Phạm Xuân Nguyên: Võ Phiến “Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen

Tôi nhớ mãi một bài báo đọc được trên tạp chí Bách Khoa trong quá trình tìm hiểu về văn học miền Nam trước 1975. Bài báo nói chuyện những địa danh ở miền Nam Bộ lại luôn mang tên người, những thôn ấp kênh rạch được gọi là xóm Ông Đồ, ấp Trùm Thuật, sông Ông Đốc, ngọn Ông Trang, rạch Biện Nhan, núi Bà Đen… Núi sông được gọi theo tên con người, mà lại là những người dân chân chất, bình thường, những con người chân lấm tay bùn, không phải những vĩ nhân, nhân vật lịch sử. Thật lạ lùng. Ở miền Bắc thì con người phải mượn tên sông núi để ghi danh mình như Tam Nguyên Yên Đổ, ông Tú Vị Xuyên, cụ Nguyễn Tiên Điền, còn trong Nam con người cho núi sông mượn tên mình trước bạ. Mới đọc đến đó tôi đã khoái quá. Nhưng tác giả chưa dừng ở đó. Trong Nam tên núi tên sông là tên người, nhưng người Nam lại rất lắm tín ngưỡng, thờ lắm thần, lập lắm đạo. Cớ sao vậy? Câu trả lời của tác giả chốt lại trong một từ: đất mới. Nam Bộ là miền đất mới, người Việt vào đó khai khẩn phải tự tạo ra tất cả mọi thứ cho cuộc sống của mình, từ tên gọi núi sông đến thần linh đạo giáo. Kết luận lại, tác giả gọi đó là “đất của con người”. Và đó cũng là tên của bài báo tôi đọc được. Toàn bài toát lên một sự ngợi ca con người Việt Nam đi mở đất, nối dài bờ cõi. Toàn bài chan chứa lòng yêu con người Việt Nam tràn trề sức sống và biết sống trong mọi hoàn cảnh, môi trường. Giọng văn như kể chuyện, một lối văn nói, khiến người đọc thấy gần gũi, chan hòa. Tôi đọc xong bài ngó tên tác giả thấy hai chữ Tràng Thiên. Ngày tháng ghi dưới bài viết là vào năm 1972.

Từ đó tôi chú tâm đọc những bài khác cùng loại của cùng tác giả. Nói thật là càng đọc được càng thích thú, khoái cảm, càng thấy mình hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống quanh mình, ở trên đất nước mình, nhất là về phía Nam, càng kích thích mình chú ý hơn đến những cái thường ngày để mà tìm hiểu. Ông Tràng Thiên đã lấy những cái mắt thấy tai nghe ra để diễn giải, cắt nghĩa, suy luận, phỏng đoán về một từ ngữ, một mùi vị, một món ăn, một tiếng cười, tiếng chửi của người Việt toàn thể, của người Việt miền Nam, đặng để mà hiểu hơn từ đó yêu hơn. Theo ông ta thấy được “những ve vẩy phấp phới của tà áo dài là niềm vui hợp lý chúng ta tự thưởng cho mình bên cạnh những lao tác nhọc nhằn”. Theo ông, ta hiểu vì sao, theo cách hiểu của ông, người Việt lại có “cuộc chiến bằng mồm” tức là chửi, mà là chửi tục. Theo ông, ta mới biết thương con én quá chừng, giống chim gắn với mùa xuân, được nói đến trong thơ ca, vậy mà người ta lại không hề quan tâm đến nó, bằng chứng là nó không có được một cái tên gọi tiếng Việt, “én” chỉ là do “yến” của tiếng Hán đọc chại mà ra. Nghe thế ta giật mình. Biết bao thứ bình thường quanh ta, ta sống hàng ngày với những thứ đó, ta coi chúng là quen thuộc, gần gũi, vậy mà bỗng chốc ta ngớ ra khi muốn biết ý nghĩa chúng ra sao, tại sao chúng lại có cách gọi tên, cách dùng như chúng. Ta vô tình. Ta thờ ơ. Ta sống buông xuôi mặc lòng. May nhờ có các nhà văn như Nguyễn Tuân, Thạch Lam hồi trước, và Vũ Bằng, Tràng Thiên gần đây, ta mới được cảm nhận đầy đủ, tinh tế những thứ ta sống hàng ngày, những nơi ta từng đến từng qua. Họ để ý quan sát. Quan sát rồi họ chú tâm suy nghĩ. Suy nghĩ rồi họ tìm cách diễn giải. Diễn giải cũng là một cách để nói lòng yêu. Ông Tràng Thiên yêu lắm đất nước mình là Việt Nam, quê hương mình là Bình Định, cố đô mình là Huế. Vâng, “yêu quá, có thể nào khác được / có thể nào khác được nếu mình yêu” (Thanh Thảo). Những bài viết về quê hương đất nước của Tràng Thiên là được viết ra trong một thời kỳ gian lao, ác liệt trên mảnh đất chữ S khi chiến tranh gầm thét và xé nát đất đai, thể xác, phong hóa, tập tục. Giữa cảnh bom đạn chết chóc, viết về cái ăn cái mặc, cái khóc cái cười, cái cảm cái nghĩ, dường như là cách ông nhà văn này chống chọi với bạo lực, dường như ý ông muốn cất giữ những nét văn hóa riêng của dân tộc cho khỏi bị tàn phá, hủy hoại của vũ khí. Ông thương Mẹ Việt Nam, bấu víu vào Mẹ; “Gọi Mẹ Việt Nam, Mẹ cúi xuống kiểm điểm từng địa phương, từng phần tử trong đám con đàn cháu lũ Việt Nam chắc chắn Mẹ sẽ không đến nỗi tuyệt vọng đâu. Đã đành, nhiều lúc con trẻ hành động ngông cuồng rồ dại quấy phá Mẹ không ít, làm Mẹ điêu đứng thẫn thờ cũng nên, nhưng Mẹ hãy xem có những gương mặt khả ái, những tấm lòng nhiệt thành, sau hai mươi năm điêu linh vẫn còn những kẻ kiên nhẫn siêng năng, sau nhiều suy sụp ngả nghiêng xã hội vẫn còn những tâm hồn đứng đắn lành mạnh nhờ được hun đúc trong một truyền thống tốt đẹp tự lâu đời”.

