Truyện ngắn Phạm Đình Trọng: Thiên sử ký dân gian

Hình ảnh điện Kính Thiên vào thế kỉ 19, nơi Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi vào năm 1428.

KỈ DẬU.  THUẬN THIÊN NĂM THỨ HAI

Mùa thu. Tháng tám. Đúng vào đêm trước ngày Vạn Thọ thánh tiết mừng thọ Cao Hoàng Đế Lê Thái Tổ tứ thập ngũ chu niên, bỗng có sao chổi mọc ở phương tây. Sao chổi xuất hiện bao giờ cũng là điềm báo biến động. Binh đao qua rồi, còn biến động gì nữa đây? Không còn biến động trong đất trời, ắt là biến động trong lòng người?

Lễ Vạn Thọ thánh tiết mới lần thứ hai diễn ra ở Đông Đô được bọn quần thần tổ chức rất linh đình, rình rang, cả Đông Đô mở hội múa hát rộn ràng vẫn không mang lại niềm vui cho Thái Tổ. Trong tâm can con người thao lược nhưng hay cả nghĩ này cứ thấy bồn chồn không yên. Từ sau cái chết của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn trong vụ đắm thuyền trên sông Lô mà Thái Tổ biết chắc có bàn tay của đứa cháu ruột, viên Phó sứ Nội mật viện Lê Quốc Khí, Thái Tổ đôi khi lại thảng thốt. Trước đây sự thảng thốt chỉ thoáng qua. Trong ngày Vạn Thọ thánh tiết, cái thảng thốt ấy đã trở thành sự bồn chồn, dai dẳng không yên. Mười năm binh lửa can qua, gian nan khốn khó trăm bề mà lòng thanh thản phơi phới! Mới hai năm thái bình mà sao lắm nỗi lo âu? Dù chỉ mơ hồ, không có gì cụ thể nhưng vẫn là nỗi lo âu phấp phỏng!

Thái Tổ tự biết khả năng mẫn cảm với mệnh Trời của mình. Khi còn là hào trưởng đất Lam Sơn, Tổ đã cảm nhận được rằng mệnh Trời đã trao cho Tổ cơ hội thâu tóm giang sơn và Tổ đã đứng lên phất cờ Bình Định Vương đánh giặc. Giang sơn Đại Việt đã thâu tóm trong tay, mới lên ngôi báu được hai năm, Tổ đã cảm nhận được rằng mệnh Trời không cho Tổ tuổi thọ! Lấy niên hiệu là Thuận Thiên để tự nhắc nhở rằng mọi việc phải theo mệnh Trời, không thể cưỡng định mệnh đã sắp đặt, Tổ không lo đoản mệnh của riêng mình mà chỉ lo làm sao giữ được nghiệp nhà Lê khỏi đoản! 

Hai năm làm chủ Đại Việt, Thái Tổ đã nhiều lần cho người mang sản vật quí hiếm của rừng thẳm, của biển sâu Đại Việt sang cống nạp Yên Kinh xin sắc phong cho một triều đại mới của Đại Việt. Dù Đại Việt dựng nền độc lập bằng máu dân Đại Việt, bằng ý chí quật cường Đại Việt và bằng chiến thắng lẫy lừng, sứ thần Đại Việt vẫn phải đến Yên Kinh quì gối qui phục xin quyền lực nước bại trận nhìn nhận nền độc lập của một triều đại mới của Đại Việt. Vậy mà kẻ bại trận vẫn chưa chịu công nhận nền độc lập của một giống nòi tự chủ, không chịu công nhận ngôi quốc vương của một triều đại mới ra đời bằng chiến công. Yên Kinh vẫn đòi sắc phong cho con cháu mạt Trần chỉ còn là những hạng thứ dân tầm thường vô danh. Không sắc phong công nhận triều đại mới của Đại Việt để Đại Việt chỉ là mảnh đất vô chủ chờ Yên Kinh đến cai trị! 

Rồi những lời bàn ra tán vào của đám quần thần quanh quẩn bên Thái Tổ nghi ngờ về sự trung thành, về những tham vọng của những người góp công trạng hiển hách trong cuộc khai quốc cùng Tổ Lê. Hai người thường được họ nêu tên là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn và Thái úy Phạm Văn Xảo! Hãn lại là dòng dõi hoàng tộc nhà Trần thì sự nghi ngờ về lòng trung thành với nhà Lê xem ra có vẻ cũng đáng bận tâm! Còn Xảo thì sao? 

