Phổ Ái: Như Một Dòng Sông Chảy Mãi

Thiền sư, học giả, thi sĩ, văn nhân Tuệ Sỹ (15 February 1943–24 November 2023)

Thầy đến với cuộc đời này như một ngọn gió nhẹ, lặng lẽ, nhưng mang theo sức mạnh của núi non, của những giá trị miên viễn. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, ra đời vào một ngày của tháng Hai năm 1945 tại Paksé, Lào, nhưng những dấu ấn của Thầy đã lan tỏa khắp trời đất, vượt qua biên giới địa lý, văn hóa và thời gian. Tuổi thơ của Thầy được ghi dấu bởi những ngày theo mẹ đến chùa và nơi đó đã là điểm khởi đầu cho cuộc hành trình dài không ngừng của một bậc tu sĩ tài hoa, uyên bác và đầy lòng từ bi. Khi chiến tranh làm lay chuyển đời sống, Thầy đã bước vào ngôi chùa nhỏ nơi quê hương Lào để học đạo. Nhưng hành trạng của một vị chân tu không bao giờ chỉ dừng lại ở một nơi chốn nào nên năm lên chín tuổi, Thầy đã chính thức thế phát xuất gia, mở ra hành trình tu học và phụng sự trải khắp từ Lào cho đến Việt Nam, lan tỏa thế giới.

Hành trình của Thầy là sự kết hợp giữa học thuật, triết học và tinh thần phụng sự. Từ những ngày sống và học tại chùa Bồ Đề ở Huế, nơi mà hành trang duy nhất của Thầy bấy giờ là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chữ Hán, đến khi trở thành một học giả xuất sắc, giảng viên Viện Đại học Vạn Hạnh, mỗi bước đi của Thầy là sự dấn thân vì Phật pháp, vì tri thức, vì sự giác ngộ cho mình và cho đời.

Chúng ta nhớ đến Thầy không chỉ là một vị chân tu với lòng từ bi quảng đại, mà còn là một học giả tinh thông Phật học, triết học Đông-Tây và văn chương nghệ thuật. Thầy đã dịch và sáng tác nhiều tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Những công trình của Thầy về Thiền Quán, về triết học Tánh Không hay các bản dịch kinh điển từ Hán, Phạn sang Việt đã trở thành kho báu tinh thần không chỉ cho Phật tử mà cho mọi người yêu mến tri thức và tâm linh.

Nhưng cuộc đời của Thầy không chỉ là những dòng chữ trên giấy, mà còn là những bước chân đi vào thực tại đầy khắc nghiệt. Khi đất nước đổi thay, Thầy đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền và cho sự độc lập của Phật giáo trước những áp bức chính trị. Thầy đã đối diện với nhà tù, với án tử hình, với những năm dài bị giam cầm, nhưng trong tâm khảm mình, mọi thử thách chỉ là hạt cát trước biển cả của lòng từ và trí tuệ. Thầy không oán hận, không trách móc, mà kiên cường giữ vững lý tưởng Bồ-tát đạo, phụng sự chúng sinh với tinh thần không lay chuyển.

Tháng năm trôi qua, Thầy Tuệ Sỹ vẫn không ngừng phụng sự. Sau khi được thả tự do, Thầy tiếp tục con đường giáo dục, xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Những năm cuối đời, dù thân thể suy yếu, Thầy vẫn cống hiến hết mình cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, để lại một di sản đồ sộ cho hậu thế. Sự ra đi của Thầy vào ngày 24 tháng 11 năm 2023 là một mất mát vô cùng lớn lao, không chỉ cho Giáo hội mà cho toàn thể Phật giáo Việt Nam, cả những ai yêu mến văn hóa, tri thức và nhân văn.

Cuộc đời của Thầy Tuệ Sỹ là một dòng sông chảy mãi, không ngừng nghỉ, không vơi cạn. Di sản tinh thần mà Thầy để lại là nguồn tư lương cho bao thế hệ tăng ni, Phật tử, là ánh sáng dẫn đường cho những ai đang tìm kiếm chân lý. 

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.

Phổ Ái

Rapids and Fall of a River, by Hashimoto Gahō (1835–1908)