Một số cuốn sách trước và nay của Võ Phiến tại nhà tác giả, cùng cuốn nghiên cứu về ông của John C. Schafer

Vậy là tôi đã đọc Tràng Thiên ở mảng viết này của ông từ những bài lẻ trên báo chí đến cả tập sách được đặt tên “Đất nước quê hương”. Ngay khi đọc xong bài “Đất của con người” nói trên tôi đã kể lại cho nhiều người như một phát hiện của tác giả về vùng đất phía Nam và tôi đã rất muốn in lại bài viết đó cho nhiều người cùng đọc. Nay thì không chỉ bài viết đó mà còn nhiều bài viết khác của Tràng Thiên đã được in lại thành tập “Quê hương tôi” vừa xuất bản. 

Tập sách đưa lại nhiều hiểu biết về môn đất nước học, văn hóa học, và cả những kiến thức về du lịch, nhưng trên hết là một tình yêu, một tấm lòng. Cầm tập sách tôi vui mừng gặp lại một người quen chưa từng gặp mặt nhưng đã cho tôi đồng hành trên con đường văn hóa văn chương. Một nhà văn nổi tiếng về tạp bút tạp luận mà Tràng Thiên là bút hiệu được lấy từ câu thơ nổi tiếng của Vương Bột đời Đường “Lạc hà dữ cô vụ tề phi / Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc” (“Cánh cò bay với chiều sa / Sông thu lẫn với trời xa một màu”). Ở phương trời xa ngoài đất nước trong cõi người đã đi gần chín phần mười thế kỷ Tràng Thiên hẳn mừng khi biết tấc lòng của mình với quê nhà sau bốn mươi năm lại đã xôn xao, phập phồng.

Nhưng Tràng Thiên là ai vậy mà nãy giờ tôi cứ lòng vòng loanh quanh mãi không nói ra? Xin thưa: Tràng Thiên là Võ Phiến, một nhà văn tên tuổi của văn học phía Nam thời đoạn 1954-1975 hiện nay đang sống ở Mỹ. Ông tên thật Đoàn Thế Nhơn, sinh 1925, quê Bình Định. Mẹ Việt Nam đang vui mừng đón những đứa con phiêu tán trở về. Dẫu ra đi trong hoàn cảnh nào, dẫu ở những phương trời nào, đất nước quê hương vẫn là nơi người đi muốn trở về, sau rốt. Võ Phiến được in lại trong nước, dù đang phải dưới bút danh Tràng Thiên, là một tin vui cho tác giả, cho độc giả, là một ích lợi cho văn hóa, văn học nước nhà. Rồi đây những cái có ích như vậy, những cái thực sự là giá trị văn chương, học thuật của cả một đội ngũ những người cầm bút, rộng ra là những người sáng tạo văn học nghệ thuật, của một nửa nước phía Nam thời 1954-1975 chắc sẽ được xuất hiện trở lại nhiều hơn. Văn học còn dè dặt, nhưng âm nhạc thì đã tưng bừng hơn, với sự trở về nước của những giọng ca từng nổi tiếng, quen thuộc, như Chế Linh mới đây, và Khánh Ly tới đây. “Thì chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu /Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai” (Chế Lan Viên).