Thằng cháu ruột Lê Quốc Khí nghi ngờ Hãn, Xảo có phải vì lo cho nghiệp nhà Lê hay chỉ là sự đố kị thường tình? Lê Quốc Khí không có công lao chiến trận. Học hành lại lỗ mỗ, chữ Thánh hiền trong bụng chả được bao nhiêu. Vốn hiểu biết thiên hạ lại càng thiếu hụt. Mấy lần đi sứ sang Yên Kinh xin cầu phong đều trắng tay bẽ bàng, lơ láo trở về! Cả công lao và chữ nghĩa, Khí đều không thể so được với Hãn, Xảo nhưng Khí lại có thứ bậc trong triều cao hơn Hãn, Xảo! Có phải vì thế mà Khí lo sợ và đố kị Hãn, Xảo? Than ôi, khi Thái Tổ chợt nhận ra sự đố kị đó thì Khí đã ra tay với Hãn rồi!

Trong ngày Vạn Thọ thánh tiết, trong tiếng tung hô vạn tuế, Thái Tổ lại rầu rĩ nghĩ đến mệnh đoản của mình và Tổ thấy những tiếng tung hô kia thật vô tâm và trống rỗng! Mỏi mệt và nhàm chán, Thái Tổ vừa lui vào hậu điện thì Phó sứ Nội mật viện Lê Quốc Khí vào tâu có đoàn bô lão từ huyện Lương Giang quê nhà đến Kinh chúc thọ Thái Tổ. A, các bô lão quê nhà, những người đã ủng hộ, nuôi dưỡng nghiệp lớn nhà Lê từ lúc trứng nước! Các bô lão đã vượt ngàn dậm núi non sông ngòi cách trở đến với Tổ thì Tổ phải vui mừng tiếp những bô lão ân nhân. Thái Tổ lại lên kiệu ra tiền điện.

Đâu phải là đoàn bô lão vì trong đoàn còn có một người đàn bà trẻ. Khác với những người đàn bà trong cung cấm xiêm áo lộng lẫy rườm rà chỉ thấy gấm vóc mớ ba mớ bảy và phấn son thừa thãi xóa đi mất nét đẹp tự nhiên của cơ thể mang những đường nét uyển chuyển Trời cho, người đàn bà chân chất trong đoàn bô lão chỉ tấm áo vải thô may khéo khuôn lấy thân hình mềm mại, khoe những đường nét mềm mại, nuột nà làm cho Tổ càng vui mừng thấy những người đến với Tổ thực sự chỉ bằng tấm lòng và vẻ đẹp của người đàn bà chân quê cũng làm cho con người đàn ông trong nhà vua tuổi mới ngoài bốn mươi cũng phải xao xuyến.

Đường nét cơ thể mềm mại, nuột nà của người đàn bà trong đoàn bô lão từ miền quê Lam Sơn càng làm cho viên Phó sứ Nội mật viện Lê Quốc Khí mới ngoài ba mươi tuổi phải bần thần thèm khát! Đã có tới năm bà vợ rực rỡ phấn son và hơ hớ tuổi xuân, Khí vẫn thèm khát người đàn bà quê mộc mạc giống như kẻ ăn mãi mâm cao cỗ đầy bỗng thèm bữa cơm chỉ có ngồng cải luộc chấm tương! Khí nhìn người đàn bà chăm chăm. Nàng cứ cúi mặt nhìn xuống chân, sao nàng không ngước mặt nhìn lên để nhận lấy ánh mắt đắm đuối đến ngây dại của kẻ đang si mê! Đó, nàng chợt nhìn lên! Đôi mắt thăm thẳm thế kia thì đời sống tình cảm, đời sống lứa đôi của nàng phải dạt dào lắm!

Ngoài người đàn bà, Thái Tổ còn quan tâm đến bốn ông già dân quê trong đoàn bô lão. Đó là bốn ân nhân lớn của cuộc bình Ngô đầy gian nan, bốn ân nhân của sự khởi nghiệp phải chịu nhiều mất mát mới dựng lên triều Lê! Ông già họ Trịnh đã cứu Thái Tổ khi còn là Bình Định Vương thoát khỏi sự truy đuổi của giặc. Đang cày ruộng thấy Vương bị giặc đuổi gấp chạy đến, ông già Trịnh liền xô Vương ngã xuống ruộng bùn cho lấm lem từ đầu đến chân rồi giao chiếc cày ông đang cày ruộng cho Vương làm tiếp. Giặc đuổi ào qua chỗ mấy người dân làm ruộng lấm lem mà không biết có Vương trong đó! Hai ông già Mường họ Đinh đã bí mật thả cả đàn bò nhà vào rừng tiếp tế cho Vương khi Vương đang bị giặc vây hãm chờ Vương hết lương thực phải kéo quân ra hàng! Còn công của ông già đánh cá họ Vũ và cô con gái lại càng như thần thoại, như cổ tích. 

