Phúc Lai GB: Liệu có xảy ra chiến tranh Israel – Iran?
1. Sáng sớm nay, 3 giờ sáng theo giờ Hà Nội, Iran đã tấn công Israel bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái tự sát với số lượng lớn. Kết quả của chiến dịch được cho là… không đáng kể, một phần do hệ thống phòng không của Israel hoạt động khá hữu hiệu. Mặt khác, người ta cho rằng Iran cố tình bắn theo kiểu vô hại để hạ nhiệt khả năng leo thang cuộc chiến.
Vậy có thể xảy ra chiến tranh Israel – Iran không? Một trận chiến như vậy sẽ xảy ra ở đâu?
Mời quý bạn đọc yêu quý của tôi, đầu tiên chúng ta xem xét lại tình hình mấy năm gần đây – khoảng 5, 6 năm gì đó, là thời điểm những hoạt động quân sự liên quan đến quan hệ Israel – Iran đã bắt đầu leo thang. Năm 2018, Israel thi hành một chiến dịch chống lại Iran ở Syria, hai bên đã tiến gần hơn đến điểm bùng phát chiến tranh trước đó chưa từng có. Tình hình ở Gaza từ đó cũng đã trở nên tồi tệ hơn, với các cuộc tuần hành và biểu tình rầm rộ được tổ chức tại hàng rào biên giới vào thứ Sáu hàng tuần diễn ra liên tục, bên cạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở khu vực này.
Đó là vào khoảng tháng Tư năm 2018, cách đây tròn 6 năm. Ngày 18 tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhà nước Do Thái Avigdor Liberman đã nói trong một cuộc họp Nội các rằng thực sự có khả năng chiến tranh sẽ nổ ra và nếu vậy, Israel sẽ phải đối phó với Iran, Syria, Hezbollah và quân đội Lebanon cũng như Hamas, các nhóm Hồi giáo Jihad của Palestine và các nhóm Salafist ở Gaza. Và đến thời điểm cuối năm 2023, đầu năm 2024, điều này đã xảy ra thật, mặc dù các đối thủ kia có thể góp chưa đủ mặt.
Đến thời điểm hiện tại, xung đột chủ yếu giữa Israel là với Hamas và Hezbollah.
Một bức ảnh được chụp từ Israel dọc biên giới với miền nam Lebanon được công bố cho thấy khói cuồn cuộn trong cuộc ném bom của Israel vào làng Khiam của Lebanon vào ngày 8 tháng 4. Gần đây nhất, ngày 13/4 Hezbollah cho biết họ đã bắn “hàng chục quả tên lửa” vào các vị trí pháo binh của Israel để đáp trả các cuộc tấn công của quân đội Israel ở miền nam Lebanon, đây là một trong những cuộc tấn công lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza. Nhóm vũ trang Lebanon liên kết với Iran xác nhận trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu rằng họ đã phóng hàng chục tên lửa Katyusha vào “các vị trí pháo binh của đối phương” ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan bị chiếm đóng.
Như vậy từ sau khi xung đột Gaza bùng nổ giữa Hamas với Israel thì Hezbollah, một đồng minh của Hamas (của Palestine), đã tham gia. Các lực lượng này đã cùng Israel đấu súng gần như hàng ngày qua biên giới (kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào ngày 7 tháng 10.) Các nhóm này cho biết họ sẽ ngừng các cuộc tấn công vào Israel sau khi đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Trong khi các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng phần lớn vẫn chỉ giới hạn ở các khu vực biên giới, tần suất và cường độ của chúng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn, đặc biệt là cú tấn công của Israel vào lãnh sự quán của Iran ở Damas.
Để đoán thử xem xung đột Israel – Iran có thể bùng nổ thành chiến tranh được hay không, mời quý vị xem bản đồ. Giữa Israel và Iran, là cả một vùng đệm lớn gồm các nước Lebanon, Syria, Iraq, Saudi Arabia, Jordan và thậm chí có thể tính luôn được cả Kuwait vào đó. Theo đường chim bay, từ Tel Aviv thủ đô của Israel đến Tehran thủ đô của Iran, đường chim bay là 1.574 ki-lô-mét và nhìn những “bộ mặt” trong vùng đệm nói trên, may ra chỉ có Lebanon và Syria là có khả năng trở thành đồng minh của Iran, còn lại là những anh còn có thể trở thành kẻ thù tiềm tàng của Iran, ví dụ Iraq là nước đã từng có chiến tranh với Iran, hoặc Saudi Arabia.
