôi

Chỉ vì thương xót giống nòi

Nỗi oan mờ cả mặt trời, mặt trăng

Có những kẻ tham tàn xảo quyệt

Rước giặc về hủy diệt sơn khê

Ngoài khơi giặc cướp bốn bề

Gần bờ biển chết, mất nghề ông cha

Dặm đường xa phí chồng lên phí

Có ai ngờ chướng khí còn dai

Áo vàng lấp ló bụi gai

Dùi cui nó trỏ, biên lai nó cầm

Những linh hồn chọn nhầm kiếp sống

Mới lọt lòng đã cõng nợ công

Thác sinh vào chốn gai chông

Hành không thành đạo, học không thành người

Sống phải theo tháng Mười, ngày Tám

Dính cúm Tàu chẳng dám kêu la

Thân người nào khác thân ma

Chết vì đại dịch bằng ba chết trùng

Có những kiếp anh hùng sốt vó

Có những nghề trộm chó đêm hôm

Miếng ăn chưa kịp đến mồm

Thân đà cháy rụi bên đường cái quan

Bao em gái khuất thân làm đĩ

Bấy nhiêu người tiến sĩ, giáo sư

Kiếp người mà phải thế ư?

Vạc dầu, hầm lửa cũng như thế này

Còn những bậc Đông, Tây mọi nhẽ

Không hạ mình làm kẻ thất phu

Đành gieo chữ nghĩa tù mù

Văn chương chỉ cốt không tù là may

Khắp trường dạ giăng đầy duyên cớ

Có câu rằng bất khứ bất lai

Kiếp người hay kiếp vô loài

Bên trong dã thú, bên ngoài từ bi

Kìa những kẻ đi về khuya sớm

Còn u mê hay chớm nhận ra

Rằng trong biệt phủ xa hoa

Cô hồn ở đấy chứ là ở đâu?

Cầu Phật Pháp nhiệm màu soi tỏ

Oán hờn xin buông bỏ từ đây

Trăm năm một dải đất này

Độ cho kiếp nạn đến ngày trả xong.

Tháng cô hồn.

Phạm Lưu Vũ

***

VĂN TẾ THẬP LOẠI QUAN THAM

(Kẻ hậu sinh cung kính lạy cụ Đồ Chiểu)

Hỡi ơi! Thuế nặng phí dày, lòng dân bải hoải.

Trăm năm công đánh giặc, chưa chắc mà nay ở ngôi cao,

Mấy đời móc túi dân, thân tuy béo tiếng tham như chó


Nhớ quân bay xưa:
 

Con cái nhà ai,

Ăn no dửng mỡ.

Quen thân nhung lụa, đâu biết lòng dân,

Chỉ biết chọi nhau, tranh giành quyền lực.

Việc hát, việc hò, việc lừa, việc cướp… thân vốn quen rồi,

Học ăn, học nói, học đức, học nghề… mắt đâu thèm ngó.

Nghiệp ăn hại kết tinh từ kiếp trước, cha quan to thì con tất quan to,

Mùi tham lam đã ngấm tận cao lâu, thích hối lộ như mèo hoang thích chuột.

Đứng thấy đường xe đông như nước, muốn lập trạm thu;

Ngồi xem ngân sách cạn như chùi, muốn nâng giá điện.
 

Một mối lợi danh ngồn ngộn, há sợ ai cướp mất của ai,

Hai tầng quyền lực ngút trời, đâu dung lũ dân đen khốn khó.

Nào sợ ai đòi, ai bắt? phen này xin thỏa sức tung hoành,

Chẳng thèm biết ngượng, biết ghê, chuyến này quyết ra tay vơ vét.

Khá ngon thay:

Vốn chẳng phải quan to, quan nhỏ, khối thằng theo đóm được ăn tàn,

Chẳng qua là con bạc, con buôn, quan hệ tốt thiếu gì dự án.

Mười tám môn hối lộ, nào biệt phủ, nào nhà…

Chín chục triệu dân đen, cứ tha hồ móc túi.

Ngoài cật đã có tờ quyết định, nào đợi dân kịp trở tay,

Trong xe chồng một đống hồ sơ, đâu cần đến lương tri, công lý.

Cửa quan đã đẻ ra cơ chế, liền sinh ra nhóm nọ nhóm kia,

Nhân danh người nhà tướng, nhà quan, chả cần vốn cũng tay không bắt giặc.

Chi nhọc thương thảo với giá này, giá nọ, lấn vườn, cướp ruộng, coi giặc cũng như dân,

Nào sợ thằng Vươn bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, dễ dàng như tập trận.
 

Kẻ dùi cui, người roi điện, làm cho dân lành, con nít hồn kinh,

Bọn hè trước, lũ ngõ sau, thương thay lão già gãy cẳng.
 

Tấm gương đạo đức đâu rồi?

Ai biết tính người vội bỏ.

Một kiếp quan trường rằng chữ lợi, ai hay quả báo nhãn tiền,

Trăm năm địa ngục ấy chữ nguy, nào đợi nhân nào quả nấy.

Núi sông mờ mịt, mà cỏ cây mấy dặm sầu giăng;

Thiên hạ thái bình, để già trẻ hai hàng lệ nhỏ.

Bên ngoài giặc cướp, Hán gian đầy rẫy, mặc biển khơi đã chết còn dày đặc âm binh,

Bên trong quan tham, giữ ghế hành dân, mà hiệu lực nhất nhất theo kim tiền chỉ đạo.

Nhưng nghĩ rằng:

Tấc đất ngọn rau ơn xương máu, tài bồi cho cả nước nhà ta,

Bát cơm manh áo sống ở đời, tối mắt mấy đời cha con nó.

Vì ai khiến dân đen khốn khổ, thuế phí chồng nhau,

Vì ai xui vườn ruộng tan tành, động mồ động mả?

Sống làm quan tham lam vô đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn,

Chết làm ma ở chốn cửu tuyền, ngửi phân lợn, uống nước đồng, nghe càng thêm hổ.

Thà chưa thác mà đặng lòng sám hối, ăn năn may tổ phụ còn vinh;

Hơn sống dai mà chịu chữ cẩu quan, ở với nhân dân cũng ngượng.

Thôi đi thôi!

Đường quan lộ, năm năm ư một khóa, có tham lam cũng lưu lại chút tình,

Nẻo công danh, một kiếp đặng một lần, cẩn thận kẻo sa phải vòng lao lý.

Đau đớn bấy! người tình ngồi tiếc của, buổi vàng son sung sướng đâu rồi,

Não nùng thay! vợ mướp chạy nuôi chồng, con xế cũ đậu ngoài song sắt.

Ôi!

Một khóa quan tham;

Nghìn năm nhục nhã.

Giặc cướp vẫn giăng đầy đâu đó, ai làm cho bốn phía mây đen,

Ông cha ta còn gửi cốt nơi đây, ai cứu đặng mấy phường con đỏ.

Sống mà cả nước non đều hận, oan gia đầy, muôn vạn kiếp còn theo,

Thác đừng trông đền miếu để thờ, tiếng gian trải muôn đời ai cũng chửi.

Sống tạo nghiệp, thác thì trả nghiệp, âm hồn theo ám cháu con, muôn kiếp không ngóc đầu lên được,

Sống thờ giặc, thác phải thờ ma, lời Phật dạy đã rành rành, một chữ “đọa” đủ mà cảnh tỉnh.

Hỡi ơi!

Nước mắt dân lành lau chẳng ráo, thương vì hai chữ dân oan,

Cây hương liệt sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu bội nghĩa.

Hạ thí!

Phạm Lưu Vũ