Và đó là một phúc lớn.

Trên đây là bài viết “Có một tấm lòng như thế” tôi viết đúng 12 năm trước (10/2012) cho một tờ báo khi tập sách “Quê hương tôi” của ông do Nhã Nam thực hiện được xuất bản trong nước dưới bút danh Tràng Thiên. Sau cuốn đầu, Nhã Nam cho ra tiếp cuốn hai của Võ Phiến vẫn với bút danh đó – cuốn Tạp văn (2013).

Sự kiện hai cuốn sách tập hợp một số bài viết của Võ Phiến về quê hương đất nước từng in trong các sách của ông ở Sài Gòn trước 1975 nay chính thức được in lại trong nước như vậy, đối với số đông người cầm bút trong ngoài đất nước, là một điều mừng, một tín hiệu tốt cho văn chương nước nhà. Nhưng cũng có một vài ý kiến từ hải ngoại mà tôi được nghe lại trách ông sao để trong nước in mà không đề tên thật tác giả. Họ, những người trách nhà văn thế, không hiểu được cho cái tình cái nghĩa của những người bạn văn, những người làm xuất bản trong nước, không hiểu được sự đi ra trở về của văn chương trong hoàn cảnh lịch sử nước mình là cả một quá trình, một con đường dài. Khi chưa thể đưa cái tên Võ Phiến trở lại trên bìa sách như một lẽ bình thường thì cái tên bút danh Tràng Thiên của ông đã cũng là một chỉ dấu, một nhắc nhớ. Nhà nghiên cứu John C. Schafer dẫn tạp chí Văn (số tháng 7/tháng 8 năm 1974) ở Sài Gòn trước đây cho biết: “Trước 1963, bút danh Tràng Thiên dùng cho nhiều thành viên khác nhau của ban biên tập tạp chí Bách Khoa, trong đó có Võ Phiến, khi họ viết mục điểm sách. Từ 1964 khi Võ Phiến bắt đầu ký bút danh này cho những bài viết về văn học cũng như cho mục “Cuộc sống” thì ban biên tập quyết định chỉ dùng bút danh đó cho riêng Võ Phiến.” Võ Phiến là một cây bút chủ lực của tạp chí Bách Khoa, nhất là thời kỳ đầu, trong suốt 17 năm tồn tại của ấn phẩm này dưới chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Kể từ khi gắn với tên ông, nói tới Tràng Thiên là người đọc biết đó là Võ Phiến. Và giờ đây, đúng một giáp sau cuốn “Quê hương tôi2, Võ Phiến đã hiện đúng tên mình trên một cuốn sách cũ của mình từ 1962 vừa được tái bản tại Hà Nội – “Thương hoài nghìn năm”. Sách vẫn do Nhã Nam thực hiện.

Trở lại chuyện 12 năm trước. Tôi đã nhận lời Nhã Nam dẫn chuyện cho cuộc ra mắt hai cuốn sách “Quê hương tôi” và “Tản văn” tại Manzy. Năm 2014 trong chuyến sang Mỹ tôi đã đến thăm vợ chồng nhà văn Võ Phiến tại ngôi nhà ông bà cư ngụ ở Santa Ana (California).

Ông khi đó sắp sang tuổi 90 và một năm sau thì mất. Khi nghe giới thiệu về tôi, bà Võ Phiến cầm ra một tờ giấy và hỏi có phải là tôi đây không. Thì ra đấy là bản photocopy một trang báo trong nước đưa tin và ảnh về cuộc giới thiệu “Quê hương tôi”. Một gạch nối tình cờ như vậy đã xích gần ba người chúng tôi lại với nhau cho cuộc trò chuyện bớt phần ngăn cách. Nhà văn Võ Phiến khi đó nói năng đã khó khăn, ý nghĩ cũng không còn rành mạch, nhưng ông cứ nhắc mãi với tôi bằng giọng thều thào câu nói muốn được trở về Bình Định, về Việt Nam. Bàn tay ông run run ký tặng tôi cuốn tạp văn mang tên “Cuối cùng” (2009, Thế Kỷ 21 xuất bản) với dòng viết: “Thân tặng anh Phạm Xuân Nguyên, 5-29-14, Santa Ana”. Tôi nắm tay ông tạm biệt mà biết rằng đây là lần đầu cũng là lần cuối tôi được gặp ông, một nhà văn lớn của Việt Nam thế kỷ hai mươi, một chủ nhân và chứng nhân của lịch sử văn chương nước nhà trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Nhà văn Võ Phiến đề tặng tác giả tập sách nhan đề “Cuối cùng”.