Giữa Israel và Iran có thể có xung đột lực lượng lục quân chỉ khi Iran có thể đưa được binh lính tiếp cận biên giới Israel. Có như vậy thì Iran mới lập được ưu thế về quân số so với người Do Thái. Mà muốn như vậy, ít nhất Iran phải lôi kéo được Bashar al-Assad vào cuộc chiến rồi từ đó lập cầu hàng không chuyển quân từ Iran sang. Tôi cho rằng có thể loại trừ vai trò của Lebanon trong trường hợp này vì diện tích của họ quá nhỏ để thực hiện nhiệm vụ đó. Tuy nhiên Lebanon vẫn sẽ tham gia vào xung đột với vai trò như hiện nay.
Đường cung cấp quá dài đã ngăn chặn lực lượng lục quân Iran tấn công Israel, và đó cũng là xuất phát điểm mà người Israel nắm thóp được Iran, dù lực lượng vũ trang nước này gấp 3 lần nước kia về quân số. Trong thời đại ngày nay, không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của hình ảnh vệ tinh và sức mạnh không quân. Nếu một Iran cố gắng vượt qua Iraq, Syria (hoặc Jordan) để đưa lực lượng của mình tới gần Israel dưới sự tấn công không ngừng của Không quân Israel thì khả năng lớn nhất là Iran phải rút lui trước khi lực lượng của họ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Như vậy nếu hỏi liệu Iran có thể đưa đủ lực lượng đến biên giới Israel hay không, thì khó có thể tin rằng một lực lượng như vậy có thể đến nguyên vẹn và có khả năng chiến đấu. Trong khi đó, Bashar al-Assad đang dần bị mất chống lưng của Putox, việc giữ được chính quyền còn khó đánh giá là chắc chắn hay không, khả năng xảy ra việc tham gia của al-Assad trong trường hợp này không thực sự cao.
Chúng ta cũng cần nhìn lại việc tồn tại của Nhà nước Do Thái, trừ cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 họ chiếm được bán đảo Sinai, sau chiến tranh Yom Kippur chính sách của nước này biến họ trở thành nước khó có tham vọng về lãnh thổ, vì nó quá dễ gây chiến tranh và trong mọi trường hợp đều dẫn đến khả năng diệt vong cho Nhà nước này. Vì thế, gần như chắc chắn Israel không có tham vọng tấn công hay chinh phục lãnh thổ Iran. Mục tiêu của họ là an ninh quốc gia, đó là lý do có vụ tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Damascus hôm trước.
Vậy là, có thể cho rằng nếu bùng nổ xung đột lớn hơn giữa Israel và Iran, có thể cho rằng đó sẽ là cuộc chiến trên không – chủ yếu sẽ là bắn tên lửa vào nhau, mà tôi nghĩ rằng Iran sẽ hăng hái trong chuyện này hơn vì lên lửa của họ mạnh hơn không quân. Còn với người Israel, sẽ là những trận không kích bằng không quân vào Iran. Không quân Israel chắc chắn là lực lượng không quân tốt nhất, tiên tiến nhất và có năng lực nhất trong khu vực.
Sự tự tin này của người Israel đã lộ rõ từ năm 2018, lực lượng vũ trang Iran đã việt vị vì phát hiện ra rằng, Israel có thể tiếp cận nước mình tận sâu trong nội địa. Sự kiện đáng xấu hổ xảy ra đã khiến Tư lệnh Lực lượng Không quân Iran, Chuẩn tướng Farzad Ismaili mất chức vì lý do đã không báo cáo về một thực tế rằng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Không quân Israel (IAF) đã vi phạm không phận Iran. Tay này đã giữ bí mật tin tức để bảo vệ cái ghế của mình.
