Phạm Lưu Vũ: Vô phúc tử tôn…luận

Cứ tưởng thời phong kiến mới có chuyện “cha truyền con nối”, “con vua thì lại làm vua…” nhưng không, chế độ độc tài độc đảng do các đảng cộng sản lãnh đạo cũng thế, cứ nhìn vào các nước có đảng cộng sản nắm quyền còn lại trên thế giới từ Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba hay Việt Nam đều có hiện tượng con em cho tới người thân, họ hàng các quan chức được đưa vào những vị trí ngon lành đã “dấm” sẵn. Những người con của các quan to này thường được gọi bằng cụm từ mỹ miều là “thái tử đảng”. Còn nhớ vào năm 2015, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từng phát biểu rằng “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”. Tiếc thay, thực tế lại trái lại. Được nâng đỡ vào những vị trí quan trọng trong khi hầu hết họ không đủ tài, tầm lẫn đức, nhiều “thái tử đảng” đã trở thành những kẻ ăn chơi xa hoa, tham nhũng, phá hoại, vi phạm pháp luật để rồi cuối cũng một số phải bị kỷ luật, rớt chức…sau khi đã gây ra vô số hậu quả nặng nề cho dân cho nước. Nhà văn Phạm Lưu Vũ luận bàn về việc này trong bài viết dưới đây.

DĐTK

***

Xưa có câu: “Thi Thư bất giáo tử tôn ngu”, nghĩa là Thi, Thư không nên dạy cho những loại con cháu ngu. 

Làm người ai chả thương con cháu, nhưng thương thì cũng phải biết lối. Lối nào? Lành hay dữ? Được lòng dân thì lành, mất lòng dân thì dữ. Lợi cho đất nước thì gia tộc thịnh vượng, hại đến muôn người thì gia tộc suy tàn…

Kinh Dịch sau quẻ Nhu, là cái chuyện nuôi dưỡng thì đến quẻ Tụng, Tụng là kiện cáo, tranh giành… có kiếm chác là có tranh tụng. Ngay sau Tụng là Lý, tranh tụng thì phải có lý để phân xử. Quẻ Lý (Thiên Trạch Lý), 5 hào Dương ép một hào âm. Đây là “lý” của kẻ mạnh, của đàn áp, chứ không phải lý của người cùng khổ, kẻ thế cô chớ có trông hòng.

Người làm Dịch ngày xưa nhìn triều đình, vua quan mà vạch ra quẻ Lý, nên “Lý” là cái “đạo” của bọn làm vua. “Tượng” của Lý là lật ngược trái núi lại, rồi lấy Trời đè xuống. Nặng hay nhẹ đều theo ý của Trời, Trời muốn nặng thì nặng ngàn cân, Trời muốn nhẹ thì nhẹ tựa lông hồng. Dày hay thưa cũng là ý của Trời. Trời muốn dày thì kiến chui không lọt, Trời muốn thưa thì voi cũng đi qua…

Đến núi còn lật ngược, huống hồ liêm sỉ, lòng người… “Tượng” của Lý đối với kẻ mạnh thì như thế. Còn đối với dân đen thì sao? Ngửa mặt kêu Trời là “Lý” của dân đen. Hai con mắt của dân đen là hào âm, lưỡi và tim là hai hào dương ở dưới. Mắt nhìn Trời chỉ thấy mờ mịt, thì lưỡi kêu Trời phỏng có ích gì?

Nhờ cái “Lý” ấy mà kẻ mạnh được thêm mạnh, thêm dần dần thì đến quẻ “Thái”. Thái nghĩa là thịnh, nhưng là cái thịnh giả tạo, vô thường, bởi ngay sau quẻ Thái là quẻ “Bĩ”. Tại sao “Bĩ”? Bĩ vì cái “lý” cha truyền con nối gây nên.

Ngàn năm phong kiến, các triều đại nối tiếp nhau sụp đổ, đều do bọn con cháu gây ra cả. Những người cộng sản đã dùng điều này để tuyên truyền, để đánh đổ chế độ phong kiến. Đánh đổ xong rồi làm gì? Rồi lại dùng cái “Lý” cha truyền con nối ấy.