Võ Phiến trong hơn nửa thế kỷ cầm bút (tính từ bài tuỳ bút đầu tiên đăng báo năm 1943 đến những bài viết năm cuối cùng của thế kỷ) đã để lại một sự nghiệp ngót năm mươi đầu sách bao gồm: 4 tập tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 8 tập tuỳ bút, 12 tập tạp bút, tạp luận, nghiên cứu, 1 tập thơ, 5 tập dịch, 7 tập về văn học miền Nam. Toàn tập Võ Phiến theo các thể loại tuỳ bút, truyện ngắn, tiểu luận, tạp luận, tạp bút, tiểu thuyết, đàm thoại đã được xuất bản trong khoảng thời gian 1986 – 2003 gồm 10 cuốn. Tuyển tập Võ Phiến đã được xuất bản năm 2001 và tái bản năm 2006. Đã có hai công trình nghiên cứu dày dặn về Võ Phiến xuất bản ở nước ngoài. Một cuốn bằng tiếng Việt nhan đề “Võ Phiến” của Nguyễn Hưng Quốc (sống tại Australia) in 1996, tái bản 2015. Nguyễn Hưng Quốc cũng là người biên tập và giới thiệu cuốn “Thư Võ Phiến” (2015). Một cuốn bằng tiếng Anh nhan đề “Võ Phiến and the Sadness of Exile” (Võ Phiến và nỗi buồn ly hương, 2006) của John C. Schafer (Mỹ). Cố nhiên là đã có rất nhiều những bài viết, những luận văn về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Phiến. Tên tuổi ông đã được khẳng định và văn học sử Việt Nam thế kỷ XX không thể thiếu tên ông. Có thể dùng câu này của Nguyễn Hưng Quốc để nói về ông: “Nếu cần phải tìm cho Võ Phiến một nhãn hiệu, chúng ta có thể gọi ông là nhà văn của thế kỷ, thế kỷ XX.” 

Trong các thể loại Võ Phiến đã viết thì tên tuổi ông nổi nhất ở ba dạng tuỳ bút, tạp bút, tạp luận. Nhiều người đã khen ông ở chỗ này. Học giả Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký của mình đã nhận định: “Nhưng tạp bút của ông được nhiều người thích hơn. Đông Hồ khen là nhất miền Nam. Về loại đó ông sâu sắc như Nguyễn Tuân mà tự nhiên hơn, dí dỏm hơn, đề tài phong phú hơn, đa dạng hơn.” Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC cũng có ý kiến tương tự: “Trước đây ta cho rằng Nguyễn Tuân viết tùy bút số một, nhưng còn Võ Phiến. Nhiều khi tôi trộm nghĩ tùy bút Võ Phiến không hề thua kém, thậm chí có khi hơn.”

Tuỳ bút, cái tên gọi thể loại này trong văn học Việt Nam xuất hiện lần đầu ở sách Vũ trung tuỳ bút viết bằng chữ Hán của Phạm Đình Hổ (1768-1839). John C. Schafer khi phân tích tuỳ bút của Võ Phiến đã xác định thể loại này bằng mấy đặc điểm sau: 1) sự hoài niệm quá khứ; 2) sự sành sỏi, am hiểu, quý trọng những sự tinh tế trong những cái tàn phai của người viết; 3) tính chủ quan của người viết; và 4) tính ngoại đề, lan man, dựa trên liên tưởng chứ không phải logic. Tuỳ bút của Võ Phiến, ở những bài đúng chất tuỳ bút, người đọc dễ bắt gặp các đặc điểm này, tuy có điểm trội hơn, có điểm mờ nhạt. Ví như ở đặc điểm thứ hai, theo Nguyễn Hưng Quốc, trong tuỳ bút của mình Võ Phiến không bao giờ tỏ ra là người am hiểu, thành thạo ẩm thực, các thú vui ở đời. Ông quan tâm đến sự kiện hơn là sự vật, các sự vật được ông đưa ra xem xét là dịp để ông suy nghĩ về những thay đổi của lịch sử và văn hoá. Trong các tuỳ bút của mình Võ Phiến triển khai một thứ mỹ học mà John C. Schafer gọi là “mỹ học của cái thông thường” (aesthetics of the common): “Điểm khác biệt lớn giữa tuỳ bút của ông và những người đi trước – như Phạm Đình Hổ, Nguyễn Tuân và Tản Đà – là ông viết về những món ăn thông thường của những người bình thường, chứ không phải những món cao lương mỹ vị của những người quyền quý, tầng lớp trên. Ông tán dương không phải sự uống trà mà là uống chè của người nông dân. Trong những cái nhỏ nhặt của đời sống thôn quê ông tìm ra vẻ đẹp và giúp mọi người nhìn vào những thứ đó theo một cách mới.” 

