Phần lớn người giàu ở Việt Nam họ là ai? Họ làm giàu và sống ra sao?
Vương Trí Nhàn: Giàu có và tử tế thời nay
Khoảng cuối 2002, đầu 2003, một người Đức đã viết trên mạng về một số khía cạnh xấu xí của người Việt trong đó có khía cạnh liên quan tới một nếp tư duy phổ biến trong chúng ta .
Sau khi kể lại những tình trạng lộn xộn trong xã hội Việt hiện nay ông người Đức này bảo hình như nhiều người bản địa cũng biết mình hư hỏng nhưng lại có lối đổ thừa cho hoàn cảnh.
Nhiều người Việt ông gặp nói thẳng vào mặt ông là tại chúng tôi nghèo quá nên chúng tôi mới hư hỏng thế này, còn nếu giàu có lên thì chúng tôi sẽ tử tế ngay.
Còn theo kinh nghiệm của người Đức và nhiều cộng đồng khác, con người phải tử tế thì mới có được sự giàu có chắc chắn.
Vậy là giữa người mình với người nhiều nước khác, đang có sự khác nhau về cách nghĩ.
Nên hiểu thế nào về tình trạng này?
Tôi nghĩ rằng những lúc tỉnh táo đối diện với mình có vẻ như khá đông chúng ta trong thâm tâm đều công nhận người Đức kia nói đúng dù là làm theo thì không thể.
Tuy sống trong một xa hội chưa có điều kiện tổng kết nhưng con người Việt Nam thời trung đại đã thấm thía các bài học về việc làm người của mình trong đó có những triết lý cũng chẳng khác gì các cộng đồng khác. “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” – cái câu cửa miệng ấy ai mà chẳng biết.
Thế tại sao lúc này đa số người Việt chúng ta lại sống với cái triết lý “giàu có rồi sẽ tử tế” tức là thả lỏng cho mình tự do xoay sở và cho phép mình kiếm sống bằng bất cứ phương tiện nào kể cả những phương tiện của quỷ dữ.
Câu trả lời của tôi trong trường hợp này là tại vì chúng ta trải qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp nó làm biến dạng cả mày mặt con người tư tưởng của chúng ta.
Là người đã sống ở Hà Nội thời chiến và hậu chiến suốt 50 chục năm qua, tôi thấy cái triết lý này có cơ sở của nó.
— chiến tranh không đào tạo người ta thành người lao động bình thường, trước cuộc mưu sinh ngày nay, mỗi người hoàn toàn bất lực.
— đi qua chiến tranh, người ta sống cảm giác kẻ sống sót, không thấy cuộc đời có ý nghĩa gì ngoài sự hưởng thụ.
— để sống đươc trong chiến tranh người ta phải trải qua một sự TỰ LỪA DỐI mà đơn giản nhất là sự tin tưởng rằng sau chiến tranh, tự nhiên ta có tất cả.
Nên nhớ là dưới bom đạn, ảo tưởng lại được nuôi nấng, và đến nay khi ảo tưởng đó tiêu tan, thì con người ta như con trâu đứt mũi, thả mình phiêu lưu trong sự hư hỏng.
Ai cũng biết là nạn ăn cắp hiện nay quá phát triển mà một trong những lý do làm cho người ta yên tâm làm vậy là thấy ăn cắp — bao gồm tham nhũng — không bị trừng trị và không sao có thể trừng trị đến cùng.
Chắc mọi người lứa tuổi tôi đều biết ở Hà Nội những năm chiến tranh, nếu cả tập thể ăn cắp (= tham nhũng) rồi chia chác sòng phẳng thì coi như không có lỗi. Ở nông thôn vậy mà ở đô thị, – nơi không chỉ có con buôn phe phẩy mà còn có giai cấp công nhân tiên tiến và bộ phận cán bộ kiên trung – cũng đều như vậy.
Tinh thần bày đàn đã làm cho mỗi chúng ta mạnh lên và tự tin thêm rất nhiều.
“Người làm sao ta làm vậy- người làm bậy ta làm theo” chúng tôi tự nhủ như vậy.
Nếu tính cho chi li, ai cũng thấy sự sống “chẳng kém gì người” của một phần lớn chúng tôi hiện nay không ít thì nhiều là do mạnh tay kiếm chác trong lúc nhộm nhoạm, tức nói đến cùng kiệt, là đi qua con đường bất chính, và vì tất cả đều chung một con đường đó để đi, nên không ai “lạy ông tôi ở bụi này” bàn chuyện công khai cho mệt.