Cha truyền con nối là vô phúc của nước, là tổn đức của nhà, là hết đường tiến hóa… của muôn đời con cháu. Người xưa đã nhìn thấy điều này. Triệu Xa là danh tướng nước Triệu, cầm quân Triệu mà cả phá quân Tần. Con Triệu Xa là Triệu Quát học thuộc lòng binh pháp, chỉ trời vạch đất, luận phép dùng binh đến bố cũng phải thua. Bà mẹ thấy thế mừng thầm, rằng thằng con sẽ nối được nghiệp bố. Vậy mà trước khi chết, Triệu Xa lại dặn bà mẹ, rằng Quát không làm tướng thì phúc cho nước Triệu, Quát làm tướng thì quân Triệu tan. Triệu Xa chết, vua Triệu muốn dùng Quát làm tướng, bà mẹ đem lời dặn của Triệu Xa ra nói lại, vua Triệu không nghe, kết quả quân Tần lại cả phá quân Triệu, dần dần nước Triệu bị nước Tần diệt.

Vun vén chức tước, địa vị… cho con cháu, mà không để lại đức là tàn hại con cháu. Trần Bình là mưu sĩ số một của Hán Cao tổ, cùng với Trương Lương giúp Hán Cao tổ giành được thiên hạ. Trước khi chết, Trần Bình phải than rằng: “Ta cả đời âm mưu, thủ đoạn… dẫu đạt đến tột đỉnh công hầu, thì cũng cạn hết đức rồi. Đời con cháu ta sẽ chẳng còn gì”. Quả nhiên đến đời thứ ba, con cháu Trần Bình đã phải sống kiếp ăn mày.

Để lại cho con cháu biệt phủ, ruộng vườn… mà không tính đến cái lẽ vô thường là vô trí, cũng tức là vô đức, vô phúc… Tôn Thúc Ngao làm quan lệnh doãn (thủ tướng) nước Sở, có công lớn với Sở. Trước khi chết, dặn con, rằng sau này nếu vua Sở muốn phong đất cho mày, thì hãy chọn chỗ nào xấu nhất ấy, chớ có chọn chỗ đẹp. Về sau con Tôn Thúc Ngao xin chỗ đất Tẩm Khâu, vua Sở cười mà bảo: “Chỗ đất ấy chó không buồn ỉa, sao ngươi lại xin? Trong khi nước Sở không thiếu gì chỗ đẹp?” Con Tôn Thúc Ngao nhớ lời cha dặn, chỉ xin đúng chỗ ấy. Về sau nhờ đất Tẩm Khâu xấu, không ai tranh giành mà con cháu Tôn Thúc Ngao giữ được mấy chục đời, gia tộc càng ngày càng thịnh vượng…

Người có công lớn với nước mà còn như thế, huống hồ tàn phá giang sơn gấm vóc đời cha chưa hả, phải về làm người “tử tế” rồi, còn cố “bế” các con lên hết chức nọ đến chức kia để… phá tiếp, chặn hết cơ hội cống hiến cho dân, cho nước của những người có tài, thì sự vô phúc của những “nhà” ấy là không để đâu cho hết.

Có người sẽ “phản biện” rằng thế nếu những đứa “hồng phúc” ấy cũng có tài thì sao? Thưa chúng là lũ bất tài, vì cứ xem “y báo”, tức là phe cánh, bố mẹ… chúng thì biết.

“Y báo” đã tạo nghiệp nặng, thì “chánh báo” tất cũng “thọ” nghiệp nặng. Câu “đời cha ăn mặn đời con khát nước” chính là chỉ cái lý nhân quả ấy.