*

Cái trà và chè Schafer nhắc tới là ở trong bài tuỳ bút “Hạt bọt trà”. Mở đầu Võ Phiến nhắc lại một câu thơ Tàu hơn nghìn năm trước nhân thấy những hạt bọt trà tưởng đã mất đi từ lâu, không còn có trong cách pha trà thời hiện đại, còn dính trên mớ râu của một ông cụ người cùng làng, từ đó ông đâm ra nghĩ ngợi, ông nghĩ tới cái lối uống chè Huế của người bình dân nó không giống cái lối uống trà Tàu của người giàu sang, rồi ông đi vào khảo tả cái om và cách pha chè Huế bằng om ở quê, cũng ở quê ông nhớ lại thuở nhỏ đã thấy ông Ba Khoang uống một lần hai bát nước chè to, uống xong thì “rất nhiều bọt trắng đã đeo lấy hai vệt râu mép”, nhẩn nha chuyện uống chè của ông Ba Khoang và ông Tư thành ra “sự gặp gỡ của hai kẻ đàn ông nơi lòng mến mộ của một người đàn bà” ông lại quay về với chiếc om đất nay đã mất tích và ông thấy lo, khi không còn vật dụng đó, không còn hạt bọt trà khi pha và khi uống, thì sau này các học giả biết tìm về đâu để hiểu văn hoá uống chè của thời trước, thế là câu chuyện đã lan sang sự lo mất văn hoá. Võ Phiến kết lại bài tuỳ bút của mình: “Trà tiễn để mà khuấy, chứ còn bọt chè dùng để làm gì? Không uống được, không ngửi được, không nếm được, v.v… nó thành ra cả một sự bí hiểm, một sự thách đố đối với các nhà nghiên cứu. Ẩm giả yêu bọt chỉ vì bọt sao chớ? Cũng như nghệ thuật vị nghệ thuật vậy sao? Bởi thế, trước khi bọt chè tan vỡ tiêu tùng hết, nên có đôi lời ghi chép về chút chuyện bọt bèo.” Lối viết tuỳ bút của Võ Phiến là vậy, có thể gọi là lối viết “hạt bọt bèo”, từ một chi tiết mà lan ra. Các bài tuỳ bút được xây dựng xoay quanh “chớp nhoáng Proust” (Proustian moment). Tên gọi này xuất phát từ một chi tiết trong bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của nhà văn Pháp Marcel Proust khi nhân vật trong bữa ăn sáng nhúng chiếc bánh madeleine vào tách trà mà chìm vào miên man hồi ức. Ở Võ Phiến, bọt chè tươi dính trên vệt râu mép của ông Ba Khoang chính là “chớp nhoáng Proust” đó.

