Lam Nguyên: Vườn kiểng Cụ Bình

Kính dâng Tiên phụ.

Hình minh họa: Một vườn cây bonsai ở thành phố Saitama, Nhật bản

Tháng Chạp năm ấy tôi đến thăm Cụ Bình ở Diêu Trì. Nhà Cụ gần sông Cây Da và kề bên quốc lộ số 1 từ Nam ra Bắc. Tôi còn nhớ rõ hôm đó nhằm phiên chợ Tết Diêu Trì, Cụ Bình đang lo mấy chậu bonsai. Thấy tôi đến Cụ vui vẻ, ân cần hỏi thăm Tía tôi có khỏe không, sao lâu quá không thấy Tía tôi đến Diêu Trì thăm Cụ. Rồi Cụ Bình bảo tôi ngồi chơi một tí vì Cụ phải đi rửa tay. Mặc dù Cụ Bình đã vào tuổi thất thập cổ lai hy mà trông Cụ vẫn còn khang kiện lắm; nụ cười của Cụ tôi có cảm giác cuộc sống của Cụ an nhiên tự tại vô cùng!

Vườn nhà Cụ Bình rộng chừng một mẫu tây. Mặc dù có cổng sắt rào kiên cố nhưng ít khi Cụ cho người nhà đóng lại vì gần như lúc nào nhà Cụ cũng có người hàng xóm đến thăm hay khách thập phương đến thưởng thức hoa kiểng; Cụ Bình được tiếng là một con người lịch sự, rất hào sảng và hiếu khách! Khi vào cổng sắt theo một con đường dài độ mười mấy mét và rộng chừng hai chiếc ô-tô nhỏ tránh nhau được dẫn từ cổng ngoài vào vườn kiểng. Bên hữu, Cụ Bình trồng những cây dừa xiêm, vài cây mít tố nữ, và mấy cây mãng cầu… Bên tả, một dãy nhà ba gian và khu vườn kiểng. Phía Bắc vườn kiểng là một ngôi nhà thủy tạ được cất trên một cái hồ hình chữ nhật mà bề dài độ gần mười mét tây và bề ngang bốn, năm mét. Lúc nào có bạn thân đến thăm, Cụ Bình ngồi trên nhà thủy tạ buông cần, câu mấy con lý ngư đãi khách và vài chung rượu Bàu Đá mà ông Sui của Cụ mang từ Bình Khê đến Diêu Trì tặng Cụ. Thật là một cảnh thanh nhàn hiếm có giữa thời buổi loạn lạc này! Tôi không thể nào quên được ngày đến thăm Cụ Bình lại được vinh dự diện kiến Thầy Năm Dzu và Thầy Hai Khấu là hai vị lương y nổi danh cả một vùng Tuy Phước. Lúc mặt trời đã nghiêng hẳn về phía Tây, bóng mát chiếm một góc nhà thủy tạ, Cụ Bình mời khách ngồi trên cái phản bằng đá non nước kê dưới tàng cây vú sữa. Niềm vui thấy rõ trên nét mặt của Cụ Bình làm cho mọi người bên Cụ cảm thấy thoải mái giữa khung cảnh đầy thanh tịnh này. Chủ nhân đích thân vào nhà trong bưng ra một bộ khay trà thuộc vào đời vua Tự Đức làm tôi nhớ đến tập truyện Vang Bóng Một Thời của nhà văn Nguyễn Tuân nên lòng thấy lâng lâng một niềm vui khó tả! Gió Nồm thổi dịu dịu làm cho cả chủ lẫn khách càng thấy hương trà có mùi Thiền vị. Vừa được vài chung trà thì Cụ Bình hỏi Thầy Năm Dzu: 

– Anh còn nhớ “cặp tùng” của ông Hương Kiểm Diệu ở Cầu Phủ không?

– Anh muốn nói đến cặp tùng nào, cặp “long đầu” hay “cặp long trảo”?  

Nếu cặp “long trảo” thì so với cặp tùng của anh, nó thua xa. Hai cây tùng của anh mới đúng là “móng rồng” vì những chùm lá vừa tròn vừa có góc cạnh, lại cong quặp vào và nếu kể đến niên tuế thì cặp tùng “long trảo” của anh cũng cao tuổi hơn! Nhìn hai cây tùng của anh người biết thưởng ngoạn sẽ nhận rõ là “cổ thụ” nhờ nghệ thuật cắt tỉa của anh. Đấy là tôi chưa nói đến màu da khô mốc và thêm những khuỷu cong càng làm tăng vẻ đẹp của cây kiểng giống như những cây tùng trong các danh họa đời Nguyên, đời Tống vậy! 

