Phạm Ngũ Yên: Trần Trung Đạo và “Ra đi để lại nụ cười”

1.

Khi những cây maple lá to đổi màu trên đường xuống phố, tôi biết mùa thu đang về. Tôi biết tôi sẽ thường xuyên lái xe đi trong cái êm dịu của mùa màng và biết mình sắp sửa phải lòng cái màu lá này, như ngày nào tôi mới gặp. Mọi thứ toát lên sự buồn bã và tự nghĩ không biết mình có thể chịu đựng bao lâu sự cô đơn đang chất lên đời mỗi ngày, cùng với tình yêu chính là những gì còn sót lại. Mọi thứ dường như đã cháy rụi, mọi con đường đã không còn quay đầu. Và sự cô đơn nếu có cũng không sao, miễn là ta còn có thể yêu ai đó, điều gì đó, bằng cả trái tim mình.

Tập sách của nhà văn Trần Trung Đạo về nằm trong thùng thơ trước nhà đã minh chứng là trái tim của một nhà văn từng suốt đời gắn chặt với chữ nghĩa đã không chịu ngừng đập.

Trong một trang sách anh đã tự thú nhận tâm hồn anh phức tạp, đa dạng và mệnh mông như mây vần vũ bốn phương trời (trang 216) Và tập sách—dĩ nhiên tự nó đã toát ra cái đa dạng, cái mênh mông—mà với một người không đủ đầy ngôn từ như tôi không thể nào trang trải hết được trong vài trang giấy.

“RA ĐI ĐỂ LẠI NỤ CƯỜI” là một tập truyện vừa phát hành năm 2024, gồm nhiều bài tâm bút, đoản văn, bút ký từng được đăng trên Facebook, của một người viết văn ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Anh cũng là tác giả nhiều tiểu luận và chính luận và cũng là một cây viết dài hơi, chịu đi khắp nước Mỹ để thuyết trình nhiều chủ đề về chính trị và văn hóa cho những người trẻ tuổi tại hải ngoại.

Tác phẩm gồm 57 bài viết chia làm 2 phần:

Phần một: RA ĐI ĐỂ LẠI NỤ CƯỜI, những bài viết tri ân cùng tưởng niệm những vị Thiền Sư hàng đầu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (trong đó có những vị còn sống và có vị đã viên tịch, như Ni trưởng Thích Trí Hải, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Thích Quang Siêu, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ…) Những công đức và tinh thần vô úy vô lượng của từng vị đã hiến dâng đời mình cho Phật Sự và để lại biết bao những di sản cho đời sau…

Cũng trong phần này tác giả không quên nhắc đến cây đa chùa Viên Giác, nơi tác giả sống đẹp một thời niên thiếu… Đến ngôi trường Đại Học Vạn Hạnh, một ngôi trường từng đào tạo gần 4000 môn sinh, sau này ra đời túa đi bốn phương tám hướng. Đến Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Minh Châu… Phó Viện Trưởng Hòa Thượng Thích Mãn Giác… và nhiều, nhiều vị Giáo Sư khả kính đương thời…

………………

Phần hai: KỶ NIỆM: Viết về gia đình nhỏ của tác giả, những bằng hữu, những chuyến đi lang thang đây đó. Một viên sỏi hay một đóa hoa trong sân vườn bồ đề. Những con cá nục dưới chân cầu ở Istanbul. Những công viên và những ngày mới định cư, ngày cưới… Mọi thứ đủ để kéo anh ngồi xuống bàn viết. Phần này đích thực là văn phong của Trần Trung Đạo.

Tôi thích nghe những người ngược giông ngược gió để trở về ngồi thật yên dưới hiên chùa kể chuyện. Trần Trung Đạo là nhà văn có tài làm chúng ta muốn ngồi lại để nghe chạm những dung tục đời thường từng làm chúng ta tổn thương, và biến cải những tổn thương đó thành những điều tích cực.

Tôi hi vọng nhiều năm sau, giữa muôn trùng xáo trộn, từ những dòng tâm bút của anh, chúng ta sẽ vớt lên được những bài học bao dung. Sen sẽ nở, trà sẽ thơm. Những tình người sẽ ấm… Và chúng ta nhìn lui lại tuổi trẻ đang trôi đi, không biết bao giờ mới hết còn tuổi trẻ? (bài Tìm Sông, phần cuối)

Với anh, chúng ta dường như chẳng thể biết được những tháng ngày kỷ niệm mà anh viết xuống đó thực sự rất tươi đẹp dường nào, và đến một lúc nào quay đầu nhìn lại, chúng ta chẳng còn thấy nó nữa… Thời gian như một khúc sông thay đổi từng một sát na, và trái tim chúng ta vẫn đập rộn ràng. Cả cuộc đời còn dài như vậy, có nhiều chuyện tốt đẹp cần phải làm mà???

Ai đó nói rằng, “có những thứ không trân trọng thì sẽ mất đi. Nhưng cũng có những thứ rất trân trọng mà không thể nào giữ được”. Tập tâm bút này, của anh, coi như đã thực hiện được những điều nghịch lý đó. Là vừa trân trọng với những quá khứ lóng lánh vàng ròng, đồng thời giữ lại và truyền tải những thông điệp lộng lẫy đó cho những đời hậu bối…

2.

Cuộc đời giống như tách cà phê không đường, có vị đắng nhưng dư vị dài lâu.

Việc tôi cần làm bây giờ là nghỉ ngơi và hãy khoan đọc hết quyển sách này… vì nếu đọc một hơi một hồi… sẽ không chạm đến hạnh phúc.

Cái hạnh phúc chân chính không có tiêu chuẩn. Đơn giản thôi, là chỉ cần chúng ta nhìn thấy đâu đó, giữa những trang sách này, nụ cười nhiều hơn tiếng khóc.

Sáng mai, sau khi tôi post lên những lời cảm ơn tác giả gởi sách tặng, tôi sẽ chạy ra quán cà phê, ngồi một chỗ nào đó dưới những bóng cây sồi, ôm tập sách trong lòng vừa lật trang, vừa nghe tiếng chim, vừa nhìn những nhánh lá vàng tươi đẹp. Biết mùa thu thực sự trở về…

Đầu tháng 10, 2024

Phạm Ngũ Yên

Ps: Tác phẩm dàn trang và bìa thực hiện rất đẹp do chính tác giả trình bày. Sách gồm 356 trang, in trên giấy nặng cream. Xen giữa những trang là những hình ảnh của tác giả và các anh chị em Huynh Trưởng và cư sĩ Phật Tử chụp trong các lễ tưởng niệm.