Đọc văn Võ Phiến bất luận ông viết thể dạng nào đều thấy thích thú, khoái cảm. Vì ông viết thông minh, dí dỏm. Vì ông có “một hơi văn cực kỳ duyên dáng” (Nguyễn Hưng Quốc). Vì chất thơ trong văn của ông ở sự khám phá bất ngờ thú vị, ở cách viết có duyên. Nhà nghiên cứu Đặng Tiến (1940/2023) ở Pháp đã từng viết: “Võ Phiến là tác gia tầm cỡ hàng đầu trong văn học Việt Nam. Võ Phiến là thi sĩ trong văn xuôi, thi sĩ của trần gian. Là thi sĩ.” Ngay cả trong tập “Văn học miền Nam tổng quan” là cuốn sách mang tính nghiên cứu mở đầu cho cả bộ sách ông công phu tập hợp, phân tích, đánh giá toàn bộ đời sống văn học miền Nam thời kỳ 1954/1975 với tham vọng giữ lại bộ phận văn học này trong lịch sử văn học nước nhà về sau, ông cũng viết bằng một lối văn thoải mái ít kinh viện, hàn lâm, khiến người đọc như được nghe trò chuyện từ một nhà văn đã sống và viết ở thời kỳ ấy trong tư cách một chủ nhân và một chứng nhân. Lấy thí dụ đoạn ông viết về phái tính trong văn chương. Sau khi nêu lên mấy ý để nói trong thành phần văn giới thời kỳ này phái nữ trội hơn phái nam, ông kết luận: “Thành thử đứng về phương diện phái tính, văn học Miền Nam thời kỳ 54-75 càng ngày càng nghiêng về nữ phái. Thời gian ủng hộ hồng quần. Thoạt đầu trên văn đàn nghe tiếng ồm ồm, cuối cùng nghe ra eo éo.” Mấy chữ “ồm ồm, eo éo” dùng cho văn nghiên cứu quả đúng kiểu Võ Phiến. Ông nghịch, văn ông tinh nghịch, vì thế mà đọc thích, đọc bật cười, nhớ lâu.

Nhưng đừng tưởng thế là Võ Phiến viết văn dỡn chơi, viết cho vui. Không! Ông viết với tất cả trách nhiệm cao nhất của một người cầm bút đối với chữ và nghĩa của tiếng Việt mà mình viết ra, mình tạo thành văn bản. Ông có một sự quan tâm lớn đến vấn đề tiếng nói Việt, lời văn Việt. Trong bài “Chúng ta qua tiếng nói”, một bài viết ngắt quãng mười lăm năm (1973/1988) từ Sài Gòn qua California, ông đã thử tìm hiểu những đặc điểm làm nên cái rắc rối, cái đẹp và cái hay của tiếng Việt. Ở bài “Rắc rối cái tiếng đứng trước” tức là đứng trước danh từ như là con (sông), chiếc (lá), hòn (đất), nắm (xương), mảnh (áo)… thì gọi nó là gì đây, ông thích thú luận bàn để rồi đi tới một kết luận: “Trong Việt ngữ, cái tiếng đứng trước danh từ đưa danh từ vào một thế giới tình cảm tế nhị” mà những mạo từ le, la của tiếng Pháp, hay a, an của tiếng Anh chịu chết. Đến bài “Đọc một chữ, trăm nỗi niềm” ghi lại cuộc nói chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, ông bàn về chữ dùng trong văn thơ nói chung, nhưng nhất là trong thơ. Mỗi chữ nhà thơ dùng là có một tướng mạo, nên độc giả không thể đọc vội vàng mà phải “từ từ, hãy đợi chữ nghĩa nó nhả ra cái huyền bí.” Đọc văn Võ Phiến vì vậy lại được thêm một tầng thưởng thức chữ và nghĩa, thấy yêu thêm tiếng Việt giàu và đẹp của mình. Ngoài các bài viết, ông còn có hẳn một cuốn sách nhan đề “Chúng ta, qua cách viết” bàn về cách viết trong văn chương miền Nam từ thập niên bảy mươi thế kỷ hai mươi trở về trước. Đọc nó thấy ông quan sát chữ nghĩa của các đồng nghiệp viết văn kỹ vô cùng. Thí dụ ngay vào đầu sách ông đã bàn “chuyện và trò chuyện” đã có sự thay đổi ra sao trong tác phẩm văn chương đương thời. “Đọc truyện để theo dõi một câu chuyện, cái đó thường; nhưng đọc truyện để theo dõi các nhân vật nói chuyện lan man với nhau, cái đó lạ chứ. Thích nghe chuyện là nhu cầu cổ điển của độc giả tiểu thuyết; mà thích nghe trò chuyện là nét tâm lý riêng của độc giả hiện nay.” 

Võ Phiến còn là một dịch giả và nhà phê bình văn học. Ông đã dịch truyện “Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà” (Stefan Zveig, 1964), “Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại” (André Maurois, 1964), “Văn học Nga xô viết hiện đại” (1965), “Truyện hay các nước” (1964), “Ông chồng muôn thuở” (Dostoevski). Trong phê bình văn học Võ Phiến tỏ ra tinh tường và tinh tế khi phân tích sáng tác của các nhà văn nhà thơ. Viết về Tô Thuỳ Yên ông chỉ ra rằng đây là nhà thơ miền Nam duy nhất có giọng Bắc và tâm hồn Bắc, tức là “ông tiếp nhận cái dũng mãnh của miền này [Nam], lại thừa hưởng cái trau luyện của miền kia [Bắc]. Nhất ông!” Võ Phiến khái quát về thơ Tô Thuỳ Yên: “Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ. Bí ẩn đó là ám ảnh chủ yếu của đời ông.” 