Một hôm còn tối đất giữa tháng tám, ông già và cô con gái bơi thuyền ra đầm thả lưới. Mới mẻ lưới đầu tiên đã kéo phải một thanh sắt và một con rùa! Gặp xà thì đi, gặp qui thì về! Dân gian đã đúc kết và nhắc nhở như vậy. Mới mẻ lưới đầu đã gặp qui còn làm ăn gì nữa, đến quay thuyền về thôi! Ông già Vũ thả con rùa và vung tay phóng thật xa thanh sắt xuống đầm rồi chèo thuyền đi xa mới thả lưới. Nhưng kéo lưới lên vẫn thanh sắt và con rùa ấy! 

Lần thứ ba ông đã định rũ lưới trở về. Cô con gái ngồi phía sau chèo thuyền thấy điềm khác lạ liền nói với bố rằng rùa vẫn có sẵn ở đầm nhưng thanh sắt ở đâu ra mà cứ mắc lưới mãi vậy bố nhỉ? Lạ thật! Bố xem kĩ thanh sắt xem có gì đặc biệt không? Trời đã rạng sáng. Trong ánh sáng ban mai ông Vũ gạt bùn và rong rêu bám vào thanh sắt và nhận ra đó là một lưỡi gươm đã hoen rỉ. Nghĩa quân Lam Sơn đang thiếu vũ khí. Trời sai rùa thần mang lưỡi gươm thiêng đến giúp nghĩa quân đây! Ông già nghĩ thế liền vái rùa thần ba vái rồi thả rùa trở lại đầm. Trước khi rùa lặn, ông già còn kịp nhận ra trên đỉnh đầu rùa có một chấm tròn trắng.

Như duyên Trời định, chính ngọ hôm đó, Bình Định Vương ghé vào lều ông già, được ông già kể chuyện và dâng lưỡi gươm. Từ hôm có lưỡi gươm thần, đoàn quân bình Ngô đánh đâu thắng đó. Bị giặc bủa vây trùng trùng, Vương vẫn thoát ra ngay trước mắt chúng. Giặc kéo đại quân hùng hổ đến đánh Vương, Vương dàn phục binh diệt gọn. Giặc cố thủ trong thành, Vương vây thành diệt viện, đánh tan tác hết đạo quân này đến đạo quân khác đến cứu thành. 

Cũng từ hôm ông gìa Vũ gặp Vương, con gái ông già đánh cá đã đem lòng yêu một người lính trong đội quân tháp tùng Vương. Sau đó ít lâu, chính Bình Định Vương đã làm chủ lễ đính hôn cho họ. Rồi người lính đi vào trận mạc cho đến nay vẫn chưa trở về! Mười năm chờ đợi, vợ chưa cưới của người lính trận đã ở tuổi tam thập. Trai ba mươi tuổi đang soan, gái ba mươi tuổi đã toan về già nhưng những đường nét ưa nhìn của người phụ nữ đẹp vẫn còn nguyên trên cơ thể, trên nét mặt rầu rầu khắc khoải.

Lại những lời tranh nhau tung hô vạn tuế của đám chức sắc hàng huyện khiến mấy ông già dân quê vốn không quen chốn quan trường không thể chen lời vào được! Điều đó càng làm cho Thái Tổ thêm ưu ái họ. Nhận ra ánh mắt trìu mến của Thái Tổ dành cho mấy ông già quê mùa, một chức sắc liền nhanh nhảu tâu lên Thái Tổ chuyện ông già đánh cá họ Vũ mới gặp lại linh qui. Chính nhờ có sự tái ngộ linh qui mà có chuyến thượng kinh của đoàn bô lão và cô gái họ Vũ.

Đêm rằm tháng trước, thả lưới trên đầm, cha con già Vũ lại ba lần kéo lên ngài rùa có chấm trắng trên đầu! Thả rùa không chịu trở lại đầm, cha con ông đành để rùa trong lòng thuyền mang về! Chuyện lạ như có cánh lập tức bay khắp phủ, khắp huyện. Các bô lão trong huyện thấy rùa thần của cuộc bình Ngô lại hiện là điều đại sự quốc gia không thể tự tiện giải quyết ở huyện được liền góp công quả đóng con thuyền lớn rước rùa cùng đoàn bô lão lên kinh.