Không quân Israel đã thực hiện một chuyến bay khứ hồi gần 3.100 ki-lô-mét bằng những chiếc F-35 và hoàn thành mục tiêu xâm phạm không phận Iran, bay vòng trên cao phía trên Tehran, Karajrak, Isfahan, Shiraz và Bandar Abbas – và chụp ảnh hệ thống phòng không của Iran. Không phải là Iran không ý thức được khả năng xung đột trên không xảy ra giữa hai nước: sau sự kiện này giữa Israel và Iran đã xảy ra những cuộc khẩu chiến. Hossein Salami, phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đe dọa tiêu diệt Israel, tuyên bố rằng tất cả các căn cứ không quân của Israel sẽ bị phá hủy nếu cuộc đối đầu nổ ra. Trong khi đó Thủ tướng Benjamin Netanyahu đáp trả bằng những lời đe dọa gay gắt không kém. Sau đó ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đảm nhận vai trò “người lớn chịu trách nhiệm,” bác bỏ một “cuộc chiến tranh khu vực”. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố: “Nếu họ [Israel] tiếp tục vi phạm [sự] toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác thì sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Thời điểm đó, người ta tin rằng nếu Iran tấn công Israel, thì họ sẽ sử dụng chính cách tiếp cận của Israel: tấn công căn cứ quân sự, gây tổn thất cho binh lính nhưng không nhắm vào dân thường. Người ta cũng tin rằng cuộc tấn công sẽ được thực hiện từ lãnh thổ Syria nhằm vào mục tiêu quân sự ở miền bắc Israel.
Vì vậy, nếu bùng nổ xung đột – mà hiện nay Iran đã cho Israel một cái cớ, thì F-35 sẽ lại bay tới đó và ném bom các cơ sở hạt nhân của Tehran. Như tôi từng viết: Israel có thể nhân cơ hội này để xử lý một số vấn đề tồn tại dai dẳng và trở thành mối đe dọa cho không chỉ Nhà nước Do Thái, mà cả thế giới văn minh nữa. Đó là các nhà máy sản xuất máy bay không người lái tự sát. Đó là các nhà máy sản xuất tên lửa của Iran. Còn đến mức tập kích các cơ sở hạt nhân của Iran, thì xung đột đã là lớn rồi. Trong cuộc chiến trên không này, tôi nghĩ Iran không có cửa so với Israel.
IDF (Không quân Israel) đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy. Thời điểm 2018 đó, người ta không biết giới chính trị Israel sẽ làm gì nếu như Iran có hành động tấn công – và càng không hình dung ra được tình thế thế giới đã đẩy toàn nhân loại đến chỗ bi đát như thế này.
– Putox (Putin) sau hơn 20 năm cầm quyền, mọi mâu thuẫn xã hội đặc biệt là méo mó về kinh tế dẫn đến suy vi và băng hoại văn hóa, đạo đức xã hội, hơn bao giờ hết cần một cuộc chiến tranh, nhưng chỉ là “chiến tranh dạo mát” thôi. Ai dè người Ukraine lại có ý chí độc lập, khát khao tự do quật cường đến như vậy.
– Hamas, một tổ chức vũ trang mang tính khủng bố của Palestin, nổi điên tấn công Israel làm xung đột bùng phát ở Gaza.
– Israel để “bảo vệ an ninh quốc gia” đã ném bom tiêu diệt hai tướng cầm đầu Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đang dùng lãnh sự quán nước này tại Damascus làm trụ sở hoạt động.
– Iran trả đũa bằng cách dùng tên lửa và máy bay không người lái không kích Israel.
– Và bây giờ chúng ta ngồi đoán xem giới lãnh đạo chính trị Israel sẽ làm gì. Tôi không phải là người hiếu chiến, mà theo chủ nghìa hòa bình, nhưng buộc phải đoán rằng lãnh đạo Israel sẽ không dừng lại ở đây. Xin hãy nhìn lại cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967, họ là người “tiên hạ thủ vi cường.” Cuộc Chiến tranh Yom Kippur họ cũng đã chuẩn bị trước cho nó, nhưng do chủ quan vì đã chiến thắng khá dễ dàng trong trận trước, nên trở nên bị động. Từ đó đến nay, Israel luôn chủ động đi trước trong mọi chuyện.
Một ví dụ điển hình là Chiến dịch Opera hay còn được gọi là Chiến dịch Babylon, là một cuộc không kích bất ngờ do Không quân Israel tiến hành vào ngày 7 tháng 6 năm 1981, phá hủy một lò phản ứng hạt nhân chưa hoàn thành của Iraq nằm cách phía đông nam Baghdad 17 km.
Chúng ta chưa thể loại trừ được tình hình có thể leo thang, nhưng nếu có thì sẽ là việc Israel tìm cách tung toàn bộ lực lượng không quân của mình để tiêu diệt không quân Iran và phá hủy một số cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này và từ đó hai bên sẽ tìm cách xuống thang. Iran nếu bị thiệt hại nặng sẽ trở nên ngoan và hiền ít nhất được một thời gian vài năm.