Thầy Năm Dzu nói đến đây như hãy còn thiếu một điều gì nên Thầy đã tư lự một lát rồi đưa ra thêm ý kiến là “tùng” phải hùng vĩ, “mai” phải thanh kỳ, “trúc” cần nét nho nhã và “liễu” phải yểu điệu… Lúc đó tôi mới ngộ được là mình “chơi hoa kiểng chậu” bấy lâu nay mà thiếu trình độ hiểu biết về nghệ thuật “bồn tài” này! Quý Cụ vừa thưởng thức trà ngon vừa thảo luận thêm “cặp tùng long đầu”. Vì thân phụ tôi là bạn đồng châu với Cụ Bình nên Thầy Năm Dzu thương mà hỏi ý kiến tôi về việc chơi cây kiểng. Lúc đó, tôi nghĩ lại mà hổ thẹn cho chính mình; tôi đỏ mặt và gục đầu im lặng như bức tượng suy tư của điêu khắc gia Tây phương! Thầy Hai Khấu vừa cầm chén quân lên nhắp thêm ngụm trà thơm rồi ngâm mấy câu thơ của thi sĩ Vi Ứng Vật 韋應物đời Đường 唐:

Hoài quân thuộc Thu dạ 懷君屬秋夜         

Tản bộ vịnh lương thiên 散步詠涼天

Không sơn tùng tử lạc 空山松子落

U nhân ứng vị miên.     幽人應未眠

Rồi Thầy Hai lại tiếp, nếu có điều kiện ta nên trồng tùng trên đường đi vào cảnh núi rừng hay trên dốc cao như vườn kiểng anh Bình đã trồng cây tùng trên đường nhỏ vào “hòn non bộ”. Lúc đó, Cụ Bình lại nói thêm rằng chơi kiểng hoa phải biết tánh ý của hoa kiểng! Như người xưa từng bảo “tùng, trúc, mai” là “hàn tam hữu” ba người bạn mùa lạnh. Lúc Cụ Bình đang chế trà, tôi đưa mắt quan sát khắp vườn để tìm thử “hòn non bộ” đặt nơi nào. Cụ Bình vừa đưa tay mời chúng tôi dùng trà, vừa giảng lý lịch mấy cây kiểng trong vườn. Như cây “bạch mai” nguyên trước kia của cụ Tổng đốc Hoàng Yến tặng tôi nhân dịp tôi tháp tùng Cụ đi Nha Trang và Cụ lưu ý tôi nên để chậu bạch mai gần thư phòng vì mỗi khi có trăng là lúc ngắm “mai” đẹp nhất.  Nhưng cũng có người thích ngắm “mai” vào lúc hoàng hôn như thi sĩ Lâm Bô:

Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn!

Và “cây khế” này tôi đã nài nỉ Cụ Tú Tri Thiên hai lượng vàng; cây khế này niên tuế trăm năm đấy, còn “cây sung” trước của Sư Cụ Chùa Thiên Trúc Bình Lâm… 

Rồi Thầy Năm Dzu nhắc lại lời của người xưa rằng “mai” là hoa khôi, “mẫu đơn” là hoa vương và mỗi loài hoa đều có mang một sắc thái riêng; chẳng hạn “hoa lan” u tĩnh, thường mọc ở những hang cốc vắng vẻ, nó biểu tượng cho những ẩn sĩ “cô phương độc thưởng”! Còn Cụ Bình đề nghị nên ngắm “hoa cẩm nhung” vào buổi rạng đông. Theo quý cụ quan niệm không gì thanh thản, nhàn hạ bằng khi nghe “gió trúc” xào xạc miên man và ngửi được “mùi lãnh hương” của mai hay ngắm “tùng” dưới trăng! Nhìn thấy phong thái nho nhã và nếp sống thanh cao của Cụ Bình làm tôi ao ước được như Cụ khi mình đáo lão hồi hưu! Nhưng than ôi “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”! Sau hàng giờ hầu chuyện với quý cụ tôi lại biết thêm là Cụ Bình đã từng đi Huế, Hà Nội mua kiểng chậu mà tiêu biểu trước mắt tôi lúc ấy là “chậu cây si với con trâu đất nằm dưới nước” tuyệt đẹp!