Nghe chuyện, Thái Tổ kinh hoàng. Người thật, rùa thật, chuyện thật đây mà như thần thoại! Thần linh của đất nước cho mượn gươm thiêng đuổi giặc, giặc tan rồi, thần linh cho rùa hiện lên đòi lại gươm đây! Rùa đến đòi gươm còn người đàn bà kia đến đòi chồng ư? Gươm thần ta có thể trả nhưng chồng nàng đã chết trận làm sao ta có thể trả! Thế là với thần linh, với đất trời ta còn có thể trang trải sòng phẳng còn với những người dân bình thường kia đã mang cả tính mạng, máu xương hiến dâng cho nghiệp nước thì suốt đời ta còn mắc nợ!

Oai dũng trước ba quân, quyền uy trước triều thần, còn trước những ông già lam lũ và trước người đàn bà dân dã, Thái Tổ lại được trở về làm người bình thường. Những con người lam lũ kia đến với tột đỉnh quyền lực chẳng để xin gì cho riêng họ. Thế thì phải mở tấm lòng để tiếp nhận những tấm lòng. Phải là con người bình thường đến với con người bình thường! Thái Tổ nói những lời khiêm nhường, mộc mạc ghi ơn người dân rồi Thái Tổ nói rằng rùa là một trong tứ linh của vạn vật chỉ có ở đầm hồ Lam Sơn vì thế rùa chính là linh vật của Lam Sơn. Mệnh Trời đã đưa người từ Lam Sơn ra Đông Kinh làm chủ sơn hà thì cũng rất nên đưa linh vật Lam Sơn ra Đông Kinh làm linh vật của sơn hà Đại Việt. Thái Tổ hỏi các bô lão đưa từ Lam Sơn ra kinh đô được mấy linh qui? Tâu rằng chỉ có một linh qui đầu mang chấm trắng. Thái Tổ lắc đầu. Thế là chưa đủ! Dù là rùa thần thì cũng là sinh vật của tự nhiên trời đất, phải theo lẽ tự nhiên của trời đất, phải có đủ âm dương mới trường tồn!

Thái Tổ ra chỉ lệnh cho bộ Lễ tổ chức gấp chiếc thuyền tốt đưa bố con ông lão đánh cá trở lại quê bắt thêm rùa đưa về kinh đô để rằm tháng tám Thái Tổ sẽ làm đại lễ thả rùa và lể trả gươm tại hồ Lục Thủy ở phía chính đông hoàng thành, nơi đất trời giao hòa trong sương khói mênh mang, trong tiết thu huyền diệu. Thái Tổ sinh ra trong tiết thu đầu tháng tám. Thái Tổ đã nhận được gươm thần trong tiết thu giữa tháng tám. Thái Tổ sẽ trả lại gươm thần cũng vào tiết thu giữa tháng tám, chỉ sau lễ Vạn Thọ thánh tiết ít ngày. Và tiết thu cuối tháng tám một ngày không xa nữa sẽ đến với Thái Tổ theo mệnh Trời đã định!

CANH TUẤT. THUẬN THIÊN NĂM THỨ BA

Mùa xuân. Tháng giêng. Ngày mồng 4. Sau buổi thiết triều đầu năm, Thái Tổ sai Phó sứ Nội mật viện Lê Quốc Khí gọi Thái úy Phạm Văn Xảo ở lại. Thái úy Xảo giật mình trước lệnh gọi bất ngờ. Thái úy nhớ rằng mới năm trước Tả tướng quốc hồi hưu Trần Nguyên Hãn đang ở quê cũng bất ngờ có chiếu triệu về kinh rồi bị nạn ở Tam giang. 

Thấy Xảo bối rối quì trước bệ rồng, Thái Tổ chỉ ghế ngồi cho viên tùy tướng và ân cần hỏi thăm về gia đình vợ con. Thái úy Xảo tâu rằng ông đang có nỗi rầu lòng là hai người vợ cho ông ngũ tử nhưng đều là nữ nhi nên bây giờ nếu có bề gì phải chết như Trần Nguyên Hãn thì ông cũng chưa thể nhắm mắt! 