Còn những người giàu nhất?
Như các tài liệu thống kê công khai mà thế giới làm hộ ta đã chỉ rõ, chỉ một số nhỏ người Viêt giàu có “ngang tầm thế giới” hiện nay là làm ăn hợp pháp, còn lại hầu hết đám người kiệt xuất này không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình.
Bóng tối trên con đường làm giàu của họ lan tỏa vào tâm hồn họ. Họ dẫn đầu đám đông trên con đường xoay ra ủng hộ cho sự bất lương trên tất cả các phương diện chính trị xã hội.
Cái triết lý tự do làm giàu bất chấp lương tâm lẽ đời đó hiện nay – đôi khi đã được đóng gói che đậy – xâm nhập khắp nơi, từ những điều nói công khai trên đài trên báo, cho tới văn chương thơ phú, nó cũng là cái tinh thần chính len vào câu chuyện giữa người với người ở chỗ riêng tư.
Bây giờ không làm gì có những ông bố bà mẹ sáng sớm gọi con trở dạy chỉ dẫn bảo ban con về việc làm người. Trong lúc tỉnh táo nhất những ông bố bà mẹ ấy may lắm chỉ khuyên con có cóp bài hay tham nhũng thì hãy làm kheo khéo, ngoài ra đừng có nổi máu tử tế mà chết.
Chắc chẳng ai ngờ rằng như thế tức là trên phạm vi toàn xã hội cái tinh thần chính mà thế hệ đương thời truyền lại cho các thế hệ sau rút lại chính là khả năng bách chiến bách thắng của gian dối tàn ác.
Có lẽ vì thế câu chuyện người Đức nói ở trên chả mấy ai để ý.
***
Nam Gia: Thấy gì từ “đại gia” ngày nay?
Báo VnExpress ra ngày 2 tháng Bảy năm 2024 đưa tin [1]: “Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) bị đóng cửa trong 12 tháng”, bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy năm 2024. Ngôi trường này được thành lập vào năm 2006, trụ sở tại huyện Nhà Bè. Năm học vừa qua, trường có hơn 1.310 học sinh, phần lớn theo chương trình IB. Học phí của AISVN là 280-725 triệu đồng một năm, tùy bậc học. Tức là hơn 10.000 USD đến 30.000 USD cho mỗi học sinh theo học. Chi phí học chưa tính: tiền ăn trưa, xe đưa đón v.v…
Với thông tin trên đủ kết luận, trường chỉ dành cho con nhà giàu, theo tiêu chuẩn thời nay cùng “tiếng Anh như gió”. “Tiếng Anh như gió” là nhu cầu chánh đáng cho người Việt Nam, với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Giàu có không đi đôi với hiểu biết
Ngày nay – tại xứ thiên đàng – thiên hạ rất ưa chuộng những chữ: đại gia, hào môn v.v… để ca tụng những người giàu có. Thậm chí báo giới sẵn sàng dùng chữ “nữ đại gia” trong bài “Nữ đại gia kêu oan cáo buộc hủy hoại tài sản 23 triệu đồng” [2]. Trong bài cho biết “nữ đại gia” đã hành động hồ đồ bằng cách kêu “gia nhân” chặt cây và đập tường trên khu đất, đang tranh chấp với hàng xóm. “Đại gia” hành động ngang ngược, bằng cách dựa vô sự giàu có hơn là trông cậy vào “pháp luật… XHCN” như vậy sao?!
Trong bài báo khác – ra ngày 19 tháng Tư năm 2024 –VnExpress cho biết [3]: Hai “nữ đại gia” đang cư trú tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng “bị lừa đảo” tới hơn 1.200 tỷ đồng, tức tương đương 50 triệu USD. Số tiền khủng khiếp như vậy, không chỉ khiến người ta giựt mình về con số mà cao hơn, với câu hỏi của người bình dân: “đại gia” sao ngu dữ thần vậy trời?! Quả thật, làm sao có thể hình dung “đại gia” thành đạt – giỏi giang, giữa thương trường xứ thiên đàng đầy dối trá – lọc lừa (mới) kiếm ra nổi số tiền khổng lồ, lẽ nào đầu óc ngớ ngẩn đến độ “bị lừa” dễ dàng như vậy?!