Càng về sau các cụ vui quá chẳng để ý đến tuổi tác nên rất cởi mở và thích thú bàn luận làm tôi nghe được những câu chuyện thật hay của các cụ. Cụ Bình bảo rằng cuộc đời là bao mà cứ cấu xé tranh giành mãi làm chi! Thiên nhiên thật đẹp và quý vô cùng lại không biết thưởng thức, không biết hưởng thụ và không biết trân trọng! Thế cho nên người xưa hiểu được cái giá trị của thiên nhiên mà tạo ra “hòn non bộ” để thu nhỏ thiên nhiên lại và từ đó mỗi lần ngắm là một lần suy tư về cuộc sống đích thực hơn! Rồi Thầy Năm Dzu bảo rằng tiền nhân của chúng ta có quan niệm “Bất học Dịch hà dĩ thức Tạo Hóa chi đoan nghê” 不學易何以識造化之端倪 nên lúc nào quý cụ đều dùng Kinh Dịch để hiểu rõ giềng mối của vũ trụ. Mặc dù bảo là “giả sơn” nhưng mình lại gửi tâm sự thật của mình vào đó, cũng là một điều thú vị! 

Cụ Bình tâm sự riêng về hòn non bộ này là cụ đã dự tính gần mười năm mà khi thực hiện chỉ tròn bảy tháng. Những gì không có được trong cuộc đời thực tế, cụ Bình đem tất cả ước vọng đặt vào “hòn giả sơn”. Không có sức và chẳng đủ tài để thu gọn tất cả những thắng cảnh của tỉnh nhà Bình Định song cụ cũng nêu được vài nơi như: Chùa Thập Tháp, Tu Viện Nguyên Thiều, những ngọn Tháp Chàm, Chùa Linh Phong tức Chùa Ông Núi và Chùa Long Khánh, nhà thờ lớn Qui Nhơn. Cụ Bình nhắc lại lời của người xưa là lòng ta có ngay thẳng mới biết được Đạo, mới hiểu được cơ trời cùng thấy được cơ vi… mới thông được quyền biến, đấy là thiên nhân hợp nhất! Rồi Thầy Hai Khấu thêm là ở Bình Định rất nhiều nhà xây cất theo Kinh Dịch vì “trên thượng lương” thường có dòng chữ Nho “Càn Nguyên Hanh Lợi Trinh”. Lúc đó tôi hỏi và được các cụ giàng rằng Càn 乾 là thuần dương cực kiện, Nguyên 元 là lớn, đầu hết, Hanh 亨 là thuận tiện thông thái, Lợi 利 là tiện lợi, thỏa thích, Trinh 貞 là chính, bền chặt! Cụ Bình cũng theo quan niệm địa lý của tiền nhân mà tạo ra hòn non bộ này:

Muốn cho con cháu Trạng Nguyên

Thì tìm bút lập đôi bên sắp bày

Nhất là Tân, Tốn mới hay

Bính, Đinh, Đoài, Cấn sắp bày đột lên!

Hôm ấy có lẽ cụ Bình quên cả mệt vì bản chất hiếu khách và cũng do gặp lại hai người bạn tâm giao, đúng như quan niệm của nhà Nho “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ! 有朋自逺方來, 不亦樂乎! Bạn từ xa đến thăm, làm sao không vui! Cụ Bình chỉ chúng tôi xem Tháp Bánh Ít trong hòn giả sơn mà người xưa gọi là Tam Tháp Cang tức là Gò Ba Tháp, nơi kia là Thành Đồ Bàn.    

Nếu ai đã từng ghé thăm Bình Định mà không đến Thành Đồ Bàn là một điều thiếu sót. Một khi đã đến Thành Đồ Bàn mà không lưu tâm đến mấy con voi đá thì mất đi một dịp may trong đời lấy du lịch làm thú và lấy thắng cảnh làm hành trang kỷ niệm cho đời! Rồi Cụ Bình vào thư phòng lấy ra một tập giấy đánh máy Cụ tự đọc và sau đó cho chúng tôi xem bài viết của người con trai Cụ về “Mấy Con Voi Đá Thành Đồ Bàn”:

“Vào một buổi chiều tà, mặt trời còn thoi thóp sau đồi mà đứng bên cạnh “con voi đá” của Thành Đồ Bàn thì bạn sẽ cảm thấy rợn tóc gáy! Một cảm  giác lành lạnh chạy suốt trong thân thể vì như chợt nghe có tiếng voi rống trong nội thành. Nếu bạn nhìn con voi đá đứng ở các gò đất màu nâu của lớp gạch ong ngổn ngang chung quanh thành, thì bạn sẽ có cảm giác hoang vu lạ thường! Có con voi đang ngóc đầu réo gọi vì lạc đàn sau một trận xung kích; có con tìm lối thoát hoặc đang trốn trong bụi cây xương rồng vì quá hoảng sợ. Nhìn đàn voi khác cúi đầu thầm lặng như đang suy niệm một Vương Quốc Chiêm Thành mà giờ đây chỉ còn lại mấy lớp gạch vụn!Có chăng chỉ  là  hồn Ma Hời phảng phất nơi đây! Gió chiều thổi vào ngàn cây tạo thành tiếng vi vu, réo rắt như tiếng than vãn của một bài ca  Nam ai, thật não nùng thê lương! Bạn sẽ thấy có những con voi đá trên mình còn đầy chiến tích: sứt vòi, đứt đuôi, mất đầu… đang nằm la liệt chung quanh hào mương, thành quách nhưng hãnh diện vì đã tận trung, tận hiếu cho gia tộc và Vương Quốc Chàm. Một vương quốc đã từng nổi tiếng là hùng mạnh nhất phương  Nam! Một vương quốc nổi tiếng về văn minh kiến trúc mà những ngọn Tháp  Chàm  còn  ngạo  nghễ  đứng sừng sững với thời gian. Một dân tộc có phong tục tập quán khai nguyên  cho  các  bộ lạc miền Trường sơn. Và  có  những  con  voi  đá  mà  các  bạn  đã  tìm  gặp  kiếp  chân  tu  đang nằm  quanh ngôi Chùa cổ  bên  trong  Thành  Đồ  Bàn  như  chẳng  buồn  để  ý đến  thời  cuộc,  mặc  cho  ai  muốn  thay  chủ  đổi  ngôi  vẫn  thản  nhiên,  một lòng  chung  thủy  đứng  trơ  trơ  bên  các  đền   đài  bị  đổ  vỡ  tự  thuở  nào  mà  lòng  dạ  sắt  son  vẫn  thờ  một Chúa, đứng  chầu  một  cách  trang  nghiêm  không  hề  hay  biết Vua,  Chúa  của  mình  đã  bị   đày  ải hoặc  đã  bị  giết  tự  thuở  nào!

Trời đã xẩm tối, nếu du  khách  trở gót  quay  về  thì  sẽ  nhìn  thấy  trên  đường  vào  làng  mấy  chú voi con  đang  nằm  một  cách  thản  nhiên,  không  hề  biết Vương  quốc  Chiêm  Thành  đã  bị  diệt  từ  bao  thế  kỷ qua!

Chiều Đồ Bàn

Vàng rơi, vàng rơi trên thành xưa

Đồ bàn Hời nghe chiều hư vô

Ô, nàng Chiêm bay về trong mơ

Nghe hồn đau làng quê bơ phờ!

Tang tình nghê thường, ôi Chiêm nương

Đền đài dân Chàm  còn âm vang

Âm vang ca Chàm vương trời cao

Tình nồng hương còn say trần gian!

Hồn dân Chiêm theo chiều chơi vơi

Nghe hồn đau thương vương mây trời

Nghe lòng bay cao, lòng bay cao

Và nghe dân Hời buồn không thôi!

Chiều vàng đi, chiều vàng đi rồi

Đồ bàn xưa còn vang âm thôi

Âm than buồn nghe sao bùi ngùi

Ôi đời, ôi đời…Trần gian ơi!

Xuân tàn ngàn thu buồn mang mang

Hồn Chiêm bơ phờ bay lang thang

Ngàn cây u buồn vây hoang thành

Xui lòng ai nghe sầu miên man!

Lam Nguyên

Cụ Bình để cặp kính lão xuống bàn và châm thêm trà cho chúng tôi. “Khổ khổ, cam cam…!”, các Cụ nói đúng quá: Nhắp hớp trà đầu tiên, cảm thấy đắng, càng nhắp càng thấy ngọt lịm nơi cổ! Ông bà ta yêu trà thật là một trải nghiệm qúy báu!

Nhắc đến vườn kiểng của Cụ  Bình, tôi  vẫn  thấy  lòng  mình  lâng  lâng  khó  tả!  Một dịp  may  hiếm  có  cho  đời  chơi  kiểng  chậu  của tôi! Tôi  mang  ơn  quý  cụ,  nhất là  Cụ  Bình. Tôi  đã làm  bài thơ  để  tỏ  lòng  biết  ơn  của  mình  đối  với  quý  Cụ  nhưng  chẳng  bao  giờ  dám  gửi  vì  tay  nghề   thơ  còn  thô  thiển. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ  Cụ Bình  là  tôi  chế  bình  trà nhâm nhi  một  mình rồi  ngâm  bài  thơ:

Thú kiểng chậu

Một đời yêu kiểng, thích chơi  bông,

Lập cuộc giả sơn, ra sức trồng.

Dừa, trúc chen chân trên lối nhỏ,

Sanh, tùng phơi lá dưới  mưa  giông.

Đêm  khuya  thanh  cảnh  nâng  nâng  nhẹ,

Sáng  sớm  tinh  sương  ẵm  ẵm  bồng.

Vũ  trụ  bao  la  thu  góp  lại,

Trong  vườn  nghệ  thuật  Lão  Tiên  Ông!

Lam Nguyên  藍  源