Thái Tổ mỉm cười độ lượng cho biết nỗi phiền muộn về chuyện thê tử của tùy tướng chính là nguyên do cuộc gặp hôm nay! Thái úy Xảo ngơ ngác không hiểu. Thái Tổ hỏi: Khanh có nhớ mùa đông năm Nhâm dần (1422), Trẫm bị giặc vây hãm khốn cùng ở nuí Chí Linh không? Hồi đó khanh đã chỉ huy một đội cảm tử rầm rộ phá vây thu hút lực lượng giặc để giặc lộ sơ hở cho Trẫm thoát vây. Trong số những chiến binh cảm tử bỏ mạng cứu Trẫm hồi đó có một người lính trong đội cấm vệ của Trẫm. Người lính đó có một người vợ mới đính hôn mà chính ta là chủ lễ đính hôn của họ. Đến nay người vợ đó vẫn đang chờ chồng! Đã qua cả một cuộc binh lửa, quả phụ không còn đương thì xuân sắc nhưng nhan sắc còn mặn mà, đằm thắm và vẻ nữ tính ở người đàn bà có chồng vừa đính hôn đã chết trận đủ cho biết rằng nàng sẽ là một mẹ hiền mau mắn, một thân lúa sẽ trĩu bông, hạt mảy, giống tốt.

Thái Tổ chợt ngừng lời nhìn Thái úy Xảo vẫn với nụ cười độ lượng. Giọng sang sảng quyền uy của Thái Tổ như còn vang trên vòm cung điện. Nàng sẽ là một người vợ hiền, một người mẹ mau mắn! Thái úy Xảo chợt lờ mờ hiểu. Trời ơi, Hoàng thượng có ý định tác thành cho ông một mối tơ duyên mới để ông kiếm quí tử nối dõi! Nhưng những chuyện giải vây cứu Chúa được Hoàng thượng vừa nhắc đến đều diễn ra từ buổi đầu cuộc bình Ngô, lúc Tổ mới hoạt động quanh quẩn ở trấn Thanh Hóa, Nghệ An. Thế thì người quả phụ ắt là dân ở tít trong đó! Xa xôi cách trở quá, làm sao duyên thành! 

Như đọc được suy nghĩ của viên tùy tướng, Thái Tổ lại nói: Khanh có nhớ ông già trên chiếc thuyền chở rùa trong lễ thả rùa và lễ trả gươm trên hồ Lục Thủy hôm nào không? Cha nàng đó! Trẫm đã giao cho cha con nàng công việc nuôi rùa, giúp rùa sống được ở đầm nước kinh kì. Trẫm nghe nói ở trong Thanh rùa ăn cỏ bấc mà ở hồ Lục Thủy lại không có thứ cỏ đó. Trẫm lo rùa không sống nổi ở hồ nước trong leo lẻo như hồ Lục Thủy! Cha con nàng đã sống ở kinh đô từ mấy tháng nay. Người có công còn sống như các khanh, Trẫm đã ban quốc tính và phong tước hầu trả công. Còn tử sĩ trận mạc làm sao Trẫm có thể đền công họ được! Vợ chưa cưới của người tử sĩ núi Chí Linh cũng có công rất lớn trong cuộc bình Ngô. Trẫm muốn nhờ khanh dành tình yêu thương cho nàng, mang lại cho nàng một gia đình đầm ấm, cho nàng được làm vợ, làm mẹ. Đó là sự đền ơn của Trẫm đối với nàng, đối với người tử sĩ chồng nàng và cũng là sự sủng ái của Trẫm dành cho khanh. Không hiểu khanh có thuận lòng?

Trước nghĩa cả của đấng chí tôn, Thái úy Phạm Văn Xảo chỉ còn biết rập đầu cảm tạ! Ông không biết rằng ân sủng của Thái Tổ dành cho ông lại là giọt nước cuối cùng làm tràn cốc nước tai họa đổ xuống đời ông!

Viên quan Nội mật viện Lê Quốc Khí không bỏ sót một lời nào trong cuộc trò chuyện thân tình giữa vua sáng với tôi trung. Ân sủng của Thái Tổ dành cho Thái úy Xảo làm cho viên quan lớn nhưng bụng dạ hẹp hòi Lê Quốc Khí tức tối. Năm người vợ cho Khí đủ nếp tẻ đề huề, Khí không thiếu con trai nhưng không có người vợ nào làm cho Khí mãn nguyện. Khí vẫn rắp tâm tìm thêm thiếp đúng sở thích của Khí. Gặp con gái ông già đánh cá từ Lương Giang ra kinh, Khí mừng thầm là đã gặp đúng người cần tìm! Thái Tổ giữ cha con nàng ở lại kinh đô, lại cho ở ngay bên hồ Lục Thủy gần nhà Khí thì Khí càng hí hửng rằng đó là sự xắp đặt của duyên số cho Khí có nàng. Những toan tính, cả những tiến trình với đầy đủ chi tiết sự việc đã vạch ra để đưa nàng trở thành thiếp của Khí. Bông hoa đồng nội tươi xinh tưởng đã là của Khí bỗng bị Thái Tổ ngắt tặng cho kẻ khác! Mà Hoàng thượng đã quyết thì làm sao có thể thay đổi!