Năm 1997 Võ Phiến cho ra tập thơ duy nhất trong văn nghiệp của mình mang tên “Thơ thẩn” do cơ sở An Tiêm xuất bản lần đầu tại Paris. Tại sao lại có cái tên “thơ thẩn”? Đấy là để phân biệt với “thơ thơ”. Trong mấy lời “Bâng quơ về thơ thẩn” như lời vào sách ông viết: “Thơ thơ, phải làm mới có. Thơ thẩn, không phải làm, tự nhiên mà có. Thơ thơ đôi lúc vướng cái đáng ghét: lập trường. Thơ thẩn không lập trường. Thơ thơ đôi khi dính vào cái đáng chán: sứ điệp. Thơ thẩn không sứ điệp. Thơ thơ thỉnh thoảng mắc phải quái tật: diêm dúa, lập dị, lố lăng, dị hợm. Thơ thẩn (nhờ ơn Trời Phật) thường lành mạnh, hưởng chữ bằng an.”  Tập thơ gồm 51 bài viết trong hơn nửa thế kỷ, trong đó 7 bài viết từ 1943-1948 ở trong nước (Bình Định, Huế), còn lại 44 bài viết từ 1975-1995 tại Mỹ (Mineapolis, Santa Monica, Los Angeles). Dễ hiểu phần thơ viết ở hải ngoại chiếm phần chủ yếu trong tập là khi Võ Phiến muốn gửi gắm vào thơ những tâm sự, tâm trạng của mình trong cảnh ly hương. Hoàn cảnh này cũng giống nhà văn Mai Thảo (1927/1998, đến Mỹ từ 1977) lúc cuối đời đã cho ra tập thơ duy nhất “Ta thấy hình ta những miếu đền” (1989).

Ngay khi bước chân rời nước ra đi ông đã ngậm ngùi: “Ra đi tuổi đã năm mươi / Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về / Nghìn năm mây trắng lê thê” (Về, tr. 30). Bài thơ chỉ độc ba câu như là tác giả không thể viết tiếp được nữa. Cái mây trắng đây của người xa quê nhìn về cố hương có từ trong điển tích Địch Nhân Kiệt đời Đường, đã được Nguyễn Du đưa vào Kiều “Bốn phương mây trắng một màu / Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”, sau này đến Nguyễn Bính “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Từ đó nỗi sầu ly hương dằng dặc triền miên trong lòng Võ Phiến mà chỉ thơ, thể loại mang tính riêng tư cá nhân hơn văn xuôi, mới chứa đựng được. Ta vẫn hiện diện đây giữa trời đất, “nhưng phần ta ta mất nửa đất trời”. Bạn ôm ta nhưng có ngờ đâu là đang ôm “nửa phần mộ trong vòng tay ấm áp” (Vẫn còn). Ông nhớ “Bé Bồ Địch” là mình lúc nhỏ lủi thủi qua lại giữa bao nhiêu mồ mả tổ tiên nơi xóm nhỏ quê nhà. Ông lão sắp bảy mươi (bài thơ viết năm 1993) đặt mình đối diện với cậu bé chưa đầy mười tuổi mà ngậm ngùi số phận: “Từ xóm xưa, em bé ấu niên / Đảo mắt nghiêng tai hướng về bốn phương mờ mịt / Em có thấy đâu hình ảnh lão già mỏi mệt / Đang loay hoay quờ quạng dọn một chỗ nằm / Nơi lục địa xa xăm.” Sáu năm sau (1999) ông lại có bài thơ “Nhà cũ” tưởng tượng mình bây giờ trở lại nhà xưa ở quê gặp lại mình hồi nhỏ: “Đứa bé bảy tám tuổi, gầy gò / Không nhận ra tôi (tất nhiên) / Nhưng tôi nhận ra nó”. Không biết khi viết những dòng thơ mình tuổi già nhớ mình tuổi nhỏ như vậy Võ Phiến có liên tưởng tới Anatole France khi đi qua vườn Luxemburg ở Paris, nhưng nỗi niềm của nhà văn Việt rõ là nặng nề đau đớn hơn của nhà văn Pháp. Ông nhớ “Nhà em” khi xưa “Anh run chưa bước lên thềm đã run” và tự hỏi mình: “Bây giờ bốn chục năm hơn / Bên kia quả đất có còn nhà em? / Vườn hoang, đâu ngõ, đâu thềm? / Trời mây man mác nhà em nơi nào?” Ông tưởng tượng cảnh mai kia lên thượng giới sẽ nhớ bao nhiêu cảnh bình thường trên mặt đất, nhưng nhớ nhất là “Mùi áo cũ”: “Mai kia, trên thượng giới rồi có quen được mùi áo xiêm tiên nữ? Giữa muôn hồng nghìn tía, đấng vạn thặng vẫn nhớ hoài cái hơi hướng của một chiếc tàn y. Mai kia, rồi tha hồ nhớ mùi áo cũ của cuộc sống trên mặt đất.” Tâm trạng ông ngụ trong thơ thế nên tôi hiểu vì sao khi gặp tôi trên đất Mỹ, một người lạ vào hàng con cháu của ông, lại là người đến từ miền Bắc, nhưng ông vẫn thiết tha bày tỏ nỗi nhớ quê, muốn được về quê. Vì quê ông là Việt Nam.