Tiến hay lùi về mặt tiến hóa trong luân hồi không ra ngoài nhân quả. Quả báo gồm hai phần, nội quả là chính nhân vật được sinh ra, gọi là chánh báo, ngoại quả là cha mẹ, thời đại, xứ sở, bạn bè… gọi là y báo. Chánh báo do nghiệp quả đúc thành, y báo do nghiệp lực dắt đi. Nghiệp lực lớn đến nỗi không ai có thể cưỡng, nhanh đến nỗi Phật cũng không đuổi kịp. Chỉ duy có các bậc thánh đạo mới có thể chọn chỗ mà sinh vì các ngài có đạo lực, trong trường hợp đạo lực thắng nghiệp lực. Bồ Tát thập địa trở lên thì ra vào luân hồi một cách tự tại mà không cần đạo lực, vì các Ngài có nguyện lực.

Bậc thánh vẫn có thể sinh ra ở những nơi quyền quý, cao sang… Nhưng là thiện gia, chứ không phải ác gia. Nhất định không sinh vào chốn vô đạo, hèn hạ, tiểu nhân, chuyên làm hại cộng nghiệp, nhân quần… Cho nên nói cứ nhìn y báo (tức bố mẹ, bè cánh, thế lực…), thì biết con cháu những hạng quyền thế ngày nay là hạng như thế nào. Khó có thể trở thành người tử tế, bởi do ma lực dẫn vào, thì chỉ nhằm mục đích hưởng thụ và tiếp tục “sự nghiệp” tranh giành, để tham tàn và mọt nước, hại dân của đời trước mà thôi.

Bậc thánh hiền vẫn có thể sinh vào nhà vua chúa ở các đời đầu, nối được nghiệp đời trước, bởi đầu đời thì đức còn, triều đình vẫn còn thiện nhiều hơn ác. Triều Lý đức được duy trì đến 8 đời mới cạn, triều Trần có Nhân tông là bậc thánh, triều Lê có Thánh tông là bậc minh quân, triều Mạc có Đăng Doanh là ông vua giỏi, ngay cả các đời chúa Trịnh, Nguyễn sau này cũng vậy. Trịnh Tùng con Trịnh Kiểm tài không kém Tào Tháo, Nguyễn Hoàng con Nguyễn Kim là bậc hiền nhân. Duy có nhà Tây Sơn (Nguyễn Huệ), vì âm nghiệp rất nặng nên đức mỏng, ngay đời sau (Cảnh Thịnh) đã cạn kiệt rồi…

Đức đã cạn thì khó có thể sinh con thánh, hầu hết đều do ma lực dẫn vào, nên sinh ra toàn những hạng chó lợn, dẫn đến sự sụp đổ của các triều đại là vì như thế.

Lịch sử lúc nào cũng rành rành ra đấy. Vậy mà các đời sau vẫn nhắm mắt làm ngơ, bất chấp lòng người, bất chấp dư luận… thì tại sao như thế?

Những người cộng sản không phải không biết đến dư luận. Thời Nhân văn giai phẩm, người ta còn xuất bản hẳn một cuốn sách, nhan đề: “Bọn Nhân văn giai phẩm trước TÒA ÁN DƯ LUẬN”, khiến bao người con ưu tú của đất nước bị điêu đứng. Nhưng thực ra là “dư luận” của cường quyền, do cường quyền tạo ra, chứ không phải dư luận của cộng đồng.

Vậy có tồn tại cái gọi là “Tòa án dư luận” hay không? Có. Nhưng kẻ nắm quyền thường lợi dụng để tranh giành quyền lực, để triệt hạ nhau, hơn là đếm xỉa. Bởi cái gọi là “Tòa án dư luận” thực ra là cộng nghiệp, do cộng nghiệp tạo ra, chứ không phải biệt nghiệp. Cộng nghiệp tạo ra tức là tòa án tâm linh, khác với tòa án quyền lực của chính quyền. Tòa án quyền lực ra bản án trừng phạt ngay trong kiếp này, “Tòa án dư luận” chỉ tạo hiệu lực (quả báo) ở những kiếp sau, kiếp này không làm rụng một cọng lông. Chính vì thế người ta mới không thèm đếm xỉa, cứ mặt dày mà tham lam, giành giật chức quyền cho con cháu, bất chấp dư luận, bất chấp sự khinh bỉ của toàn xã hội.

Phạm Lưu Vũ