TÂN HỢI. THUẬN THIÊN NĂM THỨ BA

Mùa xuân. Tháng giêng. Vua Minh vẫn chưa chịu sắc phong cho Thái Tổ, vẫn đòi tìm cho được con cháu nhà Trần đưa lên ngôi báu. Đây là mưu đồ kéo dài sự bất ổn cho Đại Việt, nuôi dưỡng tham vọng phục Trần còn đang âm ỉ trong đám bầy tôi triều cũ, khuyến khích bọn đầu mục chốn biên ải nổi loạn, đẩy Đại Việt đến nguy cơ nội chiến để họ lại có cơ hội kéo quân trở lại Đại Việt! Mưu phục Trần chưa lộ rõ nhưng biên ải thì đã không yên. Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái nổi lên xưng hùng cát cứ ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên.

Ngày 25. Thái Tổ thân chinh cầm quân đi châu Thạch Lâm dẹp loạn.

Mùa hạ. Tháng tư. Thái Tổ bắt được Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái vừa dẫn về đến kinh sư thì lại có tin ở châu Mường Lễ trấn Lai Châu cha con Đèo Cát Hãn nổi loạn!

Tháng sáu. Chuyến xuất chinh lên miền rừng Thạch Lâm lam sơn chướng khí làm cho sức khỏe Thái Tổ giảm sút nhanh chóng. Buổi chiều Thái Tổ thường lên cơn sốt rét. Những cơn sốt kéo dài làm cho mặt rồng phờ phạc, võ vàng. Tin giặc cỏ Đèo Cát Hãn lại làm Thái Tổ thêm rầu lòng. Đúng lúc ấy ông già Vũ ngoài hồ Lục Thủy mang đến cho Thái Tổ tin vui bất ngờ: Rùa hồ Lục Thủy đã đẻ ổ trứng đầu tiên!

Ngắm nhìn những quả trứng rùa xấp xỉ quả trứng gà nhưng tròn xoe, những nét phiền muộn trên gương mặt Thái Tổ giãn ra. Thế là rùa Lam Sơn đã sống được ở Đông Kinh. Rùa hồ Lục Thủy sẽ trường tồn cùng Đông Kinh, trường tồn cùng Đại Việt, trường tồn cùng cơ nghiệp nhà Lê! Ông già Vũ tâu rằng rùa ăn cỏ ống mọc trên gò nhỏ nổi giữa hồ và đẻ trứng bên gốc dứa dại ven hồ nhưng cỏ ống ở hồ quá ít và dứa dại cũng chỉ có một bụi nhỏ. Thái Tổ liền truyền phải trồng quanh hồ nhiều cỏ ống nuôi rùa và dứa dại cho rùa sinh đẻ. 

Thái Tổ cũng không quên con gái ông Vũ nên hỏi: Rùa đã đẻ trứng, còn con gái ngươi thì sao? Nó có hay về thăm ông không? Ông gìa Vũ tâu rằng tướng quân Phạm Văn Xảo cho thợ đến cất cho ông ngôi nhà rộng ở chỗ chiếc lều cũ để con gái ông vẫn được ở với ông, tướng quân Xảo cũng thường xuyên đến ở đó và con gái ông đã đậu thai, vài tháng nữa sẽ sinh nở. Thái Tổ liền ban cho ông tấm lụa Vạn Phúc dệt tơ tằm vàng óng để may áo cho đứa trẻ sắp sinh.

Mùa thu. Tháng bảy. Trong mưa ngâu sụt sùi tấm tức, tin Thái úy Phạm Văn Xảo thông đồng với giặc cỏ Đèo Cát Hãn làm phản lan nhanh trong dân chúng như lửa cháy trên đồng cỏ khô. Dân chúng còn đang truyền tụng những chiến công hiển hách của tướng quân Phạm Văn Xảo trong cuộc bình Ngô nên vô cùng sửng sốt lo âu trước tin đồn. Càng sửng sốt lo âu thì tin đồn càng lan nhanh!