Câu chuyện thứ nhứt cho thấy, “đại gia” không hề hiểu biết về “pháp luật XHCN”. Câu chuyện thứ hai cho hay, “đại gia” giàu sụ chứ không phải giàu sang. Cả hai câu chuyện cho thấy họ “phú” nhưng không hề “quý”.
Lòng tham đi đôi với mù quáng chắc chắn sa lầy
Phàm ở đời, không ai không có lòng tham. Lòng tham theo nghĩa xấu đã được nói nhiều, ít người nói về lòng tham theo nghĩa tốt. Thí dụ lòng tham theo nghĩa tốt:
– Chắc chắn xã hội khộng thể phát triển, vì sẽ không có các khái niệm: “phát minh”, “sáng tạo”, “phát hiện” (trong các ngành khảo cổ học – thiên văn học – y học v.v…).
– Xã hội không hình thành khái niệm “làm giàu” hay các khái niệm: “tích lũy tài sản”, “di chúc”, thừa kế”, “cho – biếu – tặng”. Tại sao khái niệm “cho – biếu tặng” được đưa vô phạm vi “lòng tham”? Thưa rằng, con người cũng dành những gì tốt đẹp nhứt để đưa cho những người mà mình thương yêu (vợ chồng – con cháu – cha mẹ – người yêu v.v…)
Còn vô số vấn đề tốt – xấu xoay quanh khái niệm “THAM”, bất cứ ai cũng có thể suy ngẫm và dẫn ra. Như vậy, đủ để khẳng định chắc nịch, con người còn tồn tại trên địa cầu, tức là lòng tham còn tồn tại. Tuy nhiên, lòng tham đi đôi với mù quáng chắc chắn khiến con người ta sa lầy và chính vì vậy, Việt Nam mới có tục ngữ “lòng tham vô đáy”, với những câu chuyện cổ tích từ Đông sang Tây, dành cho trẻ em, kể cả những câu chuyện có thật nhưng người lớn vô tri học mãi vẫn không bao giờ thông suốt.
Giàu có không chắc trở thành “đồng vốn” cho tri thức.
Bằng chứng ư? Hãy nhìn lại hơn 900 phụ huynh với số tiền hơn 3.900 tỷ đồng thượng dẫn, để thấm thía thêm về “lòng tham vô đáy” từ các “đại gia” – chính “lòng tham vô đáy” dần dần hủy hoại hết mọi hiểu biết căn bản về pháp luật. Bởi báo VnExpress nói rõ “… Khoản này không tính lãi, không tài sản thế chấp, chủ trường hứa hoàn lại sau khi con em ra trường…”. Đây là giao dịch dân sự mà tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu [4] “Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế”, do bào Tuổi Trẻ đưa tin ngày 13 tháng Sáu năm 2024. Cũng bởi “lòng tham vô đáy” của hơn 900 phụ huynh – vừa muốn con mình học trường danh tiếng nhứt vừa muốn chi phí bỏ ra thấp nhứt, với lời hứa – sẽ được hoàn trả trọn vẹn số tiền đã cho nhà trường “vay không có lãi”. Chắc chắn số tiền này được quy ra đô la Mỹ. Chính “lòng tham vô đáy”, hơn 900 phụ huynh đã trực tiếp đẩy con mình vào cảnh dở dang và buộc phải tìm những ngôi trường mang tên “quốc tế” tương đương và nhứt định tốn thêm khoản tiền khổng lồ – đúng theo tục ngữ “mất cả chì lẫn chài”.
Kết
Hơn 1.300 học trò con nhà giàu và 2 trường hợp với “3 nữ đại gia” kể trên cho thấy, xã hội xứ thiên đàng ngày nay, hầu như toàn bọn trọc phú, vốn giàu sụ nhưng không thể giàu sang; vốn đầy “quyền” nhưng không hề “uy”; vốn “phú” nhưng không tài nào “quý” cho nổi!
Tại khoản 1 điều 4 trong Hiến pháp 2013 chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Người dân quèn xứ thiên đàng trông mong gì vào “đội ngũ trọc phú giàu sụ” như vậy để lãnh đạo “tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội” (?).
Nam Gia
[1] https://vnexpress.net/truong-quoc-te-my-bi-dong-cua-12-thang-4765029.html
[2] https://vnexpress.net/nu-dai-gia-keu-oan-cao-buoc-huy-hoai-tai-san-23-trieu-dong-4764235.html
[3] https://vnexpress.net/hai-nu-dai-gia-sai-gon-bi-chiem-doat-hon-1-200-ty-dong-4736154.html