Tập sách mang đầu đề “Cuối cùng” mà ông tặng tôi một năm trước khi mất in cả văn cả thơ và kết lại bằng bài thơ “Mộc mạc” viết năm 2009 như sau:

Xưa từng có xóm có làng

Bà con cô bác họ hàng gần xa

Con trâu, con chó, con gà

Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.

Múa may mãi chẳng ra gì

Mỗi lâu thêm một cách ly rã rời

Thân tàn đất lạ chơi vơi

Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen.

Nói quen thực ra là nói lạ. Nói “đất lạ trời quen” là cách ông mượn câu cửa miệng để níu vào một điểm tựa mơ hồ những mong làm dịu lòng đau đớn không nguôi nhớ nhà nhớ quê. Năm 1993 ông cũng đã từng ngó trời trong hoài niệm quá khứ: “Có khi vào buổi nắng hanh / Ta là một mảnh trời xanh năm nào…” Thực chất trời quen của Võ Phiến thực ra cũng là trời mới của Du Tử Lê (1942/2019) trong nỗi ngậm ngùi cay đắng của người mang tâm trạng tha hương: “Từng bước chân đi hồn vẫn lẻ / Cách gì chăng nữa cũng bằng không / Ta trong trời mới hồn không mới / Tình vẫn khua trên mái lá vàng” (DTL). Đọc bài thơ mộc mạc mà thương nhà văn. “Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen”: “Câu thơ đánh dấu kết thúc sự nghiệp văn chương trải dài gần 60 năm của Võ Phiến, từ trong nước ra tới hải ngoại. Câu thơ phơi trải nỗi niềm của một nhà văn bao năm biền biệt sống kiếp tha hương. Bầu trời nào cũng chỉ một bầu trời, vầng trăng nào cũng chỉ một vầng trăng, con người chơn chất mang tâm hồn thi nhân ấy từng có những phút thẫn thờ, dõi mắt nhìn mây trôi mà mơ màng cảnh trời mây non nước quê nhà.” (Lê Hữu)

Cuối cùng, Võ Phiến không phải bằng thân xác mà bằng tác phẩm văn chương mang đúng cái bút danh tạo nên tên tuổi mình đã được trở lại đất nước Việt Nam mình, quê nhà Bình Định mình, nơi có cái xóm nhỏ Bồ Địch đất chôn rau cắt rốn của cả ông là Đoàn Thế Nhơn (1925/2015) và em ông là Đoàn Thế Hối (1932/1967), một nhà văn liệt sĩ cách mạng với bút danh Lê Vĩnh Hoà đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001). Tôi tin rằng rồi đây những tác phẩm giá trị của Võ Phiến thuộc đủ các thể loại ông đã viết sẽ tiếp tục được tái hồi cho những độc giả cũ đã từng đọc ông ngày trước thêm thấm thía cũng như những độc giả hôm nay mới bắt đầu đến với ông được biết một nhà văn đáng giá của văn chương nước nhà. Để ông khỏi tủi phận “không có người đọc, không có tác giả; không có người đọc, cũng không thể có tác phẩm” 

Phạm Xuân Nguyên

*Ảnh do tác giả cung cấp