Mùa đông. Tháng chạp. Ngày mồng 1. Quan Nội mật viện Lê Quốc Khí trình lên Thái Tổ tang chứng về sự làm phản của Thái úy Xảo: Bức thư Đèo Cát Hãn viết cho Phạm Văn Xảo nhờ Xảo viết sớ dâng lên vua Minh xin phong Vương cho tên giặc cỏ Đèo Cát Hãn. Nội mật viện bắt được tên đưa thư từ Mường Lễ về vừa đến trước cổng nhà Xảo. 

Sao lại nhờ quan võ làm công việc của quan văn? Thái Tổ hỏi Lê Quốc Khí. Khí tâu: Quan võ của triều đình phải nhiều chữ nghĩa hơn hẳn kẻ xưng vương chốn thâm sơn heo hút và Hãn cũng chỉ cần thế thôi! Lại hỏi: Làm sao xác định được rằng đây là chữ của Đèo Cát Hãn? Tâu rằng tuy chưa có thủ bút của Hãn để so sánh nhưng ngôn từ trong thư là ngôn từ Nùng của Hãn đã đủ để kết tội! Tâu Hoàng thượng còn tang chứng quan trọng này nữa: Nội mật viện đã tìm được ở nhà Hãn bản danh sách dự kiến phân chia ngôi thứ trong vương triều của Hãn, trong đó Xảo có vị trí thứ hai chỉ sau Hãn! Thái Tổ phẩy tay không cần xem tờ giấy Khí dâng lên, chỉ rầu rĩ thở dài! Thế là Khí đã đạt được mưu đồ toan tính!

Ngày mồng 9. Thái úy Phạm Văn Xảo, một khai quốc công thần nhà Lê bị tước hết phẩm hàm chức tước và bị chém đầu vì bị khép tội thông đồng với giặc cỏ Đèo Cát Hãn làm loạn!

Dù bị tước hết tước hiệu và bị chém đầu nhưng dân chúng vẫn không quên những công tích của người tướng giỏi và mỗi lần nhắc đến ông, họ vẫn gọi ông là Khu mật Đại sứ, Thái úy Phạm Văn Xảo.

Ngày 22. Người thiếp yêu của Thái úy Phạm Văn Xảo, con gái ông già nuôi rùa bên hồ Lục Thủy sinh con trai. Đứa bé được đặt tên là Phạm Lê. Dù cha đứa bé bị giết bởi lưỡi gươm oan nghiệt của triều Lê nhưng mẹ và ông ngoại đứa bé vẫn thấy phải biết ơn người khai sáng triều Lê. Cho đứa bé mang tên triều đại ấy để họ nhắc con cháu nhớ lấy ơn nghĩa đó. Cha con ông già nuôi rùa nhất định không có được nhiều chữ nghĩa mà thấy được như thế thì đầu họ sáng, lòng họ rộng lắm! Họ lớn hơn rất nhiều ông quan lớn Nội mật viện Lê Quốc Khí, nội tộc nhà Lê, rường cột nhà Lê mà gieo rắc oán thù với nhà Lê khắp dân gian, đấy chính là mầm mống sụp đổ của nhà Lê.

QUÍ SỬU. THUẬN THIÊN NĂM THỨ SÁU

Mùa thu. Tháng tám nhuận. Năm đại hạn bốn mươi chín của Thái Tổ. Lại có tháng nhuận đúng vào tháng sinh! Sợi dây đại hạn trói Thái Tổ tới mấy vòng làm sao thoát được! Lễ Vạn Thọ thánh tiết được tổ chức vào tháng tám trước, lúc Thái Tổ đã yếu nhưng còn chủ trì được những sinh hoạt thông thường ở triều chính. Sang tháng tám nhuận, Thái Tổ không còn ngự triều được nữa.

Ngày 22. Từ sáng sớm, Thái Tổ đã cho gọi Thừa chỉ Nguyễn Trãi vào hậu cung. Nhìn thấy Thừa chỉ Nguyễn Trãi, Thái Tổ bỗng ứa nước mắt. Sau cuộc bình Ngô, Nguyễn Trãi đã được phong Quan phục hầu nhưng cũng từ đó Thái Tổ như quên mất bộ óc sáng láng, quên mất tầm nhìn xa rộng của con người này, hằng ngày Thái Tổ không mang việc triều chính lớn nhỏ ra nghị bàn với Thừa chỉ Nguyễn Trãi nữa vì mọi việc đều đã có ý kiến của quan Nội mật viện Lê Quốc Khí rồi! Thái Tổ vẫy Nguyễn Trãi lại sát bên.

Tiếng nói thào thào hụt hơi làm cho Thái Tổ rất mệt nhưng Tổ vẫn cố nói như dặn dò, như phân trần với con người mới ngày nào gần gũi bên cạnh nay bỗng vô cùng xa cách. Thái Tổ thốt gọi Nguyễn Trãi thân tình như ngày nào ở Lam Sơn: Trãi đó hả? Giọng ta không còn dễ nghe nữa! Lại gần đây! Gần nữa! Điều này ta chỉ có thể nói được với khanh. Khanh nghe được không? 

Thái Tổ ngừng lời, thoi thóp thở rồi lại lào thào hụt hơi nhưng vẫn gắng gỏi: Gươm thiêng từ hồ đầm đã trở về hồ đầm. Rùa thần cũng đã đẻ trứng bên bụi dứa dại ven hồ Lục Thủy. Linh qui đã trở về đời thường, sinh nở tự nhiên! Thế là cuộc sống đã trở lại bình thường! Non sông đã thực sự yên hàn! Rùa đầu trắng đòi lại gươm là điều nhắc nhở phải chấm dứt quyền uy của lưỡi gươm! Gươm thần Trẫm đã trả lại đất trời nhưng Trẫm còn quá mê muội vào lưỡi gươm thế tục! Lại quá tin dùng bọn Nội mật viện thiển cận, hẹp hòi dẫn đến những vụ án oan khiên thảm khốc, tôi hiền li tán, lòng người không yên! Thế là cuộc sống bên ngoài thì bình yên mà trong lòng người thì xao xác! Lo cho sự trường tồn của nhà Lê đúng ra Trẫm phải theo điều khanh vẫn nêu lên hàng đầu là việc nhân nghĩa cốt ở yên dân! Trẫm quên điều đó, chỉ biết tin vào quyền uy của lưỡi gươm oan nghiệt! Đến lúc chợt nhận ra thì mệnh của Trẫm đã tận! Trẫm chỉ còn biết nói với khanh như lời sám hối với lương tâm! Như lời sám hối với những tôi hiền của Trẫm! Mà tôi hiền của Trẫm thì cứ thưa thớt dần!  Ôi chao, nguy khốn quá!  

Thừa chỉ Nguyễn Trãi đứng lặng. Ông biết tai mắt Lê Quốc Khí có mặt khắp nơi nên cứ câm lặng trước nỗi đau mất mát của nhà Lê và trong nỗi đau đời của riêng mình! Những điều bây giờ Thái Tổ mới nhận ra, bậc tôi trung đã thấy từ lâu mà không thể nói. Vua đã không còn sáng thì tôi hiền cũng thành vô dụng! Rồi Nguyên Long lên nối ngôi khi mới mười một tuổi thì bọn Lê Quốc Khí càng làm mưa làm gió! Lúc ấy số phận Quan phục hầu Nguyễn Trãi cũng không biết sẽ ra sao!

Thái Tổ lại khép mắt chìm vào hôn mê. Nguyễn Trãi lặng lẽ lui ra.

Giờ Dậu. Thái Tổ băng ở chính tẩm trong tiếng gió mùa thu cuối tháng tám xào xạc thổi trên vòm đa cổ thụ trước cung điện.

Mùa đông. Tháng một (11). Ngày 22. Rước Thái Tổ về táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn, nơi phát tích nhà Lê.

Ngày 23. Chỉ một ngày sau khi Thái Tổ về Vĩnh Lăng, cha con, ông cháu ông già nuôi rùa hồ Lục Thủy cũng lên chiếc thuyền nhỏ từ hồ theo con ngòi đã cạn gần trơ đáy ra sông Cái, xuôi ra biển trở về xứ Thanh. Hai cha con thay nhau chèo thuyền. Đứa bé trai hai tuổi mặc chiếc áo lụa Vạn Phúc màu vàng nắng cứ bám vào mạn thuyền đưa tay hứng bọt sóng. Đang mùa biển động. Chiếc thuyền con vật vã giữa những con sóng trùng trùng bủa vây. Không biết ba con người bé nhỏ ấy có trở về được với những đầm nước yên ả ở Lam Sơn quê nhà?

Phạm Đình Trọng 

Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ tại Di tích Lam Kinh, Thanh Hóa.